Ukraine không chiến đấu đơn độc

Ukraine không chiến đấu đơn độc

01/03/2022


\"Màu
Màu vàng là các quốc gia lên án cuộc xâm lược của Nga. Màu đỏ là các quốc gia ủng hộ hành động của Nga.

Tổng Thống của Ukraine là Vododymyr Zelensky vào ngày Chủ Nhật 27-2-2022 đã lên tiếng kêu gọi những công dân nước ngoài, những người “bạn của hòa bình và dân chủ” hãy đến Ukraine chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của Nga.

Nguyễn Quốc Khải

Vào ngày 24-2-2022, Đại Sứ Ukraine tại Hoa Kỳ là Bà Oksana Markanova trong cuộc họp báo yêu cầu quốc tế trợ giúp ba điều: Thứ nhất là cấm vận Nga toàn diện. Thứ hai, giúp đỡ Ukraine tăng cường khả năng tự vệ. Thứ ba, trợ giúp nhân đạo. Ukraine không yêu cầu quân nước ngoài.

VIỆN TRỢ QUÂN SỰ CHO UKRAINE

Kể từ 2014 đến nay Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn $2.5 tỉ bao gồm hỏa tiễn chống chiến xa, tàu tuần duyên, xe Humvee, súng bắn tỉa, phi cơ thám thính không người lái, hệ thống ra đa, máy nhìn ban đêm và dụng cụ truyền tin radio. Ngoài ra, Ukraine còn nhận được hỏa tiến chống phi cơ Stinger, súng nhỏ và tầu chiến.

Anh Quốc đã cung cấp cho Ukraine 2,000 hỏa tiễn chống chiến xa tầm ngắn và đã gửi chuyên viên huấn luyên quân đội Ukraine. Ngoài ra, Anh cũng đã viện trợ cho Ukraine xe bọc thép Saxon.

Turkey bán cho Ukraine một số máy bay không người lái Bayraktar TB2 dùng để chống nhóm ly khai được Nga hỗ trợ ở Donbass, miền đông Ukraine. Đức lúc đầu chỉ cung cấp võ khí nhưng tài trợ bệnh viện dã chiến và huấn luyện trị giá $6 triệu. Nhưng mới đây sau khí Nga đưa quần vào Ukraine đã thay đổi chính sách và đã gửi 1,000 võ khí chống chiến xa, 500 hỏa tiễn Stinger cho Ukraine. Ngoài ra, Đức cũng đã cho phép các nước khác gửi võ khí của Đức cho Ukraine. Nhờ vậy Hòa Lan đã gửi 400 súng bắn lựu đạn cho Ukraine. Pháp viện trợ cho Ukraine 300 triệu Euro cùng với võ khí.

Sau khi nhiều nước Âu Châu cung cấp võ khí cho Ukraine, Na Uy đã quyết định viện trợ cho Ukraine 2,000 M72 chống chiến xa. Na Uy là một quốc gia một phần ráp ranh với Nga và có luật cấm xuất cảng võ khí đến các quốc gia đang có chiến tranh kể từ 1959. Quốc Hội Na Uy đã biểu quyết chấm dứt thông lệ này.

Estonia cung cấp cho Ukraine hỏa tiến Javelin chống chiến xa. Latvia và Lithuania yểm trơ cho Ukraine hỏa tiến Stinger. Cộng Hòa Czech viện trợ đạn 152mm. Ba Lan gửi cho quân đội Ukraine võ khí phòng không Manpad, đạn dược, và máy bay không người lái.

Putin từng tuyên bố sẽ trừng phạt bất cứ quốc gia nào can thiệp vào cuộc xâm lăng Ukraine của Nga. Sự kiện trên đây cho thấy, bất chấp đe dọa của Nga, nhiều quốc gia Tây phương và cả những nước nhỏ đã trợ giúp võ khí tự vệ cho Ukraine.

TRIỂN KHAI QUÂN ĐẾN ĐÔNG ÂU

Trước 2014, NATO không có quân đóng ở Đông Âu, nhưng kể từ khi Nga chiếm Crimea NATO mới đưa quân vào vùng này. Vì biến cố Nga xâm lăng Ukraine, một số thành viên NATO bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada triển khai thêm binh sĩ, tàu chiến, và phi cơ vào vùng đông Âu đề phòng chiến tranh lan rộng và làn sóng dân tị nạn từ Ukraine tràn qua. Các thành viên NATO khác như Tây Ban Nha, Pháp và Hòa Lan cũng đã gửi chiến hạm, phản lực cơ chiến đấu kể cả F-35 và F-16 đến Lithuania, Bulgaria, và Romania. Hoa Kỳ đã gửi tổng cộng 7,000 binh sĩ đến Ba Lan, Lithuana, và Romania và một số quân ở Latvia và Estonia.

Ukraine không phải là một nước duy nhất Putin muốn xâm chiếm. Nếu thành công ở Ukraine, Putin sẽ nhòm ngó tới ba nước Estonia, Latvia, và Lithuania. Đó là điều mà các nhà lãnh đạo ba nước lo sợ và trợ giúp Ukraine tận tình. Putin muốn lấy lại những phần đất Liên Bang Xô Viết từng cai trị trong đó có Ukraine, và ba quốc gia vùng Baltic. Estonia, Latvia, và Lithuania từng bị cai trị bởi Nga Hoàng trong 200 năm và Liên Bang Xô Viết trong 50 năm sau khi Joseph Stalin chiếm đóng và sát nhập vào Nga. Ba nước này dành độc lập vào năm 1991 khi Liên Bang Xô Viết xụp đổ. Cả ba nước này gia nhập khối NATO còn Ukraine thì chưa.

Cho tới nay, không một thành viên nào của NATO dự định đưa quân vào Ukraine hầu tránh đụng độ trực tiếp với Nga vì sự cố này có thể mở rộng chiến tranh khắp Âu châu. Quốc Hội Anh từng đề nghị thành lập vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhưng chính phủ Anh đã bác bỏ ý kiến này vì rủi ro chiến tranh tực tiếp giữa NATO và Nga. Nếu Mỹ đem quân tới Ukraine, sẽ có đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ. Nguy cơ chiến tranh thứ III có thể xẩy ra.

Nếu Mỹ muốn mang quân tham chiến ở Ukraine phải có sự chấp thuận của Quốc Hội và quan trọng hơn hết là phải được quần chúng Mỹ ủng hộ. Hiên tại không có cơ may nào cho hai điều kiện này. Hơn nữa, phe Trump Cộng Hòa còn bênh vực Putin. Khi Putin chuẩn bị tấn công Ukraine, cựu Tổng Thống Trump đã lên tiếng ca ngợi Putin là thiên tài và khéo léo khi công nhận hai phần đất ly khai Ukraine. Mới đây, sau khi cuộc xâm lăng đã xảy ra, Trump một lần nữa ca tụng Putin khôn ngoan, chỉ tốn $2 tiền cấm vận mà chiếm được cả một nước lớn, đất đai bao la với nhiều người.

Chính quyền Biden không có ý định mang quân vào Ukraine vì nước này chưa là thành viên của NATO. Ukraine quan trọng nhưng không giống Biển Đông, Mỹ không có quyền lợi cốt lõi ở đây.

Ukraine muốn vào NATO, nhưng chưa đủ điều kiện về chính trị và kinh tế và đặc biệt là tình trạng tham nhũng trong chính quyền chưa cải thiện đúng mức. Nga sợ một ngày nào đó, Ukraine sẽ trở nên một thành viên của NATO, nên đánh phủ đầu.

Anh, Ba Lan và Ukraine mới ký một hiệp ước an ninh vào ngày 17-2-2022 tại thủ đô Kyiv của Ukraine giữa lúc tình hình căng thẳng để hỗ trợ Ukraine về những lãnh vực an ninh mạng, năng lượng và chống lại tin tức giả mạo. Bản thông cáo nói rằng “Các nước cam kết hỗ trợ Ukraine trong cố gắng bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ trong khuôn khổ ranh giới được quốc tế công nhận.” Anh và Ba Lan cũng ủng hộ Ukraine lấy lại Crimea.

Những gì đã nói ở trên không có nghĩa là quân đội Ukraine sẽ phải tuyệt đối chiến đấu đơn độc. Trong lịch sử cận đại đã có những đội quân tình nguyện được thành lập như Anti-Bolshevic Army, 1918-1920, những cá nhân Hoa Kỳ tình nguyện chống Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến và People’s Volunteer Army trong chiến tranh Triều Tiên. Mao Trạch Đông đã làm ra đội quân tình nguyện để tránh đụng độ trực tiếp với Hoa Kỳ. Các cơ quan tình báo Tây phương chắc hẵn đã nghĩ tới chiến thuật này.

SỨC MẠNH QUÂN SỰ CỦA UKRAINE VÀ NGA

Sức mạnh quân sự rất chênh lệch giữa Ukraine và Nga về quân số cũng như về võ khí. Nga có khoảng 850,000 binh sĩ, 12,500 xe tăng, 30,000 xe bọc thép, 14,000 khẩu pháo, 600 tàu chiến, và 70 tàu ngầm. Trong khi đó Ukraine chỉ có 250,000 binh sĩ, 2,600 xe tăng, 12,000 xe bọc thép, hơn 3,000 khẩu pháo, và 38 tàu chiến. Nga chỉ đưa khoảng 200,000 binh sĩ đến chiến trường Ukraine. Trong khi đó, ngoài số binh sĩ hiện dịch Ukraine còn có những đơn vị tình nguyện phòng thủ lãnh thổ với số quân trừ bị là 900,000. Ukraine không dại dàn quân trực diện một đạo quân hùng mạnh. Du kích là chiến thuật để thắng quân xâm lăng. Mỗi nhà là một pháo đài bất ngờ cho quân Nga.

Theo một số các nhà phân tách quân sự, kể từ 2014 đến nay, quân đội Ukraine đã được huấn luyện tốt hơn và trang bị đầy đủ hơn với võ khí của NATO và tinh thần chiến đấu cao hơn. Binh sĩ Ukraine có khả năng chống lại cuộc xâm lăng của Nga một cách đáng kể và gây thiệt hại nặng nề cho quân Nga. Trung tướng Valery Zaluzhny, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, tại buổi họp báo vào ngày 24-2-2022, nói “Thời điểm khó khăn đã qua vì chúng ta không để kẻ thù thực hiện các kế hoạch xâm lược của chúng. Giờ thứ 19 của cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga đang được tiến hành. Thiệt hại của quân địch: Bị tiêu diệt hơn 30 xe tăng, trên 130 Xe bọc thép xe chiến đấu. Bắn hạ 7 Máy bay chiến đấu và ném bom, diệt 6 trực thăng. Hãy tin tưởng vào Lực lượng vũ trang Ukraine và Chiến thắng của chúng ta!“

LIÊN HIỆP QUỐC NHẬP CUỘC

Hoa Kỳ đã đệ trình Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc một nghị quyết lên án Nga trắng trợn xâm lăng Ukraine mà không hề bị khiêu khích và vi phạm trắng trợn hiến chương Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết được sự ủng hộ rộng lớn, nhưng đã bị Nga phủ quyết ngày hôm nay 25-2-2022. Trung Quốc không dùng quyền phủ quyết, nhưng đã vắng mặt. Đại Hội Đồng LHQ cũng sẽ bỏ phiếu vào tuần tới về nghị quyết này. Xem ra Nga bị cô lập trong việc xâm lăng Ukraine.

Vào ngày 24-2-2022, Ukraine đã kêu gọi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ tại Geneva khẩn cấp tranh luận về việc xâm lăng. Tuy tổ chức này không có quyền chế tài nhưng có khả năng điều tra và hướng dẫn dư luận. Giám Đốc Nhân Quyền LHQ Michelle Bachelet nói rằng Nga đã vi phạm luật quốc tế và gây nguy hại cho nhiều thường dân và “cuộc xâm lăng này phải được chấm dứt ngay lập tức.”

Ông David Malpas, chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), vào ngày 24-2-2022 đã lên tiếng sẽ hợp tác với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) trợ giúp Ukraine về phương diện tài chánh và kinh tế trong hoàn cảnh khó khăn. Ukraine và cả Nga đều thành viên của Ngân Hàng Thế giới từ năm 1992.

Nhóm tin tặc Anonymous vào ngày 24-2-2022 đã tuyên bố chính thức tham gia vào chiến tranh mạng chống lại Nga và bênh vực Ukraine vì Nga xâm lăng nước này. Anonymous đã đánh xập các mạng của Điện Kremlin, Hạ Viện Nga, Bộ Quốc Phòng, hệ thống truyền thông RT.COM và làm chậm một số mạng khác. Nhóm này còn cảnh cáo rằng nếu tình hình Ukraine tiếp tục căng thẳng, nhóm Anonymous sẽ tấn công vào các mạng công nghệ của Nga. Bộ Quốc Phòng Ukraine từng lên tiếng kêu gọi những tin tặc tình nguyện giúp bảo vệ những mạng của họ chống lại những cuộc tấn công của Nga.

Ukraine chiến đấu không đơn độc. Nếu không giúp được Ukraine chặn được cuộc xâm lăng của Nga, thế giới sẽ lại phải sống trong bất ổn và phải đương đầu với cuộc xâm lăng của Nga tại Estonia, Latvia, và Lithuania.

TIN GIỜ CHÓT

Nhiều nước Âu châu và Bắc Mỹ dự trù cấm phi cơ Nga bay qua không phận của những nước này. Khởi đầu là Estonia và Romania. Tiếp theo là Ý, Na Uy, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Bỉ, Ái Nhĩ Lan, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bắc Macedonia, và Canada.

Đáp lại lời kêu gọi của chính phủ Ukraine qua truyền thông xã hội Twitter, vào ngày thứ Bẩy 26-2-2022, Tổng Giám Đốc Tesla và SpaceX Elon Musk trong cùng ngày đã mở hệ thống Internet có tên là Starlink của SpaceX cho Ukraine sử dụng sau khi Nga đã tấn công một số mạng của chính phủ và làm gián đoạn hệ thống Internet ở Ukraine.

Tỷ phú Nhật Hiroshi \”Mickey\” Mikitani tuyên bố tặng một tỉ Yen ($8.7 triệu) cho các chương trình nhân đạo của chính phủ Ukraine dành cho nạn nhân của chiến tranh. Ông Hiroshi \”Mickey\” Mikitani là người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Rakuten của Nhật Bản.

Tổng Thống của Ukraine là Vododymyr Zelensky vào ngày Chủ Nhật 27-2-2022 đã lên tiếng kêu gọi những công dân nước ngoài, những người “bạn của hòa bình và dân chủ” hãy đến Ukraine chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của Nga. Ông tuyên bố “Đây là khởi đầu của chiến tranh chống lại Âu châu, chống lại cấu trúc Âu châu, chống lại dân chủ, chống lại quyền căn bản của con người, chống lại trật tự thế giới về luật pháp, nguyên tắc và chung sống hòa bình. Bất cứ ai muốn tham gia vào việc bảo vệ Ukraine, Âu châu và thế giới đều có thể đến và chiến đấu bên cạnh công dân Ukraine để chống lại những tội phạm chiến tranh Nga.”

Ngoại Trưởng Anh là Liz Truss đã nhanh chóng tuyên bố rằng bà ủng hộ công dân Anh muốn đến Ukraine chiến đấu cho dân chủ. Ukraine chiến đấu cho tự do, không phải chỉ cho Ukraine mà cho cả Âu châu.

Đáp lời kêu gọi của Ukraine, một toán cựu quân nhân thuộc những lực lượng đặc biệt gồm sáu công dân Hoa Kỳ, ba công dân Anh, và một công dân Đức đã đến Poland và chuẩn bị vào Ukraine. Họ là những người đã được NATO huấn luyện và có kinh nghiệm về cận chiến và chống khủng bố. Hai cựu sĩ quan bộ binh Hoa Kỳ cũng đang dự trù tới Ukraine để chỉ huy nhóm cựu quân nhân tiên phong này.

THAM KHẢO:

1. Jaroslaw Adamowski, “Poland to send air-defense weapons, ammo, drones to Ukraine,” Defense News, February 2, 2022.

2. Paul Best, “Hacking collective Anonymous appears to declare war on Putin after Russia invade Ukraine,” Fox News, February 25, 2022.

3. Liudas Dapkus, et al, “Ukraine attack leaves Baltics wondering: are we next?” AP, February 24, 2022.

4. Farnaz Fassihi, Nick Cumming-Bruce, “U.N. Security Council to vote on resolution condemning Russia, U.S. official says,” New York Times, February 24, 2022.

5. Krishn Kaushik, “Explained: the military strengths of Russia and Ukraine, compared,” The Indian Express, February 24, 2022.

6. Bethan McKernan, Ukraine appeals for foreign volunteers to join fight against Russia,” The Guardian, February 27, 2022.

7. Rowena Mason, “NATO to deploy extra troops to alliance nations in eastern Europe,” The Guardian, February 25, 2022.

8. NATO, “NATO allies send more ships, jets to enhance deterrence and defence in eastern Europe,” January 24, 2022.

9. Reuters, “How Ukraine’s armed forces shape up against Russia’s,” February 24, 2022.

10. Evan Simko-Bednarski, “Ukraine, Poland and UK sign cooperation agreement as Russian threat looms,” New York Post, February 17, 2022.

11. Sebastian Sprenger, “Ukraine, UK, Poland announce security pact amid heightened tensions,” February 17, 2022.

12. Annabelle Timsit, Paulina Firozi, “More Europen nations ban Russian flights from their airspace – including the entire E.U.,” the Washington Post, February 27, 2022.

Bài Liên Quan

Leave a Comment