1,828 ngày tra tấn trong nhà tù nữ Trung Quốc
Trong một vụ án oan, một học viên Pháp Luân Công đã bị đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang ở tỉnh cực bắc của Trung Quốc trong năm năm — 1,828 ngày — nơi cô phải chịu đựng sự giày vò tra tấn.
Mùa đông năm 2021, cô Trần Tĩnh (Chen Jing) đã thoát khỏi nhà tù oan sai đó. Cô nói, “1,828 ngày và đêm [đó], từng phút một, từng giây một, từng cảnh tượng một đều in hằn trong tâm trí tôi, vĩnh viễn không thể xóa nhòa.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả thân lẫn tâm truyền thống cổ xưa của Trung Hoa chiểu theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Vì sự phổ biến của môn tu luyện này, nên từ năm 1999, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã tiến hành đàn áp Pháp Luân Công cùng những học viên theo học pháp môn này.
“Là nhân chứng sống trong cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tôi phải ghi nhớ cuộc đàn áp Pháp Luân Công này, và phơi bày nó cho cả thế giới thấy,” cô nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Xuất thân trong một gia đình khá giả ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, cô Trần Tĩnh từng là một cô gái xinh đẹp, thông minh, với thành tích học tập xuất sắc, và vượt trội về mọi mặt. Năm nay cô đã bước sang tuổi 42.
Tuy nhiên, cô Trần đã bị ĐCSTQ nhắm mục tiêu khi còn học đại học vì cô tu luyện Pháp Luân Công. Cô đã bị cảnh sát địa phương quản thúc tại gia, bị bắt nghỉ học, bị dọa đuổi học, rồi sau đó là bị tống giam.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Giai Mộc Tư ở tỉnh Hắc Long Giang trong một năm. Rồi một ngày nọ, công việc của cô bị tước đoạt và cô bị đuổi khỏi bệnh viện chỉ vì đức tin của mình.
Chiều ngày 21/01/2016, hàng chục cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát tỉnh Hắc Long Giang và Sở Công an Giai Mộc Tư đã bắt giữ cô Trần tại nơi ở của cô và đưa cô đến Trung tâm Giam giữ Thành phố Giai Mộc Tư vào ngày hôm sau.
Đó là màn khởi đầu của năm năm thống khổ.
Bị tra tấn trong trại giam và nhà tù
Trong khi bị giam giữ, cô Trần bị còng hai tay ra sau lưng và treo lơ lửng trên không trung và cơ thể cô liên tục bị đập vào tường. Các cai ngục đã rút hết móng tay, lột quần áo và cấu véo hai đầu nhũ hoa của cô, dùng tăm chọc vào mi mắt cô lúc nửa đêm để không cho cô ngủ, dội nước lạnh lên người cô, và bắt cô ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ với băng dính quấn từ đầu đến chân.
Cô bị tra tấn thậm tệ đến mức cô không còn có thể nhấc nổi mình lên và phải nằm liệt giường, không thể tự chăm sóc bản thân trong vòng ba tháng.
Ngày 23/01/2016, cô Trần được đưa từ trại giam Giai Mộc Tư đến Chi cục Ngoại ô của Sở Công an Giai Mộc Tư để thẩm vấn.
Một viên chức nói với các sĩ quan sẽ đánh cô ấy: “Các anh có đánh cô ta đến chết cũng chẳng sao. Đây là lệnh của cấp trên.”
Họ dùng một tấm ga bọc giường trói tay cô lại và vắt đầu bên kia của tấm vải qua một đường ống sưởi cách sàn nhà 9.8 feet (3 mét), kéo cô lên để chân cô không chạm đất. Không lâu sau, cánh tay cô không còn tri giác, đầu cô đau như muốn nổ, còn lồng ngực cảm giác như bị ép chặt không còn không khí, khó thở không chịu nổi. Mồ hôi cô túa ra ướt sũng toàn thân vì cơn đau thống thiết.
Sau đó, một sĩ quan ấn đầu cô xuống, người kia thì nhấc chân cô lên để hai bàn chân cô không chạm đất, toàn thân cô lơ lửng trên không, song song với mặt đất. Họ kéo mạnh chân cô và đẩy thẳng người cô đập vào tường và nói: “Đây gọi là ‘Lái máy bay’”.
Vì bị va đập vào tường nhiều lần, nên cơ thể cô bị bầm dập khắp nơi, và cô bị chấn thương cột sống nghiêm trọng. Một sĩ quan đã bẻ gãy toàn bộ mười ngón tay của cô. Cô bị tra tấn trong nhiều ngày liên tiếp và không thể ngủ được vào ban đêm vì toàn thân đau nhức. Cô cao khoảng 1 mét 65 nhưng cân nặng đã giảm xuống chưa đầy 99 pound (45 kg).
Trên đây là chỉ một mảnh ghép về sự tra tấn mà cô Trần đã phải chịu đựng khi cô bị thẩm vấn.
Ở Nhà tù Nữ Hắc Long Giang, cô còn bị tra tấn thậm tệ hơn nữa, bao gồm liên tục bị cấu véo, xô đẩy, đấm đá, và bị tát vào mặt, bị chọc vào mắt, và bắt mở mắt bằng cách lấy tăm chọc vào mí mắt, bị dội nước, bị véo hai đầu nhũ hoa, và không cho ngủ.
ĐCSTQ đã tra tấn cô Trần với mục đích duy nhất là ép cô từ bỏ đức tin của mình.
“Chỉ cần tôi từ bỏ đức tin của mình, tôi sẽ được trả tự do. Nếu không, tôi sẽ bị kết tội. Vậy điều này chẳng phải có nghĩa là tôi vô tội sao?” cô Trần đã hỏi cảnh sát tại trại giam.
“Đưa ra một phán quyết vi phạm sự thật và luật pháp mà không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào là một tội ác,” cô nói với họ.
Cô Trần đã bị bỏ tù năm năm vì cô từ chối buông bỏ đức tin của mình.
“Ở Trung Quốc, nền tư pháp độc lập về căn bản là không tồn tại,” một luật sư nhân quyền Trung Quốc, người đã chọn ẩn danh vì lý do an toàn, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Vị luật sư này cho hay, “[Biện pháp] ‘chuyển hóa’ của ĐCSTQ có mục đích là cưỡng bức kiểm soát não bộ và làm thay đổi suy nghĩ và niềm tin của con người. Nó vượt xa những gì luật pháp cho phép. Đây là một hành vi tội phạm trái pháp luật, là đàn áp chính trị, là phản nhân loại.”
Theo Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), ngay từ ngày 06/04/2000, ông Lưu Kinh (Liu Jing), cựu giám đốc Phòng 610 của Trung ương ĐCSTQ, đã tuyên bố tại phiên họp thứ 56 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng chính quyền Trung Quốc “đang thực hiện chính sách bảo vệ và giáo dục thuyết phục đối với hầu hết các học viên Pháp Luân Công.”
Phòng 610, được thành lập bởi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân vào ngày 10/06/1999, là một lực lượng cảnh sát đặc nhiệm ngoài pháp luật chịu trách nhiệm xóa sổ môn tu luyện Pháp Luân Công.
Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, các trung tâm giam giữ, trại lao động, và nhà tù đã dùng vô số cách thức tra tấn các học viên Pháp Luân Công để buộc họ từ bỏ đức tin của mình. Cuộc bức hại vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Khiết Tư (Li Jiesi)
Theo Epoch Times