Nga-Ukraine: Anh em như thể chân tay hay đồng sàng dị mộng?

Nga-Ukraine: Anh em như thể chân tay hay đồng sàng dị mộng?

  • Nguyễn Phương Mai
  • Gửi tới BBC từ Amsterdam, Hà Lan

2 giờ trước

\"Bài

Giải thích về lý do tấn công Ukraine, ông Putin khẳng định lịch sử không cung cấp bất kỳ một bằng chứng nào về việc Ukraine từng là một quốc gia có chủ quyền. Ukraine là do Nga tạo ra trong thời kỳ Liên Bang Xô Viết. Ukraine và Nga là một dân tộc đồng nhất, không thể chia cắt. Dân tộc ấy cùng chung tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử. Khi thăm Ukraine vào năm 2013, Putin tuyên bố: \”Sự chia rẽ của hai đất nước là do những tác động nơi trần thế, nhưng sự hợp nhất của hai đất nước là ý nguyện của Chúa Trời\”.

Khối dân tộc đồng nhất mà Putin nhắc tới bắt nguồn từ một liên bang gồm nhiều bộ tộc Slavic và Finnic tồn tại vào thế kỷ thứ 9 với tên gọi là Kieven Rus. Có tuổi thọ chừng 5 thế kỷ, Kieven Rus nằm trên một phần đất hiện tại của Ukraine, miền Tây nước Nga, cùng một số nước Bắc Âu và Baltic khác.

Trong số những quốc gia này, ba nước Ukraine, Belarus và Nga coi Kyiv (thủ đô hiện nay của Ukraine) là quê hương đất tổ. Tên nước của Belarus và Russia cũng đều bắt nguồn từ chữ \”Rus\” trong Kieven Rus. Khi Kyiv là một khu vực thương mại phát triển rực rỡ thì Moscow vẫn chỉ là một thị trấn hẻo lánh.

Chủ nghĩa dân tộc của Putin có lẽ chịu ảnh hưởng từ nhà triết học Ivan Ilyin. Ông khẳng định nước Nga chỉ có thể tồn tại nếu giữ được khối đại đồng gồm ba nước có chung cội nguồn danh tính dân tộc từ Kieven Rus: Nga, Belarus và Ukraine. Như một sự trùng hợp có lợi cho Putin, tên của ông (Vladimir), tên của tổng thống Ukraine hiện nay (Volodymyr) và tên của hoàng tử từng thống trị Kieven Rus (Vladimir the Great) gần như giống hệt nhau. Điều này từng được Putin nhắc đến khi chiếm Crimea. Tượng của Vladimir the Great được dựng lên ở cả đất tổ Kyiv và Moscow.

Như vậy, một trong những lý do Putin tấn công Ukraine rất có thể bắt nguồn từ những diễn ngôn mà ông đã kiên định theo đuổi về một dân tộc thống nhất. Những biến thể khác của diễn ngôn này cho rằng lý do Putin động binh còn là việc ông muốn hiện thực hóa giấc mộng hồi sinh đế chế Nga Hoàng, thậm chí hồi sinh Liên Bang Xô Viết.

\"Một
Chụp lại hình ảnh,Một chiếc ô tô bị phá hủy do pháo kích ở ngoại ô thủ đô Kyiv của Ukraine (28 tháng 2 năm 2022)

Tù nhân địa lý

Ukraine mang số phận một vùng đất nằm giữa các đế chế lớn. Nơi đây đã liên tục bị nhìn ngó, thống trị và chia cắt bởi khối thịnh vượng chung Balan-Lithuania ở hướng Bắc, Áo Hung ở hướng Tây, Ottoman ở hướng Nam và Nga ở hướng Đông. Lịch sử vùng đất này là lịch sử của các sắc dân Ukraine liên tục nổi dậy và hòa hoãn, thần phục và phản kháng các đế chế cầm quyền.

\"Người
Chụp lại hình ảnh,Người dân đi qua cây cầu ở Kyiv, Ukraine, ngày 20 tháng 2 năm 2022

Cuộc cách mạng lật đổ Sa Hoàng năm 1917 biến Ukraine thành một cuộc hỗn chiến với 6 quân đội khác nhau. Kyiv bị đổi chủ 5 lần chỉ trong vòng 1 năm. Nhưng sự sụp đổ của Sa Hoàng cũng không giúp cuộc chiến độc lập của Ukraine thoát khỏi lời nguyền địa lý. Tuy thành công trong việc thoát khỏi sự thống trị của đế chế Nga, Ukraine lại nhanh chóng bị sát nhập vào Liên Bang Xô Viết sau thời gian độc lập vô cùng ngắn ngủi.

\"Người
Chụp lại hình ảnh,Người dân Donetsk kỷ niệm ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức công nhận nền độc lập của Cộng hòa Donetsk

Xung đột văn hóa giữa đế chế Nga và Ukraine

Trong lịch sử phát triển của loài người, \”quốc gia\” là một khái niệm mới mẻ. Nếu chỉ căn cứ vào các đường biên lịch sử, ta có thể vô tình phủ nhận văn hóa của nhiều dân tộc.

Việc tiếng Ukraine tuy cùng gốc Slavic nhưng vẫn rất khác với tiếng Nga đã luôn là sự đe dọa với khối Nga thống nhất. Sa Hoàng Nga đã liên tục kìm hãm sự tiếp nối của văn hóa các dân tộc nhỏ lẻ, bắt bớ các tiếng nói dân tộc dân chủ, đưa người Nga vào các vùng đất mới, tuyển người Nga vào các vị trí giảng dạy, dùng giáo viên Ukraine để dạy tiếng Nga, thậm chí cấm luôn việc sử dụng tiếng Ukraine (thông tư Valuev Circular và Ems Ukaz).

\"Lực
Chụp lại hình ảnh,Lực lượng quân đội Ukraine trên chiến tuyến chống lại lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn gần khu vực Donetsk

Chính sách Nga hóa này chủ yếu dựa trên sự đồng nhất về tôn giáo dòng Chính Thống, gốc dân Slavic và gốc đế chế Kieven Rus. Chỉ trong nội vùng Kyiv, hơn 1200 nhà thờ dòng Uniate phải cải đạo. Để xóa nhòa danh tính của các sắc dân riêng lẻ, đế chế Nga chia danh tính văn hóa thành 3 phần: Nga Lớn, Nga Nhỏ, và Nga Trắng.

Chính sách \”diệt chủng văn hóa\” đó khiến nhiều người di cư về phía Tây. Nhưng ở phía Tây, người Ukraine dưới sự thống trị của đế chế Áo cũng bị gạt ra ngoài. Thế một cổ hai tròng đó thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Ukraine ngày càng trỗi dậy mạnh hơn.

\"Một
Chụp lại hình ảnh,Một người đàn ông nói lời tạm biệt với con gái của mình trước khi cô lên chuyến tàu sơ tán tại nhà ga trung tâm của Kyiv vào ngày 28 tháng 2

Xung đột văn hóa giữa chính quyền Liên Bang Xô Viết và Ukraine

Nhận thức được sức mạnh của danh tính văn hóa, Lenin hiểu rằng các sắc dân từng đổ máu lật đổ Sa Hoàng Nga sẽ không chịu từ bỏ ngôn ngữ của mình. Chính vì thế, chính sách khởi thủy của Liên Xô là tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa bản địa của các nước cộng hòa thành viên. Lenin cho rằng kẻ thù của Liên Xô không phải chủ nghĩa dân tộc của các sắc dân nhỏ lẻ mà chính là tư tưởng đế quốc Đại Nga (Great Russia nationalism).

Tuy nhiên, người kế nhiệm Stalin lại theo đuổi một chính sách ngược lại, hướng đến một hình ảnh Liên Xô đồng nhất, lãnh đạo bởi người Nga. Ông từng tuyên bố: \”Dân tộc ưu việt nhất là dân tộc Nga, dân tộc Liên Xô nhất là dân tộc Nga\”.

\"Hình
Chụp lại hình ảnh,Hình ảnh vệ tinh cho thấy một phần của đoàn xe quân sự Nga gần Ivankiv, Ukraine

Dưới quyền lãnh đạo của Stalin, kẻ thù chế độ không còn là \”giai cấp\” mà có hình hài dân tộc (ethnicity operation). Hơn chục sắc dân bị rơi vào tầm ngắm, gồm người Xô Viết gốc Đức, Ba Lan, Nhật, Hàn, Tarta…vv. Hệ quả của chính sách này là khoảng 3.3 triệu người bị đi đày, gần một nửa chết vì bệnh tật và đói kém.

Chính sách trên cũng áp dụng với những người Ukraine không chịu đồng hóa. Ngôn ngữ Ukraine gần như bị cấm ngoài phạm vi lãnh thổ. Các hoạt động văn hóa tại Ukraine bị kiểm soát chặt chẽ. Một số nhân vật chủ chốt của phong trào dân tộc Ukraine bị rơi vào tầm ngắm. Nhiều người Ukraine bị áp lực phải đổi từ Công giáo qua Chính thống giáo của Nga. Nhiều người Nga được khuyến khích di cư đến sống ở Ukraine.

\"Cư
Chụp lại hình ảnh,Cư dân Kyiv trú ẩn trong tầng hầm của một tòa nhà chung cư (27 tháng 2 năm 2022)

Sự kiềm tỏa văn hóa này đi kèm với các chính sách kinh tế. Vào đầu những năm 30, quá trình hợp tác xã hóa nông nghiệp và dịch chuyển lương thực phục vụ cho công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước khiến 5 triệu người Nga chết đói. Tuy nhiên, Stalin sau này bị tố cáo rằng, nhằm mục đích trừng phạt, ông đã cố tình vận chuyển gần như toàn bộ lương thực từ các nông trang của Ukraine, hạn chế di chuyển và cứu trợ, khiến nạn đói ở đây trầm trọng hơn. Gần 4 triệu người Ukraine chết đói không hẳn vì thiếu lương thực mà vì lương thực bị giật khỏi tay. Lịch sử gọi đây là nạn đói Ukraine (Holodomor). Tuy nhiên, người Liên Bang Xô Viết bị cấm nói về nạn đói này.

Cùng với sự lớn mạnh của Đức Quốc Xã, nhiều người Ukraine nuôi hy vọng rằng với lịch sử từng là một phần của đế chế Áo-Hung, Đức có thể cho phép Ukraine tuyên bố độc lập. Để diệt trừ điều này, Stalin đày 11.000 người Ukraine đi Siberia.

Chính sách Nga hóa được tiếp tục bởi các đời lãnh đạo sau của Liên Xô. Khrushchev từng tuyên bố: \”Chúng ta càng phổ cập tiếng Nga nhanh bao nhiêu thì càng xây dựng chủ nghĩa cộng sản nhanh bấy nhiêu\”. Dưới thời Brezhnev, tất cả các khóa luận tốt nghiệp đều phải viết bằng tiếng Nga và được Moscow phê duyệt.

Chính sách Nga hóa diễn ra mạnh mẽ nhất ở Ukraine. Ngày nay, hầu hết người Ukraine có thể nói tiếng Nga dù người gốc Nga chỉ chiếm khoảng 17%, chủ yếu ở phía Đông. Đất nước bị chia đôi về văn hóa, phía Tây thân châu Âu, phía Đông ngả về Nga.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Ukraine

Như vậy, chủ nghĩa dân tộc Ukraine đã có từ lâu, trỗi dậy mạnh mẽ vào thế kỷ 18 đến cách mạng tháng 10, liên tục cựa quậy trong thời kỳ Liên Xô, và bứt phá thành một quốc gia độc lập khi Liên Xô tan rã. Cho đến thời điểm này, một nhánh nhỏ của chủ nghĩa dân tộc ấy đã chuyển màu cực hữu.

Mầm mống cực hữu tại Ukraine khởi nguồn từ suy thoái kinh tế, thất nghiệp, tham nhũng và các thành phần cực đoan của fan bóng đá. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự bắt đầu vào năm 2008. Tại hội nghị thượng đỉnh của NATO, Ukraine được công nhận là một thành viên tương lai (aspiring member). Song song với NATO, liên minh châu Âu (EU) đồng ý ký một thỏa thuận kinh tế quan trọng với Ukraine.

Cả hai sự kiện đều khiến Nga nổi giận. Nhằm kéo Ukraine trở lại phía mình, năm 2013, Nga thuyết phục chính quyền thân Nga lúc đó, đứng đầu là Yanukovych, với một thỏa thuận trị giá 15 tỷ đô la. Ông Yanukovych đồng ý, bỏ qua mối làm ăn với châu Âu trước thời điểm ký thỏa thuận chỉ vài ngày.

Vì gần 70% dân số ủng hộ Ukraine trở thành một phần của EU, người dân đổ xuống đường biểu tình (EuroMaidan). Dù bị đàn áp đẫm máu,.ông Yanukovych vẫn bị lật đổ, phải chạy sang Nga. Chính quyền mới lên thay thế có tư tưởng thân Mỹ và phương Tây. Việc Putin \”mua chuộc\” Yanukovych được coi bằng chứng về việc Nga là kẻ ngáng đường Ukraine vào EU. Diễn biến trên ảnh hưởng xấu đến vùng Đông Ukraine giáp biên giới Nga, đóng vai trò xúc tác cho việc hình thành các nhóm ly khai gốc Nga.

Trước tình hình đó, động thái thứ nhất của Nga là đổ quân lên bán đảo Crimea. Vùng đất này được sang tên cho Ukraine trong thời kỳ Liên Xô để thể hiện tình anh em hữu hảo. Sau cuộc trưng cầu dân ý, Crimea với 60% dân gốc Nga được sáp nhập trở lại lãnh thổ Nga, bất chấp sự phản đối của Ukraine và các tranh cãi về tính trung thực của quá trình trưng cầu. Lý do Putin đưa ra là vì Crimea là nơi hoàng tử của Kieven Rus hơn 1000 năm trước chính thức cải đạo sang Thiên Chúa giáo. Vì thế, nó cũng là đất thánh giống như Jerusalem vậy. Đây là bước đi chiến lược, bởi Crimea dù là đất của Ukraine nhưng theo thỏa thuận vẫn luôn là căn cứ quân sự quan trọng của Nga. Putin có lẽ không thể để Crimea rơi vào tay một chính quyền thân Mỹ/ phương Tây.

Động thái thứ hai của Nga là cung cấp vũ khí cho các nhóm ly khai gốc Nga ở Đông Ukraine. Một trong số những quả đạn pháo đó đã vô tình bắn rơi một máy bay của Malaysia (MH17), làm 283 người thiệt mạng. Cho đến nay, Nga vẫn phủ nhận điều này. Sự kiện thảm khốc khiến chính quyền Ukraine quyết định đối mặt vũ trang với các nhóm ly khai. Cuộc nội chiến do Nga chống lưng này đã diễn ra từ năm 2014 cho đến nay.

Như vậy, cuộc đảo chính EuroMaidan đánh dấu mốc cho những thành phần cực hữu của Ukraine chia hẳn thành hai phe: \”thân Nga\” và \”thù Nga\”. Xung đột giữa hai bên trở thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan hình thành, trong đó cái tên nổi nhất là Tiểu đoàn Azov.

Nấp dưới danh nghĩa \”dân phòng\”, Azov dần dần lớn mạnh, thậm chí trở thành một phần của Vệ binh quốc gia. Trong một phóng sự về trại hè dành cho thiếu niên của Azov, người ta thấy cả những bé gái xăm lên mình hàng chữ \”white pride\” (niềm tự hào da trắng). Tụi trẻ con được đào tạo để trở thành những chiến binh, để hiểu rằng Ukraine quan trọng hơn ván trượt và trò chơi điện tử.

Chính người phát ngôn của Azov cũng phải thừa nhận rằng 10-20% thành viên Azov có tư tưởng cực hữu và phân biệt chủng tộc kiểu hậu Đức Quốc Xã (Neo-Nazi). Putin cũng dùng chính lý do này để giải thích cho tính chính nghĩa của cuộc tấn công Ukraine, nhằm cứu những người gốc Nga khỏi họa diệt chủng dưới bàn tay của tổng thống Ukraine – người mà theo Putin – là một kẻ nghiện ngập, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và mang tư tưởng Đức Quốc Xã. Lời cáo buộc này của Putin khiến nhiều người ngỡ ngàng vì bản thân tổng thống Ukaine là người Do Thái – nạn nhân của Đức Quốc Xã.

Dù chỉ là thiểu số, nhưng Azov và khoảng 30 nhóm cực hữu khác vừa là vũ khí đắc lực, vừa là mối đe dọa cho Ukraine. Được kích động bởi tinh thần dân tộc, họ là những chiến binh sẵn sàng xả thân, giúp chính quyền Ukraine đối mặt với quân ly khai có vũ khí tối tân hơn do Nga tài trợ, và ngay bây giờ là quân đội Nga.

Tuy nhiên, thành phần dân tộc cực đoan và da trắng thượng đẳng trong các nhóm này vừa gây tội ác chiến tranh, vừa là hiểm họa cho tương lai của Ukraine. Đối mặt với quân Nga, họ bây giờ là các anh hùng. Nhưng khi cuộc chiến này kết thúc, họ có thể là những kẻ cực đoan phá hoại hình ảnh Ukraine. Nguy hiểm hơn, phần còn lại của dòng vũ khí viện trợ đang từ khắp nơi đổ về có khả năng trở thành chiến lợi phẩm của những \”mujahidin Ukraine\” khi bom đạn ngừng rơi.

Vai Trò của Mỹ và Phương Tây

Giáo sư John Mearsheimer là một trong số các học giả cho rằng cuộc chiến ở Ukraine hiện nay là lỗi của Mỹ và phương Tây. Đó là sự sai lầm khi đánh giá thấp Putin vì thấy ông không phản ứng mạnh mẽ với việc các nước Đông Âu ra nhập NATO, bao gồm cả những nước có biên giới với Nga.

Tuy nhiên, năm 2008 khi NATO công nhận Ukraine là thành viên tương lai, Putin đã nói nếu điều này thành hiện thực, Ukraine sẽ bị diệt vong. Để chứng minh sự nghiêm túc của mình, Putin đổ quân vào Georgia – một nước thuộc Liên Xô cũ tương tự như Ukraine, cũng có vùng ly khai thân Nga và do Nga chống lưng.

Ukraine có giá trị khác nhau trong mắt Nga và NATO. Với Nga, đây là vùng đệm với châu Âu mà Nga quyết chiến để giữ. Tuy nhiên, với NATO, Ukraine chưa chắc đã quan trọng đến mức đó, bởi Nga không còn là mối đe đọa số 1 đến an ninh châu Âu. Các diễn ngôn về sự nguy hiểm của Nga rất có thể chỉ là tàn dư của chiến tranh lạnh. Thậm chí có ý kiến nghi ngờ NATO đã phóng đại sự nguy hiểm của Nga để khiến sự tồn tại của mình tiếp tục có giá trị.

Theo GS. Mearsheimer, ngay từ đầu, chính quyền Trump không nên cung cấp vũ khí cho Ukraine chống quân ly khai, bởi điều này kích động Nga một cách không cần thiết. Ukraine tốt nhất là vùng đệm và thế trung lập. Việc kích động Nga chỉ khiến Nga rơi vào tay Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây hoàn toàn có thể bắt tay với Nga để đối đầu với những vấn đề thực sự đe dọa an ninh thế giới như sự bá quyền của Trung Quốc ở biển Đông, vấn đề Đài Loan và tranh chấp đảo giữa Nhật và Trung Quốc.

GS Mearsheimer đổ trách nhiệm cuộc chiến hiện nay cho NATO và EU vì đã theo đuổi chính sách mở rộng một cách thiếu tính toán, để bị bất ngờ khi Nga tấn công. Tại cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, Mỹ bị một đòn giáng mạnh khi Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo tại Cuba, cách Mỹ không xa. Để so sánh, NATO và EU đáng lẽ đã phải lường trước thái độ của Nga khi các bệ phóng tên lửa có thể được đặt ở Ukraine, cách Moscow không xa?

Tuy nhiên, cách nhìn theo chủ nghĩa hiện thực như trên của GS. Mearsheimer không mấy được ủng hộ khi chủ nghĩa tự do đang chiếm ưu thế trong chính trường. Ông bị chỉ trích về việc đã quá chú trọng vào quyền lực của nước lớn và coi nước nhỏ như những quân bài yếu đuối về quyền tự quyết.

Ví dụ, bàn cờ thế giới quả thật có lợi hơn khi Ukraine trung lập và giữ vai trò vùng đệm. Tuy nhiên, người dân Ukraine có thể tạo áp lực buộc chính quyền thay đổi, điển hình là cuộc đảo chính EuroMaidan. Hai phần ba dân Ukraine muốn ra nhập EU, hơn một nửa muốn ra nhập NATO. Cộng thêm cuộc xung đột Đông Tây về \”thân Nga – thù Nga\”, không một nhà lãnh đạo nào có thể dễ dàng giữ Ukraine trung lập.

Thái độ với chiến tranh

Người Việt thường tuyên ngôn rằng chúng ta là một dân tộc yêu hòa bình. Tuy nhiên, tuyên ngôn ấy dường như đang bị thách thức bởi một thiểu số comment thể hiện sự đùa cợt, khát máu, hào hứng như đang xem một cuộc đấu video game. Đó là thái độ ủng hộ chiến tranh, chửi rủa người Ukraine là ngu thì đáng chết, tung hô Putin là \”Đại Đế\” không ngần ngại lấy nợ máu phương Tây, cỏ vũ san phẳng Ukraine đưa Kyiv về thời đại đồ đá, vui sướng khi Putin kích hoạt răn đe hạt nhân, hô hào lấy mạng của những người lính từ cả hai bên chiến tuyến.

Nếu là người Việt, có thể nào không thấy gợn khi nói rằng: \”Lãnh đạo ngu mới để chiến tranh xảy ra\”? \”Nước lớn bắt nạt nước nhỏ là chuyện đương nhiên\”? \”Láo, chọn phe không khéo thì bị xâm chiếm là đáng kiếp\”? Tất cả những điều đó chẳng lẽ chưa từng xảy ra với dải đất chữ S này sao?

Một comment viết cho tôi rằng: \”Vì Hồng Quân đã đổ máu ở Ukraine, họ có quyền xâm chiếm và dạy cho đất nước này một bài học. Việt Nam cũng thế. Nếu Campuchia ngả hẳn theo Trung Quốc thì ta có quyền đánh thẳng vào giải phóng Phnom Penh\”.

Cuộc chiến Ukraine tuy ở xa, nhưng nó khiến mỗi người chúng ta bộc lộ những góc rất sâu trong tâm thức mình. Đó có thể là ẩn ức nước nhỏ, giấc mơ thành nước lớn, sự khao khát một nhà lãnh đạo quả cảm, sự ngưỡng mộ tinh thần cảm tử cho tổ quốc quyết sinh, hay hồi ức với quá khứ lãng mạn và ngọt ngào.

Tuy nhiên, những góc độ cảm xúc ấy có lẽ không bao giờ nên là sự hào hứng với máu chảy đầu rơi. Lenin từng nói: \”Chiến tranh là tội ác lớn nhất đối với nhân loại\”. Vậy thì chiến tranh có gì để mà hả hê, nhất là khi vết thương chiến tranh của chính mình còn chưa kịp lành?

PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, với chuyên môn quản trị đa văn hoá kết hợp cùng kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Bài Liên Quan

Leave a Comment