Ukraina bất lực nhìn Nga và phương Tây định đoạt số phận ?
Đăng ngày: 09/02/2022
Thu Hằng
Nga và phương Tây trực tiếp bàn với nhau về số phận của Ukraina nhưng không có chính quyền Kiev tham dự. Tình hình ở biên giới vẫn căng thẳng, tổng thống Putin vẫn chưa cho thấy ý định rút quân dù các nhà lãnh đạo Mỹ, NATO, Liên Hiệp Châu Âu dồn dập hội đàm ở các cấp với Nga, trong đó có chuyến công du Matxcơva chớp nhoáng của tổng thống Pháp hôm 08/02/2022 và tuần tới đến lượt thủ tướng Đức.
Thái độ cứng rắn của chủ nhân điện Kremlin làm Kiev lo ngại sẽ trở thành quân tốt trong ván bài Nga-phương Tây.Trước khi tổng thống Pháp đến Kiev, ông Zelensky, cũng như các nhà quan sát Ukraina tỏ ra đề phòng việc nguyên thủ Pháp muốn áp đặt những giải pháp nhằm bảo vệ an ninh châu Âu nhưng lại đi ngược với lợi ích của Ukraina.
Ukraina có nguy cơ mất vùng Donbass nếu thực thi Thỏa thuận Minsk
Theo nhật báo Công Giáo La Croix ngày 09/02, bề ngoài Pháp luôn khẳng định ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, không đưa ra bất kỳ quyết định nào sau lưng Kiev, nhưng trong hậu trường dường như Paris gây sức ép để « triển khai chặt chẽ và toàn vẹn » Thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt cuộc chiến ở vùng Donbass, miền đông Ukraina.
Thỏa thuận Minsk II được ký ngày 12/02/2015, gồm 13 điểm, trong đó có việc cải cách Hiến Pháp, đàm phán về bầu cử địa phương. Tuy nhiên, Kiev khẳng định chỉ sửa đổi Hiến Pháp sau khi các lực lượng vũ trang rút hết khỏi vùng Donbass. Đây là điều kiện bất khả thi, căn cứ vào tình hình hiện nay, trong khi Hạ Viện Nga đang xem xét công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk.
Theo nhà nghiên cứu Marie Dumoulin, thuộc Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại (ECFR), được nhật báo La Croix trích dẫn ngày 09/02, « gây sức ép quá đáng đối với Ukraina có nguy cơ làm suy yếu Zelensky và cản trở ông ấy giữ cam kết ». Vì theo quan điểm của Kiev, thực thi Thỏa thuận Minsk II dẫn đến việc công nhận tính chính danh của những lực lượng ly khai Ukraina do Nga kiểm soát, đổi lại chỉ nhận được những cam kết rất hạn chế về an ninh.
Ukraina « bị buộc trung lập » đi ngược lại với tinh thần của Hiến Pháp
Điểm thứ hai, nằm trong số những giải pháp giúp giảm căng thẳng giữa phương Tây và Nga, liên quan đến việc kết nạp Ukraina vào NATO. Trong chuyến bay từ Matxcơva đến Kiev, ông Macron nêu khả năng Ukraina trung lập như Phần Lan. Nhưng trong buổi họp báo với đồng nhiệm Zelensky, chủ nhân điện Elysée phủ nhận đã nói như trên và nhắc đến « những giải pháp thực tiễn cụ thể » dù không nêu chi tiết. Tuy nhiên, đối với Kiev, bị buộc phải trung lập đồng nghĩa với việc quyền tự chủ bị hạn chế và đi ngược với mong muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được ghi trong Hiến Pháp. Ngoài ra, vẫn theo chuyên gia Marie Dumoulin, một quyết định như vậy « cũng đi ngược lại với nguyên tắc mỗi Nhà nước được tự do lựa chọn về định hướng địa chính trị ».
Về điểm này, nhà nghiên cứu Cyrille Bret, khi trả lời đài RFI ngày 09/02, cho rằng « tổng thống Nga Putin đã đạt được mục tiêu là làm Ukraina mất uy tín và khiến nước này không thể gia nhập bất kỳ tổ chức quốc tế nào, dù đó là NATO hay Liên Hiệp Châu Âu ». Ông Putin đề ra những điều kiện rất cao để giảm căng thẳng ở biên giới, như buộc NATO khai trừ một số nước thành viên Đông Âu thuộc Liên Xô trước đây và rút quân khỏi những nước này. Dĩ nhiên NATO sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu vô lý đó và nếu phải « có qua có lại » thì chỉ còn Ukraina làm quân bài trao đổi.
Trong buổi họp báo với đồng nhiệm Pháp, tổng thống Nga không vòng vo khẳng định Ukraina không được gia nhập NATO vì lợi ích, cũng như an ninh của châu Âu. Ông nói : « Học thuyết quân sự của Ukraina ghi rằng Nga là một kẻ thù và có thể dùng vũ lực chiến lại bán đảo Crimée. Giờ hãy hình dung rằng Ukraina tham gia NATO. Điều đó có nghĩa là xảy ra một cuộc đối đầu giữa Nga và NATO ».
Trước thái độ bất di bất dịch của ông Putin, liệu NATO và Liên Hiệp Châu Âu có sẵn sàng cho cuộc đối đầu này và hy sinh an ninh của châu lục để duy trì tôn chỉ không sập cửa đối với những nước muốn gia nhập, trong đó có Ukraina ?