Khủng hoảng Ukraine-Nga: Thủ tướng Anh nói về thời điểm hết sức nguy hiểm
10 tháng 2 2022
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói, châu Âu phải đối mặt với \”thời điểm nguy hiểm nhất\” trong \”cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất\” trong nhiều thập niên trong lúc có căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine.
Phát biểu tại Brussels, Thủ tướng Anh cho biết ông hy vọng \”sự răn đe mạnh\” và \”chính sách ngoại giao kiên nhẫn\” có thể tìm ra lối vượt qua cuộc khủng hoảng nhưng tình hình là \”rất căng\”.
Nga phủ nhận kế hoạch xâm lược nhưng có 100.000 quân ở biên giới với Ukraine.
Ông Johnson cũng đang thăm Ba Lan để ủng hộ các đồng minh Nato.
Trong một cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg, Thủ tướng Anh cho biết ông không tin rằng Nga vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có xâm lược Ukraine hay không và tình báo của Anh \”vẫn còn chưa nắm bắt được nhiều\”.
Khi được hỏi liệu Anh có cân nhắc tiến xa hơn trong việc hỗ trợ Ukraine, bao gồm hỗ trợ quân sự cho lực lượng nổi dậy nếu Nga xâm lược hay không, ông Johnson nói rằng ông sẽ \”xem xét những gì chúng tôi có thể cung cấp thêm\”.
\”Có thể, tôi không muốn loại trừ điều này, nhưng hiện tại chúng tôi nghĩ rằng gói giải pháp đã đưa ra là phù hợp,\” ông nói.
Cũng nằm trong chuỗi hoạt động ngoại giao của Vương quốc Anh, Ngoại trưởng Liz Truss cũng có mặt ở Moscow để gặp người đồng cấp phía Nga, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace sẽ tới Nga vào thứ Sáu.
Bà Truss nói với ông Sergei Lavrov rằng Nga nên từ bỏ kiểu\”đao to búa lớn Chiến tranh Lạnh\” và đối thoại với Nato để cải thiện an ninh châu Âu.
Bà cũng kêu gọi Nga \”tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine\” – nhưng Moscow muốn đảm bảo Ukraine sẽ không được phép gia nhập Nato.
Thủ tướng Anh cho biết chính sách mở cửa của Nato cho phép Ukraine có nguyện vọng trở thành thành viên là \”không thể thương lượng được\”.
Tuy nhiên, ông cho biết các vấn đề trong chương trình nghị sự tại các cuộc thảo luận với Moscow bao gồm sự minh bạch về các cuộc tập trận của Nato và việc bố trí tên lửa.
Ông Stoltenberg cho biết liên minh quân sự đã \”chuẩn bị để lắng nghe những quan ngại của Nga\” nhưng nói thêm: \”Nato sẽ không thỏa hiệp về các nguyên tắc cốt lõi – quyền của mỗi quốc gia được lựa chọn con đường riêng của mình và khả năng của Nato trong việc bảo vệ và chống trả cho tất cả các đồng minh.\”
Khi được hỏi liệu ông có thấy bất kỳ sự nhượng bộ nào trước những lo ngại của Nga về Nato hay không, ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo rằng ông chỉ nghe thấy yêu cầu \”đưa lính Nga khỏi lãnh thổ Nga\”.
Ông cho biết quan hệ giữa Anh và Nga \”còn nhiều chỗ để trông đợi\” và đang ở \”ngưỡng thấp nhất trong vài năm qua\”.
Bình luận của ông Lavrov được đưa ra sau khi bà Truss nói: \”Chúng tôi cần thấy quân đội và khí tài đóng ở biên giới Ukraine được chuyển đi chỗ khác.\”
Ông Lavrov nói rằng các cuộc đàm phán diễn ra \”đáng thất vọng\” và đây là kiểu \”người điếc nói với người mù\”.
Những nỗ lực ngoại giao mới nhất được đưa ra khi Nga và đồng minh Belarus, quốc gia có biên giới với Ukraine, chuẩn bị bắt đầu các cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày.
Hoa Kỳ đã mô tả động thái này là \”leo thang\”, trong khi Pháp cho rằng đây là một \”cử chỉ bạo lực\”.
Căng thẳng hiện tại diễn ra 8 năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine. Kể từ đó, quân đội Ukraine đã bị vướng vào cuộc chiến với phiến quân do Nga hậu thuẫn ở các khu vực phía đông gần biên giới Nga.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán thêm liên quan đến Pháp, Đức, Ukraine và Nga dự kiến sẽ diễn ra sau đó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp ông Putin trong hơn 5 giờ hội đàm hôm thứ Hai.
Cựu Thủ tướng Đảng Bảo thủ, Sir John Major đã so sánh cuộc hội đàm này với một cuộc điện đàm \”ngắn gọn\” giữa ông Johnson và Tổng thống Putin vào tuần trước và nói rằng ông không nghĩ rằng Vương quốc Anh thể hiện \”sức nặng của mình trong cộng đồng quốc tế\” như chúng ta từng làm và nên làm\”.
Thủ tướng Anh đã thông báo có thêm 1.000 lính Anh sẽ được đặt trong tình trạng báo động ở Anh nhưng ông nhấn mạnh rằng Nato không sẵn sàng đưa quân vào Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết số quân này sẽ được sử dụng \”trước tiên và trên hết\” nahwfm đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nhân đạo nào, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc xâm lược của Nga có thể dẫn đến hàng triệu người chạy sang các nước láng giềng.
Tuy nhiên, ông Wallace nói với BBC rằng Vương quốc Anh cũng cần chứng minh với Nga rằng Anh sẽ \”sát cánh\” với các thành viên Nato và lính Anh có thể bảo vệ các quốc gia đó nếu cần.
Trong khi đó, luật cho phép các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn được thực hiện đối với các cá nhân, doanh nghiệp của Nga nếu Nga xâm chiếm Ukraine sẽ có hiệu lực vào thứ Năm.
Khoảng 350 lính thủy đánh bộ Hoàng gia từ lực lượng 45 Commando, kích cở tiểu đoàn, sẽ bắt đầu được điều đến Ba Lan như một phần của sự hỗ trợ đã được công bố cho đất nước này vào đầu tuần.
Vương quốc Anh cũng sẽ đề nghị tăng gấp đôi quân số của mình tại Estonia, triển khai thêm các máy bay phản lực RAF có trụ sở ở Nam Âu và điều một tàu khu trục Loại 45 và HMS Trent, một tàu tuần tra, ở phía đông Địa Trung Hải.
30 thành viên của NATO – bao gồm Anh, Hoa Kỳ và một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ – đồng ý hỗ trợ nước khác trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang.
Ukraine không phải là thành viên của Nato. Tuy nhiên, đây là một \”quốc gia đối tác\” và có thể được phép tham gia liên minh quân sự vào một thời điểm nào đó trong tương lai, điều mà Nga coi là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của mình.