70 năm phát hành truyện tranh Vượn đốm Marsupilami
Đăng ngày: 10/02/2022
Tuấn Thảo
Trong làng truyện tranh Pháp, có ba con thú rất quen thuộc với độc giả : chú chó Idéfix trong bộ truyện anh hùng người gô-loa Astérix, chú chó Milou là người bạn trung thành nhất của phóng viên Tintin. Còn Spip, con sóc màu nâu hung luôn đồng hành với nhân vật Spirou. Ngoài ra, một nhân vật quan trọng khác có một chỗ đứng riêng biệt vẫn là con Vượn đốm Marsupilami.
Được khai sinh dưới ngòi bút của tác giả người Bỉ André Franquin (1924-1997), Vượn đốm Marsupilami đã xuất hiện lần đầu tiên trong tạp chí Spirou vào đầu năm 1952, để rồi trở thành con thú nổi tiếng nhờ có đuôi dài chưa từng thấy, đến từ khu rừng rậm xứ Palombia. Đây là một vùng đất hư cấu xuất phát từ trí tưởng tượng của tác giả Franquin. Dựa theo cách mô tả, có nhiều khả năng vùng đất này nằm trên lãnh thổ hiện thời của Venezuela.
Cập nhật cốt truyện sao cho hợp với thời nay
Khi tạo ra nhân vật Marsupilami cách đây đúng 70 năm, André Franquin đã thành lập một nhà xuất bản mới (Éditions Marsu) và giao quyền thực hiện các bản vẽ cho một họa sĩ trẻ tuổi Luc Collin (lấy nghệ danh là Batem). Hai người hợp tác với nhau trong hơn bốn thập niên và sau khi tác giả Franquin từ trần, họa sĩ Batem vẫn tiếp tục loạt truyện này với các nhà soạn kịch bản khác. Điều đó giải thích vì sao trong vòng 70 năm liền bộ truyện Marsupilami từ trước tới nay vẫn y như bản gốc, trong khi các nhân vật truyện tranh khác là hai nhà báo Spirou & Fantasio, hai nhân viên tình báo Blake & Mortimer hoặc là chàng cao bồi Lucky Luke lại thường xuyên thay đổi phong cách, tùy theo nhãn quan của các nhóm chuyên viết kịch bản.
Nhân kỷ niệm 70 năm phát hành Marsupilami, nhân vật Vượn Đốm sẽ có thêm nhiều tập truyện mới. Kể từ khi nhà xuất bản nổi tiếng Dupuis đã mua lại tủ sách Éditions Marsu từ tay gia đình Franquin, việc thực hiện các tập kế tiếp đã được giao cho tác giả nổi tiếng người Bỉ Zidrou (ông tên thật là Benoît Drousie, sinh năm 1962). Theo lời của chính tác giả, ông đã lớn lên với bộ truyện Marsupilami, tập truuyện \’\’Le nid des Marsupilamis\’\’ (Tổ ấm của Vượn Đốm) được ông xếp vào danh sách 10 quyển truyện tranh hay nhất mọi thời đại.
Cùng với họa sĩ kỳ cựu người Bỉ Frank Pé (sinh năm 1956), tác giả Zidrou đã muốn cập nhật bộ truyện Marsupilami sao cho hợp với những chủ đề thời nay, trong đó quan trọng nhất vẫn là vấn đề nạn phá rừng và nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái. Tuyến truyện mới mà hai tác giả này vừa mở ra qua tác phẩm \’\’La Bête\’\’ (Con thú) muốn tạo thêm trọng lượng cho Vượn Đốm, biến nhân vật này thành một biểu tượng của môi trường thiên nhiên trước sức tàn phá của xã hội tiêu thụ của loài người. Với lối vẽ hiện thực, nội dung cốt truyện cũng trở nên nghiêm túc hơn, có lẽ nhóm tác giả Frank Pé và Zidrou nghĩ rằng đã đến lúc cần thay đổi nếu muốn chinh phục thêm các thành phần bạn đọc trẻ tuổi, nhưng chưa chắc gì họ có thể làm vừa lòng thế hệ độc giả trung thành với Vượn Đốm Marsupilami từ bao thập niên qua.
25 triệu bản Marsupilami được bán trên thế giới
Ra đời cách đây đúng 70 năm, bộ truyện Marsupilami (Vượn đốm) nay bao gồm tổng cộng 33 tập, hầu hết đều do họa sĩ Batem sáng tác. Kịch bản của 9 tập đầu tiên là của chính tác giả André Franquin (người đã khai sinh nhân vật Marsupilami). Sau khi tác giả Franquin qua đời năm 1997, có ít nhất là 5 tác giả đã thay phiên nhau viết kịch bản cho các tập sau, duy trì tư tưởng sáng tạo của bậc đàn anh, vì các quyển truyện tranh được phát hành từ năm 1997 trở đi tức vào thời hậu Franquin, vẫn có nội dung gần sát với bản gốc. Tại Pháp, tập truyện Marsupilami đầu tiên đã bán được hơn 600.000 bản và các tựa truyện sau đó cũng đều ăn khách không kém ở châu Âu.
Những chuyến phiêu lưu của Marsupilami đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, như tiếng Anh, tiếng Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha… Trong tiếng Anh, hiện chỉ có hai tập đã được nhà xuất bản Fantasy Flight phát hành vào giữa thập niên 1990, tuy nhiên đến thời điểm này, các phiên bản phóng tác tiếng Anh đều đã tuyệt bản.Còn trong tiếng Việt, tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 truyện Marsupilami từng được dịch thành \’\’Vượn Đốm\’\’. Sau đó bộ truyện này tiếp tục được nhà sách T.A Books Publishing ở Tân Bình phát hành qua các tựa tiếng Việt nhưng lại giữ tên gốc nhân vật. Tính đến nay, đã có 10 truyện dịch Marsupilami được xuất bản tại Việt Nam. Còn theo khảo sát gần đây của tủ sách Dupuis sau khi mua lại bản quyền, bộ truyện Marsupilami trong vòng 70 năm đã bán được hơn 25 triệu quyển trên toàn thế giới.
Về mặt phóng tác, bộ phim hoạt hình đầu tiên được cho ra mắt khán giả trên màn ảnh lớn là tác phẩm \’\’Vượn đốm đuôi dài\’\’ vào mùa hè năm 1963. Đây là một trong những bộ phim dài đầu tiên do công ty Belvision sản xuất. Được thành lập tại Bỉ vào năm 1955, Belvision là một hãng phim hoạt hình Bỉ từng chuyển thể nhiều tựa truyện \’\’Các chuyến phiêu lưu của Tintin và Milou\’\’ thành phim hoạt hình lên màn ảnh lớn. Nhờ thành công nhanh chóng, hãng phim này đã mở rộng hoạt động trong vòng 5 thập niên và giúp thủ đô Bruxelles trở thành một trong những trung tâm quan trọng nhất của làng phim hoạt hình châu Âu.
Các phiên bản phóng tác ăn khách của Marsupilami
Bộ truyện Vượn Đốm cũng đã có nhiều phiên bản chuyển thể thành phim hoạt hình chiếu trên tivi. Đầu tiên là \’\’Marsupilami\’\’ do hãng phim Disney Studios sản xuất vào năm 1993 cho màn ảnh nhỏ. Loạt phim truyền hình thứ nhì \’\’Bạn tôi Marsupilami\’\’ được công ty Marathon Animation sản xuất vào đầu những năm 2000. Tính tổng cộng, đã có 78 tập phim hoạt hình được sản xuất cho các kênh truyền hình, mỗi tập dài 26 phút.
Còn trên màn ảnh lớn, bộ phim truyện với diễn viên thật \’\’Hành trình tìm kiếm Marsupilami\’\’ (do đạo diễn Alain Chabat thực hiện) đã được cho ra mắt khán giả hầu như cùng lúc với tập truyện tranh \”Sur la piste du Marsupilami\” vào mùa xuân năm 2012. Bộ phim này đã thành công trên màn ảnh rộng Imax, thu hút tới 5 triệu rưỡi lượt khán giả vào các rạp chiếu phim. Đây là một trong những bộ phim Pháp đạt mức doanh thu cao nhất trong năm 2012. Alain Chabat cũng trở thành nhà đạo diễn thành công trong việc chuyển thể các tựa truyện tranh tiếng Pháp lên mành lớn, kể cả Anh hùng Gô loa Astérix cũng như Vượn đốm Marsupilami.
Trong số các dự án mới sắp được trình làng trong thời gian tới, có các tập truyện kế tiếp của Marsupilami dự trù ra mắt độc giả vào cuối năm nay. Song song với việc xuất bản truyện tranh, một trò chơi video điện tử cũng vừa được tung ra thị trường. Game video đầu tiên với tựa đề ngắn gọn là \”Marsupilami\” từng được công ty Sega sản xuất vào năm 1995. Hơn hai thập niên sau, một trò chơi video mới cũng được phát hành đầu năm 2022 với lói thiết kế tân kỳ. Được phát triển bởi hãng Microids, game điện tử này có tên là \”Marsupilami : Le Secret du Sarcophage\’\’ (Vượn Đốm và bí mật xác ướp Ai Cập).
Các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu dự án sản xuất thêm phim truyện nhiều tập có thể kết hợp diễn viên thật với nhân vật hoạt hình. Công nghệ kỹ xảo thời nay có thể giúp cho các nhà làm phim thực hiện ước mơ của họ : tái tạo những nhân vật y như thật để hội tụ trên cùng một màn ảnh nhiều nhân vật với nhau, trong đó có hai phóng viên Spirou & Fantasio, chú sóc màu hung Spip và Vượn đốm đuôi dài Marsumiplami.