Chuyên gia LHQ: Myanmar dùng vũ khí mới của Nga và Trung Quốc chống thường dân
22/02/2022
Chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc hôm 22/2 cho biết Nga và Trung Quốc đang cung cấp cho chính quyền quân quản Myanmar các máy bay chiến đấu để họ sử dụng chống lại dân thường, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngăn chặn dòng vũ khí có thể gây ra hành động tàn bạo, theo Reuters.
Ông Thomas Andrews, một cựu nghị sĩ Hoa Kỳ hiện là chuyên gia nhân quyền của LHQ về vấn đề Myanmar, công bố một báo cáo cho biết như trên, đồng thời cũng nêu tên Serbia là một trong ba quốc gia cung cấp vũ khí cho quân đội Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự vào năm ngoái, với “đầy đủ thông tin rằng chúng được sử dụng để tấn công dân thường”.
Ông Andrews cho biết trong một tuyên bố: “Không thể chối cãi rằng vũ khí này được sử dụng để giết thường dân, và không nên được chuyển giao cho Myanmar”.
Theo các nhà hoạt động được Liên Hiệp Quốc trích dẫn, ít nhất 1.500 dân thường đã thiệt mạng, đồng thời cho biết hơn 300.000 người đã phải di dời do xung đột ở khu vực nông thôn giữa quân đội và các nhóm chống đối có vũ trang.
Chính quyền nói rằng họ đang chiến đấu chống lại “những kẻ khủng bố” và những đối tượng mà họ gọi là sự can thiệp của LHQ.
Quân đội Myanmar và các bộ ngoại giao của Trung Quốc, Nga và Serbia không đưa ra bình luận ngay lập tức về báo cáo này.
Các nhóm nhân quyền và LHQ đã cáo buộc chính quyền Myanmar sử dụng lực lượng không tương xứng để chống lại dân quân và phiến quân dân tộc thiểu số, bao gồm cả các cuộc tấn công bằng pháo và không kích vào các khu vực dân sự.
Báo cáo cho biết Nga đã cung cấp máy bay không người lái, hai loại máy bay chiến đấu và hai loại xe bọc thép, một loại có hệ thống phòng không. Trung Quốc chuyển giao máy bay chiến đấu trong khi Serbia cung cấp tên lửa và đạn pháo.
Vào năm ngoái, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các thành viên ngừng chuyển giao vũ khí cho quân đội Myanmar, mà ông Andrews nói rằng hội đồng an ninh nên đưa ra các ràng buộc.
Serbia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này, nhưng Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Trong khi Trung Quốc kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch ở Myanmar, Nga là đồng minh ngoại giao thân cận nhất của các tướng lĩnh Myanmar trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực cô lập họ.