Nga-Ukraine: Giải thích lời Putin nói Lenin \’để mất Ukraine\’
- Phạm Cao Phong
- Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Paris, Pháp
Trong diễn văn ngày 21/02/2022 về tình hình ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã nhắc đến vai trò của Lenin và những người Bolshevik và nước Nga Cộng sản như những tội đồ chia cắt những gì thuộc về lịch sử đất Nga.
Hãy trở lại những trang lịch sử đầu tiên, khi những người Cộng sản Nga ký Hiệp ước Brest-Litovsk (người Nga gọi là Treaty of Brest) với Liên minh Trung tâm bao gồm nước Đức, đế chế Ottoman, Đế chế Áo-Hung, Bulgaria.
Tùy theo góc độ của mỗi sử gia, Hiệp ước này được gọi với nhiều cái tên hàm xúc đủ mọi cung độ từ \’Hiệp ước Hòa Bình\’, \’Hiệp ước Nhục nhã\’, thậm chí \’Hiệp ước Bán nước\’.
Trong tác phẩm của mình, sử gia Volker Ullrich đã gọi đó là \’một nền hòa bình nhục nhã\’ mà người Bolshevik đã thỏa thuận với Đức.
Lưu ý, Volker Ullrich là người Đức và năm 1918, nước Đức lúc đó chỉ còn mấy tháng để buộc phải ký Hiệp ước Versailles chấm dứt Thế chiến I (28/07/1914 – 11/11/1918).
Hiệp ước Versailles với những điều khoản ép buộc quá quắt của phe Đồng minh mà nước Đức phải ký, được cho là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc Đại chiến II, 20 năm sau.
Đó cũng là mầm mống dẫn đến sự hình thành chủ nghĩa phục thù dân tộc của Đức và việc lên nắm quyền của Hitler.
Khi phái đoàn Đức trên bàn đàm phàn nàn về các điều khoản của Hiệp ước Versailles là quá đáng và ô nhục cho nước Đức thua trận, họ nhận được câu trả lời rằng, so với những gì Đức ép buộc Nga với Hiệp ước Brest-Litovsk thì Hiệp ước Versailles còn chưa thấm vào đâu.
Nga Xô ký kết Hiệp ước Brest-Litovsk vào ngày 3 tháng 3 năm 1918, chỉ 8 tháng trước khi nước Đức bại trận nói lên một điều cay đắng: Để bám giữ quyền lực, Lenin đã chấp nhận ký một hiệp ước tồi tệ nhất trong lịch sử 200 năm cận đại của nước Nga.
Hòa ước đã tước đi của Nga phần lãnh thổ chiếm tới 750.000 km², so sánh Catherin Đại Đế II của Nga cả đời chinh phục, đánh Đông dẹp Bắc mới mang về 500.000 km² cho nước Nga.
Nga mất 26% tổng diện tích lãnh thổ thuộc châu Âu, 9/10 tổng số mỏ than, 70% sản lượng sắt, 1/5 tổng số km đường sắt.
Đế Chế Nga mất 1/4 dân số vốn sống trên các khu vực địa lý này. Cụ thể Nga mất cho Đức: Ba Lan, Latvia, Litva, Ukraine, Phần Lan. Nga phải trao cho Thổ Nhĩ Kỳ vùng Batumi, Kars, Adana…
Hòa ước nhục nhã này dẫn tới sự ra đời của 10 quốc gia độc lập được tách ra từ các vùng lãnh thổ của Đế chế Nga, bao gồm: Phần Lan, Estonia, Latvia, Ba Lan, Belarus, Armenia, Gruzia và Ukraine.
Nga phải bồi thường chiến phí cho Đức một khoản tiền là 6 tỉ mark vàng.
Theo nhà sử học Mỹ Spencer Tucker (2005-World War One): \”Bộ Tổng tham mưu Đức đã đưa ra những điều khoản cực kỳ khắc nghiệt trong bản hòa ước đến nỗi nó đã gây sốc cho cả các nhà đàm phán của Đức\”.
Tại sao những người Bolshevik lại hấp tấp chấp nhận những đòi hỏi quá đáng của Đức như vậy?
Từ cuối tháng 7 năm 1917, Nga mất thế chủ động trên chiến trường Nga- Đức, thương vong nặng nề, sự đào ngũ của binh lính trên mặt trận, tình trạng thiếu lương thực kéo dài ở các trung tâm đô thị lớn của Nga đã dẫn đến cuộc Cách mạng Tháng Hai, buộc Sa Hoàng Nicolas II thoái vị.
Chính phủ lâm thời Kerensky lên nắm quyền điều hành đất nước vẫn theo đuổi việc tiếp tục cuộc chiến tranh chống Đức.
Nhận thấy, Chính phủ mới của Nga không hề có ý định từ bỏ cuộc chiến, Chính phủ Đức đã quyết định bí mật ủng hộ cho những người Cộng sản Bolshevik Nga.
Tháng 4 năm 1917, tình báo Đức đã bí mật đưa Lenin cùng 31 đồng chí của ông từ Thụy Sĩ trở về Petrograd.
Lenin (1870-1924) có mối thâm thù riêng với Sa Hoàng Nga. Anh ruột Lenin đã bị xử tử treo cổ ngày 11/5/1887 do cầm đầu vụ mưu sát Nga Hoàng Tsar Alexandre III (1845-1894).
Lenin ngay sau cái chết của người anh đã thề sẽ đi theo con đường của người anh trai.
Khi về đến Petrograd, Lenin đã công bố Luận cương Tháng Tư, hô hào chuyển giao quyền lực chính trị tại Nga về tay các Xô viết công nhân và binh lính, cũng như rút Nga ngay lập tức khỏi cuộc chiến tranh với Đức.
Cuộc đảo chính của tướng Kornilov nhằm lật đổ lật đổ Chính phủ Kerensky làm tình hình ngày thêm rối ren.
Ngày 7 tháng 11 (theo lịch Nga), những người Bolshevik tấn công Cung Điện Mùa Đông, bắt giữ toàn bộ thành viên của Chính phủ lâm thời.
Lenin và những người Cộng sản Bolshevik giành được chính quyền tại Petrograd tuyên bố thành lập \’Nước Cộng hòa Xô viết Nga\’.
Ngày 18/2/1918, liên quân Đức, Áo-Hung nổ súng tấn công trở lại, mũi nhọn chủ yếu nhắm vào Petrograd nhằm tiêu diệt Nga. Quân Nga thất bại liên tiếp.
Lenin trình bày với Uỷ ban Trung ương (UBTUĐ) Bolshevik, rằng \”mọi người hãy chấp nhận nền hòa bình đáng xấu hổ này để cứu lấy cuộc cách mạng thế giới\”.
Lenin tuyên bố ông sẽ từ chức nếu như UBTUĐ không chấp nhận. Một cuộc bỏ phiếu được tán đồng để đưa ra quyết định cuối cùng.
Có 6 thành viên UBTUĐ ủng hộ Leninký kết hòa ước với Đức.
Bốn UBTUĐ Bukharin, Lomov, Uritsky và Bubnov bỏ phiếu chống.
Bốn thành viên UBTUĐ khác, bỏ phiếu trắng.
Trotsky cho rằng bốn phiếu trắng, trong đó có một phiếu của ông, đã \”cứu Lenin khỏi thất bại đáng xấu hổ\”, sau đó đã từ chức bộ trưởng ngoại giao.
Đảng này, lo sợ cho chỗ đứng của họ, đã lùi bước khi đối mặt với mối đe dọa quân sự của Đức.
Hòa ước đã gây ra một sự chia rẽ sâu sắc tại nước Nga, ngay cả trong nội bộ của đảng Bolshevik. Nó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc Nội chiến Nga (1917-1922) đẫm máu, khiến hàng triệu người Nga thiệt mạng trong những năm sau đó.
Hòa ước Brest Litovsk chính thức hết hiệu lực sau Hiệp định đình chiến ngày 11 tháng 11 năm 1918, khi Đức đầu hàng phe Hiệp ước và chấp nhận thất bại trong Thế chiến I. Tuy vậy hậu quả của Hòa ước vẫn còn đó khi nước Nga đã mất đi sự kiểm soát đối với Ba Lan và vùng Baltic.
Đêm ngày 16 rạng sáng ngày 17 tháng 7 năm 1918, toàn bộ gia đình Sa Hoàng Tsar Nicolas II (1894-1917) đã bị cảnh sát mật Bolshevik giết hại dã man, vùi dấu xác trong một nấm mộ tập thể, khuất sâu trong rừng Yekaterinburg.
Tước hiệu chính thức của vị Sa Hoàng cuối cùng dòng họ Romanov là Nikolas Đệ nhị, Sa hoàng và Đấng cai trị chuyên chính của toàn nước Nga, Đại vương công Phần Lan và Vua Ba Lan. Điều đó nói lên ảnh hưởng của Sa hoàng Nga trên Đế chế rộng lớn này.
Nguyên nhân sự giết hại dã man này của người Bolshevik là để ngăn chặn việc quân Bạch Vệ giành được gia đình Sa hoàng và tái lập chế độ phong kiến tại nước Nga.
Những người Bolshevik, Lenin, Stalin với Hiệp ước Brest-Litovsk và sự truy diệt dòng họ Sa hoàng Romanov đã phá vỡ mối giao duyên giữa các vùng đất và lịch sử Nga, chặt đứt mạch ngầm đã nuôi dưỡng Ukraine và Nga.
Ở đây, tôi muốn nhắc lại một phần lịch sử nước Nga mà sử gia Mỹ Peter Tourtchine đã viết trong tác phẩm của ông \’The Rise and Fall of Empires\’ (Sự thăng trầm của các Đế chế 2006):
\”Người Ukraine xem Caffa, nơi thường liên hệ đến những trang sử u tối nhất của lịch sử châu Âu như \’con quỷ hút máu của nước Nga\’, vì trong thời người Genoa và sau khi người Thổ chiếm thành phố này, thương cảng Genoa là kho chứa hàng cho việc buôn bán nô lệ trên Biển Đen. Qua nhiều thế kỷ, hàng triệu người Slav Đông Âu và các dân khác sinh sống ở các vùng rừng phía bắc thảo nguyên bị đem bán ở Caffa và chuyên chở khắp nơi trên Địa Trung Hải\”.
Ở đây tôi muốn lưu ý đến cụm từ \”con quỷ hút máu của nước Nga\”. Ông giải thích vị thế Ukraine trong chương \’Cuộc sống bên bờ vực\’:
\”Tôn giáo là chất kết dính đã đoàn kết xã hội Moscow lại với nhau. Một vài quy tắc, chẳng hạn như việc sẵn lòng \’hy sinh vì niềm tin\’, nghĩa là hy sinh sự an toàn và ngay mạng sống của mình để làm điều đúng, đã ăn sâu vào tâm trí người dân. Hãy quay trở lại với Biên niên sử Stroganov mô tả trước các cuộc chiến quyết định, các vị thủ lĩnh đã cổ vũ tinh thần người Kozak như thế nào để \’hy sinh cho niềm tin Chính thống giáo đích thực\’. Bỏ mình trong cuộc chiến đấu chống kẻ tà giáo là một hành vi mộ đạo. Người Moscow hợp tác không vì đó là một điều hợp lý phải làm, mà vì đó là điều cần làm\”.
Vẫn theo sử gia này: \”Lịch sử tái diễn khi vùng Ukraine rời bỏ Ba Lan và Lithuania để về với nước Nga. Khi Ba Lan và Lithuania hòa nhập với nhau vào năm 1569, giới quý tộc của họ nhanh chóng đồng hóa ngôn ngữ Ba Lan và Thiên chúa giáo, gây nên những xáo động trong hàng ngũ những người nông dân sinh sống ở vùng Lithuania trước đây (hiện nay là Ukraine và Belarus). Người Kozak ở sông Dnieper đứng đầu trong việc phản kháng chống lại chính quyền Ba Lan. Họ thiết lập tổng hành dinh của mình gọi là Sech trên một hòn đảo nhỏ phía dưới thành Dnieper. Họ sinh sống giống như những người Nga, lúc thì phục vụ cho chính quyền Ba Lan, lúc thì đột kích vào vùng Crimea và nước Thổ của người Tatar.
Dân Kozak tự tổ chức thành một chính quyền dân chủ quân sự, trong đó người ta bầu ra các quan chức và mọi quyết định quan trọng đều được biểu quyết bởi tất cả mọi người. Đó là một ví dụ về xu hướng mong muốn bình đẳng ở vùng biên giới.
Đầu thế kỷ XVII, áp lực buộc phải cải qua đạo Thiên Chúa gia tăng khi các chủ đất Ba Lan áp đặt những biện pháp hà khắc đối với nông dân Ukraine. Bắt đầu từ năm 1624, một loạt những cuộc nổi loạn do người Kozak dẫn đầu lan tràn khắp vùng Ukraine. Người Ba Lan liên tục đàn áp với rất nhiều khó khăn.
Năm 1653, dân Ukraine gửi đại diện đến Moscow để xin Sa Hoàng bảo vệ. Thoạt đầu tiênchính quyền Moscow ngần ngại vì chấp nhận đề nghị này có nghĩa là dẫn đến chiến tranh với Ba Lan, điều mà nước Nga chưa sẵn sàng, nhưng cuối cùng họ cũng đi đến quyết định giúp đỡ người anh em Chính thống giáo.
Bước cuối cùng dẫn đến việc hòa nhập được thực hiện ở \’Đại hội quần chúng\’ Pereiaslav (Переяслав – Pereïaslav) năm 1654. Các đại biểu thảo luận rất chi tiết phương hướng của mình. Những cuộc chiến tranh trước đây với Ba Lan đã chứng tỏ cho người Ukraine thấy rõ rằng, họ không đủ mạnh để thiết lập một quốc gia độc lập, do đó lựa chọn của họ là hoặc thuần phục Ba Lan, hoặc liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ hay nước Nga.
Yếu tố tiên quyết trong quyết định cuối cùng là sụ hòa hợp tôn giáo và đại hội Pereiaslav bỏ phiếu chịu thuần phục Sa Hoàng theo Chính Thống giáo\”. (trang 71).
Sự gắn bó giữa Ukraine và nước Nga có lịch sử sâu đậm và truyền thống lâu đời tương tự như tiến trình mở nước của người Việt xuống phương Nam.
Tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong phần hai, để cho thấy sự chen ngang của chủ nghĩa cộng sản để lại hệ lụy khủng khiếp ra sao cho lịch sử Nga.