Hoa Kỳ cần tăng cường sản xuất hỏa tiễn siêu thanh để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc
Theo một quan chức cao cấp của Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ phải tăng cường sản xuất các loại vũ khí siêu thanh nếu quốc gia này muốn chống lại và ngăn chặn hiệu quả các năng lực đang được Trung Quốc phát triển.
Bà Gillian Bussey, giám đốc Liên văn phòng Chuyển tiếp Siêu thanh tại Bộ Quốc phòng cho biết. “Tôi có thể nói rằng mọi thứ chúng ta đang làm về các hỏa tiễn đánh chặn, vũ khí tấn công, sẽ không tạo ra sự khác biệt trừ khi chúng ta có đủ số lượng.”
“Vì vậy, việc có hàng chục hỏa tiễn siêu thanh, bất kể chúng có thực sự siêu thanh hay không sẽ không đe dọa được ai cả.”
Các vũ khí siêu thanh, không giống như hỏa tiễn thông thường, có khả năng cơ động và do đó có thể né tránh các hệ thống phát hiện vũ khí truyền thống của Hoa Kỳ.
Bà Bussey đã đưa ra những bình luận này tại một sự kiện hôm 08/02 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu tập trung vào quốc phòng, tổ chức, đã khảo sát phản ứng của Hoa Kỳ đối với các mối đe dọa siêu thanh do Trung Quốc và Nga gây ra.
ĐCSTQ đã nắm bắt các sáng kiến vũ khí siêu thanh
Chế độ cầm quyền của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đang phát triển và khai triển các công nghệ siêu thanh nhanh hơn và ở một quy mô lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác, một điểm mà bà Bussey nhấn mạnh khi bà thảo luận về sự cần thiết phải tăng cường khả năng vũ khí siêu thanh của Hoa Kỳ.
“Họ có những phương tiện lướt với các động cơ phản lực dòng thẳng siêu âm (scramjet). Họ có các phương tiện bay lượn với hỏa tiễn lỏng, hỏa tiễn rắn, động cơ đẩy. Có rất nhiều hệ thống đẩy mà họ đang nghiên cứu.”
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã tụt hậu trong việc phát triển các loại vũ khí siêu thanh trong thập niên vừa qua. Điều này một phần là do bộ máy quân sự quan liêu vốn đã bị nhiều người chế nhạo có thể làm chậm quá trình phát triển vũ khí xuống tới 20 năm cho mỗi hệ thống, và một phần do cấp lãnh đạo cao cấp cho là thiếu nhu cầu.
Vào tháng Hai, Bộ trưởng Không quân Frank Kendall cho biết Hoa Kỳ có các nhu cầu chiến lược khác với Trung Quốc không đòi hỏi việc phải sử dụng hàng loạt các thiết bị siêu thanh.
“Trung Quốc có một loạt các mục tiêu, và tôi có thể dễ dàng hiểu tại sao họ muốn trang bị vũ khí siêu thanh với số lượng hợp lý,” ông Kendall nói.
“Chúng ta không có cùng một bộ mục tiêu mà họ đang bận tâm.”
Tuy nhiên, vì mục tiêu đặt ra đó, mà ĐCSTQ đã dành công sức và kinh phí cho nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh có khả năng vượt qua hàng phòng thủ của Hoa Kỳ. Điều quan trọng là, ĐCSTQ đang đầu tư vào cách tiếp cận toàn xã hội, không chỉ phát triển các công nghệ mà còn phát triển tài năng để duy trì và phát triển các công nghệ đó.”
Theo một báo cáo mới của CSIS, được công bố tại sự kiện ngày 08/02, ĐCSTQ “đã vượt qua Hoa Kỳ trong việc tốt nghiệp các kỹ sư chuyên ngành vũ khí siêu thanh, xuất bản các bài báo khoa học mở, và xây dựng các đường hầm gió siêu thanh.”
Do đó, theo báo cáo này, ĐCSTQ nắm giữ một lợi thế duy nhất ở chỗ Hoa Kỳ chưa phát triển một phương tiện thích hợp để phòng thủ trước một lực siêu thanh hạng nặng.
Thật vậy, các khả năng siêu thanh mới của ĐCSTQ, chẳng hạn như đã được thử nghiệm hồi tháng 07/2021, kết hợp các lợi thế về tốc độ, khả năng cơ động, và độ cao mà trước đây chỉ có thể đạt được với các hệ thống vũ khí riêng biệt trong và ngoài khí quyển.
Báo cáo này nêu rõ: “Trong khi các hệ thống phòng thủ truyền thống có thể giải quyết những thách thức này một cách riêng lẻ, sự kết hợp của chúng sẽ đòi hỏi các khả năng, khái niệm hoạt động, và thiết kế phòng thủ mới.”
Báo cáo nhận định rằng các vũ khí siêu thanh là “sự báo hiệu của một kỷ nguyên mới của chiến tranh hỏa tiễn”, do những thay đổi trên diện rộng đối với chính sách và chiến lược mà chúng sẽ mang lại.
Bà Bussey cho hay, “Phía Trung Quốc dường như đang tiếp cận vũ khí siêu thanh như một lĩnh vực, như đất liền và biển, mà họ có thể khai thác và thấy tầm quan trọng của vũ khí trên cao này bằng cách thường sử dụng các thuật ngữ “gần không gian” và “siêu thanh” hoán đổi cho nhau.
Bà nói thêm rằng chiến lược giữa các đối thủ cạnh tranh ngang hàng sẽ chuyển sang hướng “chiếm ưu thế bằng cách tấn công”, mà bà nói sẽ có tác động sâu rộng đến sự ổn định toàn cầu và làm tăng khả năng nổ ra xung đột.
Thay đổi bản chất của phòng thủ hỏa tiễn
Đại sứ không phổ biến vũ khí hạt nhân Hoa Kỳ Robert Wood đã cảnh báo trước về việc ưu tiên các khả năng tấn công hồi tháng 10/2021, ông nói rằng hiện chưa có biện pháp phòng thủ nào chống lại những vũ khí như vậy.
Ông Wood nói: “Chính xác là chúng ta chưa biết làm cách nào để chống lại công nghệ đó. Trung Quốc cũng vậy, Nga cũng thế.”
Báo cáo của CSIS đưa ra một tương lai khác, mặc dù đó là một tương lai sẽ đòi hỏi đầu tư cao hơn.
Báo cáo nêu rõ: “Phòng thủ hỏa tiễn siêu thanh là khả thi. Tuy nhiên, việc phát hiện ra vũ khí này đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại về các thiết kế phòng thủ hiện có và sẵn sàng tiếp cận vấn đề theo cách khác.”
Báo cáo cho biết những thay đổi đó sẽ bao gồm việc xem xét lại toàn bộ động lực của chiến lược phòng thủ hỏa tiễn và tiếp cận vũ khí siêu thanh như một lĩnh vực hoặc thuộc tính của công nghệ, chứ không phải là một công nghệ đơn lẻ.
Do đó, báo cáo kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc phòng coi vấn đề này như một dạng “phòng không phức hợp”, thay vì cố gắng đưa chính sách vào cấu trúc hiện có của [hệ thống] phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo.
“Quy mô và mức độ khẩn cấp cần thiết của lĩnh vực này liên quan đến hầu hết mọi khía cạnh của [hệ thống] phòng thủ hỏa tiễn: các cảm biến, thiết bị đánh chặn, thiết kế, học thuyết và chính sách phòng thủ.”
Báo cáo cho biết các hệ thống theo dõi và biện pháp ứng phó dựa trên không gian sẽ là cấp bách.
“Yếu tố chương trình quan trọng nhất duy nhất để phòng thủ vũ khí siêu thanh là một lớp cảm biến không gian đàn hồi và bền bỉ có khả năng quan sát, phân loại, và theo dõi các mối đe dọa hỏa tiễn thuộc mọi loại, phương vị và quỹ đạo.”
Báo cáo cũng kêu gọi sự ưu tiên cho các nhu cầu chiến lược, cũng như xem xét các biện pháp ứng phó phòng thủ, để giải quyết thực tế rằng Hoa Kỳ đơn giản là không thể bảo vệ mọi nơi cùng một lúc khỏi mối đe dọa của vũ khí siêu thanh.
“Hoa Kỳ không cạnh tranh bằng nguồn tài nguyên vô hạn. Không thể chủ động bảo vệ mọi tài sản trọng yếu hoặc thậm chí các khu vực rộng lớn mà hỏa tiễn siêu thanh có thể nhắm mục tiêu.”
Báo cáo này đưa ra một số ý tưởng để phân lớp các hệ thống phòng thủ vũ khí siêu thanh, trong đó có việc tăng cường sử dụng vũ khí vi sóng và đầu đạn có thể tạo ra những đám mây hạt bụi lớn trong khí quyển để kích nổ sớm các hỏa tiễn đang bay tới.
Bất kể Hoa Kỳ chọn hướng nào trên con đường phòng thủ vũ khí siêu thanh, báo cáo này khẳng định rõ ràng rằng các vũ khí siêu thanh luôn tồn tại và việc khai triển chúng sẽ thay đổi cục diện chiến trường theo những cách sâu sắc.
“Cách thức mà nhiệm vụ phòng thủ vũ khí siêu thanh được theo đuổi sẽ định hình tương lai của năng lực phòng thủ hỏa tiễn.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.