Mali yêu cầu Pháp rút quân ‘‘không chậm trễ’’, Paris phản đối
Đăng ngày: 19/02/2022
Trọng Thành
Một ngày sau khi Pháp thông báo sẽ rút các lực lượng chống khủng bố đồn trú tại Mali, với kế hoạch kéo dài nhiều tháng, chính quyền quân sự Mali hôm qua, 18/02/2022, đã yêu cầu Pháp rút « ngay lập tức ». Paris bác bỏ yêu cầu của Bamako. Liên Hiệp Châu Phi lo ngại việc Pháp rút quân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của lực lượng duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Mali.
Trong bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, người phát ngôn của tập đoàn quân sự, đại tá Abdoulaye Maïga, nhấn mạnh là các lực lượng Barkhane và Takuba của Pháp phải rút ngay lập tức khỏi lãnh thổ Mali, dướt sự giám sát của chính quyền Mali. Phát ngôn viên chính quyền quân sự Mali cũng nói thêm là kết quả của 9 năm can dự tại Mali của Pháp đã không mang lại kết quả mong muốn.
Ngay lập tức Pháp đã bác bỏ đòi hỏi của các tướng lĩnh Mali. Trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh Liên Âu và châu Phi lần thứ 6 tại Bruxelles, tổng thống Emmanuel Macron giải thích : Việc rút quân « phải được tiến hành có trật tự để bảo đảm an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và tất cả các lực lượng quốc tế triển khai tại Mali. Vì sự an toàn của họ, tôi sẽ không nhân nhượng ».
Khoảng 2.400 quân nhân Pháp được triển khai tại Mali trong tổng số 4.600 quân tại vùng Sahel. Riêng việc triệt thoái số lượng binh sĩ này, cùng với việc tháo dỡ căn cứ, di chuyển trang thiết bị, trong đó có hàng trăm xe bọc thép, là một công việc khổng lồ, nguy hiểm. Các lực lượng Pháp ở Mali có nhiệm vụ can thiệp bảo vệ 15.000 lính Mũ Xanh của Liên Hiệp Quốc (Minusma), « trong trường hợp bị đe dọa nghiêm trọng ».
Pháp rút quân, ai sẽ bảo vệ lực lượng lính Mũ Xanh ?
Theo thông báo của Pháp, việc đóng cửa ba căn cứ Gao, Ménaka và Gossi tại Mali sẽ diễn ra trong vòng từ 4 đến 6 tháng. Hiện tại, lực lượng Minusma của Liên Hiệp Quốc đang xem xét tác động của việc Pháp rút quân đối với các hoạt động của lực lượng lính Mũ Xanh.
Chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi, tổng thống Senegal Macky Sall, cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các đơn vị Pháp tại Mali. Chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi đặt câu hỏi : Pháp rút quân, ai sẽ bảo vệ lính Mũ Xanh của Liên Hiệp Quốc ? Bởi Minusma chỉ là « lực lượng gìn giữ hòa bình », mà không có phương tiện, cũng như không có nhiệm vụ chiến đấu.
Minusma được thành lập năm 2013, sau khi bùng phát các cuộc nổi dậy đòi độc lập và thánh chiến năm 2012. Hơn 150 lính Mũ Xanh đã hy sinh kể từ đó. Đây là sứ mạng gây thiệt hại nhân mạng nhiều nhất của lực lượng duy trì hòa bình Liên Hiệp Quốc.