Cuộc chiến không gian của 2 người đàn ông giàu có bậc nhất thế giới:
\”Hóa ra Besos (Cố ý viết sai tên) nghỉ việc ở Amazon để chuyển sang nghề kiện cáo SpaceX\”, Elon Musk viết.
Theo tờ Washington Post, câu chuyện chiến tranh không gian những tưởng chỉ là vấn đề giữa các quốc gia thì nay nó lại trở thành cuộc đua của những tỷ phú.
Trong suốt nhiều năm, nhà sáng lập Jeff Bezos của Amazon và tỷ phú Elon Musk của Tesla đã cạnh khóe nhau về các dự án phóng tàu vũ trụ. Cả 2 đều muốn chứng minh công ty mình có thể giúp Cục hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trong việc phóng tàu vào không gian.
Thế nhưng giờ đây, cuộc cạnh tranh này không chỉ đơn giản nằm ở việc phóng tàu vào không gian hay đưa người lên vũ trụ nữa. Cả 2 ông lớn đã bước vào cuộc chiến pháp lý nhằm xây dựng mạng lưới vệ tinh cung ứng Internet, một dịch vụ nếu thành công sẽ làm thay đổi toàn ngành viễn thông.
Đấu khẩu
Tờ Washington Post nhận định vài năm trở lại đây, SpaceX của Elon Musk đã phóng thành công nhiều vệ tinh vào rìa không gian để xây dựng mạng lưới cung ứng Internet. Trong khi đó Amazon cũng có một dự án tương tự mang tên Kuiper nhưng chưa thể thực hiện phóng một chiếc vệ tinh nào.
Hệ quả là nhà sáng lập Jeff Bezos từ chức CEO Amazon vào tháng 7/2021 để tập trung phát triển cho các dự án khác, bao gồm mảng không gian cạnh tranh với SpaceX.
Ngày 25/8/2021, Amazon chính thức kiện SpaceX lên Ủy ban truyền thông liên bang (FCC) vì đã vi phạm các quy định của cơ quan này khi xây dựng mạng lưới vệ tinh. Đáp trả, SpaceX cáo buộc Amazon đang âm mưu trì hoãn những nỗ lực của họ cũng như cố che giấu những thất bại của Bezos trong cuộc chạy đua vũ trụ.
“Với việc bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh, Amazon sẵn sàng sử dụng các quy trình pháp lý để tạo trở ngại nhằm trì hoãn việc bị bỏ lại phía sau xa hơn nữa”, SpaceX thông báo.
Đến tháng 9/2021, cuộc cãi vã vẫn chưa dừng lại khi Amazon lại một lần nữa tố cáo SpaceX lên FCC và đương nhiên, SpaceX cũng đáp trả lại ngay lập tức.
Tờ Washington Post nhận định các tập đoàn lớn của Mỹ thường có truyền thống cạnh tranh nhau, từ mảng thép của Andrew Carnegie cho đến dầu mỏ của John D Rockefeller. Hiện nay, đến lượt Elon Musk và Jeff Bezos viết nên trang sử mới cho công cuộc cạnh tranh kinh doanh của Mỹ.
Mặc dù Elon Musk vẽ nên viễn cảnh xây dựng thành phố trên sao Hỏa hay Jeff Bezos kiến thiết một dải thuộc địa trên quỹ đạo trái đất nhưng các chuyên gia khẳng định rằng tiềm năng kinh doanh của vũ trụ là rất lớn và mục đích chính của những doanh nhân này thì vẫn chỉ là lợi nhuận.
“Họ chẳng phục vụ miễn phí thứ gì đâu, rốt cục họ vẫn là doanh nhân. Mặc dù vũ trụ là niềm mơ ước của nhiều tỷ phú nhưng nó cũng là một ngành công nghiệp đang phát triển, đồng thời có rất nhiều lợi nhuận có thể kiếm ra từ đó”, giáo sư Margaret O’Mara của trường đại học Washington nhấn mạnh.
Cạnh tranh
Con đường lập nghiệp của Musk và Bezos khá tương tự, cả 2 đều thành công tạo nên cuộc cách mạng ngành bằng các sản phẩm mang tính cách mạng. Cả Musk và Bezos đều có tầm nhìn xa, niềm tin mãnh liệt vào thứ họ làm bất chấp những lời chỉ trích hay thua lỗ ngắn hạn, tất cả vì một tương lai thành công trong dài hạn.
Khi còn ở Paypal, Elon Musk đã làm thay đổi ngành thanh toán thẻ cũng như tạo nên cuộc cách mạng thanh toán với người tiêu dùng Mỹ. Với Tesla, Musk tạo nên cơn địa chấn cho toàn ngành ô tô và dẫn đầu mảng xe điện. Đến với dự án SpaceX, Musk đã đương đầu với cả một mạng lưới các công ty quân sự đã hoạt động nhiều thập niên cho công nghiệp vũ trụ để trở thành một đối tác tin cậy cho NASA.
Ở phía ngược lại, Bezos cũng thành công trong việc tạo nên cách mạng bán sách và bán lẻ, trở thành ông lớn trong ngành thương mại điện tử. Thế rồi mảng điện toán đám mây của hãng cũng đứng thứ 2 trên thị trường sau Microsoft.
Giờ đây, cả 2 ông lớn này bắt đầu cuộc cạnh tranh mới trên đường đua vũ trụ. Tạm thời Musk đang dẫn trước khi thành công trở thành đối tác của NASA và phóng được nhiều vệ tinh lên rìa vũ trụ để xây dựng mạng lưới cung ứng Internet.
SpaceX cũng đã thành công đưa 3 đội du hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong khi Blue Origin của Bezos mới chỉ thực hiện được 1 chuyên bay đưa người ra rìa không gian trong 10 phút.
Elon Musk đã thành công đưa gần 2.000 vệ tinh trong dự án Starlink của mình lên rìa vũ trụ và đang tiến tới hoàn thiện mạng lưới cung ứng Internet cho 144 quốc gia. Trước đó vào năm 2020, FCC cũng đã cấp cho SpaceX khoản kinh phí 886 triệu USD để hỗ trợ nâng cấp hệ thống Internet tại Mỹ.
Về phía Amazon, họ cũng có dự định xây dựng dàn vệ tinh trên rìa không gian để cung ứng Internet nhưng lại chưa phóng được chiếc nào. Vậy là để tránh bị tụt hậu, Bezos quyết định triển khai cuộc chiến pháp lý với người dẫn đầu Musk nhằm tìm kiếm thời gian.
Theo đó, Amazon cáo buộc việc SpaceX phóng 2 loại vệ tinh, Starship và Falcon 9 là trái với quy định của FCC. Đáp trả, Elon Musk len Twitter mỉa mai rằng: “Hóa ra Besos (Cố ý viết sai tên) nghỉ việc ở Amazon để chuyển sang nghề kiện cáo SpaceX”.
Liên tiếp những lần sau đó là cuộc đấu khẩu pháp lý của 2 bên. Amazon cho rằng SpaceX vi phạm quy định của FCC khi phóng Starship khi chưa đăng ký mẫu thiết kế, đồng thời các cơ sở sản xuất tên lửa của họ cũng không đảm bảo an toàn chống dịch.
“Với SpaceX, họ chẳng thèm tuân theo luật nào cả. Những quy định đó chỉ dành cho người khác chứ không phải họ”, phía Amazon bức xúc.
Kịch tính hơn nữa, đích thân Bezos đã kiện cáo việc NASA thiên vị SpaceX trong việc hợp tác đưa người lên không gian. Mặc dù quyết định này đã bị Văn phòng kiểm toán chính phủ (GAO) chứng thực là hợp lý nhưng nhà sáng lập Amazon không chịu thua. Vấn đề này đã được đưa lên cả Tòa án liên bang và thậm chí là Nhà Trắng.
“Chẳng lẽ Elon Musk lại sợ một chút cạnh tranh sao?”, phía Blue Origin cho biết.
Một trong những luận điểm mà Blue Origin của Bezos nhắm tới là các thiết kế mới từ SpaceX vi phạm những quy định an toàn của NASA. Phó chủ tịch Megan Mitchell của Blue Origin cho biết dự án đưa tàu lên mặt trăng của SpaceX sẽ phải phóng nhiều tên lửa để tiếp liệu trên rìa không gian, qua đó gia tăng tính nguy hiểm.
Đáp trả, Elon Musk mỉa mai Bezos chưa phóng được tên lửa nào ra ngoài vũ trụ và thậm chí bản báo giá của Blue Origin cho NASA cũng lên đến 6 tỷ USD, cap gấp đôi so với SpaceX.
Nhận định về cuộc cạnh tranh này, giáo sư John Logsdon của Viện nghiên cứu chính sách vũ trụ (SPI) nhận định: “Ở đâu có người thì ở đó có cạnh tranh. Cũng như việc KFC tuyên bố chuyện McDonald’s làm bánh sandwich kẹp thịt gà là đi ngược chuyên môn vậy”.
*Nguồn: Washington Post