Chiến tranh Ukraina làm đảo lộn chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ ?
Đăng ngày: 21/03/2022
Minh Anh
Cuộc chiến Ukraina bước sang ngày thứ 26. Hoa Kỳ không can dự trực tiếp vào cuộc chiến và chỉ hỗ trợ Ukraina từ vũ khí cho đến vấn đề nhân đạo. Nhưng việc Nga tấn công, xâm lược Ukraina buộc Hoa Kỳ phải cân nhắc lại chính sách đối ngoại, nhất là chiến lược chống Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương.
Phải chăng cuộc chiến xâm lăng Ukraina do Nga tiến hành đang gắn kết Mỹ với châu Âu chặt chẽ hơn bao giờ hết ? Liệu cuộc chiến này cũng có thể làm cho mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh châu Á thêm phần sâu sắc ? Nhiều câu hỏi đang được đặt ra, nhưng có một điều chắc chắn, chiến tranh Nga – Ukraina đang buộc Mỹ phải đánh giá lại các mối quan hệ với các đồng minh Á-Âu cũng như là với nhiều đối thủ từ Trung Quốc, Iran cho đến cả Venezuela.
Theo giới chuyên gia và nhiều quan chức phương Tây được tờ New York Times trích dẫn, cuộc chiến này sẽ là chiếc « lăng kính cho thấy tất cả các quyết định về chính sách đối ngoại của Mỹ được đưa ra trong tương lai gần ».
Một mặt, chiến tranh ở Ukraina có thể tạo động lực, tiếp thêm sức cho cuộc chiến vì dân chủ toàn cầu, chống lại các chế độ chuyên quyền. Mặt khác, trái với một số ý kiến cho rằng chiến sự Ukraina sẽ làm chuyển hướng chú ý khỏi châu Á, thì tại Washington, nhiều quan chức khẳng định, Mỹ có thể tận dụng cuộc chiến để thuyết phục một số chính phủ châu Á phải hợp tác chặt chẽ hơn với phương Tây để xây dựng một mặt trận toàn cầu bảo vệ các nền dân chủ.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Martin Quincez, chuyên gia về Quốc phòng và An ninh, phó giám đốc chi nhánh Paris cơ quan tư vấn German Marshall Fund, trên đài France Culture cho rằng tác động của cuộc chiến buộc Hoa Kỳ phải cân nhắc lại ít nhất hai điểm trong chiến lược bảo vệ tự do toàn cầu mà Joe Biden xem như là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Thứ nhất, đó là chính sách cân bằng giữa một bên là tham vọng chuyển trục sang châu Á để thật sự tập trung vào cuộc đọ sức với Trung Quốc – một kế hoạch mà Joe Biden thường xuyên nhắc lại, nhưng đã có từ thời Donald Trump và Barack Obama cách nay hơn 10 năm. Và bên kia là mong muốn biến châu Âu thành một châu lục « không còn vấn đề » về an ninh.
Nhưng chiến sự bùng nổ đã làm cho chính sách này của Mỹ thêm phần phức tạp. Ông nói : « Người ta thấy rõ Hoa Kỳ liên tục đưa ra các bảo đảm khác nhau với các đồng minh châu Âu như tăng thêm viện binh, cân nhắc lại việc có thể triển khai lính Mỹ thường trực ở phía đông châu Âu… Rõ ràng là cuộc chiến tại Ukraina đã gây khó khăn cho việc chuyển trục sang châu Á. Và thế cân bằng này giữa hai ưu tiên sẽ phải được xem xét lại ».
Thách thức thứ hai trong các cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại của Mỹ chính là những lập luận về đối đầu giữa dân chủ và chuyên chế. Đây cũng chính là một phần các đề nghị khi ông Biden tranh cử tổng thống và điều này đã được thể hiện rõ ngay trong năm đầu nhiệm kỳ với cuộc họp thượng đỉnh vì dân chủ.
Điều trớ trêu là chiến sự bùng nổ, ba quốc gia thành viên của khối NATO, ngày càng có xu hướng độc tài – Ba Lan, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cũng không được mời dự thượng đỉnh – lại đóng một vai trò quan trọng trong liên minh hỗ trợ Ukraina. Đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia gởi nhiều drone cho Ukraina để kháng cự quân Nga, nhưng lại có nhiều khả năng tiềm tàng giữ vai trò trung gian hòa giải.
Vẫn theo nhà nghiên cứu thuộc German Marshall Fund, Hoa Kỳ từ ba tuần nay còn quay sang một số nước sản xuất dầu khí « thù nghịch » bất kể là ở Trung Đông hay là Venezuela… nhằm tìm kiếm những giải pháp cho cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu do chiến tranh gây ra.
Do vậy, theo ông Martin Quencez, trong bối cảnh này, liên minh vì dân chủ nhằm đối đầu với các chế độ chuyên chế không cho phép đáp trả cuộc khủng hoảng hiện nay và như vậy, cũng sẽ không cho phép đối phó được với cuộc khủng hoảng tương lai với Trung Quốc.
Cuối cùng, nhà nghiên cứu này lưu ý thêm một điểm, tại Mỹ, theo nhiều nhà quan sát, Hoa Kỳ đã không mấy cứng rắn với Trung Quốc và với những gì đang diễn ra ở Ukraina, châu Âu vẫn chưa phải là những thách thức lớn cho đối ngoại của Mỹ trong thế kỷ XXI như vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và cuộc đối đầu Mỹ – Trung.