Chiến tranh “truyền thông\” trong cuộc khủng hoảng Ukraina
Đăng ngày: 22/02/2022
Trọng Nghĩa
Tình hình tại Ukraina đã căng thẳng hẳn lên sau thông báo hôm 21/02/2022 của tổng thống Nga Vladimir Putin, công nhận nền độc lâp của hai nước cộng hòa tự phong Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraina. Trong những ngày qua, bầu không khí chiến tranh trong khu vực không chỉ được nuôi dưỡng bằng những vụ pháo kích lẫn nhau giữ quân đội chính phủ Ukraina và lực lượng ly khai thân Nga, mà cả bằng phương tiện truyền thông.
Đây là điều được báo mạng Mỹ tại châu Âu The Huffpost gọi là cuộc chiến “thông tin”, trong đó mọi thủ đoạn bóp méo thông tin với mục đích tuyên truyền đều được sử dụng.
Trong bài “Cuộc khủng hoảng ở Ukraina cũng là một cuộc chiến thông tin và những hình ảnh này đã chứng minh điều đó” đăng ngày 20/02/2022, tờ Huffpost đã nêu bật một số ví dụ điển hình về cách thức lũng đoạn thông tin mà cả hai đối thủ đã áp dụng trong cuộc chiến tranh có thể gọi là “tâm lý” này.
Ngụy tạo video tung lên mạng xã hội
Về phía lực lượng ly khai thân Nga, ví dụ đầu tiên được nêu lên là một đoạn video quay ngày 18/02 cho thấy lãnh đạo nước Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk tự phong Denis Pushilin, loan báo chiến dịch sơ tán ồ ạt cư dân trong vùng qua nước Nga lân cận để tránh pháo kích của quân đội chính phủ Ukraina.
Trong đoạn video, nhân vật này nói rõ: “Tính mạng và sức khỏe của công dân chúng ta có thể bị đe dọa nếu kẻ thù pháo kích vào các khu đông dân cư của đất nước […] Vì vậy, kể từ hôm nay, 18 tháng 2, một cuộc di tản dân cư tập trung và quy mô lớn đến Liên bang Nga đã được tổ chức”. Thông báo đăng trên mạng Telegram có kèm theo các trích đoạn video về các cuộc sơ tán được cho là quay vào ngày 18 tháng 2.
Thế nhưng trang mạng điều tra nổi tiếng Bellingcat đã xem xét kỹ siêu dữ liệu của các video, và đã phát hiện là video được quay trước đó, cụ thể là vào ngày 16 tháng 2, một hôm trước khi các vụ pháo kích nổ ra ở mặt trận phía đông Ukraina, mà cả hai bên đều tố cáo lẫn nhau là thủ phạm gây hấn.
Hơn thế nữa, siêu dữ liệu của những video đó còn ghi lại tên của thư mục lưu trữ những hình ảnh đó là Mongoose Throw (tạm dịch là “ném măng cụt”), một cái tên gợi đến chiến dịch Mongoose từng được đặt cho chiến dịch của Mỹ vào năm 1961 nhằm lật đổ lãnh đạo Cuba Fidel Castros.
Theo The Huffpost, chi tiết đó đã củng cố thêm giả thuyết là phía Nga và phe thân Nga tại Ukraina đã có cả một kế hoạch thổi phồng tình trạng căng thẳng để tạo cớ khởi động chiến tranh.
Những tấm bản đồ “giấu đầu lòi đuôi”
Một ví dụ đáng chú ý khác về thủ đoạn thao túng thông tin là một tấm bản đồ, được những người ly khai thân Nga ở Donetsk sử dụng kể từ ngày 19 tháng 2 để gieo rắc tâm lý sợ hãi nơi người dân trong vùng.
Đây là một tài liệu tuyên truyền nhằm cho thấy là chính quyền Kiev đã có kế hoạch tấn công như thế nào trong những ngày tới để giành quyền kiểm soát các thành phố Donetsk và Lugansk. Trong đoạn video, có cảnh ông Eduard Basurin, phó chỉ huy lực lượng dân quân của Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk tự phong, đứng trước một tấm bản đồ được cho là đã đánh cắp được từ phía Ukraina.
Vấn đề là phía lực lượng Donetsk đã quên “ngụy trang” tấm bản đồ này một cách đến nơi đến chốn.
Chuyên gia về Đông Âu như Sergej Sumlenny chẳng hạn đã phát hiện là tấm bản đồ gọi là của Ukraina đó lại có phần viết bằng tiếng Nga. Trên mạng Twitter, chuyên gia này mỉa mai khi nhắc lại nguyên văn tuyên bố của lãnh đạo quân sự “Cộng Hòa Donetsk”: “Chúng tôi đã đánh cắp các kế hoạch bí mật từ quân đội Ukraina về cách họ muốn chiếm Donetsk và Lugansk” kèm theo nhân định: “và những kế hoạch này là … bằng tiếng Nga”.
Bà Maria Avdeeva, giám đốc nghiên cứu tại trung tâm tham vấn Ukraina Hiệp hội Chuyên Gia Châu Âu, đồng thời là người phụ trách các hoạt động thông tin và thông tin sai lệch, cũng hoài nghi tính xác thực của tấm bản đồ gọi là đánh cắp được của quân đội Ukraina. Theo chuyên gia này, chỉ có một điều mà Điện Kremlin đã quên: Đó là “dịch từ “kế hoạch” sang tiếng Ukraina để làm cho nó thật hơn một chút”.
Thường dân bị “công cụ hóa” cho mục đích tuyên truyền
Không chỉ có phía ly khai là tìm cách lũng đoạn thông tin. Trước các video của phe ly khai thân Nga, một số hình ảnh được phe thân chính quyền Kiev lan truyền rộng rãi trên mạng cũng như các phương tiện phương tiện truyền thông khác, cũng đã bị ngụy tạo nhằm nêu cao tinh thần yêu nước của người Ukraina.
Trang web Les Observateurs của Đài Truyền Hình Pháp France24 chuyên kiểm chứng các thông tin, hôm 18/02/2022 vừa qua đã nêu bật trường hợp bức ảnh của một cô gái xinh đẹp, được giới thiệu là người Ukraina, đang ngồi trên xe buýt, tay cầm một khẩu súng AK, với hàng chú thích: “Cuộc sống ở Ukraina, bây giờ”.
Một cô gái Nga được khoác vỏ Ukraina!
Bức ảnh đã được đăng trên nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau kể từ ngày 12 tháng 2. Một phiên bản khác, công bố hai ngày sau đó, đã được dùng để minh họa cho cuộc sống hàng ngày của người Ukraina vào năm 2022, sẵn sàng cầm súng chống quân xâm lược.
Nhưng một lần nữa, đây cũng là một hình thức thao túng thông tin khác bức ảnh này thực ra đã được chụp từ năm 2020, và được chụp ở vùng Siberia của Nga! Trên bức ảnh gốc, được tìm thấy nhờ kỹ thuật tìm kiếm ảnh ngược, chú thích ghi rõ “Tôi đến trường bắn, tôi có một khẩu AK-47, kẻ thù của bạn sẽ hối hận”.
Trả lời đài France24, cô gái giải thích rằng bức ảnh được chụp khi cô đang trở về sau một buổi chụp ảnh và khẩu súng cô cầm là một khẩu súng giả.
Cụ bà với khẩu AK
Một ví dụ thứ hai là những bức ảnh cho thấy một cụ bà người Ukraina 79 tuổi, đang tập bắn trong tư thế nằm.
Bức ảnh này đã gây chú ý trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Báo giới đã dành nhiều phóng sự cho cụ bà này, đang theo một khóa huấn luyện quân sự với các nhóm võ trang Ukraina để “chống trả” trong trường hợp đất nước bị Nga tấn công.
Tuy nhiên, như trang mạng đài truyền hình Pháp Euronews nêu bật, đã có nhiều người, đã có nhiều người bỏ qua chi tiết là nhóm cung cấp khóa huấn luyện này không ai khác hơn nhóm Tiểu Đoàn Azov của phong trào bán quân sự tân-Quốc Xã cực hữu tại Ukraina.