Những vụ bê bối tại Olympic làm dấy lên tâm lý phản đối Trung Cộng của người dân Nam Hàn
Người dân Nam Hàn đang rất phẫn nộ! Từ việc một phụ nữ mặc Hanbok đại diện cho dân tộc thiểu số Trung Quốc tại lễ khai mạc Olympic, đến việc xử phạt bất công ở môn trượt băng tốc độ cự ly ngắn. Hai vụ việc gây tranh cãi này đã làm dấy lên tâm lý phản đối Trung Cộng của người dân Nam Hàn.
Nam Hàn sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng tới. Một số cuộc khảo sát gần đây chỉ ra rằng, tâm lý phản đối Trung Cộng này có thể sẽ tác động đến nền chính trị, thậm chí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra.
Tranh cãi về Hanbok khiến người dân Nam Hàn tức giận
Tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh hôm 04/02, một phụ nữ người Bắc Hàn mặc Hanbok đã tham gia trình diễn với tư cách đại diện cho các dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Sự việc khiến cả chính giới và dư luận Nam Hàn phản đối mạnh mẽ. Họ cho rằng động thái của Trung Quốc tương đương với việc tuyên bố rằng Hanbok là văn hóa Trung Quốc, và Trung Quốc đã bóp méo văn hóa truyền thống của Nam Hàn.
Hôm 05/02, ông Hwang Hee, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Hàn cho biết, động thái của Trung Quốc là nhằm biểu thị rằng người Bắc Hàn là dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc giữa Nam Hàn và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho biết phía Nam Hàn không có ý định chính thức phản đối phía Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao.
Hôm 06/02, Chủ tịch Quốc hội Nam Hàn, ông Park Byeong-seug tuyên bố rằng Hanbok là văn hóa mang tính tiêu biểu nhất ở Nam Hàn, đây là điều mà không ai có thể nghi ngờ; Nam Hàn và Trung Quốc cần tôn trọng văn hóa vốn có của nhau.
Cùng ngày, một quan chức ở Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho biết, Nam Hàn sẽ tiếp tục cho Trung Quốc thấy rằng cần phải tôn trọng văn hóa vốn có của nhau. Ông cho biết Hanbok được thế giới công nhận là một trong những nét văn hóa tiêu biểu nhất của Nam Hàn, đó là điều không thể nghi ngờ.
Các đảng cầm quyền và đối lập ở Nam Hàn cũng chỉ trích đây là hành động ăn cắp văn hóa của một quốc gia có chủ quyền. Hôm 05/02, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ, ông Lee Jae-myung nói trên Facebook rằng: “Đừng thèm muốn văn hóa (Nam Hàn), phản đối việc chiếm đoạt văn hóa (Nam Hàn)”.
Ông Hwang Gyu-hwan, phát ngôn viên trụ sở chính sách bầu cử của Đảng Quyền Lực của Nhân dân (đảng đối lập lớn nhất ở Nam Hàn) bình luận rằng: “Đây rõ ràng là một ‘hành động xâm lược văn hóa’ chống lại một quốc gia có chủ quyền, cũng là một hành động thiếu tôn trọng và làm lu mờ khẩu hiệu của Thế vận hội Olympic ‘Chung tay tạo dựng tương lai’”, “Họ rốt cuộc coi thường Nam Hàn đến mức nào mới có thể ăn cắp văn hóa Nam Hàn ngay tại lễ khai mạc Olympic đang được người dân trên thế giới theo dõi?”
Các giới ở Nam Hàn đều đặt câu hỏi về sự bất công của trọng tài
Khi Thế vận hội Mùa Đông vừa bắt đầu, mọi thứ đã trở nên tồi tệ.
“Kinh ngạc, tức giận, nực cười… Cuộc thi trượt băng tốc độ cự ly ngắn tại Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 cho đến hiện tại có thể dùng ba từ này để mô tả”, tờ báo Nam Hàn The Hankyoreh đã viết như vậy hôm 09/02.
Trong trận bán kết nội dung thi trượt băng tốc độ 1,000 m dành cho nam vào tối ngày 07/02, hai tuyển thủ Nam Hàn là Hwang Dae-heon và Lee June-seo đã lần lượt bị trọng tài phán phạm lỗi, thành tích của họ bị hủy bỏ.
Lý do Lee June-seo bị phán phạm lỗi là do khi chuyển làn khiến đối thủ bị ngã; còn đối với lỗi của Hwang Dae-heon, lời giải thích chính thức là “vượt muộn trái luật dẫn đến va chạm”. Hwang Dae-heon là người băng qua vạch đích đầu tiên, nhưng vì khi đi qua làn trong anh đã va chạm với tuyển thủ Trung Quốc Lý Văn Long (Li Wenlong), nên cuối cùng bị phạt lỗi và thành tích của anh bị hủy bỏ.
Thay vào đó, hai tuyển thủ Trung Quốc đã được vào thẳng. Trong trận chung kết sau đó, vận động viên người Hungary Liu Shaolin Sándor – người vượt qua vạch đích đầu tiên – cũng bị truất quyền thi đấu do phạm lỗi, và hai tuyển thủ Trung Quốc cuối cùng giành huy chương vàng và bạc.
Hôm 08/02, phái đoàn Olympic Mùa Đông Nam Hàn đã tổ chức họp báo khẩn cấp tại trung tâm báo chí chính của Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh, để chính thức phản đối Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach về việc trừng phạt không công bằng đối với các vận động viên Nam Hàn.
Ông Yoon Hong Geun, chủ tịch Liên đoàn Trượt băng Nam Hàn kiêm Trưởng phái đoàn Nam Hàn tham dự Olympic Mùa Đông, cho biết tại một cuộc họp báo rằng họ sẽ tìm mọi cách để nhờ sự trợ giúp từ Tòa án Trọng tài Thể thao Quốc tế (CAS).
Phái đoàn Nam Hàn nhấn mạnh rằng hai vận động viên Hwang Dae-heon và Lee June-seo không hề có sự va chạm với đối thủ. Ông Choi Yong Koo, Trưởng đoàn hỗ trợ của đội trượt băng tốc độ cự ly ngắn Nam Hàn kiêm trọng tài quốc tế của môn này, cho rằng Hwang Dae-heon đã chọn chiến thuật vượt mặt trong. Với nhiều khoảng trống phía trước thông qua góc ngoặt, anh tự nhiên chiếm ưu thế và dẫn đầu mà không cần thực hiện bất kỳ pha va chạm nào. Trọng tài dường như đã nhìn nhầm động tác của tuyển thủ Trung Quốc.
Ông còn nói rằng, Lee June-seo đã vượt qua đối thủ từ đường trong một cách bình thường, đạt vị trí thứ hai và thực hiện một cú trượt như thông thường trên cùng khúc cua. Tổ trọng tài cho rằng Lee June-seo đã tiến vào làn trong quá gấp nên đã hủy thành tích, nhưng sau khi xem đoạn video phát lại, ông Choi Yong Koo cho rằng giữa tuyển thủ Hungary và tuyển thủ Trung Quốc mới có vấn đề.
Trên thực tế, trước lễ khai mạc Olympic Mùa Đông vốn đã có những lo ngại về phán quyết của trọng tài. Vì Liên đoàn Trượt băng Quốc tế đã tăng thêm các quy định về các hành vi tiếp xúc và hành vi ngăn cản trong các tình huống vượt, từ đó khiến các vận động viên vượt phải chịu nhiều trách nhiệm hơn. Trong những tình huống không rõ ràng, vận động viên vượt sẽ bị phạt.
Giới truyền thông và công chúng Nam Hàn đã bày tỏ sự bất bình, đồng thời đặt câu hỏi gay gắt về sự bất công của trận đấu. Truyền thông Nam Hàn cáo buộc các trọng tài tổ chức Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh đã thiên vị Trung Quốc.
Các ứng cử viên Tổng thống Nam Hàn cũng đã lên tiếng. Ông Lee Jae-myung nói trên Facebook: “Tôi bày tỏ sự thất vọng và tức giận trước án phạt thiên vị ở môn trượt băng tốc độ cự ly ngắn tại Olympic Mùa Đông Bắc Kinh, các vận động viên dựa vào sức mạnh của mình để thi đấu hết sức mới là những người chiến thắng thực sự”.
Ứng cử viên Đảng Quyền Lực của Nhân dân, ông Yoon Seok-ryul cũng cho biết trong cuộc họp với các phóng viên rằng: “Tôi thông cảm sâu sắc với sự tức giận và thất vọng của các vận động viên, tôi muốn gửi tới họ lời an ủi, đồng thời lo lắng rằng thế hệ tiếp theo của chúng ta sẽ thất vọng về vấn đề công bằng”.
Làn sóng dư luận phản đối Trung Cộng ở Nam Hàn
Chủ tịch Hiệp hội Cựu chiến binh Nam Hàn, ông Kim Jae Hee cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, người Nam Hàn không đột nhiên bức xúc vì Hanbok, “Trung Quốc (Trung Cộng) đã luôn coi Nam Hàn là một nước chư hầu, vì vậy người Nam Hàn từ trước đến nay đều có tâm trạng bức xúc, khi gặp phải chuyện này thì cảm xúc sẽ bộc phát ra”.
Ông Kim Jae-hee nói rằng, cá nhân ông cho rằng sự hiện diện của người dân tộc Bắc Hàn tại Olympic không phải là vấn đề lớn, nhưng vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xuyên tạc lịch sử nên người dân Nam Hàn mới không hài lòng.
Về vấn đề trọng tài không công bằng, ông Kim Jae-hee nói: “Chúng tôi đã thấy một tổ trọng tài hoàn toàn không công bằng, với bộ dạng lười biếng và đáng xấu hổ”.
Ông nói rằng về mặt lịch sử, Trung Quốc và Nam Hàn rất thân thiết, và tốt nhất là không nên gây chiến với nhau. Tinh thần Olympic phải có các chuẩn mực và cam kết ngay chính, nhưng ĐCSTQ đã vi phạm tinh thần này và làm tổn thương tình cảm của người dân Nam Hàn.
“Đảng Cộng sản đã thâm căn cố đế tại Trung Quốc, hơn nữa lãnh đạo xã hội ở đó. Từ nhiều phương diện mà xét, có rất nhiều chỗ thiếu tôn trọng đối với nhân tính cơ bản. Tôi nghĩ Trung Quốc đã trở thành một đất nước đen tối về mọi mặt”, ông Kim Jae-hee nói.
Cô Kim So Young, một nghiên cứu viên 39 tuổi tại Bảo tàng Nam Hàn nói với Epoch Times rằng, cô tin vụ việc Hanbok là “một màn biểu diễn của ĐCSTQ nhằm coi thường lịch sử và văn hóa của Nam Hàn”; sự bất công của trọng tài là “trò đùa mang danh đất nước của ĐCSTQ”, “họ không cảm thấy xấu hổ đối với sự chính trực và mồ hôi của các vận động viên trên toàn thế giới hay sao?”
Ông Park Kwangsoo, người làm việc trong ngành trang trí cũng nói với The Epoch Times rằng: “Vụ việc về Hanbok và sự bất công của trọng tài là hành vi khinh thường và ăn cắp văn hóa của Trung Cộng đối với Nam Hàn. Bởi vậy, Nam Hàn nên có phản ứng mạnh mẽ ở cấp quốc gia”.
Tâm lý phản đối Trung Cộng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả bầu cử
Một số cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng tâm lý bài xích Trung Cộng ở Nam Hàn có thể sẽ tác động đến nền chính trị, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra vào tháng tới.
Từ tháng 11 đến tháng 12 năm ngoái, tờ JoongAng Ilbo của Nam Hàn đã ủy quyền cho một cơ quan khảo sát thuộc bên thứ ba, thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến đối với 1,031 người trên 18 tuổi trên khắp đất nước. Kết quả cho thấy với mức tiêu chuẩn là 50 điểm, có 67.3% thanh niên từ 19 đến 29 tuổi và 59.5% từ 30 đến 39 tuổi đánh giá Trung Quốc thấp hơn 50 điểm.
Tờ JoongAng Ilbo cho biết trong một bài báo hôm 09/02 năm nay rằng, tranh cãi “thiên vị” trong cuộc thi trượt băng tốc độ cự ly ngắn tại Olympic Mùa Đông Bắc Kinh đã khiến tâm lý phản đối Trung Cộng tích tụ trong giới trẻ Nam Hàn bùng phát. Thế hệ này cực kỳ nhạy cảm với vấn đề “công lý”, rất nhiều người đã đi đến kết luận rằng “Trung Quốc (Trung Cộng) sử dụng phương thức bất công” thông qua kinh nghiệm hàng ngày của chính họ.
Nhóm nghiên cứu do ông Gi-Wook Shin (giám đốc Viện Walter H. Shorenestein APARC tại Đại học Stanford) dẫn đầu, cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 08/02 năm nay rằng: Một cuộc khảo sát với hơn 1,000 người dân Nam Hàn do nhóm này thực hiện trước kỳ Olympic Mùa Đông Bắc Kinh cho thấy, với thang điểm từ 0 đến 100, mức độ hảo cảm đối với Trung Quốc của người dân Nam Hàn chỉ có 26.5 điểm, thấp hơn nhiều so với 69.1 điểm của Mỹ và thậm chí còn thấp hơn 30.7 điểm ở Nhật Bản.
Một cuộc khảo sát được công bố hồi tháng Một năm nay của Trung tâm Á Châu thuộc Đại học Quốc gia Seoul ở Nam Hàn cũng cho thấy rằng, trong số 20 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản, người Nam Hàn ít tin tưởng Trung Quốc nhất, với chỉ 6.8% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc là đáng tin cậy.
Viện Á Châu-Thái Bình Dương thuộc Đại học Stanford cho biết trong báo cáo rằng, đại đa số người được hỏi (78%) đều cho biết quan hệ Nam Hàn-Trung Quốc sẽ là một yếu tố quan trọng được cân nhắc trong việc quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống nào. Xét đến việc nhân tố quyết định trong cuộc bầu cử lần này là giới trẻ, 82% số người được hỏi ở độ tuổi 20 đều cho rằng “quan hệ Nam Hàn-Trung Quốc sẽ là một vấn đề quan trọng khi bỏ phiếu”.
Chiến lược ‘kinh tế phụ thuộc Trung Quốc, an ninh phụ thuộc Hoa Kỳ’ còn có thể đi được bao xa?
Trong quá khứ, Nam Hàn từng coi Trung Quốc là cơ hội kinh tế, nhưng vì lý do an ninh, Nam Hàn có xu hướng xích lại gần Hoa Kỳ hơn.
Theo một báo cáo từ Viện Á Châu-Thái Bình Dương thuộc Đại học Stanford, hiện nay, hầu hết người Nam Hàn đều cho rằng mô hình cân bằng này đã kết thúc. Trung Quốc – nơi từng được coi là cơ hội kinh tế cho Nam Hàn – đang mất dần ảnh hưởng khi cộng đồng Nam Hàn với thế hệ thanh niên làm trung tâm đã bắt đầu suy nghĩ lại về ý nghĩa của Trung Quốc đối với Nam Hàn.
Ứng cử viên tổng thống, ông Yoon Seok-ryul gần đây đã đăng một bài báo với tiêu đề “Nam Hàn cần cất cánh” trên tạp chí Foreign Affairs. Trong bài báo, ông Yoon Seok-ryul nói rằng chính phủ Nam Hàn đã luôn bị dẫn dắt bởi chủ nghĩa khu vực vốn hạn hẹp và những quan niệm thiển cận về lợi ích quốc gia. Chính sách đối ngoại của Nam Hàn chủ yếu là nhằm cải thiện quan hệ với Bắc Hàn, điều này đã khiến vai trò của Nam Hàn trong cộng đồng quốc tế có phần giảm sút. Điều quan trọng là, liên minh Mỹ-Hàn đã lung lay vì sự khác biệt giữa hai nước trong chính sách đối với Bắc Hàn.
Ông Yoon Seok-ryul cho biết, Nam Hàn đã không thể thích ứng khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, bởi vậy duy trì thái độ mơ hồ mà không làm rõ lập trường nguyên tắc của mình. Việc Seoul miễn cưỡng đưa ra lập trường cứng rắn đối với các vấn đề Mỹ-Trung đã để lại ấn tượng rằng Nam Hàn đang nghiêng về Trung Quốc và rời xa đồng minh lâu năm của mình là Mỹ.
“Nam Hàn vĩnh viễn không nên bị buộc phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”, Ông Yoon Seok-ryul cho rằng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ nên là trục trung tâm trong chính sách đối ngoại của Nam Hàn. Nam Hàn được hưởng lợi từ trật tự thế giới và khu vực do Mỹ dẫn đầu. Nam Hàn nên tìm kiếm một liên minh chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, và bản chất của hợp tác Mỹ-Hàn cũng nên thích ứng với nhu cầu của thế kỷ 21. Nam Hàn cũng phải điều chỉnh lại mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc.
Ông Yoon Seok-ryul nói: “Trong giai đoạn cực kỳ bất ổn này, phong cách lãnh đạo thụ động, truyền thống mà người Nam Hàn đã quen sẽ không thể dẫn dắt đất nước phát triển trong tương lai”; “Để Nam Hàn trở thành một quốc gia năng động, đổi mới và hấp dẫn, chính phủ phải có tư duy sáng tạo và đưa ra những lựa chọn rõ ràng”.