Tổng Lãnh sự Đức gặp gỡ giới tranh đấu tại Tây Nguyên

Tổng Lãnh sự Đức gặp gỡ giới tranh đấu tại Tây Nguyên

10/03/2022


\"Tổng
Tổng Lãnh sự Đức Josefine Wallat gặp gỡ các nhà tranh đấu hôm 9/3/2022. Photo Vo Ngoc Luc.

Bà Josefine Wallat, Tổng Lãnh sự Đức tại Tp. Hồ Chí Minh, vừa có cuộc gặp với giới tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam.

Cuộc gặp giữa bà Wallat và đại diện giới tranh đấu và gia đình diễn ra vào tối ngày 9/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, hôm 10/3, nhà ngoại giao Đức cũng đến thăm gia đình của một tù nhân lương tâm và một mục sư tranh đấu cho tự do tôn giáo Việt Nam, theo các nhà hoạt động.

Nhà hoạt động Võ Ngọc Lục, người tham dự các cuộc gặp này, nói với VOA:

“Họ có quan tâm. Trong buổi gặp ngoài hai mục sư còn có đại diện của hai gia đình tù nhân lương tâm. Họ quan tâm đến tình hình giam giữ của hệ thống trại giam, họ tìm hiểu xem gia đình có được thăm gặp hay không và có khó khăn gì và có vấn đề về sức khỏe hay không”.

Hôm 10/3, bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ của tù nhân Ngô Văn Dũng, chia sẻ với VOA về cuộc gặp với nhà ngoại giao Đức:

“Ngày hôm qua, được tin Tổng Lãnh sự Đức lên Buôn Ma Thuột và được cô ấy mời ăn tối. Cô có hỏi thăm tôi về anh Dũng”.

“Cha của Huỳnh Thục Vy cũng có dự và nêu trường hợp của Vy”, bà Nga nói.

Ngoài ra có hai mục sư cũng trình bày về vấn đề tự do tôn giáo, theo các nhà hoạt động.

“Tôi rất vui vì chúng tôi ở vùng sâu vùng xa mà được họ quan tâm đến”, bà Nga cho biết thêm.

\"Bà
Bà Josefine Wallat thăm nhà riêng bà Huỳnh Thị Kim Nga, vợ của ông Ngô Văn Dũng, ngày 10/3/2022. Photo Huynh Thi Kim Nga.

Các nhà hoạt động và gia đình cho biết chính quyền địa phương không ngăn cản hay phá rối cuộc gặp chiều ngày 9/3, cũng như không gây cản trở chuyến thăm của nhà ngoại giao Đức đến tư gia của ông bà Ngô Văn Dũng và của mục sư Phạm Ngọc Thạch, thuộc Hội Thánh Tin lành Mennonite Việt Nam vào tối ngày 10/3.

Tuy nhiên, giới hoạt động cho biết các cuộc gặp có sự “giám sát từ xa” của những người lạ mặt mà họ cho là thuộc lực lượng an ninh của chính quyền.

VOA đã liên lạc chính quyền Đăk Lăk để tìm hiểu về sự “giám sát” này, nhưng chưa được phản hồi.

Mục sư Phạm Ngọc Thạch từng bị chính quyền giam cầm, sách nhiễu, ngăn cấm đi lại và tịch thu hộ chiếu, theo báo cáo nhân quyền và báo cáo tự do tôn giáo của Bộ ngoại giao Hoa kỳ năm 2016.

Nhà báo tự do Ngô Văn Dũng đang thụ án tù 5 năm sau khi bị chính quyền bắt giam cùng với các thành viên của nhóm Hiến pháp vào tháng 09/2018 với cáo buộc “Phá rối an ninh” theo điều 118 Bộ Luật Hình sự, do tham gia và tổ chức các cuộc biểu tình ở Tp. Hồ Chí Minh.

Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy bị chính quyền thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắk, bắt giam vào ngày đầu tháng 12/2021 để thi hành án tù đã tuyên năm 2018 về tội “xúc phạm Quốc kỳ”, khi ấy bà bị tuyên 2 năm 9 tháng tù, nhưng được tạm hoãn thi hành án vì đang có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Cũng như các quốc gia phương Tây khác, chính phủ và giới lập pháp Đức gần đây quan tâm đến tình hình vi phạm nhân quyền Việt Nam, cho rằng “các vụ bắt giữ tùy tiện những người biểu tình ôn hòa và các nhà báo là một điều trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế”.

Trong khi đó chính quyền Việt Nam cho rằng họ luôn “đảm bảo” quyền con người và chỉ bắt giam, xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment