Lính đánh thuê Wagner đến Mali làm sống lại quan hệ xưa cũ giữa Nga và châu Phi ?
Đăng ngày: 17/02/2022
Minh Anh
Pháp cùng với các đối tác châu Âu, Canada, ngày 17/02/2022, thông báo rút các lực lượng Barkhane và Takuba chống thánh chiến, chấm dứt 8 năm hiện diện của Pháp ở Mali. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Bamako và Paris xuống cấp nghiêm trọng đến mức đầu tháng 2/2022, tập đoàn quân sự quyết định trục xuất đại sứ Pháp Joel Mayer khỏi Mali. Cùng lúc, giới tướng lĩnh ở Bamako đón tiếp một đồng minh mới : Những thành viên của tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga.
Trong vòng chưa đầy một năm, Mali – cựu thuộc địa của Pháp, và từng cầu viện Pháp đến hỗ trợ chống thánh chiến năm 2013 – có đến hai cuộc đảo chính : Tháng 8/2020 và tháng 5/2021. Bị Pháp và các nước láng giềng chỉ trích do quyết định hoãn tổ chức bầu cử, tập đoàn quân sự Mali tìm cách xích lại gần Nga. Một cơ hội cho Matxcơva tăng cường các mối quan hệ với Bamako, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, mà bằng chứng rõ nét là việc triển khai lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga và các cuộc đối đầu của nhóm này với các phe thánh chiến ở Mali.
Xóa nợ, bán vũ khí : Đòn bẩy gây ảnh hưởng của Nga
Jean-Baptiste Ronzon, cố vấn về chính sách công, trong một bản ghi chú đăng trên trang mạng của Quỹ Jean Jaurès, nhận định, chiến dịch can thiệp của Wagner minh chứng cho sự trở lại của Nga tại Mali và rộng hơn nữa là ở châu Phi.
Sau một thời gian tạm ngưng khi Liên Xô sụp đổ, ảnh hưởng của Nga đối với châu Phi tăng mạnh trở lại từ cuối những năm 2000, chủ yếu là trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật – quân sự. Nga sử dụng chính sách xóa nợ và bán vũ khí như là những công cụ ngoại giao chính để gây ảnh hưởng, bắt đầu từ Algeri (2006), Libya (2008) rồi Ai Cập (2014)… Nhà nghiên cứu Thierry Vircoulon, Trung tâm châu Phi hạ Sahara, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) trên đài France Culture ngày 04/06/2021 đưa ra nhận xét như sau :
« Rõ ràng là có một mạng lưới gây ảnh hưởng được kích hoạt. Đây là một chiến lược rất quyết liệt của Nga không chỉ ở Mali mà trên toàn lục địa châu Phi cũng như là nhiều nước khác trên thế giới. Những gì mà chúng tôi nhận thấy chính là Nga do chỉ là một cường quốc quân sự, nên phần lớn các mạng lưới ảnh hưởng này ở châu Phi và cũng có thể ở những nơi khác, đều có liên quan đến giới sản xuất vũ khí và cung cấp vũ khí. Bởi vì Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho châu Phi và do vậy, thường xuyên thông qua những mạng lưới này mà ảnh hưởng của Nga được hiện rõ. »
Quả thật, trong suốt giai đoạn 2014-2019, thị phần vũ khí Nga ở châu Phi chiếm đến 49%, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh khác như Mỹ (14%), Trung Quốc (13%) và Pháp (6,1%), theo số liệu được công bố ngày 04/01/2022.
Nga trở lại châu Phi không chỉ giới hạn ở việc hủy nợ và bán vũ khí. Ông Jean-Baptiste Ronzon nhắc lại, năm 2018, trao đổi mậu dịch giữa Nga và châu lục đen này đã đạt mức 20 tỷ đô la (tăng 17,2% so với năm 2017). Các khoản đầu tư của Nga là 5 tỷ đô la (đương nhiên vẫn còn quá ít so với mức 130 tỷ đô la mỗi năm từ Trung Quốc), tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực hạt nhân, khai thác khoáng sản, dầu hỏa và khí đốt…
Những mối liên hệ này càng được củng cố sau cuộc họp thượng đỉnh Nga – châu Phi đầu tiên ở Sotchi tháng 10/2019, với sự tham dự của khoảng 30 lãnh đạo nhà nước, hơn 90 thỏa thuận, hợp đồng được ký kết…, với tổng trị giá ước tính đến 1.400 tỷ rúp. Điều này đã đáp ứng được mục tiêu do Nga ấn định : Tăng gấp đôi lượng trao đổi mậu dịch với châu Phi từ đây đến năm 2024, biến Nga thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Pháp.
Nga – Mali : Một mối quan hệ đã có từ lâu
Nhưng tại châu Phi, Nga đã có một mối quan hệ đặc biệt lâu đời và chặt chẽ với Mali khi chế độ thực dân chấm dứt, Mali giành được độc lập năm 1961. Việc tổng thống Mali lúc bấy giờ là Modibo Keïta chủ trương « không liên kết » mở đường cho Nga và Mali thắt chặt các mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa và quân sự.
Trong chương trình phát thanh này 04/06/2021 của France Culture, chuyên gia Serge Michailof, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) nhắc lại hợp tác quân sự giữa Nga và Mali còn mở rộng sang cả đào tạo và trang bị vũ khí.
« Nên biết rằng trong quá khứ, Pháp bảo đảm việc đào tạo cho phần lớn sĩ quan châu Phi, nhưng rồi các chương trình này đã bị ngưng lại và bị thu hẹp lại trong những năm 1990. Tuy nhiên, một số người nhiều quyền lực như đại tá Camara từng được đại tá Goïta bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc Phòng được đào tạo hoàn toàn ở Nga. Tương tự, quyền tổng thống (năm 2021) Ba N’Daou cũng là phi công trực thăng Nga. Ở đây, người ta có cả một thế hệ sĩ quan Mali dường như đã được đào tạo ở Nga và đương nhiên là họ bị Nga thu hút. »
Rồi Liên Xô sụp đổ, đặt dấu chấm hết cho chiến lược gây ảnh hưởng của Nga tại châu Phi, và nhất là ở Mali trong những năm 1990. Nga phải mất đến 10 năm để tái thiết lại các mối quan hệ với châu lục đen này một khi giai đoạn khôi phục chính trị và các định chế ở Nga hoàn thành.
Với cái nhìn thực dụng, Matxcơva tận dụng những khoảng trống do Mỹ và Pháp để lại nhằm mở rộng dần không gian ảnh hưởng. Việc Nga không áp dụng những đòi hỏi về dân chủ, nhân quyền cũng như không phải chịu áp lực từ xã hội dân sự Nga trong hoạt động bán vũ khí cho phép Matxcơva mở rộng các quan hệ đối tác với châu Phi và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, cạnh tranh dễ dàng với nhiều đối tác khác tại châu lục.
Wagner đến Mali : Chống khủng bố hay buôn vũ khí ?
Trong cuộc tái chinh phục này, Nga có trong tay một lá chủ bài ngoại giao quân sự hiệu nghiệm : Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, được Nga « chào hàng » ở khắp châu lục như là một đội quân dày dạn kinh nghiệm chống khủng bố. Đây chính là một đội quân tiền trạm cho điện Kremlin, mở đường hành động cho ngành ngoại giao Nga tiếp theo. Chiến thuật « chào hàng » này được Nga áp dụng một cách bài bản tại Su-đăng, hay Mozambic, theo như quan sát của Thierry Vircoulon, viện IFRI.
« Quả thật tại Mali, người ta thấy lính đánh thuê của Wagner đến trước tiên, sau đó mới là ngoại giao Nga. Nếu chúng ta nhìn những gì diễn ra ở Trung Phi, đúng là Wagner đã đặt chân đến đấy từ năm 2018, và bây giờ thì có hẳn một văn phòng quân sự trong đại sứ quán Nga ở Bangui, do các viên chức cao cấp Nga lãnh đạo, cho phép kích hoạt một sự năng động về hợp tác quân sự ở cấp nhà nước. Điều này chỉ có được sau hai năm Wagner hiện diện và làm việc với các lực lượng vũ trang của Trung Phi ».
Tuy nhiên, ông Serge Michailof lưu ý, việc Nga có thể thay thế Pháp ở Mali chưa hẳn nhằm mục tiêu giúp Bamako bình ổn an ninh, và thực sự chống khủng bố như tuyên truyền của Nga. Tập đoàn quân sự Mali tiến hành 2 cuộc đảo chính và thắt chặt hợp tác với Wagner còn nhằm mục tiêu khác : Kiểm soát các thị trường vũ khí đặc biệt hấp dẫn. Chuyên gia Michailof giải thích thêm :
« Tôi nghĩ rằng Nga có lẽ không có cùng một tham vọng như Pháp ở Mali. Họ không có tham vọng ổn định đến như thế. Tôi cho rằng Wagner chỉ bảo đảm an ninh cho các thành phố lớn, bảo đảm an toàn cho các mỏ vàng, bởi vì điều này mới thật sự có lợi hơn. Nhóm Wagner còn dùng bữa tối với Iyad Ag Ghali (kẻ thù số một của Pháp) ở phía bắc Mali và để cho người này thành lập một tiểu vương quốc nhỏ để kiểm soát người di cư, kiểm soát tuyến giao thông xuyên Sahara.
Rồi Wagner có thể hạ gục hoặc dùng bữa với Amadou Koufa (một thủ lãnh thánh chiến, một nhánh Al-Qaida) ở miền trung Mali. Tôi nghĩ rằng Wagner có những thỏa thuận cho phép họ khai thác khoáng sản của Mali. Tiếp đến sự có mặt của quân đội Nga cũng có thể gây bất ổn cho sự hiện diện của quân đội Pháp ở Tây Phi. Ở mức độ biểu tượng, điều đó có ý nghĩa lớn nên tôi cho rằng quân đội Nga có thể can dự trong trường hợp cần thiết. »
Tại châu Phi : Trung Quốc vung tiền, Nga tung binh sĩ
Trong cuộc tái chinh phục châu Phi và nhất là ở Mali, người ta không thể nào không kể đến vai trò của truyền thông. Nga xây dựng hẳn một chiến lược gây ảnh hưởng thông tin đại chúng tại châu Phi thông qua hai kênh truyền thông chính là Russia Today (RT) và Sputnik.
Nhà cố vấn Jean-Baptiste Ronzon cho biết có đến hơn 620 trang mạng thông tin ở châu Phi dùng các bài viết của RT hay Sputnik như là những « nguồn thông tin bình thường ». Hai hãng thông tin này thậm chí còn mở cả các cơ sở đào tạo cho các nhà báo châu Phi : RT School và SputnikPro. Ảnh hưởng về thông tin đặc biệt mạnh mẽ ở Mali. Quốc gia này đứng đầu bảng nhóm 10 nước châu Phi nói tiếng Pháp tham khảo các trang mạng RT và Sputnik nhiều nhất.
Đương nhiên trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi giờ còn phải tính đến yếu tố Trung Quốc. Với nguồn tài chính dồi dào, đầu tư của Bắc Kinh hầu như trải khắp châu lục đen, Matxcơva với nguồn lực tài chính hạn hẹp khó thể cạnh tranh với Trung Quốc trên bình diện kinh tế. Nhưng ông Serge Michailof cho rằng đây có thể còn là một giải pháp cho nhiều chính phủ, theo đó châu Phi có thể lao vào một « cuộc phiêu lưu cùng với sự dồi dào tài chính của Trung Quốc và những năng lực quân sự của Nga ».
Thế nên, theo quan điểm của Thierry Vircoulon, cho dù có hàng chục quốc gia châu Phi ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế với Nga tại Sotchi, cho đến lúc này, những thỏa thuận đó vẫn chỉ là trên giấy tờ. Mục tiêu quân sự mới thật sự là đích ngắm sau cùng của Nga tại châu Phi.
« Có khả năng là các thỏa thuận quân sự vẫn còn trên giấy tờ nhưng Nga có một mục tiêu và đây sẽ là một thắng lợi có tính biểu tượng : Đó là mở một căn cứ quân sự tại châu Phi. Đây thật sự là mục tiêu mà Nga đang tìm cách đạt được. Bởi vì hồi năm 2020, chính quyền Matxcơva đã ký một thỏa thuận với Su-đăng tạo thuận lợi cho Hải Quân Nga sử dụng một cảng lớn nhìn ra biển Hồng Hải. Điều này rất quan trọng đối với Nga vì họ muốn có được lối đi vào Biển Đỏ. Nhưng Nga cũng hiện đang tìm cách mở một căn cứ quân sự trên đất liền tại châu Phi. »
Từ toàn cảnh trên, chuyên gia cố vấn Jean-Baptiste Ronzon, Quỹ Jean Jaurès đưa ra một số kết luận : Sự can dự của Nga ngày nay tại Mali có lẽ nằm một chiến lược tái kích hoạt một mối liên hệ lịch sử đã có với các nước châu Phi, bị biến mất vào thời điểm Liên Xô tan rã. Nga trở lại trường địa chính trị châu Phi từ năm 2000, điều này nằm trong một lo-gic rộng hơn : Khẳng định sức mạnh của Nga trong những vùng địa lý gần (Gruzia, Ukraina, Kazakhstan) hay xa hơn tại những vùng được đánh giá là mang tính chiến lược (chủ yếu là ở Trung Đông và châu Phi).