Nga-Ukraine: Lịch sử có nương nhẹ \’chiến binh ngoại\’ trong các xung đột xa xôi?
- Phạm Cao Phong
- Gửi bài từ Paris, Pháp
18 tháng 3 2022
Chiến tranh Ukraine đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Việc tuyển mộ lính đánh thuê đã được xúc tiến ở cả hai phía Ukraine và Nga.
Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi thành lập các lữ đoàn tình nguyện quốc tế nhằm tiếp sức cho quân đội Ukraine đang bị quân đội Liên bang Nga quây đánh.
Sự thật, sự hiện diện của các tình nguyện viên quốc tế tại Ukraine đã có từ trước lời kêu gọi của Zelensky.
Tổng thống Ukraine mong muốn nhận được sự ủng hộ toàn diện của phương Tây từ việc núp dưới cái ô quân sự của Nato, đến việc muốn lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine, tiếp nhận tên lửa chống tăng, hỏa tiễn địa đối không, đạn dược và giải pháp cuối cùng là quân lính nước ngoài.
Phía Nga thông báo ngày 13/3, sau trận không kích \”Trung tâm Gìn giữ Hòa Bình và An ninh quốc tế\” tại Yavoriv, gần biên giới giữa Ukraine và Ba Lan đã giết được 180 binh lính ngoại quốc. Tin này không được Ukraine xác nhận.
Theo tường thuật của tờ New York Times, Yavoriv, khu căn cứ huấn luyện quân sự cho quân đội Ukraine do nhiều cố vấn quân sự nước ngoài, chủ yếu Mỹ và Canada đảm trách, từ nhiều năm qua vẫn tổ chức đào tạo binh sĩ Ukraine và huấn luyện hơn một ngàn chiến binh nước ngoài trong đoàn lính tình nguyện quốc tế.
Báo Anh The Guardian viết \”trước khi có cuộc xâm chiếm do Nga tiến hành, căn cứ này là nơi Ukraine tiến hành tập trận với các nước Nato, mà lần gần đây nhất là vào tháng 9/2021\”.
Khi chiến sự bùng nổ, Yavoriv còn được sử dụng như là điểm trung chuyển vũ khí từ phương Tây cho Ukraine.
Ngày 12/03, điện Kremlin đã có lời cảnh cáo Washington rằng \”những đường tiếp tế vũ khí rất có thể là những mục tiêu tấn công\” của Nga và sau đó đánh thẳng vào Yavoriv.
Anthony Bellanger, cố vấn chính trị quốc tế cho đài BFMTV, cho rằng Vladimir Putin đã gởi một thông điệp \”cảnh cáo\” từ phía Nga đến Nato và phương Tây, đồng thời Moscow muốn \”trắc nghiệm giới hạn\” của Nato.
Quốc tế hóa cuộc chiến Ukraine?
Phải chăng, chiến cuộc đã chuyển sang một hình thái nguy hiểm hơn là quốc tế hóa xung đột với sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Ukraine?
Tin tức về việc động binh của cả hai phía đều cho thấy cường độ đang leo thang.
Theo nhật báo Pháp Le Monde, hiện có tới 16.000 người nước ngoài đăng ký sang Ukraine đánh nhau với lính Nga. Một số ít hơn, tình nguyện đi, song khiêm tốn với việc giúp đỡ, hỗ trợ tỵ nạn hoặc làm việc trong các cơ sở y tế của Ukraine.
Trả lời phỏng vấn ở Medyka, thành phố biên giới Ba Lan và Ukraine, Romain, 24 tuổi đến từ vùng Breton nói: \”Nga dội bom đạn xuống đầu phụ nữ, trẻ em Ukraine. Đó là một chuyện không chấp nhận được, nên tôi muốn cầm súng chiến đấu cho Ukraine. Vợ tôi hai tháng nữa sẽ sinh con, tôi có thể không trở về, nhưng không sao.\”
Anthony cựu quân nhân chuyên nghiệp, đã từng tham gia các chiến dịch của Pháp ở Bờ Biển Ngà, Afghanistan, nói: \”Đây không phải là trò chơi game. Quá vớ vẩn khi phát cho ai đó quân trang, mũ sắt, gilet chống đạn, rồi ngày thứ ba ném xuống Marioupol. Tôi đã 5 năm trong lính, tôi hiểu sự khốc liệt của chiến tranh. Tôi đến đây chỉ để giúp người dân.\”
Tổng thống Putin cũng không chịu kém cạnh sau những lời khẩn cầu phương Tây của ông Zelensky.
Ngày 11/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga, một số lượng lớn tình nguyện viên từ các quốc gia khác nhau đang muốn gia nhập Dân quân Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR), vốn là các thực thể thân Nga ở Donbass.
Tướng Sergei Shoigu đề cập tới con số 16.000 tay súng, hầu hết là từ Trung Đông. Kiểu như, Ukraine thổi kèn gọi 16.000 lính, thì Nga cũng hoan hỷ tiếp nhận tròn xoe đúng 16.000 lá đơn xin nhập ngũ.
Được lời như cởi tấm lòng, Tổng thống Vladimir Putin hoan hỷ ủng hộ ý tưởng đưa các tình nguyện viên nước ngoài tham chiến ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin còn lưu ý rằng, Phương Tây không che giấu việc tập hợp binh lính từ khắp nơi trên thế giới đến Ukraine, thì Nga có quyền đáp trả tương xứng.
Điểm mặt những đồng minh mà Nga từng giúp đỡ, sẽ đáp lại ân tình, nhiều khả năng là Syria sẽ đóng góp viện quân cho Nga.
Cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Syria kể từ năm 2015 tới nay đã giúp Damascus lật ngược thế cờ, đem lại cân bằng cán cân lực lượng nghiêng về phía Syria. Sau nhiều năm chiến tranh, các đơn vị quân đội Syria đã tiến hành các cuộc tảo thanh có hiệu quả, triệt hạ các tay súng cực đoan của Tổ chức Hồi giáo, những kẻ thạo đánh lén kiểu du kích và không ngần ngại đối đầu với quân đội chính phủ với cách đánh phối thuộc có xa tăng và đại bác hạng nặng.
Các đơn vị vũ trang của Syria được huấn luyện bởi các cố vấn Nga, sử dụng thành thạo vũ khí Nga là các đơn vị được đánh giá rất đáng gờm, vì đã được rèn giũa cho các hoạt động tấn công chiến thuật, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong các vùng đô thị. Lính Syria đã đánh bật quân Hồi giáo IS khỏi các vùng chiến địa của tổ chức khủng bố này.
Chắc hẳn, nếu được tung vào chiến địa Ukraine, lính Syria sẽ tương thích nhanh và ứng dụng kinh nghiệm chiến tranh đường phố vốn rất đẫm máu hơn lính Nga?
Nhiều bằng chứng cho thấy, Quân đội Nga đang làm việc với các văn phòng đăng ký nhập ngũ ở Syria.
Quyết định đưa người Syria đến Donbass rất có thể đã được Nga thống nhất và lên kế hoạch từ lâu và không phải là viện quân duy nhất.
RIA-Novosti công bố một video, trong đó một nhóm vũ trang tự nhận là quân nhân của Quân đội Cộng hòa Trung Phi tuyên bố họ tình nguyện sang giúp Nga bằng súng đạn ở Ukraine.
Sĩ quan lực lượng này tuyên bố:
\”Chúng tôi thuộc Quân đội Cộng hòa Trung Phi (CAR). Chúng tôi sẵn sàng sát cánh với những người anh em Nga. Người Nga là đối tác tốt của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng giúp Nga chiến đấu. Nếu nước Nga yêu cầu chúng tôi đến Ukraine, chúng tôi sẽ đến với tất cả quyết tâm.
Chúng tôi sẽ cùng người Nga chiến đấu chống lại Nato. Chúng tôi đã sẵn sàng. Vì nước Nga đã giúp cho cuộc chiến đấu của chúng tôi chiến thắng. Sự có mặt của chúng tôi sẽ giúp người Nga chiến đấu mạnh mẽ hơn ở Ukraine\”.
Chiến tranh hiện đại được gọi dưới nhiều cái tên. Hết chiến tranh tổng lực, giờ đến chiến tranh hybrid, drones, cyberattaque, hay xa hơn là chiến tranh giữa các vì sao vẫn không thay thế được người lính dưới mặt đất.
\”Ném bom cho quay trở lại thời kỳ đồ đá\” là nói thế thôi. Chứ bộ binh lúc nào cũng đóng vai trò quyết định. Dẫn đến chuyện, túng phải vay mượn lính, mượn quân.
Điểm lại các đội quân ngoại quốc trong thế kỷ XX
Nội chiến Tây Ban Nha (1936-1938), được biết nhiều là nơi các đơn vị quốc tế vào cuộc, có cả một số người Việt.
Đệ Tam Quốc tế Cộng sản, Joseph Stalin cam kết hỗ trợ bằng vũ khí, hậu cần, tư vấn, kỹ thuật tình báo Cộng hòa Tây Ban Nha, dẫn đến sự thành lập \” Lữ đoàn quốc tế Đỏ\”. Họ động viên tình nguyện viên cộng sản từ đủ các nước đến chiến đấu chống phát xít Franco. Còn Đức xài đất Tây Ban Nha như bãi thử vũ khí trước khi phát động chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Trung Quốc đưa 1, 3 triệu quân dưới danh nghĩa \’Chí nguyện quân\’ vượt biên giới sang chống lưng cho Kim Nhật Thành (1912-1994), kẻ khai mào tấn công Nam Hàn.
Kết quả là hai triệu dân Triều Tiên thiệt mạng. Lính Trung Quốc bị giết 400.000, 486.000 bị thương, 21.000 bị bắt làm tù binh, Liên Xô mất 300 quân nhân.
Mỹ có 34 nghìn quân nhân bị giết, trên 92 nghìn bị thương, 7245 bị bắt…Tuy thế, quân Mỹ, Anh, Hy Lạp, và cả Thổ Nhĩ Kỳ, Columbia, Bỉ, Ethiopia, Úc…chiến đấu nhân danh Liên Hiệp Quốc, không phải lính đánh thuê.
Việt Nam vốn là chiến trường quen thuộc của sắc lính đánh thuê của Pháp. Người Việt Nam thường trút cả rồng rắn, hổ báo vào một rọ. Tây trắng, tây đen đều là \’tây\’ cả, \’giặc đến nhà đàn bà phải đánh\’, nên nhãng sự hiện diện đứa con lai vẫn được gọi là lính lê dương\’ (Légion étrangère) của Pháp trong chiến tranh Việt-Pháp.
Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ \”Légion étrangère\” gồm 600 lính lê dương Pháp đầu tiên đổ bộ vào Bắc Kỳ (Tonkin) ngày 18 tháng 11 năm 1883.
Dưới sự chỉ huy Thủy sư Đô đốc Courbet, lính lê dươngPháp đánh nhiều trận lớn với quân Cờ Đen và quân Thanh.
Quân sử của lính lê dương ghi nhận trận đánh quân Cờ Đen, hạ thành Sơn Tây ngày 16/12/1883 là chiến thắng đầu tiên trên lục địa châu Á.
Lính lê dương đã thu được quân kỳ của Lưu Vĩnh Phúc trong trận Hỏa Mộc (2/3/1885). Hiện vật này còn trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Pháp tại Paris.
Tháng 1/1885, Tiểu đoàn 4- Binh đoàn Hải ngoại số 2 Lê dương Pháp đổ bộ vào Đài Loan (Formosa) đã buộc triều đình nhà Thanh ký Hiệp định đình chiến ngày 21/6/1885.
Trong Đại chiến II, lính lê dương Pháp \”Französische (SS) Freiwilligen-Sturmbrigade \” là nòng cốt cho sư đoàn phát xít mang quân hiệu số 33- SS Charlemagne, tên chính thức là \”33. Waffen-Grenadier-Division der SS Charlemagne\”.
Đối diện với mũi tấn công chính diện của Liên Xô vào Berlin, lính Pháp của sư đoàn này đã bắn cháy 60 xe tăng Hồng quân tại Neukölln.
Sư đoàn SS Charlemagne là những đơn vị tinh nhuệ cuối cùng bảo vệ hầm cố thủ của Hitler-Führerbunker từ 24/4 đến 2/5/1945, cũng là đơn vị duy nhất còn đánh, không cho Nga kỷ niệm ngày 1/5.
Sau khi Đức bại trận, Pháp đã chiêu mộ binh lính Đức, chủ yếu là lính SS, loại lính vì tội ác chiến tranh bị loại khỏi danh sách tha thứ của Nga và Đồng Minh, để sử dụng trong chiến tranh Đông Dương (1946-1954).
Có tới 72 833 lính lê dương đã sang Việt Nam. Sắc lính này bị giết nhiều nhất trên chiến trường với con số 10 000 tử trận. Gồm: 309 sĩ quan, 1 082 hạ sĩ quan và 9 092 légionnaires. Điện Biên Phủ cũng là nơi các chiến đoàn \’La Légion Etrangère\’ bị xóa hoàn toàn phiên hiệu.
Có thể nói không quá rằng quân đội Việt Minh của tướng Giáp đã đặt dấu chấm hết cho những binh sĩ SS cuối cùng của Đế chế phát xít Đức ở Đông Dương xa xôi.
Binh sĩ \’Légion Etrangère\’ đi duyệt binh để râu dài, đội kepi trắng, găng tay da trắng, đi chậm, khuỳnh khoàng với những binh sĩ cao lớn, vác rìu và đeo tấm da bò lớn kiểu thợ săn thời Trung cổ. Légion Etrangère\’ hành tiến chậm, vì giữ nhịp bài quân hành Hohenlohe có từ thời khai sinh năm 1831, chỉ dậm 89 bước so với 120 bước/phút với các binh chủng bây giờ.
Lính lê dương thường đi đầu trong các trận đánh, phận sống sót mỏng, nên được đặc quyền để râu cho hứng may mắn. Thậm chí vào năm 1844 Pháp ra luật bắt buộc Légion Etrangère\’ phải để râu.
Binh chủng \’Légion Etrangère\’ có nhiều bài hát bằng nhiều thứ tiếng. Đức là quốc gia đóng góp nhiều nhất quân lính tình nguyện trong \’Légion Etrangère\’.
Lính Légion Etrangère\’ gốc Đức hát bài tiếng Đức \’Ich hatt\’ einen Kameraden\’ (Tôi có người chiến hữu). Bài hát được Friedrich Silcher cảm hứng từ sáng tác của Ludwig Uhland (1787-1862), phổ thành hành khúc năm 1825.
Bài hát có âm hưởng buồn bã:
\”Bạn ơi, tôi muốn cầm lấy bàn tay bạn chìa ra cho tôi
\”Nhưng tôi không thể, tôi phải xông lên
\”Hãy nằm xuống vĩnh hằng trên mảnh đất này
\”Người chiến hữu yêu quý của tôi.
Nói tới chiến tranh Đông Dương phải điểm mặt \’Lữ đoàn lính lê dương số 13\’. Thành lập vào năm 1940, tham chiến đánh Đức ở Na Uy, Bir Hakeim, đánh Alsace, qua Syria và Ý, lữ đoàn này tham dự hầu hết các chiến dịch lớn của quân đội Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Lữ đoàn 13 chiếm giữ những cứ điểm quan trọng nhất trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là Claudine-Quân khu Trung tâm, Béatrice- Him Lam. Binh lính của lữ đoàn có bài hát \’Contre les Viet\’ (Đánh Việt Minh) với những lời rùng rợn.
Song dù thiện chiến, đánh giỏi, những chiến đoàn \’Légion Etrangère\’ cũng không cứu nổi sự sụp đổ chế độ thực dân. Sau khi mất Đông Dương, Pháp mất Algeria.
Khúc ca \’Adieu mon pays-Vĩnh biệt đất nước tôi\’ là lời vĩnh biệt của nước Pháp với đất nước Algeria. Mảnh đất rộng gấp 5 lần nước Pháp, chỉ có 3 triệu người theo Hồi giáo, mà nước Pháp giành được từ năm 1830 vĩnh viễn rời xa vào năm 1961.
Bài hát đã đưa tên tuổi Enrico Macias vào bất tử, song cũng là biểu tượng nỗi đau thất trận của Pháp ở Algeria.
Mỹ giàu nhưng cũng mời \’Chí nguyện quân\’ Nam Hàn, Úc, New Zealand, Philipines, Thái Lan sang Nam VN đánh lực lượng cộng sản.
Và kết cục, xin nhắc lời Khánh Ly hát \’Adieu mon pays\’ -Vĩnh biệt đất nước tôi, bằng tiếng Pháp và tiếng Việt về nỗi đau chia lìa xứ sở:
Bỏ lại em trong cô đơn
Lòng thương nhớ mắt em buồn
Dáng em âm u trong mưa
Lặng nghe nói câu giã từ
Thuyền buông neo sông lao xao
Nhìn xa bóng quê hương mờ
Sóng reo như điên mê
Cùng tôi đau phút giây chia lìa…
Thần khúc \’Lính ngoại quốc\’ hình như chưa ở đâu cản nổi bánh xe của lịch sử.
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Cao Phong ở Paris, Pháp.