Covid-19: Hết phong tỏa, không còn tin nhau thì đi cầu cúng
- Song May
- Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn
17 tháng 2 2022
Sài Gòn đã kẹt xe trở lại như thời trước phong tỏa, ra đường chen chúc và ngộp thở bởi khói, ù tai vì tiếng ồn của còi xe và tiếng rao hàng từ loa.
Vào buổi tối ngày thường, giới trẻ và đàn ông mọi lứa tuổi ngồi đầy các quán cà phê, vây kín các xe bán rong đồ ăn thức uống trong các con hẻm… Còn cuối tuần thì dân nhậu bu kín các quán hải sản xung quanh bờ kè kênh Nhiêu Lộc. Điều khác biệt là dù ban ngày hay ban đêm, ai cũng thủ sẵn cái khẩu trang che hai phần ba gương mặt, kể cả bọn trẻ con.
Tuy nhiên, hầu như chả ai còn sợ con Covid, bất kể biến chủng Omicron đang làm mưa làm gió ở châu Âu và Mỹ. Chỉ có điều khác biệt là khá nhiều người bắt đầu đi chích ngừa bệnh cúm và \”mách nhau\” chích ngừa vaccine phế cầu Prevenar 13, khiến hai loại vaccine này có lúc khan hiếm, hết sạch.
Chích ngừa cho trẻ 5 – 11 tuổi, Bộ Y tế nói hơn 60% phụ huynh đồng ý, dân bảo sai
Ngày 9/2, Bộ Y tế công bố hơn 60% phụ huynh có con dưới 12 tuổi đồng ý chích ngừa vaccine cho trẻ. Thật nực cười khi đưa thông tin này, báo mạng VnExpress công bố luôn thăm dò của mình với kết quả ngược lại: 68% phụ huynh không đồng ý chích ngừa cho trẻ từ năm 5 tuổi.
Trên group Giúp nhau mùa dịch khi bàn về số liệu của Bộ Y tế, nhiều người chửi thẳng: \”Không tin đâu, quá điêu ngoa xảo trá. Giờ dám nói có 1,9 % không đồng ý. Khinh bỉ\”; \”Tui cũng khinh bỉ kiểu đổi trắng thay đen. Khảo sát của VnExpress còn chình ình ra đó mà không biết Bộ lấy từ đâu\”; \”Một đống Bộ vô đếm lịch rồi mà vẫn đưa thông tin dối trá, tiêm test bất chấp chạy theo thành tích. Giải tán hết đám đầu bã đậu này đi cho xong\”…
Lại thêm một lần người dân mất lòng tin vào ngành y tế, sau vụ lùm xùm Việt Á mà nay có vẻ đã \”chìm xuồng\”.
Các bác sĩ nổi tiếng thời phong tỏa như bác sĩ Võ Xuân Sơn, Trương Hữu Khanh và Phan Xuân Trung đều nói KHÔNG chích ngừa cho trẻ từ năm tuổi vì trẻ em sức đề kháng mạnh nếu có nhiễm Covid cũng mau hết.
Trên BBC Tiếng Việt, lời khuyên của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc cho rằng nên chích ngừa vaccine cho trẻ từ năm tuổi đã khiến nhiều người nghi ngờ sự khách quan của ông Tuấn và cho rằng ông nên chích ngừa cho con cháu mình trước để làm gương.
Ngày 11/2, tổ trưởng chỗ tôi ở (thuộc quận nội đô) thông báo ai có con cháu từ 5 – 11 tuổi thì đăng ký chích ngừa vaccine – không ép buộc, thì chỉ có số ít phụ huynh đồng ý. Một bà mẹ trẻ có con 5 tuổi nói với tôi: \”Nhà con người lớn ai cũng chích đủ ba mũi rồi nhưng con không cho cháu chích vaccine đâu, vì bệnh này chỉ đáng sợ với người lớn.\”
Người mẹ trẻ này cũng không cho con trở lại trường ngày 14/2 giống các bạn vì sợ con nhiễm bệnh và bị ngoáy mũi test. Từ lúc trường đóng cửa đến nay đã gần một năm, cô khám phá việc cho con học online ở nhà với các bộ môn tự chọn, đứa nhỏ học vẫn tốt mà lại khỏe mạnh hơn, không bị sổ mũi nhiều như trước, mặt khác lại tiết kiệm được chi phí.
Rằm tháng Giêng, nhà nhà lên chùa cầu an và cúng sao giải hạn
Rằm tháng Giêng hay Tết Thượng nguyên (Lễ Nguyên tiêu) ở Sài Gòn trước chỉ có ý nghĩa với người Hoa Chợ Lớn và những phật tử siêng đi chùa thường ăn chay mùng một và 15 âm lịch hằng tháng, nay đã phổ biến với cộng đồng Việt, đặc biệt là dân gốc Bắc sau 1975 sống ở miền Nam, trong đó có không ít người vốn là cán bộ, quan chức nay về hưu hoặc đang tại chức.
Không chỉ bày biện mâm cúng ở nhà riêng, không ít công sở thuộc Thành ủy và UBND thành phố cũng sửa soạn lễ vật dâng cúng rằm tháng Giêng, dù văn bản nhà nước cấm thờ cúng. Báo nhà nước cũng đua nhau tư vấn cho độc giả cách bày biện mâm cúng rằm gồm lễ vật gì, chọn giờ ra sao và kiêng cữ điều gì. Bắt thời cơ, dịch vụ cung ứng mâm cúng rằm tháng Giêng đua nhau nở rộ, từ hơn 1 triệu đến hơn 3 triệu đồng, với lượng khách đông hơn năm ngoái.
Từ mùng 1 Tết các chùa và đình miếu ở Sài Gòn đều đông nghẹt người, bất chấp việc giữ khoảng cách. Nhiều người còn nguyện đi đủ 10 chùa hết rằm tháng Giêng. Rất nhiều gia đình không có thói quen đến chùa thường xuyên cũng đến chùa ngày Tết và dịp rằm tháng Giêng để cầu an, xin lộc, cúng sao giải hạn, phóng sinh, đốt vàng mã. Lạ một điều là việc cúng sao giải hạn, phóng sinh và đốt vàng mã bất nhất trong niềm tin của người theo đạo Phật. Có vị sư giảng đây là ba việc mà đạo Phật không chủ trương nhưng nhiều chùa vẫn duy trì tập tục này, còn người dân thì tin \”có kiêng có lành\”.
Thử đến chùa Ngọc Hoàng, Quận 1 chiều ngày 12/2, tức 12 tháng Giêng âm lịch, mới thấy nam thanh nữ tú nườm nượp, người trẻ đông hơn người già. Ngoài sân lẫn trong chùa đều đặt rất nhiều tượng, và tượng nào cũng có người vái và cầu khấn. Chùa cấm phật tử mang nhang vào chùa mà chỉ cho đốt mỗi người một cây ngoài sân, còn các gian trong chùa cho đốt nến.
Mỗi gian tiền điện – trung điện và chánh điện của chùa Ngọc Hoàng đều có đặt thùng cúng dường (bằng sắt và có khóa), kiểu tùy hỷ (không ép buộc) nhưng lại có dòng dặn dò: \”Tiền cúng dường xin trực tiếp bỏ vào thùng. Không để bên ngoài hoặc đưa ai đó\”.
Chợt nhớ đến thùng cúng dường ở một chùa nổi tiếng quận Tân Bình – một cái két sắt có khóa số – có sợi xích sắt ràng vào cột giữa chánh điện. Tôi nhớ lời cha tôi từng kể mấy năm trước ở chùa Hoằng Pháp – ngôi chùa nổi tiếng vùng ngoại ô Saigon – có một ông sư ôm cái thùng cúng dường bỏ trốn.
Người dân đi chùa ở miền nam không có thói quen dán tiền lên tượng Phật như ở phía bắc nhưng tiền cúng dường cũng không hề thua kém, tiêu biểu là hiện có nhiều chùa ở Sài Gòn sắm xe hơi cho thầy trụ trì, tiền cúng dường gửi ngân hàng và các kênh đầu tư, thỉnh thoảng lại rộ lên chuyện các sư thưa kiện nhau vì thất thoát tiền.
Chùa Ngọc Hoàng ngày nay không còn thuộc cộng đồng người Hoa Chợ Lớn mà đã thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sư trụ trì chùa được giáo hội này bổ nhiệm.
Không tin nhau thì tin Trời cũng tốt
Niềm tin của con người đặt vào thần linh (bất kể là ai) cũng tốt, vì giúp con người hướng thiện, tránh xa điều ác. Nhưng ở Việt Nam, điều kỳ lạ là niềm tin đó hiện xuất hiện một cách \”quá đà\”, khi từ lâu cả xã hội không có sẵn nền tảng tôn giáo – trừ số dân theo đạo Công giáo luôn trung thành với các tín điều của họ bất chấp sự thay đổi thể chế.
Điều nghịch lý là sau 1975 với chủ trương vô thần của Đảng Cộng sản, nhiều người theo đạo Phật thường không xưng danh phật tử và tuyệt đối không có cúng kiến trong các công sở, nhưng hơn 10 năm nay, đi chùa và ăn chay niệm Phật, xưng tên pháp danh…đã trở thành xu hướng mới của giới trẻ và âm thầm lan rộng trong giới cán bộ, công chức, kể cả doanh nhân khối công ty nhà nước.
Nhiều công sở và công ty thuộc doanh nghiệp nhà nước không chỉ có bàn thờ ông địa dâng hương mỗi ngày mà mỗi khi rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy đều tổ chức cúng lớn. Khi hình ảnh các ông lớn bái vọng ở các điểm hành hương Phật ở nước ngoài trôi nổi trên mạng và việc nhà nước cho phép xây dựng các ngôi chùa lớn ở miền bắc – với không ít tai tiếng về chuyện cầu siêu, giải vong, cúng dường… của các ông \”sư quốc doanh\” thì Phật giáo hiện có vẻ được xem là quốc giáo của Việt Nam.
Một mặt, niềm tin vào tôn giáo thể hiện nỗi bất an của người Việt khi họ không có niềm tin vào chính quyền và sự bất định của các chính sách – rõ nhất là chính sách về đại dịch vừa qua. Người dân cần có chỗ dựa để hy vọng và sống tiếp. Mặt khác, niềm tin vào tôn giáo cũng thể hiện sự nghi ngờ lẫn nhau của người Việt: khi các sư còn không tin nhau (tiêu biểu như việc quản lý tiền cúng dường và bất nhất trong việc truyền giảng đạo Phật) và các quan chức chung một đảng cũng thiếu niềm tin vào nhau.
Ở thời buổi mà hôm nay nhà nước vinh danh, tặng bằng khen, ngày mai đã kết tội như Việt Á; hoặc hôm nay còn tại chức, tiền hô hậu ủng, ngày mai đã phải đứng trước vành móng ngựa cầu xin tha tội vì từng \”có công với cách mạng\” hoặc bị bệnh hiểm nghèo (lẫn tâm thần)… như rất nhiều quan chức thì giữa họ với nhau và giữa họ với dân làm sao có niềm tin?
Tuy nhiên, theo cá nhân tôi thì niềm tin vào thần linh ở Việt Nam dường như chỉ là vỏ bề ngoài, không có thực tâm. Bởi sau một năm tang thương vì đại dịch ở miền Nam lẫn miền Bắc, trong sáu ngày Tết vừa qua vẫn có gần 3.000 người phải cấp cứu vì đánh nhau, trong đó gần 200 người tử vong, theo báo chí nhà nước.
Thói quen nhậu nhẹt, tính hơn thua và hiếu chiến của người Việt có phải là nguyên nhân? Đọc thông tin này bạn cười hay vừa cười vừa khóc?
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của Song May, hiện sống tại TP Sài Gòn.