Hàng loạt “sai phạm, yếu kém” trong Bộ Y tế bị phanh phui, nhân viên y tế bất bình

Hàng loạt “sai phạm, yếu kém” trong Bộ Y tế bị phanh phui, nhân viên y tế bất bình

Thanh Trúc
2022.02.15

\"HàngNhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 gần Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội hôm 31/3/2020 AFPHàng loạt “sai phạm, yếu kém” trong Bộ Y tế bị phanh phui, nhân viên y tế bất bình00:00/07:29 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ Việt Nam hôm 12/2 chỉ ra vô số tiêu cực trong Bộ  Y tế. Tuy nhiên tóm lại có hai sai phạm lớn: một là buông lỏng quản lý, không công khai kết quả trúng thầu; hai là có dấu hiệu lợi ích nhóm.

Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, sự buông lỏng công tác quản lý làm nẩy sinh mọi tiêu cực trong việc tham mưu  Thông tư bộ Y Tế, Vật tư Y Tế tiêu hao và cả những khâu liên quan đều không đúng luật quy định đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về việc mua sắm thiết bị, trang thiết bị. Nói chung là những chuyện này không được công khai, minh bạch. 

Kết luận chỉ rõ: \”Trong thời gian dài, không công khai kết quả trúng thầu trên trang thông tin điện tử theo quy định của Nghị định 36/2016/NĐ-CP\”

Bên cạnh đó, công tác quản lý giá và vật tư tiêu hao còn yếu kém; việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm của Bộ Y tế còn hạn chế, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, thành viên của nhóm nhân sĩ trí thức chuyên phản biện ở  TPHCM, cho rằng bản kết luận đã loanh quanh, rườm ra, báo chí dẫn lại cũng theo lối vòng vo mà không nói thẳng ra rằng tham nhũng trong hàng ngũ nhân sự cấp cao mới là nguyên nhân quá rõ của mọi sai phạm, yếu kém, hạn chế, ách tắc trong guồng máy y tế bao lâu nay tại Việt Nam:

“Cái chung nhất là tình hình của Bộ Y Tế về những vụ thuốc giả, về vật tư y tế rồi bao nhiêu thứ, kể cả vụ Việt Á vừa rồi. Với tư cách một bác sĩ tôi thấy quá xấu hổ. thấy không thể tưởng tượng được sự kinh doanh trên sinh mạng con người.”

Phải nói từ lúc bà Trần Thị Kim Tiến (làm Bộ trưởng Y tế) cho tới bây giờ, Bộ Y Tế đã quá tệ. Tham lam, tham nhũng làm mất uy tín của ngành Y, mà ở cấp lãnh đạo cao nhất chớ không phải cấp dưới như trạm y tế hay bệnh viện”.

Ông thừa nhận rằng không chỉ ngành y tế mà nhiều ngành khác ở Việt Nam cũng vậy; và trong thời gian đại dịch vừa qua tiêu cực trong ngành y tế lộ rõ ra hơn:

Y tế  là ngành ảnh hưởng đến cả  sinh mạng con người mà cũng có những tiêu cực khủng khiếp: thuốc giả, thuốc chống ung thư, que xét nghiệm…đủ thứ. Nói chung hình như  cả một hệ thống rệu rã là quá rõ rồi, không ai mà giấu diếm được, nó lộ liễu quá rồi”.

Theo ông cơ chế đã dung dưỡng cho những nhóm lợi ích và không ai có thể làm gì suốt một thời gian dài:

“Bây giờ ầm ỉ nên chẳng qua vì dư luận quần chúng phản đối quá. Nó từ phe Đảng, từ lợi ích của nhóm từ thấp lên tới cao, rồi từ cao xuống thấp, nói chung là tràn lan hết.”

“Thể chế quá lỏng lẻo, một nhiệm vụ đưa qua thì 50% là thực thi nhưng bên cạnh 50% là giám sát. Đằng này không có kiểm tra, mà ngay như thanh tra, kiểm tra lại cũng có người tham nhũng. Lãnh đạo quá kém, lòng tin của dân giảm đi, Là đảng viên gần 56 tuổi đảng mà thấy vụ này tôi không chịu nỗi. Anh em không nói được gì, nói không ai nghe mà cũng chẳng đi tới đâu”.

Một cựu viên chức Bộ Y tế, yêu cầu không nêu tên, cũng thừa nhận trong chia sẻ qua điện thư về thực trạng ‘be bét’ của ngành y tế:    

Thí dụ như vụ thổi giá test kit của công ty Việt Á và các dính líu đi kèm của các CDC lên gần 200 cán bộ, hay những gì được cho là ‘đấu đá nội bộ’ bên trong Bộ Y tế. Trường hợp truy tố nguyên thứ trưởng Cao Minh Quang và Thứ trưởng Trương Quốc Cường. Sắp tới đây sẽ là một loạt các cán bộ khác của Bộ Y tế bị đưa ra ánh sáng.”

“Sự ‘sai phạm’ và ‘yếu kém’ kia thường sẽ đi kèm với những nguyên nhân thường xảy ra trong các cơ quan, bộ máy công quyền Nhà nước. Đó là  tiền bạc, là  hối lộ và các game chính trị, thanh trừng lẫn nhau. Một hậu quả dễ nhận thấy là hầu hết các chuyên viên, lãnh đạo của Bộ và các Cục, Vụ bên dưới sẽ “án binh bất động” vì làm gì cũng sợ sai, họ né tránh trách nhiệm, ngồi yên hoặc đùn đẩy lên cấp trên ra quyết định.”

\"quoccuong112211.jpeg\"
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, người đang chịu kỷ luật vì những sai phạm trong ngành Y tế. RFA edit

Cựu viên chức này còn cho rằng bao công lao, thành quả của những chiến sĩ áo trắng trong ngành y tế lâu nay đã bị những quan chức ‘sâu mọt’ làm lu mờ đi. 

Bác sĩ Nguyễn Viên, nhiều chục năm làm việc trong ngành y tế trong và ngoài chính phủ, thường xuyên có những bài phản biện xây dụng trên mạng xã hội ở TPHCM, cho biết giới y, bác sĩ đều cảm thấy rất bức xúc:

Trong lúc cả nước chống dịch thì lãnh đạo lại dính vào lợi ích nhóm, lại thủ lợi rất lớn. Còn kết luận của Thanh tra Nhà nước, được công bố trên các báo Nhà nước thì chắc chắn đây là có sự bật đèn đỏ từ cấp cao hơn Bộ Y tế, và từ các báo với rất  nhiều chi tiết mà không phải ai cũng tiếp cận được trước khi mà Nhà nước đi vào những biện pháp mạnh mẽ hơn để mà chống tham nhũng trong ngành Y tế cũng như các ngành khác”.

Vậy thì kết luận của Thanh tra Chính phủ về những  sai phạm, yếu kém, hay nói trắng ra là tình trạng tham nhũng, liệu có tạo thay đổi tốt  đẹp nào trong bộ máy y tế thời gian tới?  Bác sĩ Nguyễn Viên thổ lộ rằng ông không kỳ vọng gì mấy:

Cơ  hội này khó lắm. Ai cũng nói thay đổi nhưng bắt đầu từ chỗ nào, từ con người, từ đào tạo, từ vấn đề tổ chức cán bộ, qui hoạch cán bộ…Phải nghĩ  phương án nào khả thi nhất.”

 “Vế thứ hai, vấn đề buông lỏng quản lý đi liền với lợi ích nhóm. Người ta nói rất  nhiều đến chuyện mua bán ở các cơ quan lớn ở Hà Nội. Tôi nghĩ trước mắt người ta sẽ đánh vào những cá nhân nào chịu trách nhiệm chống dịch mà liên quan đến vấn đề thiết bị, trang thiết bị, thuốc men. Đó là những đối tượng cụ thể”.

Ông nói giới y bác sĩ và người dân rất đón nhận tin tức đó. Mặc dù những cái xấu, cái tiêu cực của đất nước bị phanh phui ra thì cũng không vui sướng gì, nhưng nó sẽ đặt lại vấn đề bổ nhiệm con người vào những vị trí lãnh đạo ngành.

Bài Liên Quan

Leave a Comment