Nga xâm lược Ukraina : Cuộc chiến tranh không thể biện minh
Đăng ngày: 25/02/2022
Anh Vũ
Cụm từ « khủng hoảng Ukraina » đã được thay thế bằng « Chiến tranh Ukraina » trên khắp các mặt báo Pháp ra ngày hôm nay 25/02/2022, sau khi sáng sớm ngày 24/02, tổng thống Nga Putin lên truyền hình tuyên bố mở cuộc tấn công toàn diện vào Ukraina.
Điểm qua, trên trang nhất các tờ báo chính của Pháp có thể thấy những hình ảnh khói lửa chiến tranh nóng bỏng cùng các hàng tựa lớn « Nga tấn công Ukraina trên nhiều mặt trận », tựa của Le Monde. Trên bức ảnh chiếc xe quân sự chở lính Nga trên đường vào Ukraina, Le Figaro thông tin ngắn gọn : « Chiến tranh ở châu Âu ». Trong khi trên trang nhất nhật báo Les Echos là tấm hình những xe quân sự của Ukraina bị trúng đạn đang cháy, cùng hàng tựa : « Chiến tranh ở cửa ngõ Liên Hiệp Châu Âu ». Báo Công Giáo La Croix ghi nhận : « Một dân tộc dưới làn bom đạn », còn Libération thì thốt lên « Không thể tưởng tượng được » trên hình ảnh một góc phố của Ukraina trong khói lửa pháo kích.
Tâm trạng chung của các báo Pháp là sững sờ và bất ngờ với cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Ukraina, mặc dù đã từ nhiều tuần qua đều theo dõi rất sát cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina. Hầu hết các báo gần như đồng điệu, với thái độ phẫn nộ, lên án cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraina, cũng như cá nhân ông Vladimir Putin. Có thể nhận thấy rõ quan điểm chung đó qua các bài xã luận ở mỗi tờ báo.
Trật tự châu Âu, luật pháp quốc tế bị thách thức
Xã luận của Le Monde cho thấy cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Ukraina, ngày 24/02, là « hệ quả của chính sách lên gân liên tục của chế độ hiện nay ở Matxcơva và của nỗi ám ảnh chống lại tiến trình dân chủ ở các nước láng giềng của Vladimir Putin ». Le Monde khẳng định : « Cuộc tấn công của quân đội Nga phát động sáng sớm ngày 24/02 trên một loạt vị trí trong lãnh thổ Ukraina là một cuộc xâm lược quân sự trên quy mô chưa từng có trên lục địa của chúng ta (châu Âu) kể từ sau Thế chiến thứ 2. Cuộc chiến này có chủ ý, được lên kế hoạch cẩn thận ». Cuộc chiến tranh lần này, được thể hiện trong từng câu nói của lãnh đạo Nga Vladimir Putin, có mục tiêu là : phá vỡ Ukraina.
Xã luận của Le Monde nhấn mạnh : « Vladimir Putin rõ ràng là người chịu trách nhiệm về cuộc xung đột lớn này. Không có bất cứ sự vụng về nào của phương Tây, bất kỳ sai sót lịch sử nào, bất kỳ lập luận nào của chế độ Nga từ nhiều năm qua để biện minh cho cuộc tấn công vừa bắt đầu ».
Xã luận tờ báo viết tiếp : « Ở đây rõ là luật pháp quốc tế bị vi phạm. Rõ ràng trật tự an ninh châu Âu hình thành từ sau chiến tranh lạnh giờ đây đang bị thách thức. Phương Tây có thể làm gì ? Các nước dân chủ ngày nay đang phải trả giá cho phản ứng yếu đuối của họ đối những sự vi phạm luật pháp quốc tế của Vladimir Putin trước đây ». Đó là vụ tấn công chiếm một phần lãnh thổ Gruzia năm 2008 và vụ sáp nhập Crimée, can thiệp hậu thuẫn cho phe ly khai miền đông Ukraina.
Cũng với giọng lên án gay gắt, xã luận báo La Croix với tiêu đề « Chiến tranh ở châu Âu » viết : « Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina gây bàng hoàng và kinh sợ. Nó đã phá vỡ điều cấm kỵ trong quan hệ quốc tế là sự tôn trọng chủ quyền của mỗi nước. Cuộc xâm lược này nhằm lật đổ chế độ được bầu lên một cách dân chủ và đã bảo vệ đàng hoàng chính sách thân châu Âu và thân phương Tây, nó đã tấn công vào dân một nước cho đến cùng vẫn tỏ ra hòa bình và kiên cường. Cuộc tấn công cố tình này lộ rõ quan điểm tư tưởng ăn sâu và sự hoang tưởng về lịch sử của nước Nga », theo đó Ukraina không tồn tại như là một quốc gia và chỉ là một Nhà nước được các thế lực thù địch với Matxcơva, đặc biệt là Hoa Kỳ, dựng lên.
Tờ báo khẳng định đây là cuộc chiến tranh không thể biện minh, phải bị lên án mạnh mẽ. Các nước phương Tây phải tự hỏi Vladimir Putin sẽ dừng lại ở đâu và làm thế nào để ngăn ông ta lại.
Bóng ma quá khứ trở lại
Bài xã luận của Le Figaro nhận định cuộc chiến tranh Ukraina là « bi kịch trở lại » cùng « những bóng ma của quá khứ ».
Tờ báo cũng đặt ra câu hỏi : « Liệu chúng ta có cách chặn Putin lại ? Theo Le Figaro, sự ngạo mạn của Nga được nuôi dưỡng bởi sự yếu kém của chúng ta. Nếu như Putin đã lao vào cuộc chiến này, về cơ bản là ông ta đã biết xa hơn những tuyên bố bóng bẩy, các đe dọa trừng phạt chẳng bao giờ răn đe được ai. Chúng ta đã không có phương tiện quân sự lẫn quyết tâm chính trị để ngăn chặn ông ta làm việc đó … hơn bao giờ hết điều khẩn cấp là Pháp, Châu Âu và Hoa Kỳ phải lấy lại sự can đảm của cường quốc ».
Đồng thanh với Le Figaro, nhật báo Le Monde cũng ghi nhận, các trừng phạt đã thất bại và kêu gọi các nền dân chủ phải rút ra bài học, phải có biện pháp mạnh mẽ hơn nhiều, kể cả khi nền kinh tế của chính mình phải trả giá. « Đó là cái giá tối thiểu phải trả nếu ta thực sự muốn tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế », Le Monde kết luận.
Một cuộc chiến tranh đã có thể tránh được ?
Chiến tranh Ukraina là hồ sơ lớn của các báo với rất nhiều bài viết về diễn biến chiến sự tại chỗ và các phản ứng của quốc tế, các biện pháp đáp trả của phương Tây cùng nhiều bài khai thác mọi góc độ của sự kiện, mà như tổng thống Pháp đánh giá là « bước ngoặt lịch sử » của châu Âu.
Libération ghi nhận cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina là « một kịch bản tồi tệ nhất ». Tuy nhiên, tờ báo cho rằng đây là « cuộc chiến tranh đáng lẽ đã không xảy ra ». Theo Libération, trước những hành vi khiêu khích của Vladimir Putin, một con người độc đoán cố hữu, phương Tây lại cứ bám giữ lý trí ngây thơ, không rút ra bài học từ vụ sáp nhập thô bạo Crimée năm 2014. Cho đến tận phút chót, ngoài Mỹ ra, kể cả những người theo dõi sát tình hình nhất, không một ai tin ông Putin lại giải quyết vấn đề bằng một cuộc chiến tranh tổng lực mà người ta không nghĩ không còn có thể xảy ra ở thế kỷ 21 này, trên lục địa châu Âu.
Cách đây một tuần, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Olaf Scholz lần lượt đến Matxcơva gặp trực tiếp Vladimir Putin và trở về nghĩ rằng có sự bảo đảm điều tồi tệ có thể tránh được. Đến giờ, ở Ukraina, máu đã đổ, chiến xa của Nga tràn vào đất nước này từ mọi hướng, bom đạn tiếp tục dội xuống các thành phố Ukraina, người ta mới ngộ ra rằng những gì ông Putin nói là không thể tin được và những gì ông ta chuẩn bị làm là không thể đoán trước được chắc chắn. Trong một bài viết ở khía cạnh khác, Libération cho rằng Liên Hiệp Châu Âu đang phải trả giá cho những năm mù quáng, làm ngơ trước những tín hiệu báo động, lơ là với củng cố quân sự mặc cho liên tiếp có những cảnh cáo. Kết quả là giờ đây « Liên Âu đã bị tước vũ khí ».
Thất bại trước hết thuộc về ngoại giao Mỹ
Không chỉ Liên Âu, chiến tranh Ukraina nổ ra còn đấnh dấu thất bại của chính quyền Mỹ. Nhật báo Le Figaro có bài phân tích : « Chiến lược của Joe Biden bị đối thủ Nga làm cho thất bại ».
Bài viết cho thấy, dù các cảnh báo liên tiếp của người Mỹ đưa ra cuối cùng là đúng, nhưng để chiến tranh khởi sự ở châu Âu cho thấy đây một thất bại ngoại giao đối với Washington. Tờ báo dẫn lại tuyên bố của Joe Biden sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ : « Tôi đã cho tổng thông Putin hiểu rõ rằng, thời kỳ mà Hoa Kỳ khom lưng khuất phục trước các hành động xâm lược của Nga đã qua ». Một năm sau, cuộc xâm lược Ukraina của Nga là một đòn mạnh bác bỏ những lời hùng hồn của ông Biden. « Các đe dọa trừng phạt kinh tế « nghiêm khắc và nặng nề » của tổng thống Mỹ hứa hẹn, những lời kêu gọi đối thoại ngoại giao lặp đi lặp lại, nhưng đã không thể ngăn được người đồng nhiệm Nga dùng đến vũ lực chống lại Ukraina ». Tuy nhiên, theo bài báo, Joe Biden không phải là người duy nhất có trách nhiệm trong cuộc xâm lăng Ukraina.
Cuộc chiến tranh lần này bắt đầu tại châu Âu, ở biên giới của NATO, là cú tát mạnh vào trật tự thế giới được Hoa Kỳ sắp đặt và đó là một thất bại ngoại giao của một chính quyền vẫn tự khoe khoang rất giỏi trong lĩnh vực đối ngoại. Thực tế thì từ đầu cuộc khủng hoảng này, tổng thống Mỹ cũng nhận ra là phạm vi hành động của mình cũng hạn chế. Kết quả như đã thấy, những cảnh báo liên tiếp của Nhà Trắng, những thông tin tình báo được tung ra cho báo chí gần như tức thời… tất cả chỉ giống như những bình luận bất lực từ một tổng thống Mỹ, không bao giờ dự báo được những hành động thực sự của đối thủ, Le Figaro bình luận.
Nga – hồi kết của 30 năm hòa bình ?
Chuyển qua Ukraina, nạn nhân chính của cuộc tấn công Nga. Nhật báo La Croix đặt câu hỏi : « Ukraina liệu có thể cưỡng lại được đội quân lớn thứ 2 thế giới ? »
Là một đội quân hùng hậu thứ 2 thế giới, sự vượt trội quân sự của Nga hoàn toàn đè bẹp Ukraina. Điều này đã được thấy : Trong một ngày động binh, quân Nga đã áp sát thủ đô Kiev và vô hiệu hóa một loạt địa điểm chiến lược của Ukraina. Vì thế, cuộc xung đột kéo dài bao lâu phụ thuộc vào ý chí quyết tâm chiến đấu của người Ukraina trong các thành phố. Nhưng một cuộc chiến tranh đường phố sẽ gây tổn thất rất lớn cho cả Nga cũng như Ukraina.
Ở một góc độ khác, La Croix ghi nhận: « Từ nền độc lập Ukraina đến chiến tranh ». Tờ báo nhận thấy, chiến dịch quân sự của Nga có thể nhằm lập ra một chính phủ thân Matxcơva ở Kiev, đồng thời chấm dứt 30 năm độc lập của Ukraina. Trong suốt thời gian đó, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ không ngừng rời xa nước Nga để xích gần lại châu Âu, đi tìm bản sắc riêng của mình. Theo La Croix đó là 30 năm độc lập đầy biến động. Ukraina đã là một Nhà nước được quốc tế công nhận, là đối tác của Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, một đất nước tương đối ổn định dù thường bị chỉ trích vì tham nhũng, nhưng đó là một nền dân chủ, có tự do ngôn luận và đa nguyên. Nga đang tìm cách khép lại trang sử này của Ukraina bằng vũ lực, mở sang một chương khác, nhưng dự báo còn hỗn loạn hơn.