HRW cáo buộc Việt Nam vi phạm quyền đi lại của giới hoạt động
RFA
2022.02.17
Hình minh hoạ: Công an đứng chặn những người biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội năm 2012 AFP
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch (HRW) tố cáo chính quyền Việt Nam sử dụng các biện pháp trái luật nhằm giam hãm tại gia giới hoạt động xã hội và những người bất đồng chính kiến.
Hôm 17 tháng 2, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế có trụ ở tại Hoa Kỳ tổ chức buổi công bố bản báo cáo tại Thái Lan với tiêu đề “Bị giam tại gia: Sự tước đoạt quyền đi tự đi lại của giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam”.
Báo cáo dài 82 trang trình bày chi tiết điều mà tổ chức này gọi là sự vi phạm “có hệ thống và trên quy mô rộng” đối với quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động.
Cụ thể là các cách thức mà chính quyền Việt Nam áp dụng nhằm giam lỏng, hoặc cản trở việc đi lại của những nhà hoạt động nhân quyền, hay những người bất đồng chính kiến, cũng như chu kỳ diễn ra của những sự vi phạm quyền tự do đi lại này.
Chuyện những nhà hoạt động xã hội hay giới bất đồng chính kiến bị canh me, hay cản trở khi muốn rời khỏi nhà trước các sự kiện bị cho là nhạy cảm không còn là chuyện hiếm. Những người thường xuyên phải chịu cảnh này vẫn thường đăng tải lên mạng xã hội về tình trạng của họ, thậm chí những người này còn tạo ra thuật ngữ “bánh canh” để chỉ tình trạng mà họ phải chịu.
Tuy nhiên, theo ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, thì đây là lần đầu tiên tình trạng vi phạm quyền tự do đi lại của công dân ở Việt Nam được ghi chép một cách chi tiết và đầy đủ.
Phát biểu trong buổi họp báo công bố báo cáo vào sáng ngày 17 tháng 2 tại Câu lạc bộ Báo chí Thái Lan, ông Phil Robertson nói:
“Đây là những ví dụ minh hoạ rõ nét của hệ thống mang tính đàn áp và đe doạ, khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có chính phủ lạm dụng nhân quyền một cách tồi tệ nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là cách mà chính quyền đe doạ những nhà hoạt động cũng như gia đình của họ, và hòng tìm cách kiểm soát những người này.
Chỉ khi các chiến thuật đe doạ không tỏ ra hiệu quả, thì nhà nước Việt Nam mới dùng đến phương án bắt bớ, khởi tố, và bỏ tù người bất đồng chính kiến.”
Cũng trong buổi họp báo, người đại diện của tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng cho biết hiện có hơn 150 tù nhân chính trị tại Việt Nam. Trong đó có những người đã nhiều lần phải chịu đựng sự giam lỏng, và cản trở đi lại trước khi bị bắt.
Những cách thức phổ biến được chính quyền áp dụng nhằm giam lỏng và cản trở người dân rời khỏi nhà bao gồm cho cảnh sát mặc thường phục canh cửa, đổ keo vào khoá, chặn đường, cấm đường, và thậm chí sử dụng hàng xóm để đe doạ và giám sát người bị nhắm đến.
Ngoài việc ngăn cản người dân rời khỏi nhà, hay còn gọi là giam lỏng, tổ chức Theo dõi Nhân quyền còn cho biết chính quyền Việt Nam áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với hơn 170 nhà hoạt động, bloggers, người bất đồng chính kiến, và thân nhân của họ.
Bình luận về tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung trong thời gian qua, ông Phil Robertson phát biểu:
“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong những năm qua, khi chính quyền Việt Nam lợi dụng việc cộng đồng quốc tế bị đánh lạc hướng bởi đại dịch, rồi ra tay trấn áp những gì còn lại của phong trào đối lập.
Chúng tôi ghi nhận nhiều hơn các trường hợp cấm cản đối với việc đi lại của công dân, nhiều vụ bắt bớ hơn, nhiều phiên toà bỏ túi hơn, và các án tù trở nên nặng nề hơn.
Với việc có hơn 150 tù nhân chính trị đang bị giam giữ trong các nhà tù, nhiều trong số đó đang phải thi hành mức án từ chín cho đến 15 năm tù, Việt Nam có nhiều tù nhân chính trị hơn bất cứ quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á ngoại trừ Myanmar.”
Tuy đối mặt với nhiều hình thức cản trở, đe doạ và trả thù, nhưng theo ông Phil Robertson, những nhà hoạt động nhân quyền và giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam vẫn tỏ ra không sợ hãi.