Nước cờ mập mờ của Putin gây khó khăn cho Mỹ
Đăng ngày: 23/02/2022
Thanh Phương
Nhiều người nói tổng thống Nga Vladimir Putin là một tay kỳ thủ xuất sắc, với những nước cờ luôn khiến đối thủ phải vất vả chống đỡ. Trong khủng hoảng Ukraina, nước cờ mập mờ của chủ nhân điện Kremlin đang gây rất nhiều khó khăn cho Hoa Kỳ trong việc đáp trả.
Trong nhiều tuần qua, tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn nhắc đi nhắc lại là ngay khi một lính Nga vừa đặt chân đến Ukraina, Matxcơva sẽ hứng chịu những biện pháp trừng phạt « mà nước này chưa từng thấy ». Hôm thứ Hai vừa qua, tổng thống Putin đã công nhận nền độc lập của hai lãnh thổ ly khai Lougansk và Donetsk, thuộc vùng Donbass, miền đông Ukraina, đồng thời ra lệnh triển khai « lực lượng duy trì hòa bình » tại các vùng này, nhưng ông không nói rõ là khi nào quân Nga sẽ vượt qua biên giới Ukraina. Hôm qua, tổng thống Nga nhấn mạnh: « Tôi đã không nói là ngay bây giờ binh lính của chúng ta sẽ đến đấy. Điều này sẽ tùy thuộc vào tình hình tại chỗ ».
Trước những tuyên bố mập mờ đó, Washington chưa biết phải đáp trả thế nào cho tương xứng. Chính quyền Biden ngại là ban hành quá sớm các trừng phạt ở mức tối đa sẽ khiến ông Putin không thể trở lui. Thành ra, theo nhận định của hãng tin AFP, phản ứng đầu tiên của Hoa Kỳ hôm thứ Hai khá là thận trọng, Washington chỉ thông báo các trừng phạt đối với hai vùng ly khai thân Nga ở Ukraina mà Putin vừa công nhận nền độc lập. Chỉ đến hôm qua, tổng thống Biden mới xem việc Putin ra lệnh triển khai quân Nga ở hai vùng ly khai là « khởi đầu của một cuộc xâm lược », đồng thời thông báo các biện pháp trừng phạt tài chính nặng nề hơn đối với Matxcơva.
Vấn đề là trong chính quyền Mỹ chưa ai xác nhận có những yếu tố cụ thể cho thấy quân Nga đã tiến vào Ukraina, như tuyên bố của phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby với hãng tin AFP hôm qua. Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 21/02, khi được hỏi đã có những thay đổi gì trên trận địa, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki không trả lời thẳng, mà lại nói : « Dù là mặc quân phục hay không, họ đã có mặt ở đó từ năm 2014 rồi ».
Khi để cho hiểu rằng việc quân Nga đến miền Donbass chẳng có gì là mới, bà Psaki khiến người ta nghi ngờ về thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ. Để tránh bị xem là quá mềm yếu đối với Nga, chính quyền Biden đã cố giải thích rằng chính sách trừng phạt của họ, được phối hợp chặt chẽ với các nước phương Tây, sẽ tăng dần theo từng cấp độ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh cáo : « Đáp lại mọi hành động leo thang mới của Nga sẽ là những biện pháp trừng phạt mới, nhanh chóng và nghiêm khắc, được phối hợp với các đồng minh của chúng ta ».
Tuy lên án « khởi đầu của một cuộc xâm lăng » của Nga vào Ukraina, Washington vẫn muốn để mở con đường ngoại giao « nhằm tránh cho cuộc xung đột đi xa hơn », theo giải thích của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin. Nhưng rõ ràng là ngày càng khó mà nối lại đối thoại với Nga, nhất là trong tuyên bố hôm nay, tổng thống Putin đã tỏ thái độ kiên quyết không nhân nhượng về những yêu sách của ông đối với Ukraina, thậm chí còn đòi thêm, tức là « phi quân sự hóa » Ukraina và độc lập cho toàn bộ vùng Donbass, kể cả những phần lãnh thổ hiện vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev.
Tóm lại, trong bàn cờ Ukraina, kỳ thủ Putin đang đi những nước cờ khiến cho các đối thủ phương Tây phải lúng túng chống đỡ và chính chủ nhân điện Kremlin là người làm chủ cuộc chơi, đưa ván cờ đi theo hướng của ông. Nói cách khác, cuộc đọ sức giữa Nga và phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraina chỉ mới bắt đầu.