Putin xâm lược Ukraine: Chính phủ “nước đôi” nhưng nhận thức của người dân không thay đổi

Putin xâm lược Ukraine: Chính phủ “nước đôi” nhưng nhận thức của người dân không thay đổi

Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
2022.03.09

\"PutinNhững người dân Việt Nam đến Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội để bày tỏ sự ủng hộ Ukraine trước cuộc xâm lăng của Nga Facebook Hoa Dinh Trinh/ Nataliya Zhynkina

Putin không thể khôi phục vị thế nước Nga bằng sức mạnh quân sự, ngược lại ông ta đang huỷ hoại nó và chính bản thân ông ta.

Trong bài phát biểu dài vào rạng sáng 24/2/2022 ông V.Putin, Tổng thống Liên bang Nga, cho rằng Thế giới phương Tây là “đế chế dối trá”, không “tử tế” gì, bài học về quyền lực và ý chí của Liên Xô còn đó, nước Nga hiện đang bị đe doạ về an ninh, về “số phận của nước Nga”, nước Nga có vị thế sức mạnh trên thế giới và phải được tôn trọng, và rằng, Ukraine không phải là một quốc gia, dân tộc và “tình huống ở Donbass”… khiến ông ta phải “hành động trước”, và ông ta đã chuẩn bị cho điều này, từ kinh tế đến quân sự… Tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”, thách thức nguyên tắc chủ quyền của các quốc gia và luật pháp quốc tế, V.Putin muốn thay đổi nguyên trạng bằng sức mạnh.

\"000_324Q6BU.jpg\"
Toà nhà ở của người dân tại thành phố Kharkiv, Ukraine bị phá huỷ do đạn pháo của Nga hôm 8/3/2022. AFP

Từ đó đến nay gần nửa tháng chiến tranh vẫn đang diễn ra khốc liệt. Máu của nhiều người dân vô tội vẫn đổ trên khắp đất nước xinh đẹp trong lòng Châu Âu văn minh. Ở đây các biến cố diễn ra liên tục: hàng nghìn ngôi nhà bị tàn phá, phương tiện chiến tranh bị thiêu dụi, hàng nghìn người thương vong, thảm hoạ nhân đạo, hàng triệu người phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng, trong đó có hàng nghìn người Việt “chờ giải cứu”, các cuộc pháo kích dữ dội của quân đội Nga, sự chống cự quyết liệt của Ukraine, sự thể hiện như ‘vị tổng tư lệnh’ thực thụ của Tổng thống Zelenski, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh, đe doạ hạt nhân… 

Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã kêu gọi “cho hoà bình một cơ hội”, yêu cầu Putin rút quân. Ngày 2/3 Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết phản đối cuộc xâm lược. Trừ bốn nước thân cận (Belarus, Eritrea, Triều Tiên, Syria) và Nga bỏ phiếu chống, 35 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã tỏ thái độ ‘nước đôi’, tuy phát biểu rằng \”các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế\”, nhưng đã “quá thận trọng” để coi đó là cuộc xâm lược. Đa số các quốc gia thành viên (141/193) bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết phản đối chiến tranh và yêu cầu Nga rút quân. Mỹ và phương Tây điều chỉnh chính sách, triển khai đối phó, ra các quyết định trừng phạt kinh tế “chưa từng có”, các cuộc gặp nguyên thủ để đối phó với cuộc xâm lược này, các cuộc điều tra tội ác chiến tranh, toà án công lý khởi động phán xử, các nước ‘lưỡng lự’ đã chọn phe… Cuộc chiến này đã làm thức tỉnh Liên Âu (EU) nói riêng, Mỹ và phương Tây nói chung. Họ đã xích lại gần nhau, thay đổi thái độ về nước Nga của Putin, chấp nhận những tác động giảm tăng trưởng, đối phó với nguy cơ khủng hoảng năng lượng… Thế giới đang thay đổi theo cách chính Putin gây chiến cũng không thể lường trước…

Việc Nga xâm lược Ukraine liên quan trực tiếp đến V. Putin. Xuất thân từ một sĩ quan KGB, ông ta được B. Elsin, cựu Tổng thống LB Nga đầu tiên, đặt lên ‘bệ phóng’ kế nhiệm năm 2000. Putin được ‘ca ngợi’ là nhà lãnh đạo cứng rắn, một tính cách cá nhân độc đoán, có năng lực với quyết tâm cao và ý chí bền bỉ phục hồi vị thế đã mất khi Liên Xô sụp đổ. Putin là nhà lãnh đạo thích hợp với quyền lực tuyệt đối có nguồn gốc từ mô hình Xô Viết.

V. Putin đã thành công trong cải tổ sâu rộng nước Nga không chỉ kinh tế mà cả về quân sự. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống tám năm của ông (2000-2008) nền kinh tế Nga đã tăng trưởng liên tiếp, tăng GDP tăng 72% tính theo sức mua tương đương, sự hài lòng về cuộc sống của người dân được nâng lên; sự gia tăng đầu tư nước ngoài, củng cố cơ sở hạ tầng… Ông được coi là ‘người dẫn dắt’ Nga đến chiến thắng trong Chiến tranh ở Chechnya và Chiến tranh Nga-Gruzia. Mọi chuyện bắt đầu trở nên xấu đi từ nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông (2012-2018), giá dầu giảm cùng với các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt vào đầu năm 2014 sau khi Nga tiến hành can thiệp quân sự vào Ukraine và sáp nhập Crimea, GDP giảm 3,7% trong năm 2015, mặc dù có phục hồi nhẹ sau đó… V. Putin là nhà nhà ảo thuật trong ‘trò chơi quyền lực cung đình’ để duy trì vị trí tổng thống của mình ở nhiệm kỳ thứ tư (2018-2024).

Một phần tư thế kỷ nắm quyền lực tuyệt đối khiến V.Putin bị tha hoá, huỷ hoại nước Nga thay vì ‘cứu rỗi’. Việc Nga xâm lược Ukraine hiện nay không chỉ như ‘giọt nước tràn ly’ quá trình tha hoá quyền lực mà còn đang gây ra thay đổi to lớn trong nhận thức về Putin. Ông ta là độc tài và, triết lý như một bài học là khi bạn đã đủ mạnh, hãy đừng nhu nhược như đã từng để đòi lại vị thế cường quyền đã mất.

Quốc tế đang làm những gì cần thiết để đối đầu với ông ta. Các nhà phân tích đưa ra các kịch bản khác nhau về cuộc chiến. Họ cho rằng Putin đã sai lầm, ông ta có thể thắng trận chiến trước Ukraine ‘yếu’ về quân sự nhưng sẽ thua về chiến cuộc, không thể mang lại hoà bình. Vì ông ta mà nước Nga hiện tại trở nên “cô đơn” hơn bao giờ hết. Ông ta không thể khôi phục vị thế nước Nga bằng sức mạnh quân sự, ngược lại ông ta đang huỷ hoại nó và chính bản thân ông ta. Putin đã buộc người dân phải nhìn nhận ông đúng bản chất: một nhà lãnh đạo hiếu chiến không thể mang lại hoà bình lâu dài.

Chính phủ Việt Nam có thái độ ‘nước đôi’ nhưng nhận thức của người dân không thể không thay đổi về cuộc chiến cũng như cá nhân Putin, mặc dù sự thay đổi này có thể diễn ra từ từ bởi tâm thế, nhận thức của người dân vốn còn bị níu kéo bởi ý thức hệ và tâm lý, thói quen sùng bái lãnh tụ. Đa số người dân bình thường ‘bất ngờ’ về “cuộc chiến” giữa hai quốc gia  “từng là anh em” trong Liên bang Xô Viết và, họ lo lắng về những hậu quả tàn khốc của chiến tranh mà họ từng trải trong quá khứ. Các thế hệ trí thức từng có mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô cũ và nước Nga hiện nay vẫn hoài niệm sâu nặng về đất nước, con người, văn hoá Nga nhưng phản đối chiến tranh một cách ‘thận trọng’. Một số trí thức và các nhà hoạt động dân sự đã viết thư đến sứ quán Ukraine tại Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ nhân dân Ukraine và phản đối chiến tranh xâm lược… Việc bàn luận về nguyên do chiến tranh liệu có còn quan trọng khi quyền chủ quyền của quốc gia được LHQ công nhận bị vi phạm và luật pháp quốc tế đã không được tôn trọng!

Quan điểm phổ biến cho rằng Putin sẽ vẫn ‘tại vị’ trước bất kỳ kết cục nào của cuộc chiến do ông ta phát động hoặc sự phản đối dữ dội thế nào từ quốc tế hay trong nước. Trong các chế độ chuyên chế – nơi quyền lực tập trung trong tay một cá nhân, thay vì được chia sẻ bởi đối trọng chính trị, đảng phái dân chủ, thì nhà lãnh đạo hiếm khi bị ‘phế truất’ vì lý do chiến tranh, thậm chí ngay cả khi họ gặp thất bại. Ngoài ra, những chế độ độc đoán như nước Nga của Putin là chúng thường có vẻ bề ngoài ổn định, nhưng người dân phải chịu đựng nỗi sợ hãi và đàn áp. Putin đã chấp nhận rủi ro lớn khi tiến hành xâm lược Ukraine, gieo rắc chết chóc và khổ đau, ông ta đang bị lên án, bị nguyền rủa.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Bài Liên Quan

Leave a Comment