NATO thề giúp Ukraine nhiều hơn, lên kế hoạch thích ứng với ‘thực tế mới’
17/03/2022
Hoa Kỳ và các thành viên NATO khác hôm 16/3 nói rằng họ sẽ tiếp tục giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga, đồng thời điều chỉnh an ninh của chính liên minh với \”thực tế mới\” do chiến tranh gây ra.
Các nhà ngoại giao và các nhà phân tích quân sự ước tính rằng các đồng minh NATO đã gửi hơn 20.000 vũ khí chống tăng và các loại vũ khí khác tới Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/2.
\”Chúng tôi tiếp tục đoàn kết ủng hộ Ukraine\”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói khi ông đến cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng quốc phòng NATO ở Brussels. \”Chúng tôi ủng hộ khả năng tự vệ của (Ukraine) và sẽ tiếp tục hỗ trợ họ\”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nói với các phóng viên rằng các nước NATO sẽ tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Ukraine ngay cả khi những chuyến giao hàng đó có thể trở thành mục tiêu tấn công của Nga. Ông Ollongren nói thêm rằng: “Ukraine có quyền tự vệ”.
Ukraine không phải là thành viên của NATO. Mặc dù nước này nhiều lần nói rằng họ muốn tham gia để được hưởng sự bảo vệ của liên minh, nhưng hôm 15/3, Kyiv cho biết họ hiểu rằng họ không có cửa để trở thành thành viên NATO và đang tìm kiếm các loại đảm bảo an ninh khác.
Các bộ trưởng của khối cũng sẽ nghe người đồng cấp Ukraine Oleksii Reznikov, người dự kiến sẽ khẩn cầu thêm vũ khí từ các nước thành viên riêng lẻ của NATO, giữa lúc các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố của Ukraine tiếp tục xảy ra, trong khi quân đội Nga tìm cách kiểm soát Kyiv.
Trước cuộc gặp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO vào ngày 24/3, các bộ trưởng quốc phòng NATO dự kiến sẽ đề nghị các chỉ huy quân sự tại cuộc họp hôm 16/3 vạch ra kế hoạch cho các phương pháp mới để ngăn chặn Nga, bao gồm cả việc tăng thêm quân và phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.
NATO, được thành lập vào năm 1949 để ngăn chặn mối đe dọa quân sự từ Liên Xô, không bị ràng buộc theo hiệp ước phải bảo vệ Ukraine. Nhưng khối này bắt buộc phải bảo vệ 30 đồng minh của mình.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng NATO muốn tránh trực tiếp nói rõ kế hoạch của mình, hoặc điều gì sẽ kích hoạt cam kết phòng thủ tập thể theo \”Điều 5\”, đồng thời cho rằng \”sự mơ hồ chiến lược\” cũng là một công cụ phòng thủ chống lại bất kỳ hành động xâm lược nào của Nga.