Mức độ lợi hại của tình báo kinh tế Trung Quốc
Đăng ngày: 01/03/2022
Thanh Hà
Ngành tình báo Trung Quốc « bạo dạn và nguy hiểm hơn bao giờ hết », gây nhiều thiệt hại cho kinh tế Hoa Kỳ. Giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đánh giá như trên hôm 04/02/2022. Đây không là điều mới lạ bởi từ 2018 Washington đã liên tục tố cáo Trung Quốc « ăn cắp » những bí mật công nghệ của Mỹ. Guồng máy gián điệp kinh tế của Trung Quốc hoạt động ra sao, nguy hiểm đến mức độ nào và tìm kiếm những thông tin gì ?
Trả lời đài truyền hình Pháp France 24, nhà báo điều tra Roger Faligot tác giả cuốn Mật Vụ Trung Quốc, từ Mao đến Covid -Les Services Secrets Chinois, de Mao au Covid-19, NXB Nouveau Monde, trả lời phần nào các câu hỏi trên. Tác phẩm này ra mắt độc giả lần đầu năm 2015 và được cập nhật với những thông tin có được về những hoạt động « gián điệp » của Trung Quốc từ khi dịch Covid bùng phát cuối 2019 từ Vũ Hán : « khi thì để che giấu thông tin về nguồn gốc virus corona chủng mới, lúc thì để dọ thám các nghiên cứu của các viện bào chế thuốc phương Tây ».
Hoạt động dồn dập
Mùa hè 2021 Đài Loan tăng cường các biện pháp bảo mật những thông tin trong lĩnh vực thương mại, công nghệ thiết yếu trước các « đợt tấn công của Trung Quốc ». Mỹ và châu Âu liên tục « rào giậu » trước những hành vi dọ thám kinh tế do Bắc Kinh chủ động.
Cứ 12 giờ đồng hồ Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ lại mở một hồ sơ mới điều tra về các hoạt động tình báo của Trung Quốc nhắm vào các quyền lợi của Hoa Kỳ. Giám đốc FBI Christopher Wray quả quyết « Chính quyền Trung Quốc đánh cắp một khối lượng thông tin khổng lồ và gây thiệt hại sâu rộng, hủy hoại việc làm trong nhiều lĩnh vực công nghiệp » tại Mỹ. Không vòng vo, giám đốc FBI nêu bật đó là những vụ ăn cắp thông tin về công nghệ, là những vụ tấn công tin học, là hành vi bắt cóc các công dân nước ngoài làm con tin để bòn rút những bí quyết công nghiệp hay của các công trình nghiên cứu.
Hiện tại FBI đang điều tra hơn 2.000 hồ sơ liên quan đến những vụ ăn cắp thông tin do chính quyền Trung Quốc giật dây. Christopher Wray kết luận : « Không một quốc gia nào nguy hiểm hơn Trung Quốc đối với an ninh kinh tế của Hoa Kỳ », bởi những hoạt động phi pháp đó được chính phủ cung cấp những « phương tiện tài chính quan trọng, do có được những công cụ tinh vi và thường tuyển mộ nhiều tội phạm cyber ».
Trước hết tác giả cuốn sách về tình báo Trung Quốc, Roger Faligot nhắc lại đảng Cộng Sản Trung Quốc từ trước khi giành được chính quyền năm 1949 đã xem gián điệp kinh tế là một ưu tiên vừa để dọ thám nước ngoài vừa để nghe ngóng tình hình trong hàng ngũ Quốc Dân Đảng. Tình báo Trung Quốc khi đó hoạt động theo mô hình của Liên Xô đồng thời rút kinh nghiệm từ phía tình báo của Anh, sau một thời gian nhà hoạt động Chu Ân Lai công tác tại Luân Đôn :
Roger Faligot : « Chu Ân Lai hay Đặng Tiểu Bình là những đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài một cách rất bài bản cả trong lĩnh vực ngoại giao lẫn chính trị và công tác tình báo. Đặc biệt là ông Chu Ân Lai từng quan sát các hoạt động của tình báo Anh ở những thập niên 1920-1930 mà khi đó tình báo Anh giành một chỗ đứng đặc biệt cho các hoạt động dọ thám về kinh tế. Ông đã tiếp thu kinh nghiệm của Anh. So sánh với Liên Xô, tình báo của nước này chú trọng hơn đến các vế quân sự và chính trị. Về phía Trung Quốc, tương tự như Liên Xô, các vế này rất quan trọng nhưng với năm tháng, tình báo Trung Quốc càng lúc càng quan tâm đến những lĩnh vực như là công nghiệp, thương mại, trao đổi mậu dịch với Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản. Thậm chí trong thập niên 1980 Trung Quốc sao chép luôn cả mô hình của Nhật Bản với bộ não trong chiến tranh kinh tế đó là bộ Công Nghiệp và Thương Mại Quốc Tế MITI ».
Nhà báo Faligot giải thích thêm trong 1957 -1976, bước Đại Nhẩy Vọt rồi Cách Mạng Văn Hóa đặt tình báo Trung Quốc trước nhiều thách thức. Công tác thu thập thông tin về kinh tế để giúp Trung Quốc phát triển bị xao nhãng. Thủ tướng Chu Ân Lai cố gắng bảo vệ một số các chương trình nghiên cứu,che chở cho ngành nghiên cứu về vi trùng học và hạt nhân nhưng « số còn lại phải đợi đến thời kỳ hậu Mao Trạch Đông ».
Chiến lược tấn công
Các hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc hồi sinh dưới thời Đặng Tiểu Bình và có hẳn một « chiến lược » tấn công theo kiểu « hút chất xám của các quốc gia khác để vươn lên ».
Roger Faligot : « Lamproie là một loài đỉa hút máu của những động vật khác để sống. Một tùy viên quân sự Pháp công tác tại Thượng Hải đã dùng hình ảnh này để chỉ Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc. Hình ảnh đó cho thấy cách tiếp cận của ngành tình báo Trung Quốc phục vụ các lợi ích kinh tế. Họ sử dụng các thực tập viên để thâm nhập vào những mục tiêu muốn nhắm tới. Thông thường đấy là những đối tượng ở nước ngoài, thí dụ như là các hãng của Anh, Pháp, Đức hay Nhật. Mục đích đặt ra là « lấy của người về làm của mình » tức là sao chép và « hút » những thông tin cần thiết để rồi bước kế tiếp chính các hãng của Trung Quốc có thể tự sản xuất được những sản phẩm đó ».
Thiệt hại của Mỹ 600 tỷ đô la một năm
Tháng 11/2021 một tòa án tại Cincinnati, bang Ohio xử Hứa Diên Quân (Xi Yanjun) một quan chức Phòng Tình báo nước ngoài của tỉnh Giang Châu. Cơ quan này trực thuộc Bộ An Ninh Trung Quốc. Nhân viên nói trên bị quy kết « đồng lõa và âm mưu dọ thám các mục tiêu kinh tế », đồng thời « ăn cắp bí mật về thương mại » nhắm vào nhiều tập đoàn trong đó có chi nhánh hàng không General Electric Aviation của Mỹ và Safran của Pháp. Tư pháp Hoa Kỳ đã theo dõi nhân vật này từ 2013. Theo bản cáo trạng, vai trò của nhân viên tình báo Trung Quốc này nhằm nhận diện các chuyên gia làm việc cho hai tập đoàn nói trên, lôi kéo họ vào tròng dưới hình thức mời chuyên gia Pháp và Mỹ sang Hoa Lục dự hội thảo. Năm 2018 họ Hứa bị bắt tại vương quốc Bỉ và trục xuất về Mỹ. Theo điều tra của Tư Pháp Hoa Kỳ, ông trùm tình báo tỉnh Giang Châu này đã dùng mọi phương tiện để đột nhập vào máy vi tính của những mục tiêu nhắm tới, « hút » những dữ liệu và thông tin cần thiết về chương trình hợp tác chế tạo mô tơ máy bay giữa GEAviation với Safran.
Tác giả cuốn Mật Vụ Trung Quốc từ thời Mao đến Covid, Roger Faligot trên đài France 24 cho biết thêm về những « vòi bạch thuộc » của mạng lưới tình báo quốc gia châu Á này.
Roger Faligot : « Chính phiên toà tại Mỹ xử một sĩ quan tình báo Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, đã để lộ ra thông tin là có cả một nhóm đặt tại Thượng Hải, được trao nhiều trọng trách cùng lúc : từ việc thâm nhập vào máy vi tính của cảnh sát Hồng Kông để theo dõi người biểu tình Hồng Kông, đến việc kiểm soát các nhà hoạt động Tây Tạng. Tư pháp Hoa Kỳ đã phát hiện, đầu năm 2020 đã có ít nhất là ba hay bốn lần các toán tin tặc Trung Quốc đã tìm cách thâm nhập vào các hãng dược phẩm Mỹ bắt đầu bào chế vac-xin chống Covid-19 ».
Một bài báo trên New York Times hồi 2018 trích dẫn hai nguồn tin quân sự ỹ cho biết Trung Quốc « đánh cắp những thông tin liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế của Hoa Kỳ từ công nghiệp xe hơi đến các công ty sản xuất lốp xe, ngành hóa học, điện tử, công nghê sinh học đến ngành dược (…) Tính ra thiệt hại đối với Hoa Kỳ hàng năm lên tới 600 tỷ đô la. Phần lớn khoản thất thoát đó do Trung Quốc mà ra ».
Còn trong trường hợp của Pháp ? Vụ nữ thực tập viên Trung Quốc bị bắt quả tang sao chép phần mềm của tập đoàn Valeo, sản xuất phụ tùng xe hơi của Pháp hồi năm 2005 đã thu hút công luận. Li Li đã khởi tố về tội « xâm nhập bất hợp pháp » vào hệ thống điện toán của Valeo và « lạm dụng sự tín nhiệm » của công ty để đánh cắp thông tin mật. Cô đã bị giam trong 53 ngày trước khi được trả tự do và từ đó mất tích khỏi các màn hình radar của báo giới. Li Li là người từ Vũ Hán cái nôi của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc sang Pháp du học. Các hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc không hề thuyên giảm từ một chục năm nay
Roger Faligot : « Vụ việc đó cho thấy Trung Quốc dùng thực tập viên, dùng sinh viên – không phải là tất cả, nhưng đó là những người do bên an ninh và mật vụ kiểm soát để làm gián điệp, đánh cắp thông tin, sao chép những tài liệu cần thiết và số này cũng có thể can thiệp từ xa để thi hành nhiệm vụ. Đương nhiên là phía các doanh nghiệp trong tầm ngắm của Trung Quốc và ở cấp Nhà nước, phải có phản ứng để tự vệ. Cần ý thức được rằng đó là một mối nguy hiểm. Vụ tai tiếng liên quan đến tập đoàn Valeo chỉ là một vụ nhỏ nhưng đã làm lộ rõ quy mô can thiệp của bên tình báo Trung Quốc. Các hoạt động gián điệp kinh tế đã gia tăng đáng kể từ năm 2012 khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền ».
Khả năng phòng vệ của Âu, Mỹ ?
Câu hỏi kế tiếp là những con mồi tiềm tàng của mật vụ Trung Quốc tự vệ như thế nào và có chuyển từ thế thủ sang thế tấn công hay không ?
Roger Faligot : « Có. Phương Tây cũng có gài nhân viên tình báo tại Trung Quốc nhưng đó là việc làm rất khó và khuôn khổ hoạt động của số này càng bị thu hẹp lại từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Có thể nói là virus corona đã làm xáo trộn các tổ chức trong ngành tình báo kinh tế, kể cả của Trung Quốc. Theo chỗ tôi được biết, ngành tình báo Trung Quốc cũng đã bị nhiều mất mát trong khủng hoảng y tế lần này ».
Sau cùng, tác giả cuốn sách về các hoạt động tình báo kinh tế Trung Quốc từ thời Mao đến virus corona lưu ý guồng máy dọ thám của nước này là một thứ quái vật trăm tay, trăm mắt mà Bộ An Ninh Quốc Gia chỉ là một trong số những bộ phận hoạt động rất hiệu quả đó :
Roger Faligot : « Bộ An Ninh chỉ là một trong số rất nhiều cơ quan tình báo của Trung Quốc. Tôi đếm ra có hơn 77 cơ quan khác nhau, ít nhiều được đặt dưới sự kiểm soát của Nhà nước và với mức mức độ liên hệ khác nhau với lại các tập đoàn của Trung Quốc. Thí dụ Hoa Vi có hẳn một bộ phận để dọ thám các đối thủ và bộ phận này là một tổ chức làm ăn quy củ, và lại ăn ý với bên Bộ An Ninh. Ngoài ra từ năm 2016 Trung Quốc đã cải tổ lại toàn bộ ngành tình báo quân sự. Bên cạnh đó có những bộ phận đặc trách theo dõi những ngành chuyên môn, như là bên khoa học, bên ngành dược, bên công nghệ sinh học, hay một bộ phận chuyên theo dõi các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xe hơi. Đừng quên rằng Vũ Hán không chỉ là cái nôi của virus corona. Thành phố này còn được mệnh danh là kinh đô xe hơi của Trung Quốc » .
Trước khi kết thúc buổi nói chuyện trên đài truyền hình France 24 Roger Faligot nhắc lại về cơ cấu, tình báo Trung Quốc mang tính « tâp trung cao độ » và « trong lịch sử cận đại của Trung Quốc chính vì sự tập trung quá đáng đó mà ngành tình báo Trung Quốc đã ba lần bị chao đảo », qua đó các hoạt động dọ thám vì mục tiêu kinh tế đã bị gián đoạn.