Cáp quang trong cuộc chạy đua dưới lòng biển vì quyền lợi kinh tế

Cáp quang trong cuộc chạy đua dưới lòng biển vì quyền lợi kinh tế

Đăng ngày: 22/02/2022

Thanh Hà

Gần 99 % mọi trao đổi trên thế giới qua internet được truyền đi nhờ một mạng lưới với hơn 420 đường dây cáp vùi sâu dưới lòng đại dương, nối liền châu Mỹ với châu Âu và châu Á. Đó là cột sống của hệ thống giao thương, tài chính, liên lạc toàn cầu. Bảo đảm an ninh và mức độ an toàn cho mạng cáp quang có độ dài gấp ba lần hành trình từ Trái Đất đến Cung Trăng là một thách thức lớn.

2020 phá kỷ lục với 36 đường cáp quang mới được triển khai trên thế giới. Tháng 10/2021 tập đoàn viễn thông Pháp Orange thông báo đường dây cáp PEACE do Trung Quốc tài trợ trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa Mới xuyên qua lòng biển nối liền Pakistan với Kenya và châu Âu đã được đưa vào bờ cảng Marseille miền nam nước Pháp.

Con nhện giăng tơ

Grace Hopper của ông vua internet Google xuất phát từ New York, bờ đông Hoa Kỳ, đến Bude tại Anh Quốc và thành phố Bilbao-  Tây Ban Nha dự trù hoạt động trong năm nay. Đại diện của tập đoàn bà Jayne Stowell giải thích : khủng hoảng y tế Covid-19 làm lộ rõ vai trò thiết yếu của công nghệ kỹ thuật số. Hệ thống cáp dưới lòng đại dương cho phép Google chuẩn bị « đáp ứng những nhu cầu trong tương lai của khách hàng ở bất cứ nơi nào trên trái đất ».

Riêng tại châu Á từ 2010 Google đã có hẳn chính sách « đông tiến », đầu tư hơn 2  tỷ đô la để mở mang hệ thống cáp quang trong vùng Châu Á Thái Bình Dương. Apricot nối liền Singapore với Nhật Bản, đảo Guam, Philippines, Đài Loan và Indonesia sẽ bắt đầu hoạt động từ 2024. Năm tới, Echo sẽ kết nối bang California, miền tây Hoa Kỳ với Singapore, Guam và Indonesia. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn trong ngành viễn thông, truyền thông và công nghệ (TMT) Analysys Mason, trụ sở tại Luân Đôn, đầu tư của Google trong thời gian gần đây vào cơ sở hạ tầng cho hệ thống cáp quang dưới lòng biển cho phép tạo thêm hơn một triệu việc làm và đem lại thêm 430 tỷ đô la GDP cho khu vực này trong giai đoạn 10 năm từ 2010 đến 2019.

Mạng xã hội Facebook năm 2018 bị chính quyền Trump dội cho gáo nước lạnh, phải ngừng dự án bắc nhịp cầu dưới lòng đại dương đi từ Mỹ sang Hồng Kông, bởi Hồng Kông là cổng vào Trung Quốc. Không để mất nhiều thời gian, Facebook đã chuyển hướng và chọn Singapore là điểm đến cho tuyến cáp Bifrost. Trên nguyên tắc « xa lộ » dưới lòng biển này dự trù đi vào hoạt động trong 2 năm sắp tới và khả năng kết nối của Facebook trong vùng Thái Bình Dương sẽ được nâng cao thêm 70 % so với hiện tại.

« Nơi chung chuyển 10 tỷ đô la mỗi ngày »

Trên toàn cầu hiện có 1,3 triệu km dây cáp quang. Tuyến đường dài nhất trải dài trên 39.000 cây số, nối liền Đông Nam Á với Tây Âu qua ngả Hồng Hải. Trên đài truyền hình Pháp France 24, giáo sư về quan hệ quốc tế, Camille Morel đại học Lyon 3 Jean Moulin ghi nhận :  « Hiện tại hệ thống cáp quang toàn cầu tập trung rất lớn vào hai trục chính đó là giữa hai bờ Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương. Hoa Kỳ là trung tầm đầu não của cả hệ thống cáp quang nối liền Bắc Mỹ với châu Á và Bắc Mỹ với châu Âu. Phần lớn những trao đổi tập trung cả ở đây ».

Động lực nào khiến các đại tập đoàn internet của Mỹ như những con nhện giăng tơ, đầu tư bạc tỷ để mở rộng các hệ thống cáp quang xuyên đại dương ? 

Nhu cầu vận chuyển thông tin

Theo giáo sư Serge Besanger giảng dậy tại Trường Thương Mại Quốc Tế INSEEC U kiêm cố vấn của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, trên thế giới mỗi ngày có khoảng 10 tỷ đô la các khoản giao dịch tài chính phải đi qua các ngả « xa lộ dưới lòng biển ». Về mức độ chiến lược, những « đường ống » dưới đáy biển này mang tính sống còn « ngang tầm với các đường ống dẫn dầu và khí đốt ». Thậm chí là còn hơn thế nữa bởi không có 420 tuyến cáp quang đó, các quốc gia, các châu lục trở nên « câm, điếc và mù ». 

Đánh giá đó không lộng ngôn theo như giải thích của bà Morel, đại học Lyon đồng thời bà nhấn mạnh đến vai trò càng lúc càng lớn của những ông khổng lồ chủ yếu giao dịch với khách hàng qua mạng : « Nhu cầu trao đổi thông tin càng lúc càng lớn và càng đòi hỏi nhiều đầu tư. Trước kia các công ty phải thuê mượn hệ thống đường dây cáp. Nhưng giờ đây họ làm chủ luôn cả các mạng cáp quang đó. Các công ty lớn trên thế giới không ngần ngại xuất vốn để làm chủ toàn bộ cả một hệ thống từ khâu chuyển tải thông tin và dữ liệu cho đến các trung tâm tích trữ data. Các đối tác tư nhân luôn đóng một vai trò rất quan trọng, bởi vì các cơ sở hạ tầng đòi hỏi phải đầu tư rất tốn kém. Tuy nhiên bên cạnh các tập đoàn tư nhân thì luôn luôn có các nhà nước. Các dự án đầu tư để thiết kế các hệ thống cáp quang tốn kém đến nỗi trước đây hàng chục tập đoàn phải hợp sức để có được một mạng cáp đáng tin cậy. Nhưng trong thời gian gần đây thì các ông khổng lồ internet đã tham dự và những tập đoàn trong nhóm GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple) thừa sức để đầu tư vào các công trình này. Nhưng bên cạnh đó họ vẫn cần được các Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Ngoài ra chính phủ chỉ can thiệp trong trường hợp cần thiết, chẳng hạn như để lắp đặt hệ thống cáp quang giữa các đảo tại những vùng khá biệt lập.

Theo các thông báo chính thức về hoạt động của Google gần đây, cổng tìm kiếm thông tin này đã đầu tư vào 18 tuyến cáp quang khắp mọi nơi trên thế giới, vào 27 đám mây Cloud trên toàn cầu. Tuy nhiên giáo sư Camille Morel, đại học Lyon 3 lưu ý một số nét đặc thù trong lĩnh vực thiết kế và khai thác cáp quang như sau : thứ nhất, Nhà nước tuy không còn đóng vai trò đầu tầu để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhưng vẫn là một đối tác trụ cột : « Dây cáp phải được đặt trong lòng đại dương và các bên cần có giấy phép của chính phủ để hoàn thành khâu này. Tại Pháp chẳng hạn thì phải có giấy phép của các chính quyền cấp tỉnh khi đụng đến những khu vực trên đất liền hay ngoài khơi ».

Điểm thứ hai là cần phân biệt giữa các nhà sản xuất cáp với các công ty phụ trách các khâu lắp đặt, bảo trì cáp dưới lòng đại dương. Đôi khi một nhà sản xuất bảo lãnh luôn cả dịch vụ lắp đặt và bảo trò cáp. Giáo sư Morel đại học Lyon 3 chú ý đến vị trí của Hoa Vi « Về phía các nhà sản xuất cáp quang trên thế giới chỉ có ba tập đoàn lớn, một của châu Âu, một của Mỹ và một của Nhật Bản. Nhưng gần đây một tập đoàn Trung Quốc đã chen chân vào thị trường tôi muốn nói đến Hoa Vi. Tương tự như hãng của Mỹ và châu Âu, Hoa Vi vừa là một nhà sản xuất dây cáp, vừa lắp đặt và trùng tu hệ thống cáp quang dưới lòng biển ».

Ba tập đoàn sản xuất dây cáp quang truyền thống của châu Âu, Mỹ và Nhật mà giáo sư Morel vừa nhắc tới gồm ASN với cột trụ là Pháp, TE SubCom của Mỹ, NEC của Nhật và Hoa Vi của Trung Quốc mới vừa nhập cuộc nhưng đã vươn lên rất nhanh nhờ hợp tác với Vodafone của Anh.

Bà Camille Morel giải thích tiếp làm thế nào tập đoàn Trung Quốc đã nhanh chóng chen chân vào một lĩnh vực khá đặc biệt này : « Điều này khá thú vị, bởi đây là một thị trường hạn hẹp. Tuy nhiên Hoa Vi đã hợp tác với một đối tác của Anh để chen chân vào lĩnh vực này và rồi từng bước, nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu, cạnh tranh với các đối thủ truyền thống. Đương nhiên là công ty Trung Quốc đã giảm giá để chinh phục khách hàng mới. Dù vậy ở thời điểm này, Hoa Vi vẫn có một số chậm trễ so với ba đối thủ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Có điều Hoa Vị được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn, đặc biệt là trong khuôn khổ chương trình Con đường tơ lụa mới do Bắc Kinh khởi động. Tôi muốn nói đến hệ thống cáp quang nối liền Pakistan với Kenya và Pháp. Ở Pháp, điểm đến là cảng Marseille ».

Bảo mật thông tin, an ninh và địa chính trị 

Trong báo cáo công bố tháng 9/2021 cơ quan tư vấn Mỹ Atlantic Council báo động về những mối đe dọa nhắm vào hệ thống cáp, vào những cơ sở hạ tầng dưới lòng đại dương. Theo tổ chức này, các giới chức liên quan không liên quan đúng mức về những hiểm họa « cả về địa chính trị lẫn an ninh » đối với mạng internet toàn cầu. Atlantic Council nêu đích danh một số các « chế độ chuyên chế, chủ yếu là Bắc Kinh », đang muốn qua trung gian các tập đoàn như là Hoa Vi, kiểm soát cơ sở hạ tầng của mạng internet nhằm dễ dàng « chuyển hướng những dữ liệu cần thiết ». Đó không hơn không kém là một hình thức dọ thám thời đại công nghệ số.

Camille Morel trường đại học Lyon 3-Jean Loulin giải thích rõ hơn : « Theo tôi các hoạt động dọ thám đó vẫn rất năng động. Không có lý do gì để ngừng nghe trộm các thông tin ở bất kỳ khu vực nào trên địa cầu. Nếu có điều kiện không một ai bỏ lỡ cơ hội để nghe/ đọc lén thư từ, hay các cuộc điện đàm cả. Trên bộ hay trên biển thì ngành tình báo kinh tế cũng đều hoạt động như nhau. Với hệ thống cáp quang được đặt dưới lòng đại dương, việc theo dõi vẫn tiếp diễn. Đương nhiên các bên đều tìm cách tự vệ, bảo mật thông tin nhưng các hoạt động gián điệp đó vẫn là một thực tế. Logic và lối vận hành của các mạng cáp quang lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tình báo ».   

Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang đọ sức về nhiều mặt, từ kinh tế đến quân sự, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga đã rơi xuống mức tồi tệ nhất từ khi chiến tranh lạnh kết thúc cách nay đa ba mươi năm, các siêu cường trên thế giới lao vào một cuộc chiến tranh dưới những hình thức mới, mà điển hình là những đợt tấn công tin học, giáo sư Serge Besanger Trường Thương Mại Quốc Tế INSEEC U đặt câu hỏi : hệ thống cáp quang toàn cầu có được bảo vệ đúng mức hay không ? 

Theo ông, châu Âu đầu tư chưa đủ để bảo đảm an ninh cho các đường cáp quang biển, đầu tư chưa đủ để tự vệ trước những hoạt động dọ thám : từ 2014 giới trong ngành quan sát thấy càng lúc càng có nhiều tàu bè hoạt động gần sát và dọc theo các đường dây được vùi dưới lòng biển. Tháng 10/2020 tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tránh nêu đích đích danh Nga nhưng đã dành hẳn một cuộc họp để bàn về những « đe dọa nhắm vào cáp biển và những cơ sở hạ tầng thiết yếu » bởi những « dữ liệu liên quan đến các hoạt động cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự » cùng phải đi qua và đó cũng là mạch huyết sống còn của cả hệ thống giao thương quốc tế.

Không phải tình cờ mà hôm 15/02/2022 bộ Quân Lực Pháp vừa công bố Chiến Lược Làm Chủ Đáy Đại Dương –Stratégie de maîtrise des fonds marins. Một trong những ưu tiên được chú ý nhiều liên quan đến việc sử dụng robot và máy bay tự hành để giám sát và bảo đảm an ninh cho các hệ thống cáp biển, cho các vùng biển sâu : đó có thể là những mục tiêu tấn công của nước ngoài để « theo dõi hay dọ thám ». 

Báo cáo của Cơ quan SGDSN (http://www.sgdsn.gouv.fr/rapport_thematique/chocs-futurs/) năm 2017 về phòng thủ và an ninh quốc gia Pháp đã báo động dây cáp dưới lòng biển có khả năng trở thành « những mục tiêu tiềm tàng để các cường quốc  thao túng ». Tình báo Pháp xem đây là một chủ đề « hết sức nhậy cảm » và « quan trọng hàng đầu » cần được quan tâm.

Bài Liên Quan

Leave a Comment