18/03/2022
Hiệp hội ngành dịch vụ điện-nước-gas BDEW cho biết Đức có thể thay thế khoảng một nửa lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga trong năm nay trong trường hợp xảy ra chuyện ngừng giao hàng.
Tập đoàn BDEW đại diện cho 1.900 nhà cung cấp dịch vụ khí đốt, điện và nước nói rằng theo các nguồn tin của họ, thị phần của Nga về lượng cung cấp khí đốt ở Đức trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 là 40%, con số này không được công bố chính thức.
Các nhà phân tích và các hãng điện-nước-gas đưa ra ước tính hồi tháng 12 năm ngoái là mức thị phần khi đó đạt hơn 50%.
Giám đốc điều hành của hiệp hội BDEW, Kerstin Andreae, nói: \”Tính đến ngày hôm nay, khoảng 50% lượng khí đốt tự nhiên của Nga có thể được thay thế hoặc sẽ được thay thế trong ngắn hạn. Con số này tương ứng với khoảng 20% tổng nhu cầu khí đốt hàng năm ở Đức\”.
Bà không cho biết làm cách nào để có thể thay thế được khí đốt của Nga. Nhưng có một thực tế là Đức còn có nguồn điện từ than đá, năng lượng hạt nhân, gió và các nguồn năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, một số ngành sản xuất không thể dễ dàng thôi sử dụng khí đốt để chuyển sang các loại năng lượng khác.
Nhận thức được rằng bất kỳ lệnh cấm nhập khẩu nào, là hệ quả của việc Nga xâm lược Ukraine, đều sẽ gây ra hậu quả đáng kể cho nền kinh tế Đức, ngành dịch vụ điện-nước-gas đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc hiện tại vào các nguyên liệu hóa thạch từ Nga, bà Kerstin Andreae nói thêm.
Hiệp hội BDEW cho biết mục tiêu bơm đầy kho dự trữ khí đốt dưới lòng đất lên tới 24 tỷ mét khối của Đức vào đầu mùa đông tới cũng sẽ không dễ dàng.
Năm ngoái, Đức tiêu thụ khí đốt trong các gia đình đạt mức 100 tỷ mét khối, giảm 6,4% so với năm 2020.
BDEW cho biết họ hiện nhận thấy có tiềm năng giảm và thay thế việc sử dụng khí đốt tới 15% trong lĩnh vực sưởi ấm gia đình, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và ngành dịch vụ có thể tiết kiệm 10%, và ngành công nghiệp nặng 8%, và mức cao hơn thế có thể đạt được trong tương lai.
Trong sản xuất điện, nghiên cứu cho thấy khả năng giảm lượng khí đốt là khoảng 36%, nhưng không thể giảm hơn thế. Họ cho rằng các nhà máy điện kết hợp với phát nhiệt để sưởi phải tiếp tục vận hành để cung cấp lượng nhiệt phát sinh từ quá trình này cho khách hàng.
Chính phủ Đức đã tăng tốc các kế hoạch dùng tàu biển đưa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến Đức nhưng hiện tại không có các trạm đầu mối tiếp nhận gas vì lâu nay Đức phụ thuộc nhiều vào đường ống dẫn khí đốt.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm tăng nhu cầu phải thúc đẩy năng lượng gió và điện mặt trời, cách nhiệt các tòa nhà để giữ hơi ấm, mở rộng lưới điện và mở rộng quy mô về hydro tái tạo, BDEW cho biết.
(Reuters)