Chuyển biến lớn: QH Đức đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng để chống Putin
28 tháng 2 2022
Ngày Chủ Nhật 27/02 đến với nước Đức bằng các sự kiện lớn.
Hàng trăm nghìn người dân, gồm cả một số người gốc Việt, đã đổ về khu vực trước trụ sở nhà Quốc hội, Bundestag và Cổng thành Brandenburg, Berlin để biểu tình phản đối cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
Đầu tuần này, Đức cũng xác nhận sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger tới Ukraine.
Ngoài ra, kho vũ khí của Bundeswehr (quân đội liên bang) được mở ra để chuyển 400 súng phóng lựu cho quân Ukraine.
Cùng thời gian ngày Chủ Nhật, ngay trong Quốc hội, các nghị sĩ được triệu về, bỏ cả kỳ nghỉ cuối tuần cho phiên họp khẩn cấp, thông qua luật tăng chi phí quốc phòng của Đức lên hơn 2% GDP.
Ngay lập tức, Thủ tướng Đức, Olaf Scholz (đảng cánh tả SPD) đã công bố lý do thay đổi chi tiêu quốc phòng của nước này là vì khủng hoảng Ukraine và vì hành động gây hấn, xâm lăng của Nga.
\’Phải ngăn chặn Putin ngay bây giờ\’
Trước Quốc hội Đức, ông cho biết 100 tỷ euro sẽ được bổ sung vào ngân sách quân sự của Berlin trong năm nay, thêm vào chi tiêu dự toán 2021 là 50 tỷ.
Ông Scholz, người gặp riêng ông Putin trong tuần qua, nói \”không còn ai nghi ngờ là Putin muốn lập ra một trật tự mới ở châu Âu và không e dè khi dùng bạo lực quân sự để đạt mục tiêu đó\”.
\”Chúng ta phải chống lại đe dọa đó ngay bây giờ hay để lại cho tương lai lo?\” thủ tướng Đức đặt câu hỏi.
Trang Deutsche Welle chiều 27/02 gọi đây là thời điểm \”Đức đảo chiều chính sách quân sự\”.
Đức sẽ chi hơn 2% GDP hàng năm cho quốc phòng, một mục tiêu lâu nay của NATO mà nước này đã không đạt được trước đây – bất chấp áp lực từ Hoa Kỳ muốn Đức gánh vác trách nhiệm hơn cho Nato tại châu Âu. Cho đến 2017, Đức chỉ chi 1,2% GDP cho quân đội.
Với tiềm lực kinh tế lớn nhất châu Âu và đi đầu EU, Đức luôn đảm bảo cam kết chỉ đầu tư vào kinh tế, ngoại giao mà né tránh tăng cường quân bị, vì \”tội lỗi\” chế độ Hitler gây ra cho châu Âu trong Thế Chiến II.
Người ta từng nói Đức là người khổng lồ về kinh tế nhưng là \”chú lùn\” về quân sự.
Nhưng nay, như chính Chủ tịch đảng CDU hiện ở ghế đối lập, Friedrich Merz nói thì, đơn phương cắt giảm chi phí quốc phòng (abruestung) không đem lại an ninh hơn, thậm chí còn làm an ninh kém đi, thì con đường phải là tăng cường quân bị (aufruestung).
Đảng này từng cầm quyền 16 năm thời nữ Thủ tướng Angela Merkel và nay, ông Merz tuyên bố hợp tác với chính phủ liên minh của ông Scholz trong chương trình tăng cường quốc phòng.
Nữ bộ trưởng ngoại giao thuộc đảng Xanh trong liên minh cầm quyền, bà Annalena Baerbock phát biểu trước QH rằng \”Cuộc chiến này là do Putin muốn\”, và đảng Xanh vốn ủng hộ đàm phán, thương thảo hòa bình, nay đã ủng hộ việc gửi vũ khí sát thương sang cho Ukraine.
Xin nhắc cho tới gần đây, Đức tự cam kết không cung cấp vũ khí sát thương cho các bên trong vùng chiến sự.
Bà Baerbock xác nhận chính phủ Đức phải \”đánh vào hệ thống với Putin ở trung tâm\” bằng kinh tế, tài chính và nhắm vào các cá nhân.
Ngoài ra, Đức cần đổi chính sách năng lượng để không còn bị Nga dùng \”vũ khí khí đốt\” bắt chẹt, bộ trưởng Đức nói.
Từ Berlin, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng, người vừa đi dự cuộc tuần hành lớn phản đối chiến tranh trước nhà Quốc hội, giải thích với BBC:
\”Cuộc chiến của Nga ở Ukraine thực sự đã làm nước Đức mở mắt. Ngày 24/02 đã khiến cả nước Đức bừng tỉnh, thấy mình yếu ớt, mong manh trước cái ác. Các chính trị gia xấu hổ vì đã không thể giúp Ukraine được sớm hơn, nhiều hơn, nhận thấy quá ngây thơ trong thời gian dài với Putin, đã quá chú tâm vào việc nâng cao mức sống tiện nghi cho mình thông qua sự phụ thuộc vào sự che chở quốc phòng của Mỹ, năng lượng của Nga.
Tôi thấy người Đức nay hiểu rằng điều gì sẽ xảy ra nếu tại thời điểm này nước Mỹ đang có một vị tổng thống quay lưng lại với châu Âu và khối Nato vẫn còn đang \”chết não\”. Đức quyết định phải lập tức thay đổi cách nhìn về thế giới hôm nay.
Phải nói thật rằng nhiều chính khách Đức từng nhiều năm dành cho Nga và Putin tình cảm đặc biệt, nay mới bật ngửa. Xã hội Đức đã nhận ra rằng an ninh năng lượng, quốc phòng bị phụ thuộc vào nước ngoài, nước Đức sẽ luôn bị nguy hiểm đe dọa. Phải lâp tức đầu tư ngân sách khủng cho quân sự, phải nhanh chóng như có thể biến quân đội Đức thành đội quân hiện đại nhất châu Âu. Phải gạt bỏ mặc cảm, sự e dè về quá khứ không đẹp đẽ của mình từng gây ra trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
Trong hoàn cảnh thế giới như ngày nay, Đức phải đầu tư cho tự do của mình, đã quyết định tăng mức chi tiêu quốc phòng với số tiền lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử gần đây. Thực sự chỉ có như vậy Đức mới đáp ứng được vai trò đầu tàu của châu Âu, cả về kinh tế và an ninh.\”
Bị kiềm chế lâu năm
Từ năm 1945 đến 1990, sau khi Đồng minh do Hoa Kỳ lãnh đạo giải giáp Wehrmacht (quân đội phát-xít), CHLB Đức trên thực tế không được phép phát triển quân đội và nền quốc phòng của họ gần như \”do các đại cường Phương Tây đảm trách\”, theo đánh giá của Ross Clarke trên trangSpectator ở Anh năm 2019.
Sau khi hai nước Đức thống nhất, hiệp ước quốc tế mang tên Treaty for the Final Settlement with Respect to Germany trả lại chủ quyền quân sự cho Đức năm 1991 nhưng chỉ cho phép Đức có không quá 370 nghìn quân.
Điều ước này còn cấm Đức không được phép đưa vào không quân và hải quân quá 345 nghìn quân. Đây là \”chốt chặn\” bằng luật để hạn chế không cho Đức có khả năng tác chiến ở xa, gây chiến tranh xâm lăng như thời Đế chế III. Đặc biệt, Đức bị cấm sở hữu vũ khí nguyên tử.
Nhưng tâm lý chung của các chính trị Đức là coi nhẹ quốc phòng tới mức \”đáng buồn\” và bỏ bễ việc phát triển quân đội tới mức hiện Đức chỉ có chừng 170 nghìn quân, trên dân số 84 triệu. Nhìn vào tình trạng quân lực CHLB Đức người ta còn thấy thảm hại hơn: không tàu ngầm nào còn mới và chưa hỏng để ra biển, chừng 90 trực thăng cũ, và toàn bộ không quân có đúng 1500 người. Chính vì thế, một phần vũ khí Đức sản xuất chỉ để xuất khẩu. Ví dụ xe tăng Leopard được cung cấp cho Ba Lan. Các phi cơ hiện đại Eurofighter và Tornado chỉ bay bốn tháng trong năm.
Mấy tuần trước, khi Romania cần thêm phi cơ hiện đại để tuần tra bầu trời Biển Đen, họ đã nhờ Tây Ban Nha và Hà Lan chuyển máy bay tới, chứ không nhờ Đức.
Hiện chưa rõ chính sách tăng cường quốc phòng của Đức sẽ được tiến hành, áp dụng ra sao nhưng các nhà quan sát đều nói với tiềm lực công nghệ rất cao, Đức có thể nhanh chóng sản xuất các loại tàu chiến, tàu ngầm, xe tăng, phi cơ siêu hạng.
Quan trọng hơn, việc thay đổi chính sách có thể sẽ nới rộng hạn chế để Đức tăng quân số và bổ sung vào những lỗ hổng quốc phòng thời gian qua.
Châu Âu chống Nga?
Các chuyển biến này tại Đức còn cần nhiều thời gian để đánh giá hệ quả, nhưng có vẻ \”hòa nhịp\” với những quyết định và tâm lý dư luận ở Anh, Pháp, Ba Lan.
Cùng ngày 27/02/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss hoan nghênh các tình nguyện viên từ Anh sang Ukraine chiến đấu chống Nga.
Trả lời BBC, bà nói \”bảo vệ Ukraine cũng là bảo vệ nền dân chủ châu Âu\” và đó là điều tôi ủng hộ hết mình.
Đây là sự đảo ngược 180% với chính sách cấm công dân Anh tự ý đi tham chiến ở nước ngoài, vốn được thông qua để chặn thanh thiếu niên gốc Hồi giáo ở Anh sang Iraq, Syria và Bắc Phi theo quân Thánh chiến jihadist.
Tại Pháp, một điều tra dư luận trên tờ Le Figaro vừa cho biết 72,19% người được hỏi đồng ý cử vũ khí sang giúp Ukraine.
Thông tin từ cơ quan biên phòng Ba Lan cuối tuần này cho hay ít nhất 22 nghìn người đã qua biên giới Ba Lan vào Ukraine. Họ là người Ukraine bị gọi về theo lệnh tổng động viên và sẵn sàng trở về chiến đấu chống Nga.
Hiện chưa có tin tức gì về các nhóm chiến binh, tình nguyện viên châu Âu khác sang Ukraine tham chiến, nhưng chuyện này có thể sẽ xảy ra nay mai.
Theo trang inews ở Anh, lời kêu gọi của tổng thống Volodymyr Zelenkiy mời thanh niên châu Âu \”gia nhập binh đoàn tình nguyện\” (international legion) giúp Ukraine chống Nga đang được bàn tán nhiều, và gần như chắc chắn là các nước Baltic và Ba Lan sẽ \”cung cấp một con số lớn\”.
Nếu Ukraine-Nga không nhanh chóng đạt ngưng bắn và Nga rút quân thì các chuyển biến này ở châu Âu có thể khiến Ukraine trở thành một chiến trường quốc tế, như báo inews ở Anh nhận định, giống Tây Ban Nha thời Nội chiến những năm 1930s, khi nhiều nước cùng đổ quân và vũ khí vào để giải quyết tranh chấp.