Chiến tranh Ukraina : Trừng phạt giới tài phiệt Nga có hiệu quả đến đâu ?
Đăng ngày: 02/03/2022
Anh Vũ
Liên Hiệp Châu Âu hôm thứ Hai tuần này đã quyết định trừng phạt nhiều nhà tài phiệt Nga, trong đó có một số nhân vật đã thoát được đòn đánh kinh tế này từ năm 2014. Nhưng cho dù các biện pháp lần này nhằm vào một số tỷ phú có ảnh hưởng nhất, nhiều chuyên gia về Nga không nghĩ rằng các đòn trừng phạt có tác động đến chính sách của Vladimir Putin.
Trừng phạt giới tài phiệt, tỷ phú Nga vẫn là thứ vũ khí ưa dùng của phương Tây để gây áp lực với tổng thống Vlladimir Putin. Trong vụ xâm lược Ukraina lần này, thứ vũ khí đó lại được sử dụng. Hôm 28/02, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định trừng phạt nhiều nhân vật siêu giàu Nga, cấm các đối tượng qua lãnh thổ Liên Âu, phong tỏa tài sản của họ tại các ngân hàng châu Âu.
Hoa Kỳ, những ngày trước khi Nga khởi sự cuộc tấn công cũng đã có các biện pháp tương tự, kéo dài thêm danh sách các doanh nhân Nga đã từng bị các biện pháp trừng phạt từ năm 2014 sau vụ Matxcơva sáp nhập Crimée. Vương Quốc Anh, với thủ đô Luân Đôn vẫn được biết đến như là nơi tập trung đông đảo các dinh thự của giới tài phiệt Nga, cũng đã quyết định nhằm vào một số tỷ phú được cho là thân cận với chính quyền Kremlin.
Trừng phạt tài phiệt nào ?
Chiến lược trừng phạt cá nhân này với hy vọng những nhân vật cực kỳ giàu có và thân cận với Vladimir Putin có thể gây áp lực đối với Kremlin, để họ tránh bị cộng đồng quốc tế đánh vào túi tiền.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn France 24 từ trước khi chiến tranh bắt đầu, chuyên gia về Nga thuộc đại học Wesleyenne ( Connecticut- Mỹ) đã nhận định, những biện pháp trả đũa cá nhân như vậy « có thể biện minh được về mặt đạo đức nhưng lại không hiệu quả thực tế ». Chuyên gia, đồng thời là tác giả của một cuốn sách về giới tinh hoa kinh tế Nga giải thích thêm : « Khó có thể chấp nhận lại không làm gì và bỏ qua cho các doanh nhân đã làm giàu nhờ quan hệ thân cận với chính quyền Nga, tiêu tiền của họ để tận hưởng cách sống phương Tây ».
Tuy nhiên hướng trừng phạt được cho là có ý đồ tốt như vậy vẫn gây không ít phản đối của phần đông chuyên gia về Nga. « Điều quan trọng phải nhấn mạnh là giới tài phiệt quyền lực trong lĩnh vực tư nhân, từ thời Eltsine, có tài sản khắp thế giới. Số này đã biến mất dần và được thay thế bằng giới tinh hoa kinh tế mà với họ tiếp cận được với Vladimir Putin, ân nhân của họ, còn quan trọng hơn là các trừng phạt quốc tế », theo giải thích của Nikolai Petrov, chuyên gia chính trị Nga thuộc văn phòng tư vấn Anh Chatham House.
Rõ ràng, chính sách trừng phạt nhằm vào các tinh hoa kinh tế Nga tiến hành từ 2014 đã có ít tác dụng vì nhằm không đúng đối tượng. Hoặc đó là những nhân vật không có đủ ảnh hưởng khiến Vladimir Putin phải cân nhắc quyết định. Hoặc là các trừng phạt nhằm vào những nhân vật quá thân cận với Vladimir Putin đến mức họ không cảm thấy xúc động với các trừng phạt quốc tế, như những người là bạn bè từ thời trẻ của tổng thống Nga.
Thế nhưng lần này, Liên Hiệp Châu Âu tin chắc đã đánh trúng những đối tượng tài phiệt để có thể gây khó khăn thực sự cho chính quyền Nga. Dưới đây là một vài nhân vật điển hình :
Mikhail Fridman, ông chủ quyền lực của tập đoàn Alfa Group, nắm giữ Alfa Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất Nga, nguyên mẫu tài phiệt theo lối cũ. Ông làm giàu nhờ các vụ tư nhân hóa ồ ạt hồi thập niên 1990. « Nhưng không giống với những tài phiệt khác thời Eltsine, ông này đã sống sót được khi Putin lên nắm quyền và còn duy trì được ảnh hưởng đối với Kremlin », Ilja Viktorov, chuyên gia về lịch sử kinh tế Nga hiện đại thuộc đại học Stockholm nhận định. Nhân vật sinh ra tại Lvov, Ukraina này có tài sản ước tính khoảng 15 tỷ đô la, vẫn được coi như là chiếc cầu nối giữa phương Tây và Vladimir Putin. Chính vì thế mà cho từ trước tới nay nhà tài phiệt này không bị dính đòn trừng phạt của quốc tế.
Theo nhiều chuyên gia, việc Liên Âu quyết định đánh vào doanh nhân vốn kín đáo và thế lực này chứng tỏ sẽ không còn một nhân vật giàu có nào của Nga có thể tránh được trừng phạt quốc tế.
Một gương mặt tài phiệt khác bị trừng phạt lần này là Igor Setchine, chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn dầu lửa lớn Rosneft. Nhân vật này nằm trong số những người thuộc giới tình báo, làm giàu nhờ các mối quan hệ cá nhân với Vladimir Putin. Cựu điệp viên Igor Setchine đã gặp tổng thống Nga hiện nay trong những năm 1990 tại Saint-Pétersbourg và từ đó đến nay họ vẫn gắn bó với nhau. Năm 2008, ông này được đầy lên vị trí hàng đầu trong trường chính trị khi được chỉ định làm phó thủ tướng, và nắm giữ cương vị này đến năm 2012, thời điểm ông chuyển sang Rosneft. Ông được đánh giá là kiến trúc sư chính sách năng lượng của Nga.
Alicher Ousmanov, một tỷ phú tích lũy được khối tài sản khoảng 15 tỷ đô la nhờ các đầu tư vào công nghệ mới chứ không phải các lĩnh vực năng lượng hay khai khoáng như đa phần giới tinh hoa kinh tế Nga. Alicher Ousmanov là một trong những cổ đông chính của Facebook khi mạng xã hội này mới hình thành. Nhưng với Liên Hiệp Châu Âu, mối quan hệ kinh tế của nhân vật này với phương Tây không giúp còn giúp ông tránh được trừng phạt nữa. Alicher Ousmanov được mô tả như là nhà tài phiệt ưu ái của Putin, vì ông bị nghi ngờ đã chi không ít tiền cho nhưng người thân cận với tổng thống Nga, dàn xếp các vụ làm ăn cho họ.
Nikolaï Tokarev, chủ tịch tập đoàn năng lượng khổng lồ Transneft. Ông này là chiến hữu lâu đời với Vladimir Putin từ khi còn ở văn phòng KGB tại Dresden, Cộng hòa Dân chủ Đức cũ. Nhân vật này bị nghi là đã hồi hương một phần tài sản về Nga và mang ơn lớn với ông Putin. Theo chuyên gia Ilja Viktorrov, nhân vật này là thí dụ điển hình của kiểu « tài phiệt Nhà nước mà với họ tiền bạc không quan trọng bằng mối liên hệ với tổng thống ».
Aleksei Mordachov, người giàu nhất nước Nga với khối tài sản trị giá 29 tỷ đô la. Ông ta đã làm giàu trong ngành thép với tổ hợp Severgroup. Nhưng đó không phải là lý do để hứng đòn trừng phạt của châu Âu. Nguyên do vì ông này là cổ đông chính của tập đoàn National Media Group, một trong những đế chế truyền thông lớn nhất Nga. Vì thế, nhân vật này bị coi là một trong những người kiến tạo cố máy tuyên truyền Nga đang chạy hết công suất từ đầu cuộc xâm lược Ukraina.
Quá muộn ?
Các trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu nhằm vào đủ giới thân hữu của Vladimir Putin và những doanh nhân nổi tiếng có nhiều ảnh hưởng. Như thế có đủ gây áp lực với Vladimir Putin hay không ?
« Không hề có cơ may nào, đã quá muộn để điều đó có thể tác động đến cuộc chiến tranh hay quyết tâm của Vladimir Putin », Kadri Liik, chuyên gia chính trị Nga tại Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế. Theo bà, Vladimir Putin đã cắt cầu nhiều để khỏi bị các tỷ phú gây ảnh hưởng. Đòn bẩy duy nhất của họ có lẽ chỉ là cũng cấp tiền cho các phong trào chống Putin ở Nga. Nhưng những phong trào đối lập giờ còn quá ít ỏi.
Điều quan trọng đối với Vladimir Putin là kết thúc nhanh nhất cuộc xâm lược này. « Thi thể các binh sĩ Nga tử trận ở Ukraina chưa được đưa về Nga, dân chúng vì thế chưa ý thức được cái giá phải trả bằng nhân mạng của cuộc chiến tranh này », chuyên gia Kadri Liik lưu ý. Cuộc xung đột càng kéo dài, nguy cơ hỗn loạn xã hội trong nước càng lớn đối với Vladimir Putin. Và đến khi đó, có thể tiền và sự ủng hộ của giới tài phiệt sẽ có tác động.
(Theo France24.com)