Giải mã lý do Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine: Ông Putin đi nước cờ “hại não” đối thủ!
Nga đã rút một phần quân đội gần biên giới Ukraine như một động thái giảm leo thang. Nhưng sự thật đâu chỉ có thế.
Tính toán của ông Putin khi rút quân
Khi cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên căng thẳng hơn, Moscow và Washington đã bước vào cuộc đấu trí phức tạp để nỗ lực đảm bảo các mục tiêu của mình thành công mà không cần bắn một phát súng nào.
Ngoại giao truyền thống chỉ là một phần của vũ điệu này. Các hoạt động chuyển quân, cảnh báo và áp đặt trừng phạt, đóng cửa đại sứ quán, gặp mặt lãnh đạo và rò rỉ thông tin tình báo – tất cả đều nhằm chứng minh sự sẵn sàng thực hiện một số mối đe dọa hoặc chấp nhận rủi ro nhất định của mỗi quốc gia.
Nga đã tiến hành một hình thức thương thảo hiệu quả, khí thể hiện dứt khoát như thể mọi thứ sẽ được quyết định bằng chiến tranh, thông qua việc đe dọa về cuộc xung đột sẽ diễn ra thế nào thay vì gây ra trực tiếp.
Ngày hôm qua, Moscow tuyên bố sẽ rút bớt một số lực lượng gần Ukraine. Quyết định này khiến nhiều người hoài nghi, khó hiểu. Nhưng có một chi tiết đi kèm không mấy người chú ý đó là Tổng thống Vladimir Putin lên tiếng cáo buộc Ukraine về cái gọi là “tội ác diệt chủng”.
Bằng cách đồng thời rút quân giảm leo thang nhưng vẫn tăng cường khẩu chiến, Moscow vẫn đang gây áp lực lên phương Tây để chuẩn bị cho cả hai phương án.
Keren Yarhi-Milo, nhà khoa học chính trị của Đại học Columbia, người nghiên cứu cách các quốc gia phát tín hiệu và điều động quân trong khủng hoảng cho biết: “Động lực chiến tranh rất dễ thay đổi”.
Moscow và Washington đang vật lộn để giải quyết hai câu hỏi tồn tại về một cuộc xung đột có thể xảy ra.
Liệu một cuộc tấn công của Nga có mang lại cho Moscow nhiều phần thưởng hơn là thiệt thân?
Và, liệu phương Tây có nhận ra trừng phạt là không đủ để ngăn chặn và sẽ từ bỏ điều đó?
Nếu Moscow có thể thuyết phục Washington rằng câu trả lời cho cả hai là “có”, thì về lý thuyết, ông Biden và các đồng minh sẽ buộc phải kết luận rằng họ nên đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào chỉ để ngăn Nga phát động chiến tranh.
Nhưng nếu Washington có thể thuyết phục Moscow rằng cả hai câu trả lời đều là “không” thì ông Putin sẽ có mọi động lực để cắt giảm tổn thất và lùi lại bờ vực.
Điều quân hay rút quân không quan trọng
Ở thời điểm hiện tại, trừ khi nổ ra một cuộc chiến thực sự, bằng không việc điều thêm quân hay rút bớt binh sĩ không còn là điều quan trọng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thành công trong việc giữ cho các nhà ngoại giao phương Tây bận rộn trong những tháng gần đây.
Vài tuần qua mang lại lợi ích to lớn cho Nga. Đầu tiên, Tổng thống Putin đã thúc đẩy được mục tiêu của mình trong khi nhận ra nhiều vấn đề của đối thủ.
Ông nhắc nhở thế giới và các đối thủ của mình về những gì mà ông có thể làm nếu muốn. Nga có thể tấn công Ukraine dễ dàng. Tình hình những ngày qua là bằng chứng cho thấy phương Tây đã sợ hãi viễn cảnh ấy như thế nào.
Đối với một quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào sức mạnh quân sự như Nga, sự xác nhận đầy lo ngại như vậy từ phía kẻ thù được coi là điều rất quan trọng.
Sau đó, bằng cách đưa quân đến gần biên giới Ukraine, ông Putin đã gửi làn sóng chấn động khắp châu Âu và Mỹ, thúc đẩy các cuộc thảo luận về cách mà các nước này sẽ phản ứng nếu ông thực sự ra lệnh tấn công Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được áp dụng như trước đây. Nhưng kết luận chính mà Moscow rút ra từ các cuộc thảo luận này là phương Tây đang bị chia rẽ.
Thay vì tạo ra sự răn đe mạnh mẽ, phương Tây đã không làm được gì ngoài việc để lộ các vết nứt ở khắp nơi. Các thành viên của Liên minh châu Âu mà hầu hết là các đồng minh NATO đang bất đồng.
Đôi khi, sự chia rẽ thậm chí còn xuất hiện trong nội bộ chính phủ, chẳng hạn như ở Đức.
Nga thường gửi máy bay quân sự đến gần không phận của đối thủ, chọc phá các hệ thống phòng không và quan sát cách họ phản ứng, điều này cung cấp thông tin hữu ích trong trường hợp Nga muốn tấn công thật.
Tổng thống Putin cũng cho Ukraine và các quốc gia Liên Xô cũ khác bị cám dỗ bởi phương Tây thấy rằng các đồng minh của họ yếu ớt và thiếu quyết đoán khi đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu thế nào.
Đó là một lời nhắc nhở cho Ukraine. Đây là những gì họ phải gánh chịu khi di chuyển ra khỏi quỹ đạo mà Nga đã dày công xây dựng. Ngược lại, Nga vừa có màn giúp đỡ gây tiếng vang ở Kazakhstan. Đó là những gì mà một người bạn chân chính thường làm.
Đó là tất cả những gì ông Putin đạt được chỉ bằng cách “điều quân và thu hồi” trong những ngày qua mà chẳng cần nổ một phát súng.
Dù điều gì xảy ra hay không xảy ra trong những ngày tới hay tuần tới, Tổng thống Putin đã đạt được những lợi ích đáng kể đến từ cách châu Âu và Mỹ phản ứng trước mối đe dọa mà ông tạo ra.Theo Tin Nóng