Hội nghị an ninh Munich: Khủng hoảng Ukraina thách thức sự đoàn kết phương Tây
Đăng ngày: 20/02/2022
Thanh Hà
Hội nghị an ninh Munich 2022 với trọng tâm là khủng hoảng Ukraina kết thúc hôm nay 20/02/2022. Phương Tây nhất trí về mối « đe dọa thực sự» trước nguy cơ Nga xâm chiếm Ukraina nhưng bất đồng với phân tích của Mỹ cho rằng chiến tranh đang cận kề và khả năng « Matxcơva tấn công bất cứ lúc nào ».
Phát biểu sau cuộc họp với các đồng nhiệm nhóm G7 bên lề Hội nghị an ninh Munich ngày 19/02, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh trong tình huống khủng hoảng điều tệ hại nhất là « phỏng đoán và tìm cách tiên đoán » những gì sẽ diễn ra. Berlin kêu gọi đề cao cảnh giác trước những « thông tin giả » nhằm thao túng công luận.
Hãng tin Pháp AFP coi đây là động thái của Đức để giữ khoảng cách với Washington sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden quả quyết ông « tin chắc » là Vladimir Putin « đã quyết định » dùng giải pháp quân sự và Nga chuẩn bị xâm chiếm Ukraina trong « một vài ngày sắp tới ».
Lãnh đạo ngoại giao Đức nhắc lại là hiện tại « mối đe dọa là thực » nhưng « không ai biết được » Nga đã quyết định can thiệp quân sự hay chưa. Đến dự hội nghị Munich, tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky có cùng quan điểm khi cho rằng nên tránh rơi vào một sự « hoảng loạn » thái quá và trong hoàn cảnh hiện tại ông « khó có thể đánh giá là cần khai thác thông tin tình báo của Mỹ đến mức độ nào ». Nói cách khác Kiev tỏ ra hết sức thận trọng.
Thông tín viên đài RFI Pascal Thibaut từ Berlin cho biết thêm về không khí căng thẳng tại Hội nghị an ninh Munich lần này :
« Chiến tranh một lần nữa lại đe dọa châu Âu. Trong bài phát biểu, thủ tướng Đức Olaf Scholz như nhiều nhà lãnh đạo khác đã nhấn mạnh đến tình hình nghiêm trọng hiện nay. Trước đó tổng thư ký NATO tuyên bố xung đột là có thực. Không thấy bất kỳ một dấu hiệu nào chứng tỏ Nga đang rút quân.
Mỗi nhà thuyết trình đều nêu bật quan điểm chung về khả năng Nga tấn công. Tương tự như tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris quan niệm là Vladimir Putin có thể dùng bất cứ một cái cớ nào đó để tiến hành chiến dịch quân sự.
Bà Harris đồng thời nêu bật những biện pháp trừng phạt ồ ạt nhắm vào nước Nga nếu nổ ra chiến tranh. Ngoài ra, phó tổng thống Hoa Kỳ quả quyết Nga xâm chiếm Ukraina đương nhiên sẽ củng cố thêm liên minh quân sự NATO tại đông Âu.
Ngoại trưởng Đức trong cương vị chủ nhà tập hợp ngoại trưởng 7 nước công nghiệp phát triển xác nhận phương Tây sẵn sàng đối phó với mọi kịch bản xấu nhất, nhưng tiếp tục hy vọng rằng không một kịch bản nào trong số đó sẽ xảy ra ».