Khủng hoảng Ukraina : « Một ý đồ xác định lại trật tự quốc tế »
Đăng ngày: 14/02/2022
Anh Vũ
Căng thẳng không ngừng tăng giữa Nga và các nước phương Tây xung quanh hồ sơ Ukraina. Tổng thống Nga Vladimir Putin khăng khăng tuyên bố không có ý định tấn công nước láng giềng. RFI có cuộc trao đổi với ông Julien Théron, giảng viên về các xung đột và an ninh quốc tế tại trường Khoa học chính trị Paris ( Science Po Paris ).
RFI : Từ nhiều ngày nay , khả năng về một cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraina trong những ngày sắp tới đã nhiều lần được gợi lên. Làm thế nào mà tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đưa ra thời điểm kiểu như vậy ?
Julien Théron : Có nhiều lý do. Thứ nhất, tất nhiên là từ tin tình báo. Tổng thống Mỹ lãnh đạo một đất nước có mạng lưới tình báo cực kỳ rộng. Chắc chắn đó là những thông tin mà chúng ta không có.
Yếu tố thứ hai là việc củng cố khả năng quân sự của Nga xung quanh Ukaina mà chúng ta có thể nắm được các chi tiết : Đó là tin tình báo « để ngỏ » với các hình ảnh vệ tinh. Thực sự, việc củng cố vẫn tiếp tục. Các loại pháo tầm xa được chuyển đến, các loại trực thăng mới, các chiến hạm tác chiến đang đến khu vực Biển Đen. Những yếu tố đó cho thấy đã tới mức độ Nga có thể can thiệp vào Ukraina.
Lý do thứ ba là về mặt ngoại giao. Qua các mô tả và đàm phán, người ta nhận thấy rõ Nga tuyệt đối không chịu lùi bước trong các yêu sách ban đầu của họ và tất cả các nỗ lực của Hoa Kỳ, NATO, Pháp và Đức đều không đạt được mục tiêu. Bởi thế mà dẫn tới một cuộc xung đột là điều có thể dự kiến.
Ông nói « có thể dự kiến ». Phải chăng thông tin về một cuộc tấn công của Nga vào Ukraina là khả tín và sắp xảy ra ?
Đúng là khả tín. Hoàn toàn có thể xảy ra. Cuộc tấn công sẽ có thể hiệu quả hay không ? Đó mới thực sự là câu hỏi. Đó là vấn đề quân sự, một vấn đề thậm chí cũng đang làm xáo động giới khoa học và phân tích chiến tranh hiện đại. Chẳng hạn, năm 2008 Nga tấn công Gruza, khi đó như một cuộc đột nhập. Họ dừng lại trước khi tới Tbilissi, ở quãng thành phố Gori. Họ đã không đi xa hơn. Người Nga đã giới hạn hành động để gây áp lực với Gruzia và với cộng đồng quốc tế.
Tại Syria, người Nga triển khai lực lượng tối thiểu nhưng có hiệu quả tối đa bằng cách sử dụng nhiều không quân để tránh thiệt hại trên mặt đất. Nhưng lần này người ta thấy không hoàn toàn như vậy. Có rất nhiều xe chiến xa. Người ta thậm chí còn quan sát thấy có những hệ thống bảo vệ xe bọc thép chống các loại drone mà Ukraina đã mua của Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta nhận thấy họ đang chuẩn bị một cuộc tấn công trên bộ. Hoặc chí ít thì họ cũng dự định điều đó. Điều này gây nhiều thắc mắc. Bởi vì trong trường hợp tấn công trên bộ, quân đội Ukraina đã được tổ chức và chuẩn bị tốt hơn nhiều so với năm 2014, lúc xảy ra cuộc tấn công Crimée. Và nhất là dân chúng đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh du kích.
Sự việc sẽ có thể không như ở Syria cũng như ở Gruzia. Trong trường hợp này, rất có nhiều khả năng Nga rơi vào tình trạng “bị sa lầy” ở Ukraina. Như vậy vấn đề đặt ra là tính xác đáng của một cuộc can thiệp quân sự trên bộ.
Trong trường hợp đó, thể hiện sức mạnh kiểu như vậy có ích gì với Nga nếu biết là « bị sa lầy » ? Matxcơva trông đợi gì ? Phải chăng họ trông chờ phương Tây lùi bước trong ý định của NATO ? Đâu là mục đích của Nga ?
Quả thực là nghịch lý, đến mức ngay cả giới quân sự Nga có thể cũng đặt câu hỏi. Điều đó không có nghĩa là họ sẽ không hành động. Người ta có thể thấy hai chi tiết rất thú vị đối với Matxcơva trong trường hợp can thiệp quân sự.
Đầu tiên, là để vẽ lại cách thức mà người ta vẫn làm trong quan hệ quốc tế. Ở đây là trường hợp tấn công một quốc gia không có liên hệ trực tiếp với những đòi hỏi về việc mở rộng NATO. Chúng ta đang ở trong tình huống mà Ukraina rơi vào giữa một chiến lược lớn. Chiến lược này liên quan đến mối tương quan giữa Nga với phương Tây. Nếu người ta tiến hành một chiến dịch quân sự như vậy, có nghĩa là người ta có thể cậy đến sức mạnh quân sự để đòi tự cho mình có quyền đối với những nước khác. Đó là sự thay đổi trật tự quốc tế. Đây là điều rất quan trọng.
Chi tiết thứ hai có thể Matxcơva quan tâm hơn. Đó là diễn giải luận điểm mà người Nga vẫn luôn rêu rao rằng NATO chống lại chúng tôi, NATO là mối đe dọa, NATO sẽ xâm lược nước Nga. Tất nhiên là không có một nước nào trong NATO dự tính tấn công Nga từ 30 năm qua. Nhưng cách diễn giải đó cuối cùng có thể sẽ không còn hấp dẫn nữa nếu không có khủng hoảng. Trong khi Kremlin đang trong hoàn cảnh kinh tế -xã hội tế nhị. Kỳ bầu cử đang tới gần. Đó có thể là cách để giành lại những gì đã từng xảy ra năm 2014 trong vụ sáp nhập Crimée, tức là một cú kích thích lòng tin dân chúng.
Nếu Nga vượt qua biên giới, cụ thể NATO sẽ làm gì ?
NATO có khoảng vài trăm hay vài ngàn đơn vị quân trong các nước thành viên. Người ta đã thấy Anh, Mỹ cùng với việc cung cấp cho Ukraina các loại vũ khí phòng thủ chống tăng đã triển khai một số quân nhân huấn luyện về các hệ thống vũ khí. Đó không phải là binh sĩ chiến đấu. Các lính chiến đóng tại những nước Đông Âu của NATO, chủ yếu là các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan. Đó là để bảo đảm cho các nước này chẳng may có xung đột ở Ukraina thì chiến sự sẽ không tràn sang nước họ. Các nước đó lo ngại và họ có những lý do lịch sử để lo lắng.
NATO không hề có ý định đánh nhau với Nga tại Ukraina. Kremlin nói về chuyện khiêu khích, nhưng tuyệt nhiên không có sự khiêu khích nào trong việc đóng vài nghìn đơn vị quân theo yêu cầu của các nước đó. Số quân đó chỉ để trấn an trước cuộc hoảng hiện nay. NATO không dự tính đánh nhau với Nga hay vào Ukraina. Các nước thành viên NATO chủ yếu trừng phạt kinh tế Nga. Không nhất thiết các nước thành viên NATO đều cung cấp cho Ukraina các phương tiện phòng thủ.
Trong trường hợp xảy ra xâm lược Ukraina, ta có thể nghĩ Trung Quốc, một đồng minh lớn của Nga, họ cũng có thể khởi phát xung đột ở một số điểm tiềm ẩn của họ ?
Trong quan hệ quốc tế, tồn tại một khái niệm rất quan trọng là tiền lệ. Luật pháp quốc tế dựa trên cơ sở cái mà người ta vẫn gọi là quyền về tập quán. Bất kỳ một tiền lệ nào đều có thể tác động đến một hoàn cảnh khác. Nhưng so sánh cũng chỉ là để so sánh. Tình hình Crimée không giống như là Đài Loan, nơi có chính phủ riêng. Chúng ta không có sự tương đồng về tình hình. Có thể coi là tình hình giống nhau ở chỗ sử dụng can thiệp làm phương tiện để chứng tỏ quyền của mình. Trên phương diện đó, người Trung Quốc có thể ủng hộ Matxcơva nhằm mục đích thúc đẩy việc bảo vệ lợi ích riêng của mình.
Hôm thứ Bảy vừa rồi, việc một chiếc tàu ngầm Mỹ dường như bị đuổi ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Kourile, đây cũng là nơi đang có tranh chấp giữa Nga và Nhật từ sau Đệ nhị Thế chiến. Sự việc cho thấy sự gia tăng căng thẳng có thể dẫn tới các căng thẳng khác ở phía bên kia lục địa Á-Âu. Ta không nói Thế chiến thứ 3 vì chúng ta vẫn trong hoàn cảnh các khối nước lớn đang cố tránh.
Không nói đến Thế chiến thứ 3 nhưng chúng ta đang ở trong không khí thế nào ? Một không khí chiến tranh lạnh ?
Một số chuyên gia có suy nghĩ về Thế chiến thứ 3. Nếu nói về điều đó, cần phải coi đó là chiến tranh hiện đại, tức là không phải với các mặt trận « cổ điển ». Chúng ta đang ở trong tình trạng có sự liên kết lại của các nước lớn chuyên chế, Nga và Trung Quốc. Họ đang ở trong hoàn cảnh có thể đặt phương Tây trước một thách thức, nhằm vẽ lại trật tự quốc tế vốn đã dựa trên nền tảng dân chủ, nhân quyền, Nhà nước pháp quyền và để họ có thể phản bác điều đó, không chỉ ở phạm vi trật tự trong nước họ mà cả trong những khu vực khác nhau trên thế giới, ở những nơi họ có lợi ích. Họ có ý định phá vỡ những gì có thể là độc quyền của phương Tây và điều đó đang diễn ra.