Vì sao Anh, Đức và Pháp lại có những thái độ khác nhau trong cuộc khủng hoảng Ukraina ?
Đăng ngày: 09/02/2022
Minh Anh
Những mối đe dọa Nga trong hồ sơ Ukraina tiếp tục chiếm vị trí trung tâm trên trường quốc tế, giữa việc gia tăng quân sự và các hoạt động ngoại giao. Nhưng ba thủ đô lớn ở châu Âu là Paris, Luân Đôn và Berlin, mỗi bên có một giọng điệu riêng. Theo nhà báo Jean-Marc Four của đài France Inter, thái độ khác biệt này giữa ba nước còn là vì những lý do chính trị đối nội.
Pháp : Emmanuel Macron trong vai nhà trung gian hòa giải
Nguyên thủ Pháp liên tiếp đưa ra các sáng kiến ngoại giao : Công thức Normandie, Điện đàm với các tổng thống Nga và Ukraina, Công du sang Matxcơva, Dự án họp với Đức và Ba Lan… Tổng thống Pháp « chạy ngang chạy dọc » và tự thể hiện như là người có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng.
Nhưng tất cả những điều này diễn ra trong một bối cảnh nước Pháp đang trong mùa bầu cử tổng thống. Emmanuel Macron đang trong chiến dịch vận động tái tranh cử dù chưa công bố chính thức là ứng viên. Những thời gian gần đây, chính phủ Macron hứng lấy nhiều đòn đau ngoại giao : Úc hủy hợp đồng mua tầu ngầm ; Mali trục xuất đại sứ Pháp… Tất cả những điều đó đã phá hỏng các tham vọng của Pháp xúc tiến chính sách tự chủ chiến lược cho châu Âu.
Thế nên, cuộc khủng hoảng Ukraina là một cơ hội vàng để đánh bóng lại hình ảnh, khoác lên vai chiếc áo trường phái tướng De Gaulle – nghĩa là không theo Washington, không ủng hộ Matxcơva, nước Pháp là một cường quốc trung lập.
Một cuộc đánh cược rủi ro nhưng có thể mang lại nhiều kết quả to lớn. Cử tri nhạy cảm với vị thế quốc tế của các ứng viên. Đây là một tiêu chí lựa chọn cho bầu cử tổng thống. Một cuộc thăm dò gần đây của Viện Louis Harris đã khẳng định điều đó.
Anh : Boris Johnson, sẵn sàng xông trận !
Tuy chưa khoác áo nhà binh, nhưng thế kịch hóa chiến tranh của Boris Johnson, đồng quan điểm với Washington, lại gây khó chịu cho Paris và Berlin. Thứ Tư,02/02/2022, Boris Johnson đã đến Kiev. Thủ tướng Anh hứa hẹn hỗ trợ tài chính và tuyên bố sẵn sàng tăng gấp đôi quân số Anh ở Đông Âu (hiện đã có 1.000 người ở Ba Lan và Estonia).
Vì sao thủ tướng Anh tỏ ra hăng hái xông trận ? Bởi vì, Boris Johnson đang bị lún vào vụ tai tiếng về các cuộc tụ tập « rượu chè » ngay giữa giai đoạn phong tỏa, có nguy cơ bị mất ghế với mối họa nổi dậy ngay trong chính đảng của ông. Thế nên, ông phải làm gì đó với Ukraina ? Ông đánh lạc hướng. Và Ukraina là một cơ hội để thay đổi chủ đề, đồng thời, nhân tiện tự xây dựng cho mình một hình ảnh theo kiểu Churchill – vị cứu tinh của tự do, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải trải qua một cuộc chiến.
Nhưng Boris Johnson có lẽ không phải là lãnh đạo Anh đầu tiên làm điều đó. Người ta có thể nhớ đến Thatcher với cuộc xung đột Falkland hay Tony Blair với chiến tranh Irak. Và vì những tranh chấp giữa Vương quốc Anh với Nga là vô số và có từ lâu, thế nên, Matxcơva là một đối tượng lý tưởng để chỉ định như là kẻ thù.
Đức : « Wo ist Scholz ? » – « Scholz đâu rồi ? »
Sau nhà ngoại giao Macron, kẻ hiếu chiến Johnson, thì Scholz lại « bóng chim cá lặn ». Cư dân mạng xã hội ở Đức mỉa mai hỏi « Wo ist Scholz ? ». Đúng là bản chất tân thủ tướng Đức cũng kín đáo, ông giao phó hồ sơ Ukraina cho ngoại trưởng Analena Baerbock, làm việc cùng với đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian.
Nhìn chung, lãnh đạo Đức nói càng ít càng tốt về chủ đề này. Một hình ảnh đối lập hoàn toàn với Emmanuel Macron trong một cuộc họp báo chung giữa hai lãnh đạo Pháp – Đức gần đây.
Theo nhà báo Jean-Marc Four, thỏa thuận liên minh chính phủ là rào cản chính để thủ tướng Đức bày tỏ lập trường. Ba đảng Xã hội – Dân chủ, đảng Xanh và đảng Tự do không có cùng quan điểm về thái độ đối với Nga, nhất là việc Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga (chiếm 55% lượng khí ga nhập khẩu vào Đức). Cụ thể là đường ống dẫn khí đốt mới Nord Stream 2, mà người góp phần gầy dựng là cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroder.
Dưới áp lực của đảng Xanh và Washington, thủ tướng Scholz đành phải nhượng bộ rằng ông sẵn sàng ngưng Nord Stream 2 trong trường hợp Nga tấn công Ukraina. Nhưng đây thật sự là « đầu môi chót lưỡi ». Ông ấy phải rón rén mà bước.
Tóm lại, vì nhiều lý do, phần lớn là chính trị nội bộ, Berlin, Luân Đôn, và Paris mỗi bên nhìn hồ sơ Ukraina theo một cách khác nhau. Vladimir Putin hiểu rất rõ điều đó. Nên ông ấy có đủ thời gian để mà \”đùa\” !