Vai trò của NATO trong căng thẳng Nga-Ukraina

Vai trò của NATO trong căng thẳng Nga-Ukraina

Đăng ngày: 09/02/2022

Phan Minh

Trong bối cảnh căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraina ngày càng gia tăng, tổng thống Nga Vladimir Putin dường như muốn \”gắn số phận của châu Âu với Ukraina\” bằng cách yêu cầu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi Ba Lan, Bulgari và Rumani.

Trong khi bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly cho biết sẵn sàng điều \”vài trăm binh sĩ\” tới biên giới Rumani và Ukraina để \”bảo vệ các quốc gia gần khu vực căng thẳng này\”, ông Patrick Martin-Genier, giảng viên của Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Sciences Po) và Học Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Đông Phương (INALCO) nhận định rằng trong cuộc khủng hoảng Ukraina thì \”an ninh của cả châu Âu đang bị đe dọa\”. Kể từ cuối tháng 12, Nga bị cáo buộc chuẩn bị phát động một cuộc tấn công quân sự vào lãnh thổ Ukraina. Một số cuộc đàm phán đang được tiến hành nhằm tránh một kết cục như vậy.

Nhân chủ đề này, trang mạng Pháp FranceInfo có bài phỏng vấn ông Martin-Genier hôm 29/01/2022.

Liệu NATO có thể ngăn chặn được một cuộc tấn công của Nga hay không ?

Tôi nghĩ rằng tổng thống Putin rất bất ngờ trước phản ứng của phương Tây, quyết tâm của Hoa Kỳ sẵn sàng điều động quân đội NATO và quân đội Mỹ dưới sự giám sát của NATO. Đây là một yếu tố quan trọng bởi vì Vladimir Putin đã ra một điều kiện hoàn toàn không thể chấp nhận được, rằng các lực lượng của NATO phải rút quân không chỉ khỏi Rumani, mà còn khỏi Ba Lan và Belarus.

Đây thực sự là một động thái mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ, nhưng liệu đây có phải là loại hành động ngăn cản được tổng thống Putin lấn tới hay không ?

Tôi không nghĩ vậy. Tổng thống Putin muốn có kết quả và ông ấy sẽ không lùi bước cho đến khi đạt được kết quả ngoại giao. Và quả thực, ông ấy vẫn đưa ra lời đe dọa can thiệp quân sự vào Ukraina. Do vậy, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nói : \”Khối NATO, cần chú ý, không nên hoảng loạn, không nên tức giận vì hiện tại Nga vẫn chưa tấn công ngay lập tức\”.

Chúng ta có thể thấy rằng hiện một cuộc chiến \”cân não\” đang diễn ra từ mấy tuần nay và những phát biểu của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho thấy vẫn có thể giải quyết (khủng hoảng) bằng con đường ngoại giao, mặc dù tổng thống Putin nói rằng phương Tây và NATO không chấp nhận những đề xuất của ông khiến cho tình hình bị bế tắc hoàn toàn.

Châu Âu bị liên lụy như thế nào ?

Vấn đề thực sự nằm ở chỗ quyền tự do, quyền tự quyết của các dân tộc không được tôn trọng. Rõ ràng là tổng thống Putin chưa bao giờ tôn trọng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, cụ thể là việc Crimée đáng lẽ phải được hoàn trả lại cho Ukraina. Cuộc chiến Donbass cũng là một cuộc tấn công vào sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Nhưng vượt lên trên vấn đề Ukraina ra, thì điều đáng lo ngại là an ninh của cả châu Âu.

Bằng việc yêu cầu NATO rút quân khỏi Rumani, Ba Lan và Bulgari, tổng thống Putin trên thực tế dường như đang gắn số phận của châu Âu với Ukraina.

Vì vậy, chúng ta sẽ phải hoàn toàn đoàn kết. Điểm khác biệt duy nhất là Ukraina không phải là thành viên của NATO, nên nước này không thể viện dẫn điều khoản số 5 (Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), quy định về sự tương trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong các thành viên của NATO bị tấn công. Có thể coi đây là một sự đối địch giữa Hoa Kỳ và Nga. Nhưng ngoài vấn đề này ra, không chỉ an ninh của châu Âu mà cả quyền tự do của một quốc gia trong việc lựa chọn các liên minh cho bản thân đang bị đe dọa.

Liệu chúng ta có phương tiện tiến hành chiến tranh với Nga hay không ?

Hoàn toàn không. Ngay cả khi Pháp là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ngay cả khi chúng ta là một cường quốc hạt nhân, chúng ta biết rõ là sẽ không bao giờ sử dụng bom nguyên tử. Ngay cả khi chúng ta có đủ năng lực thuyết phục và răn đe, một mình Pháp sẽ không thể giúp tránh được sự xâm lược (của Nga), điều đó có nghĩa là tất cả các nước NATO phải tập hợp lại với nhau để đối phó với hành động gây hấn của Nga đối với Ukraina.

Thế nhưng vấn đề là trong số các thành viên châu Âu của NATO, một số nước bị chia rẽ. Mắt xích yếu hiện nay rõ ràng là Đức, quốc gia từ chối gửi vũ khí sang Ukraina.

Đức thậm chí còn không cho phép các lực lượng của NATO bay qua không phận của mình. Nước Pháp thực sự không thể và không có năng lực ngăn cản một cuộc xâm lăng. Chính vì thế, các nước thành viên NATO cần phải đoàn kết. Chúng ta đã thấy Hà Lan và Đan Mạch sẽ huy động binh lính, tàu chiến, máy bay quân sự. Điều cần thiết là một mặt trận thống nhất của NATO. Đương nhiên, một mình nước Pháp không có khả năng ngăn cản được một cuộc xâm chiếm hoặc toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ Ukraina.

Việc NATO huy động lực lượng liệu có nguy cơ gây căng thẳng trên thực địa hay không?

Đương nhiên rồi. Điều khó khăn là chúng ta phải biết được tổng thống Putin đang nghĩ gì. Ông ta cần một lối thoát trong danh dự. Tôi có cảm giác là cuộc điện đàm hôm 28 tháng Giêng với tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một tín hiệu khá tích cực vì nó kéo dài một giờ, và vì ông Putin đang ở thế khó. Theo tôi và các chuyên gia quân sự, Nga không có khả năng kéo dài nếu xẩy ra một cuộc xâm chiếm.

Dẫu sao, cần phải biết là Ukraina sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh.

Chiến tranh kéo dài từ lâu nay, bắt đầu ở Donbass từ năm 2014, với 15.000 người chết. Ukraina thực sự rất quyết tâm. Đối với Nga, đây thực sự là một vũng lầy, giống như Afghanistan, nếu Matxcơva tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện. Hiện tại, tình hình có lẽ đang xuống thang. Các hoạt động ngoại giao được tiến hành từ nhiều tuần qua và hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận gì đó. Nhưng một lần nữa, Vladimir Putin nói rằng những yêu cầu chính của ông đã không được phương Tây và NATO coi trọng, vì vậy chúng ta vẫn đang ở trong một cuộc chiến \”cân não\” và không thể loại trừ một cuộc xâm chiến toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ Ukraina.

Pháp có nên tiếp tục tham gia bộ chỉ huy liên hợp NATO hay không ?

Tôi nghĩ rằng việc Pháp là thành viên bộ chỉ huy liên hợp NATO là điều cơ bản, thậm chí mang tính chiến lược. Giải pháp thay thế duy nhất, đó là lực lượng phòng thủ châu Âu, nhưng lực lượng này hoàn toàn không tồn tại. Chúng ta thấy có những bất đồng. Châu Âu đang cố tập hợp lại với nhau, có một cách tiếp cận qua lại trong lĩnh vực công nghiệp, vũ khí khí tài, thế nhưng, không có lực lượng phòng thủ châu Âu….

Vì vậy, không có giải pháp thay thế cho NATO và cho việc tham gia bộ chỉ huy liên hợp NATO. Nếu Pháp rời bộ chỉ huy liên hợp, thì trước tiên, nước này sẽ mất đi tầm ảnh hưởng đáng kể của mình và đó sẽ là một món quà cho tổng thống Putin. Tôi nghĩ rằng ngay cả khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng NATO đã chết não,  nhưng hiện nay, chúng ta đang thấy rõ ý nghĩa của tổ chức quân sự này là nhằm bảo vệ tự do ở châu Âu.

Bài Liên Quan

Leave a Comment