250 tổ chức, công ty tuyên bố rút khỏi các hoạt động tại Nga, trong đó có \”ông lớn\” ngành gỗ toàn cầu
K.Nguyên Thứ tư, ngày 09/03/2022
Chiến sự Nga – Ukraine tác động đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ như thế nào?
Chiếm đến 10% lượng cung nguyên liệu gỗ toàn cầu, chắc chắn chiến sự Nga – Ukraine kèm theo những biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU nhắm đến Nga sẽ tác động mạnh đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ toàn cầu.
Theo báo cáo Tác động của chiến sự Nga – Ukraine tới ngành gỗ Việt Nam hiện tại và tương lai do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Forest Trends thực hiện cho thấy, Nga là quốc gia có diện tích rừng tự nhiên vô cùng lớn – 815 triệu ha – lớn gấp gần 60 lần diện tích rừng hiện tại của Việt Nam. ADVERTISING
Lượng gỗ khai thác mỗi năm của Nga khoảng 200 triệu m3, tương đương với 10% lượng cung toàn cầu.
Nga cũng là nguồn cung gỗ xẻ lớn nhất trên thế giới và đứng thứ 7 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Nga đạt khoảng 12,3 tỷ USD, trong đó chủ yếu là mặt hàng gỗ nguyên liệu.
Nga là nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Trung Quốc. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu gỗ nguyên liệu lớn nhất của Nga.
Với Việt Nam, Nga không phải thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng. Năm 2021 kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Nga đạt khoảng 55 triệu USD, tương đương 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ tất cả các nguồn trong cùng năm.
Tuy nhiên, có một lượng gỗ có nguồn gốc từ Nga được nhập khẩu vào Việt Nam qua Trung Quốc, chủ yếu ở dạng sản phẩm là gỗ xẻ và veneer.
Theo ông Tô Xuân Phúc (đại diện Forest Trends), chiến sự Nga – Ukraine đang diễn ra và đã tạo ra những tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tới Nga – nền kinh tế lớn thứ 11 của thế giới.
Mỹ và EU hiện đang áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Nga, làm tê liệt nhiều hoạt động thương mại và giao dịch tài chính của nước này trở nên cực kỳ khó khăn.
Trong số các biện pháp trừng phạt bao gồm việc Mỹ, EU, Anh và các đồng minh đã loại bỏ hệ thống các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu), từ đó chặn toàn bộ các giao dịch của các ngân hàng của Nga với hệ thống thanh toán quốc tế. Điều này làm cho các hoạt động kinh tế quốc tế của Nga bị cô lập.
Bên cạnh đó, làn sóng các công ty và tổ chức tẩy chay Nga ngày càng trở nên mạnh mẽ với danh sách ngày càng kéo dài.
\”Tính đến ngày 7/3/2022 đã có 250 tổ chức và công ty tuyên bố rút khỏi các hoạt động tại Nga nhằm phản đối cuộc xung đột. Trong nhóm các công ty dừng hoạt động tại Nga có IKEA, là một trong những nhà cung cấp các mặt hàng gỗ lớn nhất toàn cầu. Cụ thể, ngày 3/3/2022 vừa qua IKEA đã thông báo tạm dừng toàn bộ hoạt động tại Nga và Belarus\” – thông tin trong báo cáo cho thấy.
Cũng trong ngày 3/3/2022, trên 120 tổ chức môi trường và nhân quyền và nhà hoạt động xã hội của Ukraine, Belarus, EU, Anh và Mỹ đã kêu gọi chính phủ các quốc gia cấm nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Nga và Belarus.
Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng kêu gọi Tổ chức FSC và PEFC dừng toàn bộ các chứng chỉ quản lý rừng và quản lý chuỗi hành trình sản phẩm bền vững tại các quốc gia này.
Đáp lại lời kêu gọi này, Tổ chức PEFC ngày 4/3/2022 vừa qua đưa ra tuyên bố coi nguồn gỗ nguyên liệu từ Nga và Belarus là gỗ xung đột và từ đó không đáp ứng được với tiêu chí của PEFC về sản phẩm.
Chiến sự Nga- Ukraine sẽ khiến cạnh tranh gỗ nguyên liệu căng thẳng hơn
Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, khi các hoạt động thanh toán quốc tế với Nga không thể thực hiện được, luồng cung gỗ nguyên liệu xuất khẩu của Nga sẽ bị đứt gẫy, bởi các giao dịch thanh toán quốc tế đã bị chặn.
Nếu kịch bản này xảy ra nguồn cung gỗ từ Nga với lượng cung mỗi năm lên tới gần 40 triệu tấn gỗ nguyên liệu quy tròn sẽ bị mất đi.
Hụt về cung gỗ nguyên liệu trong khi cầu tiêu dùng về đồ gỗ tiếp tục gia tăng đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn nguyên liệu.
Hiện các hãng vận tải biển lớn như Maersk, Evergreen Line và Hapag-Lloyd đã ngừng hoạt động tại Nga nhằm phản đối cuộc chiến Nga – Ukraine. Điều này có nghĩa khâu vận chuyển gỗ nguyên liệu từ Nga sẽ gặp phải khó khăn.
Với Việt Nam, ông Phúc nhận định, Nga không phải là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Có giảm hoặc mất thị trường này trong tương lai cũng sẽ không tạo ra những tác động tiêu cực đáng kể cho ngành.
Tuy nhiên, với lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga bị sụt giảm hoặc bị mất đi trong tương lai, bức tranh cung gỗ nguyên liệu toàn cầu sẽ bị tác động nghiêm trọng.
\”Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh trạnh khốc liệt với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Mỹ – giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế\” – ông Phúc nói.
Nguồn cung từ Nga thiếu hụt có thể làm hình thành các nhu cầu mới về đối với các loài gỗ thay thế cho các loài trước đó được nhập từ Nga.
\”Nguồn gỗ keo rừng trồng của Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn gỗ thay thế\” – ông Phúc nhận định.