Quan hệ Pháp – Mali hết đường cứu vãn?
Đăng ngày: 11/02/2022
Thu Hằng
Sau nhiều tháng công khai chỉ trích nhau, Pháp và Mali đang ở trong tình trạng quan hệ xuống tới mức tệ hại với việc chính quyền quân sự ở Bamako thông báo trục xuất đại sứ Pháp Joel Mayer đầu tháng 02/2022. Số phận của Chiến dịch Barkhane của Pháp và lực lượng Takuba của Liên Hiệp Châu Âu tham gia chống thánh chiến ở Mali sớm được định đoạt.
Tình hình leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây khiến Pháp giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Mali, theo nhận định của rất nhiều cơ quan truyền thông Pháp. RFI Tiếng Việt tổng hợp một số bài viết và phân tích giải thích về sự kiện này.
Tại sao quan hệ Pháp – Mali trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây ?
Giới tướng lĩnh nắm quyền ở Mali từ cuộc đảo chính vào tháng 08/2020. Chính quyền hiện tại, do đại tá Assimi Goita đứng đầu, cũng được thành lập sau cuộc đảo chính ngày 25/05/2021, đã không giữ lời hứa tổ chức bầu cử tổng thống và lập pháp theo kế hoạch vào ngày 27/02/2022 với ý đồ cầm quyền thêm nhiều năm.
Để trừng phạt, Cédéao (Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi) áp dụng các biện pháp trừng phạt đối chính quyền Bamako từ ngày 09/01/2022 : đóng cửa biên giới với Mali, cấm vận thương mại và tài chính. Quyết định này được Paris ủng hộ. Còn chính quyền quân sự Mali coi Cédéao là con rối trong tay Pháp.
Paris tăng sức ép khi thông báo hôm 12/01 rằng hãng hàng không Air France ngừng mọi chuyến bay đến Mali cho đến khi có lệnh mới. Ngày 04/02, dưới sự chủ trì của Pháp, chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu trong quý I/2022, khối 27 nước quyết định trừng phạt 5 tướng lĩnh Mali, trong đó thủ tướng Choguel Maïga và đại tá Assimi Goïta, tổng thống chuyển tiếp Mali từ tháng 05/2021. Bị cáo buộc cản trở tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Mali, năm quan chức này bị cấm vào lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu và bị phong tỏa tài sản, nếu có, ở Liên Âu.
Để trả đũa Pháp, trước nhiều quan chức ngoại giao phương Tây ở Bamako ngày 07/02, thủ tướng Mali lên án Pháp đã chia rẽ đất nước thông qua hoạt động quân sự, dù không trực tiếp yêu cầu Paris rút lực lượng thuộc Chiến dịch Barkhane chống khủng bố hoạt động ở Mali từ 9 năm nay.
Ông Choguel Maïga nói : « Sau thời gian vui mừng » vào năm 2013, khi quân Pháp giải phóng miền bắc Mali khỏi vòng kiểm soát của các nhóm thánh chiến, thì « trong giai đoạn hai, cuộc can thiệp đã trở thành một chiến dịch phân chia Mali, một phần lãnh thổ của chúng tôi là nơi để khủng bố ẩn náu, tái tổ chức và hùng hậu trở lại từ năm 2014 ». Tương tự, lực lượng Takuba của Liên Hiệp Châu Âu, được Pháp thành lập, cũng « là để chia rẽ Mali », theo ông Maïga. « Takuba » có nghĩa là « thanh gươm, trong tiếng shonghai và tamached, đó không phải là một cái tên được đặt ngẫu nhiên ».
Nguyên nhân sâu xa giải thích cho mối quan hệ ngày càng xấu đi ?
Theo ông Richard Moncrieff, giám đốc phụ trách khu vực Sahel của tổ chức International Crisis Group, khi trả lời tuần báo L’Express ngày 07/02, « có nhiều yếu tố giải thích cho sự xuống cấp trong mối quan hệ giữa Paris và Bamako ».
Thứ nhất, người dân Mali ngày càng nghi kị Pháp, liên quan đến thất bại của Chiến dịch Barkhane, về những giải pháp cho cuộc khủng hoảng an ninh. Đây là nguồn gốc của rất nhiều thông tin thất thiệt.
Về điểm này, nhà nghiên cứu Antoine Glaser, giải thích rõ hơn với đài France 24 ngày 13/01 : « Trong khi cả châu lục (châu Phi) đang hiện đại hóa thì sự hiện diện quân sự của Pháp tạo cảm giác cho đại bộ phận dân chúng là Paris vẫn muốn giật dây kiểu Pháp-Phi (Françafrique) thời xưa. Điều này ngày càng ít được giới trẻ Mali, cũng như giới trẻ châu Phi nói chung, chấp nhận ». Một nhà ngoại giao Pháp ẩn danh biết rõ Mali, được L’Express trích dẫn, nhắc lại : « Ở Mali, việc di dời các căn cứ quân sự Pháp sau khi giành được độc lập là niềm tự hào dân tộc ».
Thứ hai là do giới tướng lĩnh bám quyền và thông báo kéo dài thời gian chuyển tiếp thêm 4 đến 5 năm. Cuối tháng 01/2022, ngoại trưởng Pháp coi chính quyền hiện tại là « bất hợp pháp ». Trong bối cảnh Cédéao trừng phạt Mali, không loại trừ khả năng chính quyền Bamako sử dụng tâm lý chống Pháp để khuấy động tinh thần dân tộc và biến Pháp thành thủ phạm chính. Ví dụ chính quyền quân sự Bamako đã huy động người dân Mali biểu tình hôm 14/01 chống lại những biện pháp trừng phạt của Cédéao và sức ép từ quốc tế, đứng đầu là Pháp.
Thứ ba là yếu tố Nga. Hất Pháp khỏi Mali, Nga sẽ thế chân ngay lập tức. Chỉ mới gần đây, tổng thống Putin chính thức thừa nhận có « lính đánh thuê » Nga ở Mali, dù lực lượng này, đặc biệt là công ty tư nhân Wagner, đã hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng luôn khoác áo « cố vấn » quân sự.
Tại sao Chiến dịch Barkhane không ngăn được bất ổn ở vùng Sahel ?
Sau quyết định triển khai Chiến dịch Serval (tên gọi đầu tiên), sau được đổi tên thành Barkhane (năm 2014), để chống thánh chiến ở vùng Sahel, tổng thống Pháp François Hollande, được chào đón như người hùng ở thủ đô Bamako trong chuyến công du. Tuy nhiên, 9 năm sau, chiến dịch Barkhane, cùng với lực lượng Takuba của nhiều nước Liên Hiệp Châu Âu, do Pháp đứng đầu, bị sa lầy ở Sahel, theo phân tích ngày 05/02 của trang France 24.
Thứ nhất, có thể là chiến dịch đã không được chuẩn bị đúng với quy mô. Lực lượng có khoảng 5.000 quân triển khai ở ba căn cứ tại Gao (Mali), N’Djamena (Tchad) và Niamey (Niger) nhưng phải kiểm soát một khu vực rộng đến 5 triệu km, lớn gấp 10 lần nước Pháp. Paris hy vọng quân đội 5 nước đối tác châu Phi (Mali, Mauritania, Burkina Faso, Tchad và Niger) sẽ dần thay thế. Nhưng thực tế lại khác, đặc biệt tại Mali, theo phân tích của nhà sử học Michel Goya, đại tá lực lượng hải quân, « tưởng rằng quân đội Mali sẽ tái cấu trúc và trở thành lực lượng hùng mạnh có khả năng chiến đấu vì đất nước họ là chuyện ảo tưởng hoàn toàn ». Hai yếu tố chính có thể giải thích tình trạng này là nạn tham nhũng và tranh giành quyền lực trong giới tướng lĩnh ở Mali.
Nguyên nhân thứ hai là các chiến dịch, dù giành nhiều chiến thắng nhưng không đạt được « mục tiêu cuối cùng » do thiếu chiến lược. Nhiều thủ lĩnh thánh chiến bị triệt hạ nhưng mạng lưới vẫn còn đó. Người dân không thấy triển vọng phát triển kinh tế, thêm vào đó là thái độ hách dịch của chính quyền (như Mali), quân đội, cũng như tình trạng « miễn trừng phạt tư pháp » đối với những lực lượng này, khiến nhiều người phải lựa chọn giữa chính quyền và lực lượng thánh chiến. Thậm chí, theo nhà báo Wassim Nasr, chuyên gia về thánh chiến của đài France 24, « nhiều người cho rằng Al Qaida bảo vệ họ ».
Thứ ba, Pháp và Mali có những chiến lược khác nhau. Ngày 05/10/2021, tổng thống Macron khẳng định « quân đội Pháp không thể làm thay công việc mà Nhà nước Mali không làm » như về giáo dục, cảnh sát và « cần phải phát triển các dự án vì nếu không, sau khi giải phóng được một vùng đất, quân thánh chiến sẽ chiếm lại ngay vì chính quyền không có dự án » cho khu vực đó.
Ngược lại, chính quyền chuyển tiếp Mali lại nghi ngờ về hiệu quả chiến lược của Pháp khi Paris liên tục từ chối đàm phán với các tổ chức thánh chiến. Quân đội Mali cũng chỉ trích Pháp ủng hộ lực lượng nổi dậy Touareg ở phía bắc Mali vì vào năm 2013 đã ngăn quân đội Mali chiếm Kidal do sợ xảy ra thảm sát. Thêm vào đó, dường như Paris đã không chú ý đến công luận ở Mali ngày càng nghi ngờ về sự hiện diện của quân đội Pháp.
Vấn đề rút quân khỏi Mali có thể sẽ không được quyết định trước kỳ bầu cử tổng thống Pháp. Tuy nhiên, Pháp sẽ vẫn tiếp tục trong cuộc chiến chống khủng bố ở Sahel, nhưng tập trung chủ yếu vào các đối tác khác trong vùng như Niger và Tchad.