Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng cao vào đầu tháng 3
RFA
2022.02.28
Ảnh minh họa chụp tại Mỹ Xuyên – ĐBSCL trước đây.AFP
Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được dự báo sẽ tăng cao từ ngày 1 đến 10/3, tuy vậy mùa khô năm nay không quá nghiêm trọng như năm ngoái.
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL được Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo sẽ có xu thế tăng theo triều cường đầu tháng hai âm lịch với ranh mặn 4g/l lớn nhất tuần này có thể từ 35 đến 50km tại các cửa sông Cửu Long và từ 55 đến 65km trên sông Vàm Cỏ.
Tuy nhiên, Cục Thuỷ lợi được truyền thông Nhà nước dẫn lời hôm 28/2 cho rằng từ tháng 4/2022, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.
Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi được tờ BNews dẫn lời rằng, qua theo dõi nguồn nước thượng nguồn đổ về thì dự kiến trong tháng 3, ĐBSCL sẽ có mức độ triều cường lớn nhất của mùa khô này.
Theo Tổng cục Thủy lợi, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê kông tại trạm Kratie (Campuchia) và dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) trong tháng 2 đều có xu thế giảm.
Cũng trong ngày 28/2 Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn cho biết mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-1,0m.
Trước đó, hôm 7/2, Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam trong bản tin dự báo nguồn nước ĐBSCL cho rằng ĐBSCL sẽ bị mặn xâm nhập sớm vào đầu mùa khô 2021-2022 do các đập thuỷ điện ở Trung Quốc hạn chế xả nước khiền dòng chảy về khu vực này bị giảm mạnh.
Theo Viện Thuỷ lợi, các hồ chứa ở Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện là một trong những nguyên nhân chính khiến khu vực ĐBSCL bị mặn xâm nhập sớm.