Tòa nhà của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB. BNS) ở Bern, ngày 25/9/2019. (Ảnh Getty Images)
Bắc Kinh có lo lắng khi Thụy Sĩ áp đặt các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga?
Bình luậnHuyền Anh • 07/03/22
Nếu ĐCS Trung Quốc vẫn đang suy tính xem thế giới sẽ phản ứng như thế nào nếu tiến hành một cuộc tấn công vào Đài Loan, thì có lẽ lệnh trừng phạt hiện tại của Thụy Sĩ đối với Nga có thể coi là một lời cảnh báo.
Cho đến nay, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tuyên bố cấm các ngân hàng Nga tham gia vào mạng lưới tài chính SWIFT và đã đóng băng dự trữ ngoại hối ước tính khoảng 640 tỷ USD của Nga. Đồng thời, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ truy quét tài sản của các nhà tài phiệt Nga trên toàn cầu.
Ngay cả Thụy Sĩ cũng từ bỏ quan điểm trung lập truyền thống và áp dụng tất cả các biện pháp trừng phạt tài chính do EU áp đặt, bao gồm cả việc đóng băng tài sản của những người đóng vai trò quan trọng trong chính phủ Nga và các nhà tài phiệt ở Thụy Sĩ. Động thái này có thể không ảnh hưởng nhiều đến tình hình chiến tranh Nga – Ukraine, nhưng nó khiến ĐCS Trung Quốc lo sợ.
Dữ liệu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho thấy, “Người Nga nắm giữ gần 11,24 tỷ USD ở Thụy Sĩ vào năm 2020”. Tuy nhiên, tài sản của các quan chức cấp cao của ĐCS Trung Quốc ở Thụy Sĩ vượt xa con số này. Sự khác biệt không phải là vài lần, mà là hàng trăm lần!
Báo cáo Tỷ phú của UBS và PwC năm 2018 chỉ ra rằng, “Các tỷ phú Trung Quốc đã tăng số lượng từ 318 người năm 2016 lên 373 người vào năm 2017, với tổng tài sản tăng lên 39%, tương đương 1,12 nghìn tỷ USD”. Điều này có nghĩa là tổng tài sản của 4 tỷ phú Trung Quốc sẽ vượt rất nhiều so với tổng tài sản của người Nga ở Thụy Sĩ vào năm 2020.
Cũng một báo cáo Tỷ phú của UBS và PwC khác vào năm 2020 đã ghi nhận khối tài sản có tổng giá trị 1,7 nghìn tỷ USD thuộc sở hữu của 415 tỷ phú Trung Quốc.
Trên thực tế, dữ liệu trên chỉ là một phần tài sản ở nước ngoài của các chức sắc ĐCS Trung Quốc mà thôi.
Theo tiết lộ của WikiLeaks, các quan chức tham nhũng Trung Quốc “có hơn 5.000 tài khoản cá nhân trong các ngân hàng Thụy Sĩ, 2/3 trong số đó là các quan chức cấp trung ương từ cấp phó thủ tướng, thống đốc ngân hàng, bộ trưởng đến các thành viên ủy ban trung ương”.
Nhiều báo cáo của Trung Quốc cũng đã tiết lộ số tiền khổng lồ mà ĐCS Trung Quốc cất giữ ở nước ngoài.
Ví dụ, ông Liêu Vĩnh Viễn, cựu chủ tịch của PetroChina, đã cung cấp cho cựu giám đốc an ninh Chu Vĩnh Khang và gia đình ông ta quyền truy cập vào số tiền biển thủ khổng lồ khoảng 10 tỷ USD, được thông qua các ngân hàng Thụy Sĩ, theo nguồn tin của Apple Daily vào năm 2013.
Tỷ phú lưu vong Trung Quốc, Miles Guo Wengui đã tiết lộ vào tháng 4/2019 rằng, gia đình cựu lãnh đạo ĐCS Trung Quốc Giang Trạch Dân có thể sở hữu khối tài sản đen lên tới 1 nghìn tỷ USD và rửa ít nhất 500 tỷ USD ở nước ngoài. Ông Miles Guo Wengui, còn có tên là Miles Kwok, đã trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2015 và hiện sống ở Hoa Kỳ. Ông được biết là có mối quan hệ mật thiết với các quan chức ĐCS Trung Quốc đã nghỉ hưu, đặc biệt là những người có quan hệ với chính quyền Giang Trạch Dân.
Truyền thông Hong Kong Open Magazine đưa tin, ông Liu Jinbao, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc, đã thú nhận trong tù rằng Giang đã chuyển hơn 3 tỷ USD cho Chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc Grand Cayman từ tháng 5 đến tháng 9/2002.
Các ngân hàng Thụy Sĩ là lựa chọn hàng đầu để các quan chức ĐCS Trung Quốc tham nhũng, cũng như những kẻ khủng bố và các nhóm tội phạm che giấu tiền bẩn của họ. Thụy Sĩ quản lý tới một phần ba tài sản của thế giới.
Mặc dù các ngân hàng Thụy Sĩ tuân thủ quy tắc im lặng và đã có được danh tiếng về sự thận trọng, nhưng họ dần dần áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo chung như một phần của nỗ lực truy quét trốn thuế và gian lận.
Với việc chính phủ Thụy Sĩ gia nhập EU và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, động thái này sẽ gửi một thông điệp tới các quan chức tham nhũng của ĐCS Trung Quốc: tiền của quý vị không còn an toàn ở Thụy Sĩ. Nó cũng sẽ khiến ĐCS Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ hơn về việc xâm lược Đài Loan, vì Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả tàn khốc từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Chỉ suy nghĩ đó thôi cũng mang đến cơn ác mộng cho các quan chức Đảng tham nhũng.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.
Tác giả Lý Chính Khoan (Li Zhengkuan) là một nhà văn tự do chuyên viết về các vấn đề của Trung Quốc. Ông bắt đầu đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2020.
Huyền Anh
Theo The Epoch Times