Khủng hoảng Ukraina, thách thức uy tín trong và ngoài nước cho Joe Biden

Khủng hoảng Ukraina, thách thức uy tín trong và ngoài nước cho Joe Biden

Đăng ngày: 21/02/2022

Anh Vũ

Khủng hoảng Ukraina kịch phát vào thời điểm chính quyền Joe Biden đang gặp chồng chất khó khăn ở trong nước và quốc tế. Nhà Trắng theo đuổi lập trường cứng rắn với Nga nhằm lấy lại lòng tin trong nước và uy tín với các đồng minh.  

Trước khi căng thẳng xung quanh hồ sơ Ukraina lên đến cao độ như hiện nay, tổng thống Biden đã gặp nhiều chỉ trích do cuộc rút quân đầy hỗn loạn tại Afghanistan, tiếp sau đó là thỏa thuận Aukus, Mỹ-Anh-Úc, đã gây chia rẽ giữa các đồng minh, làm dấy lên những nghi ngờ về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để tổng thống Biden thể hiện vai trò và khả năng lãnh đạo của Mỹ trong các hồ sơ lớn của thế giới, cụ thể là trong quan hệ với Nga. Có thể nhận thấy, từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraina, chính quyền Biden liên tiếp đưa ra những động thái báo động cao nhất cùng với những phát ngôn đe dọa đáp trả Nga mạnh mẽ. Cho đến giờ cách xử lý khủng hoảng của chính quyền Mỹ có vẻ như không làm suy chuyển những tính toán của tổng thống Nga Vladimir Putin mà đôi khi lại khiến cho Kiev và các đồng minh châu Âu nghi ngại về khả năng của Mỹ chỉ mạnh về lời nói nhưng hành động thì hạn chế.   

Một năm liên tục thất bại của Biden

Giới phân tích chính trị Mỹ nhận thấy trong cách xử lý khủng hoảng Ukraina, chính quyền Joe Biden phải cân nhắc giữa vấn đề đối nội và đối ngoại. Một năm lên lãnh đạo nước Mỹ,  ông Joe Biden liên tiếp gặp các thất bại ở trong nước. Một loạt các cải cách quan trọng bị Quốc Hội chặn lại, lạm phát gia tăng kỷ lục từ 40 năm qua, dịch Covid kéo dài, tinh thần dân chúng thêm suy sụp.  

Đặc biệt, thất bại trong vụ rút quân khỏi Afghanistan đã làm mất uy tín của chủ nhân Nhà Trắng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng Giêng cho thấy 54% người được hỏi không đồng tình với cách hành động của tổng thống trong chính sách đối ngoại, chỉ có 37% là ủng hộ .  

Năm nay, nước Mỹ có kỳ bầu cử Quốc Hội giữa kỳ cực kỳ quan trọng với phần còn lại nhiệm kỳ của ông Joe Biden. Mọi diễn biến và cách xử lý khủng hoảng Ukraina của Nhà Trắng đều có thể sẽ bị đảng Cộng Hòa đưa ra mổ xẻ công kích, rằng ông Biden yếu kém, bất lực, khiến nước Mỹ không còn được thế giới tôn trọng.  

Nếu để xảy ra chiến tranh ở Ukraina, chính quyền Mỹ sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhưng, trừng phạt không chỉ gây thiệt hại cho Nga mà Châu Âu và Hoa Kỳ cũng phải hứng chịu tổn thất kinh tế không nhỏ. Giới quan sát nhiều lần lưu ý,  Nga là nước sản xuất dầu khí lớn của thế giới. Do đó một lượng lớn dầu mỏ có thể sẽ bị gián đoạn trong trường hợp xung đột quân sự hoặc Nga bị Mỹ và các đồng minh trừng phạt. Chưa kể thị trường tài chính sẽ bị đảo lộn gây bất lợi cho kinh tế Mỹ. Điều này đã thấy trong những ngày qua, thị trường chứng khoán Mỹ lên xuống theo dấu hiệu căng thẳng ở biên giới Nga – Ukraina. 

Cái khó cho tổng thống Mỹ là phải xem xét chính sách đối ngoại qua lăng kính chính trị trong nước.  

Cơ hội cho Biden thể hiện khả năng lãnh đạo

Mối lo ngại chính của Nhà Trắng là bị đồng minh đánh giá là yếu kém. Chuyên gia Marie-Cécile Naves, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp nhận định trên nhật báo La Croix rằng với ông Biden, đó là vấn đề sự tin cậy. Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, ông luôn có động thái báo động và tỏ kiên quyết… Đến giờ giọng điệu của ông vẫn như vậy. Chắc chắn nếu Washington chứng tỏ được vai trò tránh được một cuộc chiến tranh, Joe Biden sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng này với vị thế khác bây giờ.  

Các nhà quan sát chính trị cho rằng tình hình đang diễn ra là cơ hội để tổng thống Biden thể hiện khả năng lãnh đạo của Mỹ và tạo ra sự tương phản với cựu Tổng thống Trump trong cách xử lý các vấn đề có liên quan tới các đồng minh. Nhất là ngay sau khi bước vào Nhà Trắng, ông Joe Biden đã hùng hồn tuyên bố nước Mỹ đã trở lại trong vai trò lãnh đạo thế giới. Khủng hoảng Ukraina cũng là dịp để tổng thống Biden phục hồi uy tín của nước Mỹ, đã bị rạn nứt trong đồng minh NATO, sau vụ lùm xùm liên minh Aukus và hợp đồng tàu ngầm với Úc cách đây gần nửa năm.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment