Khủng hoảng Ukraina : Lãnh đạo Trung Quốc họp kín bàn đối sách ?

Khủng hoảng Ukraina : Lãnh đạo Trung Quốc họp kín bàn đối sách ?

Đăng ngày: 19/02/2022

Trọng Thành

Tối thứ Năm 17/02/2022, đại diện Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An có bài phát biểu phản đối việc « mở rộng khối NATO ». Lập trường nói trên là hoàn toàn khác với chính sách « không can thiệp vào công việc nội bộ » của Bắc Kinh, có từ những năm 1950. Thông báo được đưa ra gần hai tuần sau Tuyên bố chung Nga – Trung, lên án các liên minh quân sự do Hoa Kỳ đứng đầu, NATO ở Bắc Đại Tây Dương và AUKUS ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Truyền thông Hoa Kỳ ghi nhận sự vắng mặt bất thường của 7 lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ cộng sản Trung Quốc trong tuần lễ tiếp theo chuyến công du của tổng thống Nga. Rất có thể đây là thời gian mà giới lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc thảo luận về các chính sách cụ thể nhằm thực thi chủ trương siết chặt quan hệ với Nga, đặc biệt trong khủng hoảng Ukraina. Nhưng ủng hộ Matxcơva, Bắc Kinh ắt hẳn cũng lo ngại nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.  

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :  

« Các ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc đã ở đâu ? Sau cuộc hội kiến giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin hôm 04/02, bảy lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã hoàn toàn biến mất khỏi truyền thông. Đây là điều hiếm khi xảy ra, không có một lãnh đạo nào xuất hiện trên truyền thông Nhà nước trong tuần lễ sau khi tổng thống Nga rời Trung Quốc.

Việc này không hề liên quan đến Thế Vận Hội mùa đông đang diễn ra tại Trung Quốc. Báo Mỹ Wall Street Journal viết : « Bảy thành viên Bộ Chính Trị Trung Quốc, trong đó có chủ tịch Tập Cận Bình, đã thảo luận về cách thức phản ứng với khủng hoảng Nga – Ukraina ». Lý do là Matxcơva đang đặt Bắc Kinh trong thế khó xử, khi buộc đồng minh Trung Quốc phải có lập trường về Ukraina.  

Trong tuyên bố chung Nga – Trung, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố phản đối việc « NATO tiếp tục mở rộng ». Đây là điểu khác hẳn với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đã được Chu Ân Lai xác định năm 1954, dựa trên 5 nguyên tắc « cùng tồn tại hòa bình », trong đó có nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, và không có các hành động gây hấn.  

Giờ đây, Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với Nga, đây là điều mà Bắc Kinh đã muốn tránh, khi Nga sát nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014. Đối với Bắc Kinh, khủng hoảng Ukraina là một phương tiện làm yếu đi « chính sách xoay trục sang châu Á » của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đứng trước nguy cơ hứng chịu các biện pháp trừng phạt thương mại bổ sung, nếu giúp Nga tránh các đòn trừng phạt kinh tế mà Hoa Kỳ dự trù, trong trường hợp Matxcơva đưa quân tấn công Ukraina ».  

Vừa siết chặt quan hệ với Nga, vừa ủng hộ « cơ chế Normandie »

Lập trường đứng hẳn về phía Nga dường như đặt Bắc Kinh vào thế tương đối khó xử. Hiện tại, Bắc Kinh khẳng định sứ quán Trung Quốc tại Kiev vẫn hoạt động bình thường. Trong cuộc điện đàm với tổng thống Pháp trong tuần này, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố : « Một giải pháp chính trị và mang tính toàn cục (cho khủng hoảng Ukraina) chỉ có thể đạt được thông qua các diễn đàn đa phương như kiểu cơ chế Normandie (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraina) ». 

Bài Liên Quan

Leave a Comment