Xâm lăng Ukraina và quan hệ Nga-Trung: Bắc Kinh ngày càng khó xử

Xâm lăng Ukraina và quan hệ Nga-Trung: Bắc Kinh ngày càng khó xử

Đăng ngày: 01/03/2022

Thanh Phương

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraina càng kéo dài thì Trung Quốc ngày càng khó xử đối với đồng minh Matxcơva cũng như đối với phương Tây.

Kể từ khi chiến tranh Ukraina bùng nổ, Bắc Kinh vẫn trong tư thế của người đi dây: không muốn đối đầu trực tiếp với đồng minh Matxcơva, nhưng cũng không muốn bị xem là ủng hộ Nga xâm lăng Ukraina. Trung Quốc tuyên bố rất “thông hiểu” những yêu sách “hợp lý” của Nga về an ninh, thậm chí cũng chỉ trích khối NATO giống như Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại nhấn mạnh đến một nguyên tắc truyền thống của Trung Quốc, đó là “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia”.

Chính là theo đúng nguyên tắc đó mà Trung Quốc đã không ủng hộ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée vào năm 2014 và nay cũng không ủng hộ việc điện Kremlin công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina. Đây cũng là điều dễ hiểu vì Bắc Kinh không muốn sau này các vùng tự trị của Trung Quốc như Tân Cương hay Nội Mông cũng được công nhận độc lập.

Thái độ khó xử của Trung Quốc đã được thể hiện qua cuộc biểu quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm thứ sáu tuần trước 25/02. Trung Quốc cùng với một vài nước khác đã không bỏ phiếu khi các thành viên Hội Đồng biểu quyết về nghị quyết do Hoa Kỳ đồng soạn thảo lên án cuộc xâm lăng Ukraina. Nghị quyết này đã bị Nga dùng quyền phủ quyết để bác bỏ, nhưng với việc Bắc Kinh không bỏ phiếu, như vậy là Nga hoàn toàn bị cô lập trong Hội Đồng Bảo An.

Sự lúng túng của Trung Quốc còn được biểu lộ qua cuộc điện đàm giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin trước đó vài tiếng. Trong cuộc điện đàm này, chủ tịch Trung Quốc nói ông ủng hộ việc giải quyết xung đột Ukraina bằng con đường ngoại giao. Những lời lẽ này khác hẳn với nội dung bản tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Nga-Trung ở Bắc Kinh đầu tháng 2 : “Tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga không có giới hạn và không có lĩnh vực hợp tác nào là cấm kỵ”.

Theo nhật báo Pháp Les Echos, trong một bài phân tích được đăng vào cuối tuần, nhóm nghiên cứu-tư vấn Eurasia Group của Mỹ viết: “ Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng mạnh từ phía Hoa Kỳ và châu Âu đòi Bắc Kinh nêu rõ lập trường và lên án mạnh mẽ hơn cuộc xâm lăng Ukraina.”  Việc Bắc Kinh từ chối giúp giải quyết cuộc xung đột Ukraina có thể sẽ khiến phương Tây thêm thù địch với Trung Quốc. 

Thật ra, theo nhận định của Les Echos, bản thân Bắc Kinh cũng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột có thể gây tác hại đến lợi ích của Trung Quốc trong khu vực, làm xáo trộn nền kinh tế, cũng như khiến cho quan hệ với châu Âu và Hoa Kỳ thêm xấu đi. Nên nhớ rằng  Trung Quốc có rất nhiều lợi ích kinh tế ở Ukraina, quốc gia được xem là một ngã tư chiến lược trên “Những con đường tơ lụa mới”, dự án đầy tham vọng của Tập Cận Bình.

Ấy là chưa kể đến việc thái độ của Bắc Kinh hiện nay gây nguy hiểm cho các công dân Trung Quốc đang ở Ukraina. Đại sứ quán Trung Quốc ở Kiev đã phải khuyến cáo công dân của họ nên thật kín đáo, giấu quốc kỳ Trung Quốc đi, để không làm phức tạp việc di tản ra khỏi Ukraina. Theo báo chí Trung Quốc, cuộc di tản này đã bắt đầu từ hôm qua

Thành ra không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh đang cố thúc đẩy Mátxcơva và Kiev thương lượng với nhau. Nếu hai bên đạt được một hiệp ước về trung lập thì điều này sẽ giúp Trung Quốc thoát khỏi tình thế khó xử.

Trước mắt, giới lãnh đạo Bắc Kinh đang quan sát việc phương Tây ban hành các trừng phạt đối với Nga, suy nghĩ về phương cách chống đỡ nếu như sau này Trung Quốc cũng bị trừng phạt về cuộc xâm lăng Đài Loan: Làm sao duy trì các giao dịch tài chính nếu Trung Quốc bị loại khỏi hệ thống Swift? Làm sao tránh cho tài sản của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không bị phong tỏa, hay tránh cho tiền đầu tư của Trung Quốc ở phương Tây không bị tịch biên?

Bài Liên Quan

Leave a Comment