Ukraine và ký ức chiến tranh của một người Việt

Ukraine và ký ức chiến tranh của một người Việt

  • Bùi Văn Phú
  • Gửi đến BBC từ California

6 giờ trước

\"Lực
Chụp lại hình ảnh,Lực lượng cứu hộ đào bới đống đổ nát sau khi pháo kích vào văn phòng nhà nước ở Kharkiv

Người Việt ở vào tuổi sáu mươi hay lớn hơn chắc hẳn chưa quên trải nghiệm chiến tranh trên quê hương mình. Chiến tranh nam bắc kéo dài, chiến tranh biên giới phía bắc, phía tây nam.

Những ngày qua, theo dõi tình hình chiến sự Ukraine tôi không khỏi xúc động hồi tưởng về Tết Mậu Thân 1968, Mùa hè Đỏ lửa 1972 và tháng Tư năm 1975. Ký ức gợi lại cảnh dân chạy loạn, người chết ở Huế, chết dọc Đại lộ Kinh hoàng. Nhớ người thân, bạn học đã hy sinh trên chiến trường.

Với nhiều người Việt lớn lên ở miền Bắc, nhắc đến chiến tranh chắc hẳn không quên cảnh máy bay Mỹ ném bom mười hai ngày đêm vào mùa lễ Giáng Sinh 1972, hay cảnh đạn pháo như mưa ở biên giới phía bắc vào mùa xuân 1979. Làm sao quên những đứa con \”sinh bắc tử nam\”, những thanh niên bỏ mình trên chiến trường biên giới hay trên đất Kampuchia.

Chúng ta đã đều kinh qua chiến tranh, bom đạn, chết chóc.

Những ngày qua, nhìn cảnh đổ nát, cảnh người dân Ukraine sống dưới hầm hay đang theo đoàn người di tản ra khỏi vùng giao tranh, tưởng từ một nơi xa xôi lắm nhưng sao lại thấy rất gần.

\"Quang
Chụp lại hình ảnh,Quang cảnh một ngôi trường bị phá hủy do giao tranh gần trung tâm Kharkiv, ngày 28 tháng 2 năm 2022

Chiến tranh có lẽ ở đâu cũng thế, vì đã kinh qua nên người Việt thấy đồng cảm với người dân Ukraine.

Nhiều người Việt, hay gốc Việt đang sống ở Ukraine, đông nhất ở thành phố Kharkiv, trước nay chiến tranh có thể còn là điều xa lạ hay đã mờ nhạt theo quá khứ, nhưng nay họ đang lại phải đối diện với bom rơi, súng nổ.

\”Tản cư\”, \”sơ tán\”, \”chạy giặc\”, \”chạy loạn\”, \”di tản\” là những gì ông bà, cha mẹ ngày xưa đã trải qua mà nay chính họ đang phải có những quyết định. Đi hay ở. Mà bỏ Kharkiv thì đi đâu bây giờ. Còn ở lại, không biết sống chết ra sao.

Hôm 28/2 một người Việt ở thành phố này đã hơn 40 năm, ông Vũ Chân, gửi tin cho phóng viên VOA mô tả cuộc ném bom của Nga vào thành phố: \”Hôm nay nó bắn nhiều quá thôi. Năm 72 so với hôm nay chưa là cái gì cả. Nó toàn bắn vào nhà dân thôi.\”

\"Bản
Chụp lại hình ảnh,Bản đồ hiển thị toàn bộ đất nước. Cập nhật ngày 28 tháng 2

Tôi nhớ Tết Mậu Thân 1968, khi Việt Cộng tấn công vào thủ đô Sài Gòn là lần đầu tiên tôi giáp mặt với chiến tranh.

Nhà ở gần phi trường Tân Sơn Nhất, tôi nghe tiếng đạn nổ rất gần, nhà cửa cháy. Xa xa thấy máy bay lao xuống bỏ bom. Sau tiếng nổ như sấm, một miểng bom rơi ngay trước sân, tôi nghịch ngợm chộp lấy, sức nóng của mảnh bom còn như lửa khiến tôi vội vàng vất xuống.

U tôi cũng đã chuẩn bị khăn gói cho các con chạy loạn, ghi tên từng con nhỏ trên mảnh giấy rồi nhét vào gói quần áo đeo vai, để phòng có lạc nhau, hay chết trên đường thì còn tìm ra xác.

Sau chiến trận, có những đêm Việt Cộng bắn hoả tiễn 122 ly vào thành phố, rớt gần nhà, xác người tung toé. Nhiều gia đình làm tăng-xê bao cát để tránh đạn pháo. Nhà tôi không làm. U tôi nói nếu ý Chúa định cho mình chết dưới bom đạn thì không sao tránh khỏi.

Năm 1972 chiến tranh lại bùng phát khốc liệt. Xe tăng, đại pháo Bắc Việt tràn qua vùng giới tuyến vào Quảng Trị, cùng lúc tấn công nhiều tỉnh phía nam. Nhưng rồi bị chận lại ở Quảng Trị, Kontum, An Lộc.

\"Quân
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam Cộng Hòa không còn được Mỹ yểm trợ hỏa lực sau 1973

Tháng Tư 1975, từng vùng đất quê hương rơi vào sự kiểm soát của bộ đội cộng sản, để rồi miền Nam đầu hàng ngày 30/4/1975.

Hết chiến tranh. Đất nước thống nhất. Những tưởng người Việt sẽ được sống trong hoà bình.

\"Tàu
Chụp lại hình ảnh,Tàu HQ-504 chở 7000 người trốn thoát khỏi Đà Nẵng và Huế từ Cam Ranh về đến Vũng Tàu 03/04/1975

Ai ngờ chỉ vài năm sau người Việt lại phải đối diện với bom đạn từ chiến trường tây nam, từ biên giới phía bắc. An Giang, Châu Đốc, Tây Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang lại trở thành những bãi chiến trường.

Một buổi sáng tháng 2 năm 1979, khi nghe tin Trung Quốc tấn công, các bạn sinh viên ở cùng ký túc xá hỏi tôi nghĩ sao về nền hoà bình ngắn ngủi mới được vài năm trên quê hương Việt Nam. Khi đó, theo hiểu biết của mình tôi giải thích cho các bạn là Hà Nội muốn thành lập một Liên bang Đông Dương gồm ba nước Việt, Miên, Lào dưới sự lãnh đạo của thành phần thân Liên Xô trong bộ chính trị. Chiến tranh xảy ra vì Trung Quốc không muốn một vùng lãnh thổ phiá nam là thù nghịch.

Nhưng quân phương bắc không chiếm được Hà Nội. Với thiệt hại nhân mạng không lường trước, sau ba tuần tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, Bắc Kinh đã phải phải rút quân về.

Chiến tranh ở Ukraine hiện nay cũng thế, vì Tổng thống Putin của Nga không muốn Ukraine ngả theo NATO và Liên hiệp Châu Âu để trở thành thù nghịch, nên đã ra lệnh tấn công vào nước này.

Ukraine có sẽ chống lại được cuộc xâm lăng hay không? Cho đến lúc này, có khả năng Nga đã ước tính sai tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine, nên sau gần một tuần quân Nga cũng chưa kiểm soát được thành phố lớn nào.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong buổi tường trình trước Quốc hội về \”Hiện tình Liên bang\” vào tối 1/3 đã dành 15 phút đầu tiên nói về tình hình khẩn trương ở Ukraine mà Hoa Kỳ cùng Liên hiệp Châu Âu đã có biện pháp bao vây kinh tế Nga, cùng lúc viện trợ vũ khí, tài chánh để giúp Ukraine đánh đuổi quân xâm lăng.

Có khả năng Ukraine sẽ là mồ chôn quân Nga lúc này. Còn nếu bị chiếm đóng, Nga sẽ sa lầy và Ukraine là một Việt Nam 2 cho nước Nga, như cuộc xâm lăng Afghanistan năm 1980.

Nhiều nơi trên thế giới, từ Washington D.C., Toronto, San Francisco, Berlin, Bangkok, Berkeley cho đến Colombo, Paris, London người dân đã xuống đường phản đối Nga xâm lăng. Các biểu tượng xanh và vàng là mầu cờ của Ukraine, cùng những bông hoa hướng dương đã được phô bày để biểu tỏ sự ủng hộ Ukraine đang chiến đấu chống lại quân Nga.

Tại Việt Nam thì khác, không mấy ai công khai lên tiếng kết án Nga xâm lăng. Trên truyền thông cũng như qua các phát biểu của quan chức bộ ngoại giao đều không dùng từ \”xâm lăng\” để chỉ hành động của Nga, chỉ gọi đó là \”chiến dịch quân sự đặc biệt\”, như Putin đã dùng khi ra lệnh tấn công, vì cho rằng Ukraine đã từng là một phần lãnh thổ của Liên Xô trước đây, nay phải đưa trở lại cùng đất mẹ.

Hồ Chí Minh cũng đã từng coi miền Nam Việt Nam là một phần bất khả phân ly của nước Việt nên đã phát động chiến tranh giải phóng, không bao giờ gọi đó là xâm lăng. Ngược lại Hà Nội còn lên án Mỹ phát động chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

Chiến tranh Việt Nam kéo dài hai thập niên với hàng triệu binh lính và thường dân chết. Kết quả chiến thắng về phe cộng sản, nhưng lãnh đạo Hà Nội đã phải trả một giá rất đắt và nước Việt Nam nay cũng đang trong hoàn cảnh không khác Ukraine trước khi Nga đưa quân vào.

Quốc hoa của Ukraine là hoa hướng dương. Mong rằng những bông hoa vàng vẫn còn nở rộ trên quê hương đó. Mượn lời ca trong ca khúc \”Hoa vẫn nở trên đường quê hương\” của Phạm Thế Mỹ, viết trong thời chiến tranh Việt Nam, để gửi niềm hy vọng đến với dân tộc Ukraine:

Hoa vẫn nở trên đường quê hương

Ôi quê hương ta đó

Dù bóng đêm đang gieo kinh hoàng

Dù mái tranh bơ vơ điêu tàn

Từng cánh hoa, từng cánh hoa

Hoa vẫn nở trong đêm mù sương

Hoa vẫn nở trên đường quê hương….

Tác giả là một giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California

Bài Liên Quan

Leave a Comment