Liên Hiệp Châu Âu vẫn loay hoay với các công cụ chế tài thành viên ngang ngược

Liên Hiệp Châu Âu vẫn loay hoay với các công cụ chế tài thành viên ngang ngược

Đăng ngày: 17/02/2022

Anh Vũ

Hôm qua, 16/02/2022, tư pháp Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua một cơ chế chưa từng có, từ giờ trở đi cho phép Ủy Ban Châu Âu đình chỉ cấp nguồn tài trợ của Liên Hiệp cho các quốc gia thành viên không tôn trọng các giá trị chung của EU và Nhà nước pháp quyền. Hungary và Ba Lan là hai đối tượng điều chỉnh chủ yếu của công cụ chế tài mới này, được đánh giá như là một thắng lợi của Bruxelles.

Mặc dù Hungary và Ba Lan liên tục có những vi phạm luật lệ chung, Liên Hiệp Châu Âu cho đến giờ vẫn có không nhiều các công cụ tin cậy để bắt phạt hai thành viên, khiến cho nhiều khi dư luận cảm thấy Liên Âu bất lực. EU vừa bổ sung thêm vào kho công cụ tư pháp mới để giám sát hay chế tài các thành viên đi ngược lại những giá trị chung của Liên Hiệp, nhưng câu hỏi được nhiều nhà quan sát đặt ra là liệu vũ khí mới đánh trực tiếp vào lợi ích tài chính này có đủ sức răn đe ?

Căng thẳng giữa Liên Hiệp Châu Âu với Hungary và Ba lan đã nảy sinh từ ít nhất 5 năm nay. Từ đó đến nay hai quốc gia này vẫn trong đại gia đình châu Âu, được hưởng đầy đủ quyền lợi từ Liên Hiệp. Các định chế của châu Âu đã không ít lần cảnh cáo, đe dọa nhưng trừng phạt cụ thể thì chưa bao giờ có.

Bản thân điều 7 của hiệp ước Liên Hiệp quy định trừng phạt một quốc gia thành viên vi phạm luật chung : Đó là nếu một thành viên vi phạm các giá trị của Liên Hiệp sẽ bị treo quyền không được tham gia nhiều cuộc đàm phán của EU. Ủy Ban Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu, vào năm 2017 và 2018 đã khởi động thủ tục này với Ba Lan và Hungary, nhưng đến giờ vẫn không có hiệu quả nào. Để đi đến việc đình chỉ các quyền của một quốc gia thành viên, thủ tục phải được các định chế lớn của châu Âu thông qua nhiều lần và phải có sự nhất trí toàn bộ. Thống nhất lại dường như là điều không thể đối với châu Âu trong nhiều vấn đề.

Một vấn đề khác được đặt ra là tính hiệu quả của tư pháp châu Âu. Nếu Budapest và Vacxava vi phạm luật pháp châu Âu, thì họ phải chịu hệ quả pháp lý. Thí dụ, Ba Lan đã bị Tòa Án Công Lý Châu Âu (CJUE) hồi tháng 10 năm 2021 tuyên phạt khoản tiền kỷ lục, một triệu euro mỗi ngày, chừng nào còn chưa hủy cải cách tư pháp, bị đánh giá là không phù hợp với hệ thống luật pháp châu Âu. Đến giờ việc « thi hành án » này chưa hề được thực hiện.

Ngoài điều 7 của hiệp ước Liên Hiệp nói ở trên, Bruxelles, đến giờ vẫn có ít phương tiện gây áp lực với một quốc gia thành viên. Ông Christian Lequesne, giáo sư của trường Khoa học Chính trị (Sciences Po) và chuyên gia về chính trị châu Âu, nhấn mạnh đến một nghịch lý : « Liên Âu có nhiều phương tiện gây sức ép với những nước muốn gia nhập, nhưng một khi đã vào rồi thì các nước này lại có phạm vi hành động thênh thang ».

Để lấp lỗ hổng pháp lý, Liên Hiệp Châu Âu đã cho triển khai thêm công cụ mới là cơ chế phong tỏa nguồn tài trợ từ ngân quỹ châu Âu trong trường hợp vi phạm nguyên lý Nhà nước pháp quyền. Các nguồn tài trợ từ ngân quỹ châu Âu chiếm một phần không nhỏ trong GDP của Ba Lan và Hungary. Mới đây, Ủy Ban Châu Âu cho biết có thể sẽ khấu trừ trực tiếp tiền phạt Ba Lan hồi cuối năm ngoái vào các khoản tài trợ cho nước này.

Theo nhiều chuyên gia, nếu những phản ứng của các định chế châu Âu cho đến giờ vẫn còn hạn chế là bởi vị các quyết định quá dữ dội có nguy cơ phản tác dụng, gây rạn nứt chính trị hay làm sói mòn tình cảm của dân chúng ở những nước bị phạt đối với Liên Hiệp Châu Âu. Ba La hôm qua đã lên tiếng tố cáo quyết định của tư pháp châu Âu là « tấn công vào chủ quyền » và kêu gọi người dân đoàn kết để bảo vệ quyền tự quyết của mình. 

Ủy Ban Châu Âu dường như không tỏ ra vội vã tiến hành phạt Hungary và Ba Lan. Các cơ quan của Ủy Ban hôm 16/02, đã cho biết phải cần « nhiều tuần » để phân tích quyết định của Tòa Án Công Lý Châu Âu và đưa ra những « đường hướng chỉ đạo » của cơ chế, tức là cách thức cụ thể áp dụng cơ chế. Hay nói cách khác vẫn còn điều phải cân nhắc.   

Bài Liên Quan

Leave a Comment