Ukraina, trọng tâm Hội nghị an ninh Munich
Đăng ngày: 18/02/2022
Thanh Hà
Hội nghị an ninh quốc tế thường niên khai mạc tại Munich, miền nam nước Đức, mở ra trong ba ngày từ 18 đến 20/02/2022. Mọi chú ý tập trung vào hồ sơ Ukraina.
Phái đoàn Mỹ do phó tổng thống Kamala Harris dẫn đầu. Trong khi đó, khác với thường lệ, ngoại trưởng Nga, Lavrov không đến dự Hội nghị an ninh Munich nhưng ông sẽ gặp đồng nhiệm Hoa Kỳ, Blinken vào tuần tới. Hãng tin Tass của Nga tiết lộ chiều nay, bộ trưởng Quốc Phòng Nga và Mỹ sẽ có một cuộc điện đàm về tình hình Ukraina.
Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu đứng đầu là Pháp và Đức nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để tháo gỡ bế tắc, thì hôm qua, 17/02, giao tranh tại hai thành phố Stalitsa và Lugansk đã xảy ra. Đây là nơi từ năm 2014 lực lượng chính quy của Kiev liên tục đương đầu với phe nổi dậy vũ trang thân Nga đòi độc lập.
Dấu hiệu Matxcơva thị uy
Theo phân tích của thông tín viên đài RFI Anissa El Jabri tại Matxcơva, căng thẳng tại miền đông Ukraina có thể là dấu hiệu Nga thị uy, trước kh bước vào các cuộc đàm phán :
« Lực lượng của cả hai phía (quân đội Ukraina và phe đòi ky khai), được đặt trong tình trạng báo động. Theo nhiều nguồn tin, súng đã nổ, đạn pháo, đại bác đã vang lên tại khoảng 20 điểm khác nhau, kể cả trong một khu trường học ở ngoại ô Lugansk, nơi vẫn do chính quyền Kiev vẫn kiểm soát. Kênh liên lạc giữa Ukraina và các vùng đòi ky khai thân Nga hôm qua đã liên tục hoạt động. Mỗi bên cáo buộc đối phương gây hấn và có thể châm ngòi làm dấy lên xung đột ở Donbass.
Mọi người đều ý thức được rằng, đây sẽ là cái cớ để Nga biện minh cho một chiến dịch can thiệp quân sự vào Ukraina. Một số khác thì nhấn mạnh các sự cố dồn dập diễn ra như trên thường là dấu hiệu báo trước Nga gia tăng áp lực trước các động thái ngoại giao. Đây là cách để Matxcơva tạo thế mạnh trong tương quan lực lượng để đàm phán có lợi hơn. Sau cùng, sáng nay, Nga lại thông báo – lần thứ ba – rút quân khỏi vùng biên giới sát Ukraina, các xe thiết giáp được triển khai trước đó ở gần biên giới Ukraina, các máy bay ném bom đậu tại Crimée, đầu quay lại căn cứ, theo thông cáo của bộ Quốc Phòng.
Tuy nhiên, như thông lệ, bên cạnh tín hiệu này thì Kremlin cũng có thể bắn đi một thông điệp khác, theo hướng trái ngược hẳn. Tổng thống Vladimir Putin hôm nay tiếp đồng nhiệm Belarus, Alexandre Lukachenko. Hôm qua tổng thống Belarus vừa tuyên bố sẵn sàng đón nhận vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ Belarus trong trường hợp cần thiết. Cách nay 30 năm, Minsk đã từ bỏ khả năng này khi Liên Xô tan rã ».
Bên lề cuộc họp, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.
Cũng trong nỗ lực giảm thiểu căng thẳng trên hồ sơ Ukraina, ngày 19/02/2022 ngoại trưởng 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) họp tại Munich. Trong cương vị chủ nhà, ngoại trưởng Đức tuyên bố khối G7 sẵn sàng « đối thoại nghiêm túc » với Nga, « vì an ninh của tất cả các bên », đồng thời kêu gọi Matxcơva đưa ra những tín hiệu cho thấy phía Nga cũng nỗ lực tìm cách hạ nhiệt tình hình.