Kính viễn vọng Úc lập bản đồ 3 triệu thiên hà, hi vọng vén màn bí ẩn vũ trụ
Thứ Bảy, 19 Tháng Hai 2022
Các nhà khoa học Úc sử dụng một kính thiên văn ở phía tây Úc hẻo lánh để lập bản đồ 3 triệu thiên hà trong vũ trụ chỉ trong 300 giờ, kỳ vọng vén màn những bí ẩn của vũ trụ.
Kính viễn vọng vô tuyến ASKAP đặt tại Đài quan sát thiên văn Murchison phía tây nước Úc đã quan sát khoảng 83% bầu trời, qua đó lập bản đồ khoảng 3 triệu thiên hà trong thời gian ngắn kỷ lục: 300 giờ.
Theo Cơ quan khoa học Úc (CSIRO) – đơn vị phát triển và vận hành ASKAP – khoảng 1 triệu thiên hà trong số đó chưa từng được nhìn thấy trước đây.
“ASKAP đang ứng dụng những gì mới nhất trong khoa học và công nghệ để giải đáp những câu hỏi lâu đời về bí ẩn của vũ trụ, đồng thời giúp những nhà thiên văn học trên khắp thế giới đạt được bước đột phá để giải quyết thách thức của họ”, giám đốc điều hành CSIRO Larry Marshall cho biết.
Kính ASKAP lập bản đồ vũ trụ với tốc độ và chi tiết chưa từng có. CSIRO nói kết quả này chứng minh một điều rằng việc khảo sát bầu trời có thể được thực hiện trong vài tuần chứ không phải nhiều năm như trước.
Nhà thiên văn học của CSIRO là David McConnell kỳ vọng sẽ tìm thấy hàng chục triệu thiên hà khác trong tương lai.
Để làm được điều này, ASKAP có trường quan sát đặc biệt rộng, cho phép chụp ảnh toàn cảnh bầu trời với mức độ chi tiết cực cao. Nhóm nghiên cứu thiên văn chỉ cần kết hợp 903 hình ảnh để tạo thành bản đồ đầy đủ của bầu trời.
Đây cũng chính là điểm khác biệt của ASKAP với các kính thiên văn lớn khác trên thế giới, theo báo Guardian. Theo đó, các kính thiên văn thông thường cần kết hợp hàng chục ngàn hình ảnh để cho ra ảnh bầu trời tương tự ASKAP.
Sau đó, thiết bị do CSIRO tùy chỉnh xử lý khoảng 13,5 tỉ gigabyte dữ liệu thô do ASKAP thu được. Marshall cho biết số dữ liệu thô được xử lý với tốc độ nhanh hơn toàn bộ lưu lượng truy cập Internet của nước Úc.
Các nhà thiên văn từ giờ có thể thống kê, phân tích các quần thể thiên hà lớn giống như cách các nhà khoa học xã hội sử dụng thông tin từ cuộc điều tra dân số quốc gia.
Kết quả ban đầu được công bố ngày 1-12 trên tập san học thuật Publications of the Astronomical Society of Australia. Người dân cũng có thể tham quan bản đồ ảo trên trang web của CSIRO.
Theo Khoa học