Tại sao Ukraina không phải là Đài Loan ?
Đăng ngày: 04/03/2022
Phan Minh
Ai có thể đoán Kiev sẽ kháng cự trong bao lâu ? Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công hôm 24/02 ngay trước bình minh, quân đội Nga dường như đang tiến hành một cuộc xâm lược nghiệt ngã đối với Ukraina, nhất là khi lực lượng quân sự Nga rõ ràng chiếm ưu thế. Ngoài ra, trong cuộc chiến tranh này, Hoa Kỳ sẽ không gửi một binh sĩ nào sang Ukraina để bảo vệ đất nước của Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, việc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nắm được quyền kiểm soát Đài Loan sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ tránh lấn sâu vào xung đột với Đài Loan giống như những gì đồng nhiệm Nga Vladimir Putin đang làm ở Ukraina.
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đã quyết định bỏ phiếu trắng hôm 25/02 vừa qua, không cùng với mười một thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina nhằm kêu gọi Matxcơva ngừng ngay các hành động gây hấn và rút quân ngay lập tức. Một nghị quyết thuần túy mang tính hình thức, bởi Nga với tư cách thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An đã phủ quyết. Trong cùng ngày, chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi điện cho tổng thống Vladimir Putin, khuyên ông nêu ra vấn đề « buông bỏ tâm lý chiến tranh lạnh, tôn trọng các mối quan tâm hợp lý về an ninh của các nước khác, đồng thời thông qua đàm phán xây dựng một cơ chế an ninh ở châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững ».
Theo truyền thông Trung Quốc, ông Putin đã nói với lãnh đạo họ Tập lý do tại sao ông tiến hành « chiến dịch quân sự đặc biệt » ở Ukraina. Theo tổng thống Nga, từ lâu Hoa Kỳ đã phớt lờ những lo ngại về an ninh chính đáng của Nga, không tuân theo các cam kết của chính mình và tiếp tục khuyến khích triển khai quân sự ở sườn đông NATO, thách thức lằn ranh đỏ chiến lược của Nga.
Bắc Kinh đang trên thế của người đi dây. Bỏ phiếu trắng ở Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc cho đến nay từ chối nói về một « cuộc xâm lược » vào Ukraina hoặc lên án hành động của Nga, đồng minh thân cận của mình. Làm thế nào Bắc Kinh có thể làm điều này khi Tập Cận Bình có kế hoạch « thống nhất » Đài Loan với Trung Quốc đại lục, thậm chí bằng vũ lực nếu cần thiết và trong lúc ông Tập còn đương chức ? Đảng Cộng sản Trung Quốc xem xét rất kỹ lưỡng về tình hình chiến tranh ở Ukraina. Và do vậy, Đảng chắc chắn sẽ « điều chỉnh » các kế hoạch xâm lược Đài Loan.
Thái độ của Hoa Kỳ
Tuy nhiên, có nhiều điểm khác biệt giữa Ukraina và Đài Loan. Đối mặt với Ukraina, tổng thống Nga đã điều động hơn 170.000 binh sĩ lên vùng biên giới chung với nước này từ nhiều tuần qua. Ngoài ra, Ukraina không phải là thành viên của NATO, gần như đã bị phương Tây bỏ rơi, phó mặc cho số phận hẩm hiu của nước này trên bình diện quân sự.
Còn Đài Loan thứ nhất là một hòn đảo. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không có kinh nghiệm đổ bộ lên các vùng đảo, còn quân đội Đài Loan thì đã được chuẩn bị từ nhiều năm qua. Sau đó, Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng họ sẽ không đứng yên trong trường hợp Trung Quốc gây hấn với hòn đảo. Hơn nữa, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, thậm chí New Zealand và Hàn Quốc, đã tuyên bố đứng về phía quân đội Mỹ nếu một cuộc xung đột như vậy xảy ra.
Đương nhiên, chủ tịch Tập Cận Bình rất muốn ký kết một liên minh quân sự với Nga và lợi dụng thực tế là phương Tây đang đắm chìm trong cuộc khủng hoảng Ukraina để đưa ra quyết định cho quân đội của mình tham chiến. Ngày 04/02 vừa qua, tổng thống Nga và đồng nhiệm Trung Quốc nhấn mạnh là quan hệ giữa hai cường quốc chưa bao giờ tốt đẹp như hiện tại.
Nhưng cũng có một sự khác biệt lớn : Nếu như Vladimir Putin ra các quyết định dựa trên các ảo mộng phi lý để làm sống lại đế quốc Nga hoàng, thì Tập Cận Bình lại hoàn toàn ngược lại. Ông là một người thông minh, có suy nghĩ hợp lý. Stéphane Corcuff, chuyên gia về Trung Quốc và giáo viên tại Sciences Po Lyon, nhấn mạnh trên tạp chí Diplomatie rằng chủ tịch Tập sẽ cẩn trọng và không đưa ra quyết định vội vàng nếu không chắc giành chiến thắng trong một cuộc đánh chiếm Đài Loan.
Phải thừa nhận rằng Bắc Kinh cũng có giấc mơ khôi phục các đế chế cũ giống Matxcơva. Hai quốc gia này đang phối hợp chặt chẽ với nhau để cải tổ trật tự thế giới theo chiều hướng có lợi cho họ.
Vấn đề về tăng trưởng
Vậy « tuần trăng mật » giữa hai nước có kéo dài không ? Không, vì những lý do khác. Cần nhắc lại rằng Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong khi GDP của Nga tương đương với Tây Ban Nha. Do đó, chủ tịch Trung Quốc không mấy mặn mà với việc tham gia vào một cuộc ganh đua quân sự, mà chắc chắn sẽ rất tốn kém cho nền kinh tế Nga vốn đang ở trong tình trạng tồi tệ. Tập Cận Bình muốn tập trung vào việc theo đuổi sự phát triển kinh tế, một lĩnh vực mà Trung Quốc đã trải qua một số bất ổn đáng lo ngại trong vài năm qua. Bởi vì lãnh đạo Trung Quốc biết rõ rằng theo đuổi tăng trưởng kinh tế là bảo đảm tốt nhất trong việc phòng ngừa bất ổn xã hội và chính trị.
Vài giờ trước khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraina, Hoa Kỳ đã cáo buộc Matxcơva và Bắc Kinh hợp lực để tạo ra một trật tự thế giới mới « rất phi tự do ». Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price ngay lập tức nói thêm rằng vẫn có cơ hội để Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Vladimir Putin nghe theo lẽ phải. Cần lưu ý rằng tổng thống Nga đã đợi cho đến khi kết thúc Thế Vận Hội mùa đông ở Bắc Kinh mới tuyên bố công nhận độc lập của hai vùng ly khai (Donetsk và Lugansk) của Ukraina và phát động chiến dịch quân sự. Một cử chỉ quan trọng để không làm Trung Quốc bối rối.
Nhưng bây giờ, cần phải đối mặt với sự thật: Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thuyết phục Vladimir Putin không phát động chiến tranh đã thất bại. Do đó, ở đây câu hỏi được đặt ra là Trung Quốc sẽ làm gì nếu cuộc xung đột này tiếp tục leo thang ? Ngoài ra, quyết định xâm lược Ukraina của Putin không phải là không nguy hiểm về mặt chính trị đối với Tập Cận Bình. Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Nga không hề hào hứng gì với quy mô xung đột này và những thiệt hại đáng kể về nhân mạng mà cuộc chiến này có thể gây ra. Rõ ràng là người Ukraina sẽ bằng mọi cách cố gắng chống lại sự xâm lược này. Hậu quả lâu dài của cuộc chiến này có thể sẽ là sự sụp đổ của chế độ Vladimir Putin. Bởi vì chắc chắn rằng người dân Nga, vốn đã bị vùi dập về mặt kinh tế, sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt đã hoặc sẽ được phương Tây ban hành.
Nỗi sợ hãi điều không thể thấy trước
Hơn nữa, Tập Cận Bình có thể sẽ không đi theo con đường tương tự. Stéphane Corcuff giải thích rằng một thất bại ở Đài Loan sẽ dẫn đến hậu quả gần như chắc chắn là sự sụp đổ của đảng Cộng Sản Trung Quốc cùng với lãnh đạo của Đảng. Jakub Jakobowski, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông, được tờ Libération trích dẫn hôm 24/02, nhận định: « Trung Quốc coi cuộc xâm lược của Nga như một cuộc trắc nghiệm. Trung Quốc sẽ không sử dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraina để xâm lược Đài Loan, mà là để thăm dò thái độ của Joe Biden và Hoa Kỳ, NATO và sự hợp tác giữa Berlin, Paris và Washington. Bắc Kinh chắc chắn sẽ rút ra bài học từ cuôc chiến tranh này. »
Kể từ hôm 24/02 vừa rồi, gần như toàn thế giới đã lên án Nga vì hành động xâm lăng Ukraina. Nhưng Bắc Kinh không hề muốn một ngày nào đó mình bị rơi vào hoàn cảnh tương tự và trở thành một quốc gia bị cộng đồng quốc tế tẩy chay. Họ không muốn làm xấu thêm mối quan hệ với Hoa Kỳ, vốn đã ở mức thấp nhất trong ba mươi năm qua, trong khi Trung Quốc vẫn lo ngại sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.
Cuối cùng, « nếu có một điều mà chế độ Trung Quốc rất sợ, đó là điều không thể thấy trước, » Stéphane Corcuff nhắc lại. Giống như tổng thống Putin là người mà ông Tập không đoán được ý đồ trong suốt cuộc khủng hoảng Ukraina và chủ tịch Tập Cận Bình hiểu rằng đồng nhiệm Nga có thể không phải là một « người bạn » đáng tin cậy.
Nỗi căm thù tư tưởng ly khai
Việc Bắc Kinh từ chối công nhận các quốc gia ly khai thực sự phản ánh mong muốn của chính quyền Trung Quốc tránh những so sánh vấn đề Ukraina với Đài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương. Trung Quốc đã không công nhận việc Nga sáp nhập Crimée vào năm 2014. Trung Quốc đã chính thức phản ứng về việc Nga công nhận hai lãnh thổ ly khai ở Ukraina thông qua tiếng nói của ngoại trưởng Vương Nghị. Phía Trung Quốc luôn duy trì lập trường không thay đổi với Ukraina, cụ thể là tất cả các quốc gia phải được tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ theo đúng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.
Về phần mình, chính phủ Đài Loan vẫn chưa lên tiếng chính thức kể từ hôm Nga phát động cuộc tấn công vào Ukraina, nhưng các phản ứng từ các nhà phân tích chính trị đang nổi lên cho thấy sự nhạy cảm lớn đối với chủ đề Ukraina.
Các sự kiện diễn ra ở Ukraina trong những ngày hoặc tuần tới sẽ có tầm quan trọng quyết định trong chính sách tương lai của Trung Quốc đối với Nga. Tập Cận Bình sẽ đánh giá kỹ lưỡng các sự kiện và sẽ rút ra bài học cho đường lối mà ông sẽ áp dụng với Đài Loan. Tuy nhiên, ông phải lưu ý rằng tư tưởng phiêu lưu mạo hiểm của tổng thống Putin đã tạo ra một sự đoàn kết chưa từng có của phương Tây kể từ năm 1945.