Chiến lược mới của Mỹ ở châu Á: ‘củng cố đồng minh’ nhưng ‘thiếu khuôn khổ kinh tế’

Chiến lược mới của Mỹ ở châu Á: ‘củng cố đồng minh’ nhưng ‘thiếu khuôn khổ kinh tế’

01/03/2022


\"Tổng
Tổng thống Joe Biden muốn tăng cường can dự với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Chính quyền Joe Biden đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong đó thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ với khu vực để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc, xây dựng lại quan hệ đồng minh đã rạn nứt nhưng lại thiếu khuôn khổ hợp tác kinh tế, các phân tích gia nhận định.

‘Củng cố đồng minh’

Hoa Kỳ cần đẩy mạnh tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì ‘những thách thức ngày càng tăng’ với sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo tài liệu chiến lược do chính quyền Biden công bố.

“Trung Quốc đang kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và tìm cách trở thành cường quốc có tầm ảnh hưởng nhất thế giới,” tài liệu trình bày về chiến lược viết.

Chiến lược mới kêu gọi thúc đẩy tự do và môi trường mở, xây dựng năng lực phòng thủ tập thể trong và ngoài khu vực, và xây dựng khả năng chống chọi trong khu vực. Nó cũng bao gồm điều mà chính quyền Biden gọi là ‘thúc đẩy thịnh vượng chung’.

Ngoài những lời lẽ mạnh mẽ, chiến lược mới của chính quyền Biden tìm cách củng cố các liên minh và quan hệ đối tác khu vực mà nhiều người coi là quan trọng đối với chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Nó đáp ứng mong muốn của nhiều nước trong khu vực là Mỹ đóng vai trò cổ động để giải quyết các thách thức chung như y tế công cộng, biến đổi khí hậu và chống tham nhũng, Ryan Hass, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings, nói với VOA.

“Đó là sự xa rời đáng hoan nghênh từ tư duy ‘Nước Mỹ trên hết’ trong thời đại Trump,” ông Hass nói.

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ông Biden hứa hẹn các bước đi nhằm làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đồng minh hiện có của Mỹ với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan và đồng thời cũng nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan, Việt Nam và các đảo quốc Thái Bình Dương.

Chính quyền Biden cũng tiếp tục cách tiếp cận của Trump là tập trung vào sự hợp tác trong khuôn khổ Bộ Tứ bao gồm Mỹ, Nhật, Ấn và Úc.

“Nhật Bản và Hàn Quốc nên hòa hợp, ASEAN vẫn là trung tâm, Ấn Độ nên đóng vai trò lớn hơn,” Aparna Pande, giám đốc Sáng kiến về tương lai của Ấn Độ và Nam Á của Viện Hudson, nói với VOA.

Mặc dù chiến lược này không mở cửa thị trường Mỹ nhiều hơn cho các nước châu Á như dưới thời ông Trump, nhưng bù lại nó thúc đẩy các thỏa thuận quân sự.

Hồi đầu tháng Hai, chính quyền Mỹ đã phê duyệt thương vụ tiềm năng bán thiết bị và dịch vụ trị giá 100 triệu đô la cho Đài Loan để ‘tiếp tục, duy trì và cải thiện’ hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.

Đầu tháng này, Mỹ cũng đã phê duyệt thương vụ bán máy bay F-15ID và các thiết bị liên quan cho Indonesia trong một thỏa thuận trị giá lên tới 13,9 tỷ đôla, bất chấp những lo ngại về nhân quyền vốn đã trì hoãn các thương vụ vũ khí trước đó cho Indonesia. Thỏa thuận bán vũ khí cuối cùng của Washington cho Jakarta là vào năm 2011.

‘Không thể một mình một ngựa’

Trao đổi với VOA, ông Ngô Vĩnh Long, giáo sư Đại học Maine, đồng ý rằng ‘xây dựng lại đồng minh’ là một điểm quan trọng trong chiến lược của ông Biden.

“Chiến lược này muốn nói rõ Mỹ cần đồng minh, cần sự giúp đỡ của đồng minh, của các đối tác,” ông Long nói. (15:30)

Theo lời vị giáo sư này thì Mỹ ‘không thể một mình một ngựa’ đương đầu với những thách thức hiện nay trên thế giới. “Nếu cứ tiếp tục ‘Nước Mỹ trên hết’ thì Mỹ không thể nào kết nối với đồng minh được,” ông nhận định.

Ông giải thích rằng ngay cả thời Mỹ mạnh nhất sau khi Liên Xô tan rã, khi Mỹ đưa quân vào đánh Iraq, cố Tồng thống George H.W. Bush cũng cần sự ủng hộ và hỗ trợ của các đồng minh.

Giáo sư Long nhận định do phải giải quyết những vấn đề nội bộ nước Mỹ trước, chẳng hạn dịch bệnh, và những vấn đề ở châu Âu, nên phải một năm sau khi ông Biden lên nắm quyền mới đưa ra được chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và đây là chiến lược ‘không chỉ của riêng ông Biden mà có sự ủng hộ của lưỡng đảng’.

“Thời ông Trump dù có chiến lược chung chung nhưng do đặt nước Mỹ trên hết nên đã bỏ qua các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng như châu Âu, cho nên chiến lược này giúp trấn an các đối tác châu Á rằng mặc dù Mỹ đang tập trung vào châu Âu, Washington cũng không bỏ quên khu vực,” ông phân tích.

“Mỹ muốn các nước trong khu vực liên kết với nhau với sự hỗ trợ của Mỹ để tạo ra các điều kiện có lợi cho các nước trong khu vực,” ông nói thêm và cho biết chiến lược này đã ‘nhận được sự phấn khởi của châu Á’.

Ông chỉ ra việc ASEAN được nhắc đến bốn lần trong tài liệu chiến lược và bản thân các nước riêng rẽ trong ASEAN, trong đó có Việt Nam, cũng được đề cập cho thấy Mỹ ‘có sự quan tâm đúng mức đối với ASEAN’.

Các nội dung quan trọng về quan hệ Mỹ-ASEAN trong khuôn khổ chiến lược này là chuyển đổi quan hệ mậu dịch, tăng cường hợp tác an ninh trên biển, giúp xây dựng hệ thống tuần dương, đào tạo nhân lực, viện trợ, giáo sư Long cho biết, nhưng từng nước phải vận động ở Mỹ để có các chính sách có lợi cho mình.

“Việt Nam có thể vận động mua thêm vũ khí của Mỹ nếu vũ khí đó không thách thức quá đối với Bắc Kinh,” ông Long nói.

Không có khuôn khổ kinh tế

Nhưng ông Hass và các nhà quan sát khác nói chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thiếu khuôn khổ thương mại mạch lạc để đem đến cho các nước trong khu vực lý do kinh tế thỏa đáng để làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Mỹ. Họ nói rằng chương trình nghị sự kinh tế quốc tế của Washington nên phù hợp với vai trò lãnh đạo mà Mỹ muốn có trong khu vực.

Ông Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ của Trung tâm Wilson, nói với VOA rằng chiến lược này có mâu thuẫn cơ bản ở chỗ nó ngụ ý Mỹ sẽ tích cực hoạt động toàn cầu ở mức độ cao, sau nhiều năm theo đuổi chính sách đối ngoại cô lập dưới thời chính quyền Trump. Cùng lúc, chính quyền Biden đã không chuẩn bị công chúng Mỹ để từ bỏ thái độ chỉ trích toàn cầu hóa của thời Trump.

“Họ đã tự đặt mình vào hộp mà, lý do chính trị, họ dường như chấp nhận quan điểm của Trump rằng toàn cầu hóa là sân chơi của giới tinh hoa Mỹ buông thả ở các thành phố ven biển, vốn không quan tâm đến vùng giữa của Nước Mỹ,” ông Daly nói. “Cái cần là hình thức toàn cầu hóa tốt hơn phục vụ lợi ích của Mỹ – chính quyền Biden quyết định không đụng đến vấn đề này.”

Trước Trump, chính quyền Obama trước đây đã ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại khổng lồ với 11 nước khác để trở thành hòn đá tảng của chính sách kinh tế của Mỹ trong khu vực. Chính quyền Trump đã rút khỏi TPP vào năm 2017, để các thành viên khác sửa lại thỏa thuận để trở thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thiếu sự ủng hộ của người dân đối với các hiệp định thương mại đa phương, chính quyền Biden cho biết họ không có kế hoạch tham gia CPTPP và nói rõ họ dự định tiếp tục các chính sách bảo hộ của ông Trump.

Nhà Trắng vẫn chưa công bố chi tiết về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, một cấu thành của Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Khuôn khổ này, mà họ coi là ‘quan hệ đối tác đa phương cho thế kỷ 21’, được dự tính công bố vào đầu năm nay.

Chính quyền Mỹ cho biết khuôn khổ này sẽ ‘thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tiêu chuẩn cao, quản lý nền kinh tế kỹ thuật số, cải thiện khả năng chống chịu và an ninh của chuỗi cung ứng, xúc tác đầu tư vào cơ sở hạ tầng minh bạch, tiêu chuẩn cao và xây dựng kết nối số – tăng cường mối quan hệ kinh tế của Mỹ với khu vực trong khi đóng góp vào cơ hội được chia sẻ rộng rãi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Nhưng các quan chức Mỹ thừa nhận khuôn khổ này sẽ không bao gồm mở cửa thị trường Mỹ, củ cà rốt kinh tế mà các nhà phân tích cho rằng chiến lược này còn thiếu.

“Làm sao mà các nước trong khu vực đồng ý có nhượng bộ nghiêm túc về khí hậu hay tiêu chuẩn lao động nếu Mỹ không sẵn sàng thảo luận về tự do hóa thương mại và đầu tư?” ông Zack Cooper, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, đặt vấn đề. \”Có vẻ như Washington hài lòng đứng bên lề khi Bắc Kinh hội nhập sâu hơn vào trật tự kinh tế khu vực”.

Trong một cuộc họp báo trong tháng này, một quan chức Mỹ cấp cao thừa nhận các nước trong khu vực muốn nhiều hơn về kinh tế nhưng ‘rất thực tế’ về những hạn chế và thách thức mà Biden đối mặt trong định hình chính sách thương mại.

Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn

“Hứa hẹn của sáng kiến Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương là nó đem đến một số thứ khác không phải tiếp cận thị trường,” ông Matthew Goodman, phó chủ tịch cấp cao về kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết. Ông Goodman nói với VOA rằng những điều này có thể bao gồm cải thiện các quy định thương mại quốc tế hoặc đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đã hứa trong sáng kiến Build Back Better World (Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn) của ông Biden.

Tổng thống Biden trình làng ý tưởng Build Back Better World (B3W) ở hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 năm 2021, với mục tiêu tạo ra ‘quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng định hướng giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch’ để giúp tài trợ các dự án ở các nước đang phát triển.

Các quan chức Mỹ do Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia về kinh tế quốc tế, dẫn đầu đã khảo sát một số nước ở Mỹ Latinh và châu Phi để xác định các dự án cơ sở hạ tầng tiềm năng, nhất là các dự án tập trung vào khí hậu, y tế, công nghệ kỹ thuật số và bình đẳng giới.

“Có sự nhiệt tình rất lớn ở tất cả các nước chúng tôi đến thăm như Ecuador, Colombia, Panama, Ghana, Senegal, Cộng hòa Dân chủ Congo, một số khu vực của Trung Đông, Indonesia, Thái Lan và các nơi khác trên thế giới,” ông Singh nói với VOA.

B3W được xem là lựa chọn thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Sáng kiến này đã tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh và đã xâm nhập vào châu Âu. Nó cũng bị chỉ trích vì không đánh giá các tác động môi trường và xã hội, thiếu minh bạch tài chính và khiến một số chính phủ chật vật trang trải cho các chi phí cơ sở hạ tầng tốn kém.

Bài Liên Quan

Leave a Comment