Căng thẳng Nga- phương Tây : Hệ thống cáp internet ngầm dưới biển bị đe dọa

\"\"

Đăng ngày: 23/03/2022

Anh Vũ

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng Nga đã nghĩ tới việc tiến hành tấn công vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Một trong những kịch bạn được gợi đến từ đầu cuộc chiến tranh Ukraina là Matxcơva nhắm tới các cáp ngầm dưới biển để cắt internet của thế giới. Một kịch bản tai họa không hẳn dễ thực hiện.

Hôm 21/3, ông Joe Biden lại thổi luồng gió lo ngại vào không gian mạng toàn cầu với khẳng định mà theo ông là dựa trên những biến động tin tức tình báo, rằng «  Nhà nước Nga đang dự kiến nhiều hướng có thể cho các cuộc tấn công trên mạng ».

Đây không phải lần đầu tiên kể từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina do Nga phát động chính quyền Mỹ cảnh báo về đe dọa tấn công tin tặc điều khiển theo mệnh lệnh của Nga. Ngay ngày hôm sau khi cuộc chiến tranh Ukraina nổ ra, Washington thậm chí tỏ cho biết sẵn sàng ngăn chặn một cuộc tấn công mạng của Nga.

Hơn 43 tuyến cáp ngầm biển bị đe dọa

Lần này, ông Joe Biden đã yêu cầu các công ty Mỹ « đóng cánh cửa mảng kỹ thuật số » nhanh nhất để tự bảo vệ mình. Tổng thống Mỹ giải thích rằng các đòn trừng phạt nặng nề chưa từng có của cộng đồng quốc tế có thể sẽ khiến Matxcơva trả thù phương Tây trên không gian mạng. Nói một cách khác, tổng thống Nga Vladimir Putin bị các trừng phạt dồn ép có thể sẵn sàng leo thang chiến tranh bằng cách tấn công trực tiếp vào phương Tây bằng vũ khí tin học.

Matxcơva đã bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc như vậy. Phát ngôn viên của Kremlin, Dmitri Peskov khẳng định : «  Liên Bang Nga, khác hẳn với nhiều nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ, không chú tâm vào các kiểu hành động lưu manh tin học cấp Nhà nước ».

Nhưng những cảnh báo của ông Joe Biden đã ít nhiều khơi dậy  trong truyền thông bóng ma tai họa, theo đó Nga có thể cắt internet của toàn thế giới bằng cách tấn công vào các cáp truyền dẫn tín hiệu ngầm dưới biển. Giả thuyết này đã nhiều lần được nêu ra ở các cấp cao quân sự  từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraina.

Tháng Giêng 2022, đô đốc Tony Radakin, chỉ huy các lực lượng Anh đã tuyên bố Matxcơva có thể « gây nguy hiểm hệ thống truyền dẫn thông tin, hiện phụ thuộc vào rất nhiều cáp ngầm dưới biển », nhật báo Anh The Guardian nhắc lại. Giả thuyết này đã được cơ quan tư vấn có tiếng của Mỹ Atlantic Council chia sẻ. Chính cơ quan này hồi đầu năm nay đã công bố một ghi chép tổng hợp về nguy cơ trên.

Cần phải nói rằng hơn 430 tuyến cáp internet ngầm dưới biển là những mục tiêu đáng chú ý cho những ai có ý đồ làm rối loạn các kết nối của thế giới. Hệ thống cáp ngầm vẫn thường được coi là một trong những điểm yếu của mạng toàn cầu, các đường cáp « giống như những ống nước tưới vườn nằm dưới đáy biển », như mô tả của Tobias Liebetrau, chuyên gia về quan hệ quốc tế và các vấn để an ninh tin học thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch. 

Các cuộc tấn công dễ che giấu

Đáng lưu ý là hệ thống cáp ngầm đó không được bảo vệ đặc biệt. Các « nạn nhân » không phòng vệ là những người dễ bị tấn công. « Về mặt lý thuyết, rất dễ dàng che giấu hành động phá hoại cáp ngầm dưới biển », chuyên gia về các vấn đề an ninh hàng hải thuộc đại học Conpenhaguen, Christian Bueger nhận định.

Chỉ cần một con tàu hàng hay tàu cá đến phía trên đường cáp gần bờ biển, thả neo xuống là có thể làm hỏng đường cáp. Các thợ lặn hay tàu ngầm cũng có thể đặt thuốc nổ trên đường cáp rồi sau cho phát nổ từ xa.

Các thao tác có vẻ dễ dàng như vậy nhưng thiệt hại tiềm ẩn rất lớn cho các nền kinh tế phương Tây. Nếu như giả thuyết Nga tấn công vào các cơ sở hạ tầng đó gây nhiều lo ngại là một phần « bởi vì đã có những hoạt động trên biển đáng ngờ của Nga ở gần những điểm có các tuyến cáp ngầm », chuyên gia Christian Bueger lưu ý.

Các tàu chiến Nga đã thực hiện diễn tập không xa vùng biển giữa Ailen và Đan Mạch, là nơi có nhiều tuyến cáp biển nối châu Âu với Hoa Kỳ. Năm 2014, các tàu nghiên cứu của Nga cũng đã được thấy ở ngoài khơi Bồ Đào Nha, đó cũng là vùng biển có hàng chục tuyến cáp ngầm. Từ nhiều năm nay, vẫn tồn tại nghi ngờ cho rằng « Nga đang chuẩn bị cái gì đó », ông Christian Bueger nhận định.

…nhưng khó thực hiện

Theo các chuyên gia, thường người ta có cảm giác là trong mỗi cuộc xung đột, các phương tiện truyền tin vẫn luôn nằm trong số các mục tiêu ưu tiên. Trong Thế chiến thứ 2, đó là điện tín và giờ đây là các đường cáp ngầm dưới biển. Chỉ có điều cắt thế giới khỏi internet không dễ dàng như là vô hiệu hóa các phương tiện truyền tin bằng cách cắt dây điện như trên mặt trận của năm 1939. 

Các chuyên gia dùng hình ảnh, tấn công vào đường cáp cũng giống như người ta phá hủy chỉ một làn đường trên xa lộ 10 làn đường. Các nước hiện nay kết nối với internet rất chặt, đại đa số những quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ hay các quốc gia châu Á, đều có nhiều đường cáp ngầm dưới biển để nối với thế giới. Đơn giản vì những hạ tầng cơ sở đó đều rất mong manh nên phải dự trù trước.

« Ngoại trừ một vài hòn đảo xa xôi, hiếm có nước nào bị cắt internet chỉ vì 2 hay 3 đường cáp ngầm bị hỏng », theo chuyên gia Tobias Liebetrau. « Nga sẽ phải triển khai một chiến dịch quân sự quy mô lớn thực sự để phá hoại đường truyền internet của Hoa Kỳ hay châu Âu, chuyên gia Tobias Liebetrau  nhận định. Trước hết phải tiến hành các chiến dịch do thám để biết đích xác vị trí từng đường cáp », bởi dù bản đồ đường cáp có nhưng không rõ chi tiết.

Sau đó Nga sẽ phải huy động một số lượng lớn tàu chiến và tàu ngầm để đồng thời tấn công vào tất cả các đường cáp được nhắm tới. « Hiệu quả nhất có thể là tấn công vào hệ thống trong kênh Suez, nơi chuyển tải một số lượng lớn dữ liệu giữa châu Âu và châu Á », chuyên gia Christian Bueger nhận định.

Ngoài ra, hành động kiểu như vậy chủ yếu  gây thiệt hại cho dân sự, sử dụng hàng ngày internet cho các dịch vụ giải trí, hay một số tiện ích khác, còn một số hoạt động truyền thông quân sự hay giữa các chính phủ, đều có thể được truyền qua hệ thống vệ tinh.

Chính vì thế, ngay cả trên lý thuyết các cáp ngầm đưới biển là mục tiêu lựa chọn hàng đầu, thì cũng có ít khả năng đó là giải pháp của Matxcơva, chuyên gia Tobias Liebetrau nhấn mạnh. Hình thức tấn công này chắc chắn có thể bị phương Tây coi như là  hành động chiến tranh. Như đô đốc Anh Tony Radakin đã từng tuyên bố. Matxcơva có thể không sẵn sàng leo thang một chiến dịch đòi hỏi nhiều nguồn lực mà lại không có tác động gì nhiều đến khả năng quân sự của NATO.  

Trái lại, người Nga có thể nhằm vào một hay hai tuyến cáp để tung ra cảnh cáo tượng trưng, theo ông Christian Bueger. Đó cũng chỉ là để chứng tỏ là họ biết làm cho đối phương đau ở đâu mà thôi.

(Theo france24.com)

Bài Liên Quan

Leave a Comment