Người Việt ở Ba Lan đón đồng hương từ Ukraine, lên án Putin là ‘tội phạm chiến tranh’

Người Việt ở Ba Lan đón đồng hương từ Ukraine, lên án Putin là ‘tội phạm chiến tranh’

01/03/2022


\"Hàng
Hàng trăm giường ngủ được bố trí ở thị trấn biên giới Medyka, Ba Lan, vào ngày 1/3/2022 để đón tiếp người tị nạn Ukraine.

Cộng đồng người Việt tại Ba Lan đang tất bật chuẩn bị để đón hàng trăm đồng hương từ quốc gia láng giềng Ukraine sang tị nạn chiến tranh. Một số người còn ra tận biên giới để cung cấp lương thực và các nhu yếu phẩm cho những người Ukraine mới tới đang trú tạm tại các lều trại tại đây.

“Hiện nay, chúng tôi cũng đã nhận được khá nhiều yêu cầu trợ giúp, và một số nhóm đã trên đường sang Ba Lan. Nhưng hiện nay do biên giới giữa Ukraina và Ba Lan đang bị tắc (vì) đông người, kẹt xe nên việc đi từ Ukraine sang Ba Lan hiện nay rất khó khăn, rất lâu. Có nhóm đi như vậy là 24 tiếng đồng hồ rồi mà chưa tới được biên giới”, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, nói với VOA.

Hôm qua (28/2), ngay khi chiến sự tạm lắng ở thủ đô Kiev khi đại diện hai phía Nga – Ukraine bắt đầu tiến hành đàm phán, thì cộng đồng người Việt tại đây cũng như ở các điểm nóng chiến tranh khác tại Ukraine đã tranh thủ sơ tán sang các quốc gia láng giềng, với điểm đến lớn nhất là Ba Lan, khiến cho đường đi sang biên giới nước ngày bị tắc nghẽn hàng chục cây số.

“Dù bạn đến biên giới nào thì cũng rất đông người, xe ô tô tắc đến 15 km hoặc hơn. Nếu có đi thì phải thật kiên trì và quyết tâm, dọc đường đi luôn có người trợ giúp bạn về đồ ăn, nhưng vẫn phải mang theo đồ ăn của mình, nước uống và mang theo thuốc đau đầu, đau bụng, hạ sốt, nếu có con nhỏ thì cần thêm túi thuốc gia đình…”, tài khoản Duong Hlo, một gia đình người Việt Nam ở Ukraine, vừa đến được Ba Lan chia sẻ kinh nghiệm.

Gia đình này cho biết họ đã đi từ thủ đô Kiev lên Lviv và nghỉ lại một đêm, sau đó ra ga tàu để đi đến các ga biên giới nhưng “không thể chen lên được vì rất đông người”. Cuối cùng, họ phải thuê taxi để đi từ ga này ra biên giới.

“Nếu đi xe ô tô thì tắc đường rất lâu (1 ngay hoặc 2, 3 ngày cũng có). Đến được biên giới rồi là ok vì thủ tục biên phòng Ukraine rất đơn giản, sau đó hải quan Balan càng dễ. Nhưng sẽ phải trải qua thời gian xếp hàng rất lâu vì rất đông người…”, gia đình Duong Hlo chia sẻ thêm.

“Hôm qua có một nhóm người Việt mình đi sang Ba Lan, nhưng mà nó khó khăn quá, đông người quá không đi được, thì họ định sang Romania”, ông Trần Anh Tuấn cho VOA biết.

Theo ông, “Thực tế cửa khẩu sang Romania thì không đông lắm, nhưng Romania chưa phải thuộc Schengen. Vào Romania rồi thì không thể sang Ba Lan, sang các nước khác được. Nhưng mục đích của mọi người là muốn tị nạn chiến tranh sang các nước nằm trong khối Schengen”.

Vì vậy, ông Trần Anh Tuấn cho biết Ba Lan hiện nay trở thành điểm đến ưu tiên của cộng đồng người Việt nói riêng và của tất cả người tị nạn Ukraine nói chung.

Nhưng cho đến tối 28/2, chỉ mới có một nhóm người Việt gồm 12 người đã rời khỏi Ukraine ngay ngày đầu tiên nổ ra chiến tranh là đã tới được Ba Lan, vẫn theo lời ông Trần Anh Tuấn.

“Hiện nay nhóm đấy đã sang đến thủ đô Warsaw, được Hội thánh Tin Lành của người Việt Nam tại Ba Lan đón tiếp và đã ổn định”.

Ông Trần Tuấn Anh cho biết theo thông báo từ phía cộng đồng người Việt ở Ukraine, dự kiến sẽ có khoảng 300 người Việt sơ tán sang Ba Lan trong những ngày tới với phương tiện tự túc.

“Đông người sang thì chúng tôi sẽ tập trung vào một chỗ, rồi từ đó chúng tôi phân ra. Chúng tôi có những hội trường lớn, chúng tôi có Chùa Nhân Hoà, Chùa Thiên Phúc, hai ngôi chùa đó có hội trường rất lớn. Chúng tôi sẽ tạm thời tập trung ở đấy đã để bố trí ăn ở, nghỉ trước mắt. Sau đó, chúng tôi phân ra từng nhóm một, phân ra các hội đồng hương, các câu lạc bộ, các tổ chức khác trong các hội Việt Nam tại Ba Lan để đón tiếp. Chúng tôi sẽ chia nhỏ ra để bố trí cho chu đáo”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.

Những lúc này mới thấy tình cảm của cộng đồng người Việt với nhau “thật tuyệt vời”, người đứng đầu Hội người Việt Nam tại Ba Lan xúc động nói với VOA.

“Người Việt Nam tại Ba Lan này đều đồng lòng giúp người tị nạn chiến tranh, không những cho người Việt mà cả người Ukraine. Tình cảm người Việt mình tuyệt vời lắm. Tôi thấy rất cảm động, những nghĩa cử không thể tưởng tượng được… Hiện nay có một số người Việt người ta tự động kêu gọi gồm 5- 6 người với nhau chở hàng hoá lên biên giới giữa đêm giá lạnh, làm một cái quầy, cái lều để phát đồ ăn thức uống, những dụng cụ cần thiết cho người tị nạn ngay tại biên giới luôn”.

Trên mạng xã hội, những thông báo giúp đỡ từ lương thực, áo quần cho đến chỗ ăn ở, công ăn việc làm dành cho đồng hương đến từ Ukraine liên tục xuất hiện. Chị Nga, một cư dân Kiev đang trên đường sang Ba Lan cũng cho VOA biết chị đã nhận được nhiều đề nghị trợ giúp từ cộng đồng người Việt ở Ba Lan.

“Bình thường thì mình chưa biết nhau. Nhưng đến khi gặp hoạn nạn, người ta tự liên hệ, người ta đề nghị giúp mình”, chị Nga nói.

Bên cạnh những nghĩa cử chia sẻ, đùm bọc dành cho đồng hương và người tị nạn Ukraine, nhiều người Việt Nam tại Ba Lan đang phản đối mạnh mẽ hành động gây ra chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin và kêu gọi xử phạt ông như một “tội phạm chiến tranh”, theo lời ông Trần Anh Tuấn.

“Người Việt ở Ba Lan hầu như là người Việt ở miền bắc là chính. Những người miền bắc sang Ba Lan học tập, sinh sống và hình thành cộng đồng người Việt. Do đó, người miền bắc thì cũng đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh thì người ta phần nào cũng có thiện cảm với Liên Xô cũ cũng như nước Nga bây giờ. Lúc chưa xảy ra chiến tranh thì có rất nhiều thiện cảm, thậm chí có nhiều người rất ca ngợi Tổng thống Putin. Còn đối với nhân dân Nga thì thực tế họ chỉ đáng thương thôi. Còn đối với chính quyền, sau khi xảy ra chiến tranh thì bây giờ hầu như người Việt ở Ba Lan này đều quay lại và rất phản đối cuộc chiến, thậm chí rất căm thù, căm phẫn lên án Tổng thống Putin. Mọi người mong rằng cuộc chiến sẽ kết thúc và thậm chí là phải coi Putin là một tội phạm chiến tranh. Trong thế kỷ 21 này mà gây ra cuộc chiến quá tàn khốc này thì đó là một tội phạm chiến tranh”.

Theo báo cáo của Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc vào ngày 28/2, đã có hơn nửa triệu người Ukraine di tản khỏi nước này. Đa số là sang Ba Lan, với phần lớn là phụ nữ và trẻ em vì đàn ông từ 18-60 tuổi không được phép rời khỏi Ukraine theo lệnh tổng động viên của Tổng thống Zelenskyy sau khi nước này bị Nga xâm lược vào ngày 24/2. Số người tị nạn còn lại chạy sang Hungary, Moldova, Romania và các nước khác.

Bài Liên Quan

Leave a Comment