Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu công du Việt Nam
17/02/2022
Hôm 17/2, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans đã tới Hà Nội bắt đầu chuyến công ba ngày du đến Việt Nam.
Mục đích của chuyến đi là để thảo luận các bước cụ thể tiếp theo sau Hội nghị khí hậu COP-26 với Chính phủ Việt Nam, nhằm thúc đẩy một chương trình phát triển xanh tại Việt Nam, trang tin của cơ quan đại diện ngoại giao Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết.
Trong chuyến thăm, Phó Chủ tịch Timmermans dự định sẽ có những cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam để trao đổi các tiềm năng hợp tác giữa EU và Việt Nam hướng tới mục tiêu đạt lượng khí phát thải bằng 0 vào năm 2050, chuyển dịch không sử dụng điện than từ những năm 2040, thực hiện Cam kết Methane Toàn cầu, chấm dứt và khắc phục tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, thông cáo của EU cho biết.
Ông Timmermans sẽ có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ông sẽ gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đồng thời đến thăm một dự án nông nghiệp hữu cơ do các quỹ của EU tài trợ.
Ông Timmermans cũng sẽ đến thăm tàu điện ngầm Hà Nội, một dự án giao thông bền vững do EU hỗ trợ, và thăm tập đoàn sản xuất xe điện và xe buýt VinFast.
Không rõ liệu ông Timmermans có nêu vấn đề nhân quyền với giới lãnh đạo Việt Nam trong chuyến công du này hay không, vấn đề mà EU thường xuyên lên tiếng.
Vào tháng 12/2021 sau khi các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, và Đỗ Nam Trung bị chính quyền kết án tù, EU lên án việc xét xử này, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ tùy tiện và bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho mọi cá nhân.
EU nói rằng sẽ “tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam, và làm việc với các cơ quan chức năng nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam”.
Trước đó, vào tháng 1/2021, Nghị viện Châu Âu thông qua ba nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện các nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn cùng tất cả những người khác bị giam cầm và kết án chỉ vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận.
Vào tháng 4/2019, một nhóm gồm 21 tổ chức nhân quyền quốc tế và Việt Nam đã viết thư cho các quan chức hàng đầu của EU, bao gồm cả ông Timmermans, để kêu gọi liên minh này gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển.
Các tổ chức cũng đề nghị EU kêu gọi Việt Nam chấm dứt bạo lực và trả thù nhằm vào các nhà bảo vệ nhân quyền, và thể hiện cam kết cải thiện hồ sơ về nhân quyền của mình.